Jean-Marc Bosman: Cuộc đời bi kịch của người hùng đã thay đổi thế giới bóng đá

Tác giả Nam Khánh - Thứ Ba 22/12/2020 10:00(GMT+7)

Những chia sẻ của cựu cầu thủ Spurs về người đàn ông đã thay đổi thế giới bóng đá vào 25 năm trước, trước khi bộ phim tài liệu của ông về chủ đề này được phát hành.

David Ginola đã hình dung ra trước trong đầu hình ảnh của những gì sẽ diễn ra khi ông gặp Jean-Marc Bosman lần đầu tiên, nhưng hiện thực mà cựu ngôi sao bóng đá người Pháp chứng kiến vẫn khiến ông bị shock nặng. “Đáng lẽ ra tôi phải gặp một người đàn ông vô cùng giàu có,” Ông kể lại. “Nhưng trên thực tế, ông ấy chẳng có gì trong tay cả.”  
Thế giới bóng đá đã hoàn toàn thay đổi kể từ sau phán quyết Bosman, vào 25 năm trước, cho phép các cầu thủ tự do di chuyển đến bất kỳ câu lạc bộ nào khác trong Liên Minh Châu Âu khi hợp đồng của họ kết thúc. Nhưng, trong khi các cầu thủ và những người đại diện của họ nắm được quyền lực và sự giàu sang lớn chưa từng có, thì người đàn ông khởi xướng nên vụ kiện đã dẫn đến sự thay đổi mang tính lịch sử đó lại đang sống trong tình cảnh chẳng còn gì trong tay cả. “Mọi người từng kể với tôi rằng ông ấy đã bị hủy hoại và đang phải sống trong một tình cảnh hết sức tồi tệ,” Ginola chia sẻ. “Khi tôi đến Bỉ và tự mình chứng kiến mọi thứ, cảm xúc chiếm trọn tâm trí tôi chính là nỗi buồn.”
Họ đã hợp tác với nhau để sản xuất một bộ phim tài liệu, sẽ được công chiếu trong tháng này, về tác động của chiến thắng mà Bosman giành được trước tòa án đối với cuộc đời của chính ông. Đó không phải là một cuộc hồi tưởng dễ dàng: Khi cố gắng “giải thoát” bản thân khỏi RFC Liège vào năm 1990 và chuyển đến Dunkerque, Bosman chắc chắn không hề nghĩ đến chuyện đây là một vụ việc sẽ đưa ông ra Tòa Án Công Lý Châu Âu và mất hầu hết mọi thứ trong quá trình này. Sự nghiệp của ông lụi tàn; cuộc hôn nhân của ông tan vỡ; những người bạn đồng nghiệp cắt đứt quan hệ với ông; trong một thời gian, ông đã chìm đắm vào bia rượu; ông bị kết tội hành hung một người bạn gái và cô con gái tuổi teen của cô ta. Giờ đây, ở tuổi 56, Bosman là một người đàn ông đã mất hết tất cả đang cố gắng vực dậy cuộc đời mình, từng bước một. Ginola tin rằng thế giới bóng đá nên giúp ích cho quá trình đó nhiều hơn nữa. 

“Từ năm này sang năm khác, bóng đá đang càng lúc càng giàu có hơn, nhưng người đàn ông đã mang đến một sự thay đổi mang tính lịch sử cho nó thì lại chẳng nhận được gì cả,” Ginola nói. “Bản thân thế giới bóng đá thật đáng xấu hổ khi không thể tự nhận thức rằng, khi một cầu thủ có thể thi đấu cùng những cầu thủ giỏi nhất xung quanh và khi một câu lạc bộ ký kết thành công bản hợp đồng mà họ mong muốn nhờ vào việc nắm bắt được tất cả những cơ hội đang hiện hữu trong thời đại này, thì đó là nhờ phán quyết Bosman.”
Chỉ có một số ít cầu thủ đã tình nguyện ủng hộ để giúp đỡ Bosman. Adrien Rabiot là một trong số đó, gia đình ngôi sao người Pháp đã quyên góp 12.000 Euro vào năm ngoái khi anh tận dụng việc bản hợp đồng của mình với Paris Saint-Germain hết hạn để gia nhập Juventus. Bosman cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ Fifpro, hiệp hội cầu thủ toàn cầu, nhưng dù cho đó là những động thái rất đáng tán dương, nhưng chúng hầu như chẳng thấm tháp gì trong việc bù đắp cho những hy sinh mà ông đã phải gánh chịu.
“Không bao giờ là quá muộn khi đưa tay ra giúp đỡ một ai đó,” Ginola nói. “Không bao giờ là quá muộn để các câu lạc bộ và các cầu thủ nhận ra rằng, nếu họ giành được các chức vô địch hoặc những thứ tương tự, họ sẽ chẳng thể đạt được những thành tựu đó nếu không có phán quyết Bosman. Bạn có thể nhìn về quá khứ và suy ngẫm rằng: ‘Mình kiếm được 1 triệu Euro một tháng và người đàn ông này đã thay đổi cuộc đời mình, nhiệm vụ của mình là giúp đỡ người đã giúp mình giàu có hơn.’ Đó là một cảm nhận hiển nhiên phải có, nhưng bạn cần phải thực sự hành động nữa.”
“Tôi nghĩ rằng những người đại diện nên giải thích cho các cầu thủ của họ một cách chính xác phán quyết Bosman là gì, Jean-Marc Bosman là ai và những điều mà ông ấy đã thay đổi, để họ hiểu được tại sao mình lại có cơ hội chuyển từ câu lạc bộ này sang câu lạc bộ khác một cách dễ dàng như họ đã trải qua. Các cầu thủ đang được bảo vệ cẩn thận đến mức chúng ta không cho họ thấy chính  xác những gì diễn ra phía sau tất cả những chuyện như thế này.” 

Rất nhiều người cùng thời với Bosman đã bỏ rơi ông. Trong bộ phim tài liệu, Bosman đã trò chuyện với một đồng đội tại Standard Liège, Benoît Thans, người đã nói rằng ông “khiến mọi người sợ hãi … các cầu thủ rất sợ việc có dính líu đến ông ấy.” Than thừa nhận rằng mình cảm thấy tội lỗi, vì đã không đến thăm Bosman kể từ khi vụ kiện diễn ra, dù cho đã nhận được những cuộc điện thoại của người đồng đội cũ.

Ông bày tỏ sự thương tiếc, thay vì bất ngờ, khi thế giới bóng đá bỏ rơi một “kẻ phản bội” và cho rằng những người thân quen với Bosman không giúp đỡ được gì cho ông bởi vì lo ngại cho lợi ích riêng của họ. Ginola đã mời hai người họ đi uống cà phê, mặc dù bộ phim không cho chúng ta thấy được chính xác khoảnh khắc tái ngộ của họ, và nó làm tăng thêm cảm giác bực tức rằng sự đối xử mà Bosman phải nhận trong một phần tư thế kỷ qua là rất không cần thiết và không công bằng.
“Ông ấy đã trở thành một người cùng khổ,” Ginola chia sẻ. “Thế giới bóng đá rất kỳ lạ. Nếu bạn đi trên con đường được vạch ra sẵn, giữ thái độ ôn hòa, đó là chuyện tốt. Nếu bạn không tạo ra gió to sóng lớn, đó là chuyện tốt. Nhưng nếu bạn quyết định bước sang trái hoặc sang phải, hoặc nhấn mạnh vào một vấn đề cụ thể, bóng đá sẽ thốt lên: ‘Whoa, đúng là cậu có một đôi chân tuyệt vời đấy, nhưng đừng thay đổi bất cứ điều gì mà chúng tôi – những người ra quyết định – làm. Tập trung chơi bóng, câm mồm lại và làm những gì mà chúng tôi nghĩ là tốt cho cậu.’”

Ginola ở PSG
Ginola cho rằng, vào thời điểm đó, Bosman không hề biết rằng hành động của ông sẽ gây nên một cơn địa chấn lớn đến vậy. Bosman chỉ đơn thuần muốn giải quyết một vụ tranh chấp cục bộ với RFC, nhưng cuối cùng lại phải đối đầu với các thể chế của châu Âu trong một cuộc chiến kéo dài 5 năm. Trong bộ phim, Ginola đã trò chuyện với một trong những luật sư có liên quan, người này thừa nhận rằng “Không phải Bosman có ý định cách mạng hóa hoàn toàn thế giới bóng đá” và, trong một cuộc trao đổi đầy khó xử, đã phủ nhận quan điểm của Ginola về việc Bosman chỉ là một con tốt cho những người đại diện đầy tham vọng. Đến hiện tại, Ginola khẳng định ông vẫn tin rằng “người đàn ông đó đã bị lợi dụng” bởi những kẻ kiên quyết muốn xem thử vụ việc này có thể đi được bao xa. 
Mặc dù Ginola không nhận thức được điều này vào thời điểm đó, nhưng ông đã bỏ lỡ trong gang tấc việc trở thành một trong những người đầu tiên được hưởng lợi lớn nhờ phán quyết Bosman. Ông đã không thể gia nhập Barcelona từ Paris Saint-Germain vào mùa hè năm 1995 vì câu lạc bộ La Liga này đã không còn suất cho một cầu thủ nước ngoài khác theo giới hạn của quy định được đặt ra, một rào cản đã trở nên lỗi thời vào thời kỳ hậu Bosman. Vào năm 2000, ông từng chia sẻ với Observer rằng mình đã “lãng phí tài năng của bản thân” ở Premier League với Newcastle và Spurs, nhưng giờ thì ông không còn cảm thấy chút hối tiếc nào nữa. 
“Tôi chỉ nhận ra điều đó khi thảo luận về những cột mốc ngày tháng then chốt của vụ việc trong bộ phim tài liệu,” Ginola chia sẻ. “Chúng tôi đã cùng nhau bật cười và tôi bảo: ‘Tên khốn này, tại sao ông không tiến hành vụ đó sớm hơn chứ?’ Đó chỉ là một câu nói đùa thôi và, dù sao đi nữa, tôi cũng chẳng muốn nhìn lại quá khứ và nghĩ về những chuyện có thể xảy ra.” 

Bosman cũng có cùng suy nghĩ như vậy, vừa đáng ngưỡng mộ và đáng kinh ngạc. Ông không trực tiếp trả lời câu hỏi liệu rằng mình có vẫn tạo nên “cơn địa chấn” đó nếu được quay trở về quá khứ không, mà chỉ nói rằng hồi đó bản thân là một gã “rất cứng đầu”. Sự khiêm tốn của ông khiến cho người nghe phải cảm động và ông không hề tỏ ra căm hận cái thế giới đã bỏ rơi mình, chỉ đơn thuần là đề xuất những điều chỉnh cho cách hoạt động của thế giới bóng đá hiện đại, ví dụ như quỹ lương. Tuy nhiên, Ginola lại chẳng có chút kiêng dè nào. 
“Thế giới bóng đá đã hoàn toàn hủy hoại ông ấy,” Ginola khẳng định. “Tất cả mọi người lẽ ra phải vỗ tay và nói: ‘Cảm ơn ông rất nhiều, ông đã giúp chúng tôi được làm những điều mà chúng tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến.’ Thay vào đó, tất cả những gì họ làm là đổ hết trách nhiệm lên Bosman và bỏ mặc ông ấy.”
Nguồn: Lược dịch từ bài phỏng vấn “David Ginola: 'Jean-Marc Bosman should be wealthy but he has nothing'” được thực hiện bởi ký giả Nick Ames, đăng tải trên The Guardian.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Pep Guardiola gia hạn với Man City: Ai buồn, ai vui?

Lại một lần nữa trong những ngày tháng 11, Pep Guardiola lại quyết định gia hạn hợp đồng với Manchester City sau 2 lần gia hạn trước đó vào năm 2020 và 2022. Bản hợp đồng mới cho phép Pep gắn bó thêm 2 năm với đội chủ sân Etihad và đánh dấu cột mốc tròn 1 thập kỷ chiến lược gia vĩ đại này dẫn dắt nửa xanh thành Manchester.

Rodri: "Có nhiều thứ bạn sẽ không thể học được qua trường lớp mà phải tự chiêm nghiệm theo thời gian"

Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.

Nghịch lý Vinícius Júnior

Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.

Luis Nani: Cuộc đời xoay trong những điệu santo

Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.

Ruben Amorim: "Tôi sẽ làm tất cả để đưa Man Utd trở về vị thế của mình"

Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.

Rodri: “Quả bóng Vàng không làm thay đổi con người tôi”

Gặp chấn thương phải nghỉ thi đấu dài hạn, Rodri, chủ nhân của Quả bóng Vàng 2024, đã mời tạp chí France Football đến nhà riêng ở Madrid để chia sẻ những cảm xúc của anh về buổi lễ trao giải Ballon d’Or, những lời khen mà anh nhận được và về giải thưởng mà một cá nhân chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự hiếm hoi lắm mới nhận được.