Jim Ratcliffe và tập đoàn INEOS: Người sẽ thay đổi vận mệnh của MU trong tương lai?

Tác giả Đức Thịnh - Chủ Nhật 19/11/2023 13:39(GMT+7)

Thay vì chờ người khác tặng quà cho bạn trong dịp sinh nhật, việc bước xuống phố và tự tìm kiếm cho riêng mình một món quà phù hợp là một ý tưởng tuyệt vời. Hơn ai hết, bạn là người biết mình muốn gì nhất. Vậy vì sao phải chờ đợi vào điều bất ngờ mà người khác tạo ra? 

 

Đó là một suy nghĩ rất tư bản. Ở đây chúng ta không đề cập đến vấn đề tình cảm, thay vào đó hãy nói về mong muốn và cách để hiện thực hóa mong muốn đó. Đó là suy nghĩ của những tỉ phú. Và tất nhiên, tỉ phú thì cũng có ngày sinh nhật. Nhưng thay vì chờ đợi người khác tặng quà, họ thường tự tặng quà cho chính bản thân họ.

Cách đây 3 tuần, Sir Jim Ratcliffe chào đón sinh nhật lần thứ 71 của ông. Chắc chắn ở cương vị của mình, vị tỉ phú người Anh này đã nhận được rất nhiều món quà có ý nghĩa. Vậy theo bạn, người ta đã tặng cho ông món quà gì?

Một chiếc xe đạp? Không! Vì Ratcliffe sở hữu một trong những đội đua xe đạp giỏi nhất thế giới. Món quà đó sẽ chẳng khiến ông bất ngờ đâu!

Một chiếc xe hơi? Cũng không! Ông ấy có một công ty chuyên sản xuất ô tô, đồng thời sở hữu 1/3 đội đua Mercedes F1. Trong Gara của mình tại nhà riêng, ông có chiếc xe Ferrari đầu tiên của tay đua huyền thoại Michael Schumacher, như một món đồ kỷ niệm. Liệu bạn có chắc mình sẽ kiếm được một chiếc xe khác làm quà lưu niệm có giá trị tương đương như vậy?

Một chiếc du thuyền? Đó là một món quà đắt đỏ nhưng rất tiếc vì ông ấy đã có một chiếc rồi. Nó có giá 150 triệu USD (tương đương 123 triệu bảng). 

Chiếm quyền quản lý đội bóng giàu truyền thống nhất nước Anh là Manchester United thì sao nhỉ? Đó chắc chắn là một món quà tuyệt vời, đúng với bản lĩnh và tham vọng của một ông chủ lớn.

Được rồi, nói như vậy chắc các bạn đã hiểu Ratcliffe – người sáng lập ra INEOS, công ty đã đứng ra gửi đề nghị mua lại 25% cổ phần của Manchester United với giá 1,6 tỷ USD (1,3 tỷ bảng) là người giàu có như thế nào rồi chứ. Nhưng Ratcliffe giàu đến mức nào? INEOS có bao nhiêu tiền? Và quan trọng hơn cả, những thay đổi ở giới thượng tầng có thể mang lại điều gì cho Man Utd, một đội bóng đạt doanh thu kỷ lục nhưng vẫn thua lỗ trong mùa giải 2022/2023.

Jim Ratcliffe mua lại một phần Man Utd làm quà sinh nhật cho chính bản thân ông.

Khối tài sản của Jim Ratcliffe

Trong vòng 35 năm trở lại đây, tờ báo Sunday Times của Anh đã cố gắng đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên bằng cách đưa ra các con số thống kê về bản danh sách những người giàu nhất nước Anh. Và vào tháng 5/2023, tờ báo này đã đưa ra thống kê về tài sản của Ratcliffe đang ở chạm ngưỡng gần 30 tỷ bảng Anh (36,4 tỷ USD). Con số này đưa Ratcliffe ngồi chễm trệ ở vị trí thứ 2 trên BXH. Đó được xem là một bước tăng trưởng đáng ngưỡng mộ của Ratcliffe – người từng xếp thứ nhất trên BXH vào năm 2018 với khối tài sản ước tính 21 tỷ bảng – nhưng sau đó tụt dốc liên tiếp trong 4 năm tiếp theo. Cụ thể, trong bản danh sách người giàu nhất nước Anh năm 2022, tài sản của Ratcliffe chỉ còn lại 6 tỷ bảng Anh, khiến ông tụt xuống vị trí thứ 27. 

Có nhiều lý do để giải thích cho sự tụt dốc này, tuy nhiên tựu chung lại nguyên nhân chính vẫn là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng kinh tế từ cuộc xung đột chiến tranh giữa Nga – Ukraine. Nên nhớ rằng, lĩnh vực kinh doanh chính của INEOS đến từ hóa chất và khí đốt. Chiến sự cùng các biện pháp trừng phạt của phương Tây và sự trả đũa của Nga đã dẫn đến sự đổ vỡ trong các mối quan hệ cung cấp dầu khí đã tồn tại trong nhiều thập niên, tạo áp lực đè nặng với nguồn cung dầu khí toàn cầu.

Việc định giá khối tài sản của các tỉ phú chưa bao giờ là điều dễ dàng, bởi họ sở hữu khối tài sản khổng lồ, có vô số các công ty con từ tập đoàn mẹ, đồng thời mô hình kinh doanh liên kết cũng rất rộng. Vậy vì sao Sunday Times ước tính được con số cụ thể? 

Tờ báo giải thích: “Chúng tôi định giá các công ty tư nhân dựa trên bội số lợi nhuận của họ, tùy thuộc vào lĩnh vực, hồ sơ theo dõi và sức mạnh của bảng báo cáo tài chính của họ. Điểm khởi đầu là việc lấy mẫu trung bình kết quả kinh doanh của 10-12 năm gần nhất. Nhưng chúng tôi cũng tính đến việc đầu tư và các khoản nợ của họ”. INEOS cũng không phải ngoại lệ.

Ratcliffe là nhà sáng lập ra INEOS – tập đoàn hàng đầu thế giới về hóa chất và khí đốt.

INEOS là một thương hiệu lớn toàn cầu với 36 doanh nghiệp riêng biệt, được đặt ở 194 địa điểm tại 29 quốc gia khác nhau. Vì mục đích kế toán, báo cáo tài chính của 36 công ty này được hợp nhất lại thành 3 tập đoàn chính, phân chia theo từng nhóm kinh doanh khác nhau. Hầu hết các công ty trong số này phải công bố báo cáo tài chính thường niên trên sàn thương mại điện tử, như một hình thức bắt buộc. Và đó là cách người ta ước tính khối tài sản của Ratcliffe và INEOS.

Tại sao nhà Glazers bán MU cho Ratcliffe?

Đầu tiên, trong làm ăn kinh tế, lợi ích cao hơn chắc chắn là thứ được ưu tiên hàng đầu. Lời đề nghị hỏi mua 25% cổ phần Man Utd với khoản tiền 1,3 tỷ bảng của Ratcliffe được xem là giá trị hơn những gì mà Sheikh Jassim sẵn sàng đặt lên bàn đàm phán. Cụ thể, lời đề nghị cao nhất tỉ phú người Qatar gửi đến nhà Glazers để tiếp quản toàn bộ 100% Man Utd chỉ là 5 tỷ bảng. 

Thứ hai, việc bán toàn bộ Man Utd không hề dễ dàng. Khác với Chelsea, đội bóng chỉ thuộc quyền sở hữu của một mình Roman Abramovich trước khi đổi chủ, cơ cấu chủ sở hữu Man Utd hết sức phức tạp. Trước khi Ratcliffe mua lại, Man Utd thuộc quyền sở hữu của 6 người con của ông chủ quá cố Malcolm Glazer, bao gồm: Avram, Joel, Kevin, Bryan, Darcie và Edward. Trong số 6 người này, không phải ai cũng tán đồng việc bán toàn bộ đội bóng. Vì vậy ngoài việc đáp ứng vấn đề về tiền bạc, chủ mới phải thuyết phục được tất cả bọn họ đồng ý. Điều này rõ ràng phức tạp hơn những gì chúng ta tưởng tượng.

Với đầu óc tư bản, nhà Glazers không dễ gì buông tha Man Utd.

Thứ ba, bán 25% cổ phần đồng nghĩa nhà Glazers vẫn là cổ đông chính, vẫn giữ được quyền lực cao nhất trong việc kiểm soát về mặt tài chính. Ngoài ra quyết định về mảng bóng đá – phần công việc nhà Glazers bị người hâm mộ Quỷ đỏ chửi rủa nhiều nhất trong suốt nhiều năm qua – được đẩy sang cho Ratcliffe. Nói một cách khác, nhà Glazers vẫn được hưởng nhiều tiền nhất trong trường hợp Man Utd ăn nên làm ra, đồng thời cũng bị chửi ít đi vì giờ đây họ đâu có phải người trực tiếp “đứng mũi chịu sào” khi đội bóng thi đấu tệ hại. Và trong tương lai gần, khi nền bóng đá Châu Âu hồi phục hoàn toàn sau đại dịch Covid-19, họ vẫn có cơ hội lớn để bán Man Utd với một mức giá cao hơn.

Bước đi tiếp theo của Ratcliffe

Trước khi sở hữu một phần Man Utd, Ratcliffe đã từng đứng sau quản lý rất nhiều thương hiệu thể thao lớn trên thế giới, bao gồm đội đua xe Mercedes F1, đua xe đạp Ineos Grenadiers, CLB bóng đá FC Lausanne-Sport (Thụy Sĩ) và đáng chú ý hơn cả là CLB bóng đá Nice (Pháp). Vậy nên, Ratcliffe có thừa kinh nghiệm để quản lý mảng bóng đá của Man Utd, bất chấp đội chủ sân Old Trafford đang tồn tại vô vàn vấn đề khó khăn cần giải quyết.

Bước đi đầu tiên chính là cải tổ bộ máy thượng tầng. Mới đây, CEO Richard Arnold đã chính thức rời khỏi Man Utd sau 16 năm làm việc. Và người đứng sau quyết định này không ai khác ngoài Ratcliffe. Gần 2 năm giữ cương vị quản lý, người đàn ông 52 tuổi người Anh đã không cải thiện được tình hình tại Man Utd, thậm chí ngày càng xuất hiện nhiều hơn những vấn đề tiêu cực cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Từ vụ lùm xùm của Mason Greenwood, cho đến sự suy giảm của những bản hợp đồng tài trợ. Sau Arnold, giám đốc thể thao John Murtough nhiều khả năng là cái tên bị “trảm” tiếp theo.

Sa thải Richard Arnold là bước đi đầu tiên của Ratcliffe khi tiếp quản Man Utd

Rất bất ngờ khi truyền thông Anh đồng loạt cho rằng chủ sở hữu mới của họ có nhiều thiện cảm với HLV Erik ten Hag. Điều này đồng nghĩa với việc trong tương lai gần, chiếc ghế nóng của thuyền trưởng người Hà Lan sẽ được đảm bảo. Thậm chí, nếu việc tiếp quản diễn ra thuận lợi, Ratcliffe có thể “bơm tiền” để Erik ten Hag tham gia phiên chợ đông với mục tiêu mang về một vài ngôi sao chất lượng.

Tuy vậy, ở chiều ngược lại, rất nhiều cầu thủ Man Utd hiện tại sẽ phải khăn gói ra đi. Trong quá khứ, khi tham gia đàm phán với BLĐ đội bóng, Ratcliffe thẳng thừng chỉ ra những sai lầm trên thị trường chuyển nhượng của Quỷ đỏ, bao gồm thương vụ chiêu mộ Casemiro từ Real Madrid. Một khi Ratcliffe tiếp quản, những cầu thủ như Casemiro, Raphael Varane, Jadon Sancho và Anthony Martial đều phải đối mặt với tương lai u ám tại Old Trafford. Họ đều là những cầu thủ hưởng lương cao bậc nhất CLB nhưng đóng góp vào thành tích trên sân cỏ lại hết sức hạn chế. Nếu Ratcliffe loại bỏ được nhóm tàn dư này, chắc chắc người hâm mộ đội bóng sẽ nhìn ông bằng một con mắt khác.

Hãy cùng chờ xem vị tỉ phú người Anh sẽ thay đổi Man Utd như thế nào trong tương lai gần!

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Marc Cucurella - Hậu vệ cánh ảo: Bước ngoặt cho mùa giải của Chelsea-Pochettino

Kể từ hiệp 2 trận đấu trên sân Aston Villa hôm 28/4, Chelsea làm một đội bóng hoàn toàn khác. Đoàn quân của Mauricio Pochettino ghi 2 bàn trong 45 phút sau tại Villa Park để kết thúc trận đấu với tỉ số hòa 2-2. Và sau đó là 4 chiến thắng liên tiếp: 2-0 Tottenham, 5-0 West Ham, 3-2 Nottingham và mới nhất 2-1 Brighton.

Artem Dovbyk: Từ miền đất dữ tới thiên đường

Một mùa Hè đầy phần khích sẽ chờ đón Artem Dovbyk tại nước Đức trong kỳ EURO 2024 năm nay, bên cạnh danh hiệu Vua phá lưới La Liga (Pichichi) mà chân sút người Ukraine đang có được phần nào lợi thế trước những Bellingham, Lewandowski hay Alexander Sorloth… Quay trở lại quãng thời gian hơn một năm về trước, sẽ chẳng ai tin rằng ngôi sao thuộc biên chế Ukraine có thể vượt qua những hiểm nguy từ khói lửa chiến tranh để tìm tới đỉnh cao như hiện tại.  

Lucas Perez: Người viết truyện cổ tích xứ Galacia

Tự bỏ ra 493.000 euro để phá vỡ hợp đồng với Cadiz, chấp nhận từ bỏ giấc mơ La Liga để quay về chiến đấu cùng đội bóng quê hương Deportivo ở giải hạng ba, tiền đạo người Tây Ban Nha có thể sẽ không bao giờ trở thành một ngôi sao xuất sắc nhất. Nhưng trong những câu chuyện cổ tích của thành phố La Coruna, chắc chắn sẽ luôn tồn tại một cái tên - Lucas Perez.

Declan Rice: Chiến binh, nhạc trưởng & nhà thông thái

Vào một buổi chiều thứ Hai tại sân tập của Arsenal ở London Colney, Declan Rice đang xem qua những đoạn clip do The Athletic tổng hợp và suy ngẫm về quá trình phát triển của mình kể từ khi chia tay West Ham để gia nhập The Gunners với mức phí chuyển nhượng 105 triệu bảng Anh – con số cao kỷ lục trong lịch sử CLB – vào mùa hè năm ngoái.