Jan Oblak: Chớ đem thành bại luận anh hùng

Tác giả Trên đường Pitch - Thứ Ba 02/07/2024 08:38(GMT+7)

Jan Oblak đã có trận đấu xuất thần, dù vậy anh cũng không thể một tay che cả bầu trời để có thể giúp đội tuyển Slovenia vượt qua đội tuyển Bồ Đào Nha tại vòng 1/8 Euro 2024 sau những loạt đá luân lưu định mệnh.

 

Như 3 trận đấu tại vòng bảng, huấn luyện viên Matjaz Kek vẫn tin dùng sơ đồ 4-4-2, và chỉ thực hiện 1 sự thay đổi trong đội hình xuất phát so với trận đấu gần nhất (gặp đội tuyển Anh tại lượt cuối vòng bảng), đó là việc Jure Balkovec thay thế Erik Janza ở vị trí hậu vệ trái.

Ý thức rõ thế cửa dưới, chẳng có gì ngạc nhiên khi Matjaz Kek chỉ đạo các học trò dồn sức lực và sự tập trung cao độ cho mặt trận phòng ngự. Họ chủ động lùi sâu, giăng mắc một hệ thống phòng thủ nhiều lớp, đeo bám người quyết liệt, và cố gắng chia cắt sợi dây liên lạc giữa siêu sao Cristiano Ronaldo cùng các vệ tinh xung quanh.

Slovenia chơi ẩn nhẫn và tuân thủ nghiêm ngặt kỷ luật đấu pháp, khiến Bồ Đào Nha lâm vào bế tắc trong 2 hiệp chính và 2 hiệp phụ. Hàng phòng ngự dưới sự chỉ huy của thủ thành Jan Oblak đã đứng vững suốt hơn 120 phút thi đấu, thậm chí người gác đền mang băng đội trưởng còn xuất sắc cản phá cú đá penalty của Cristiano Ronaldo ở phút 105. Đến cuối hiệp phụ thứ 2, Slovenia

đáp trả với tình huống thoát xuống đối mặt Diogo Costa của Benjamin Sesko sau khi tận dụng sai lầm từ Pepe. Nhưng rồi, cú dứt điểm của tiền đạo này thiếu độ sắc sảo cần thiết để chuyển hóa thành bàn thắng.

Khi trận đấu buộc phải giải quyết bằng loạt sút luân lưu may rủi, những người Slovenia hiểu rằng cơ hội của họ và đối thủ là bằng nhau. Và họ cũng có niềm tin lớn lao cùng khí thế ngút trời, nhất là sau khi Jan Oblak chiến thắng Cristiano Ronaldo trên chấm penalty trước đó.

 

Song rốt cuộc, những đôi chân của Josip Ilicic, Jure Balkovec và Benjamin Verbic dường như bị cóng cùng biểu hiện tâm lý căng cứng đã khiến họ sút hỏng 3 lượt liên tiếp, trong khi Jan Oblak không tiếp tục mang đến những màn cứu thua ngoạn mục. 0-3 là tỉ số luân lưu, và Slovenia dừng cuộc chơi tại đây.

Dẫu không thể vào vai siêu anh hùng để đưa đội nhà đến chiến thắng chung cuộc, nhưng Jan Oblak cũng đã có một trận đấu ấn tượng. Anh có tới 6 tình huống cứu nguy (5 trong số đó ở bên trong vòng cấm), ngăn cản trung bình 1.44 bàn thua cho Slovenia. Thủ thành này đã thể hiện được những phẩm chất ưu việt của mình, đó là các pha ra vào hợp lý, phán đoán tình huống tốt, phản xạ nhanh nhẹn, và có nhiều đường chuyền dài phát động tấn công hiệu quả.

Ở cấp độ câu lạc bộ, mùa giải vừa qua, dù đội bóng chủ quản Atletico Madrid thể hiện bộ mặt khá thất thường, song người gác đền sinh năm 1993 vẫn duy trì một phong độ ổn định, và chiếm niềm tin tuyệt đối từ huấn luyện viên Diego Simeone.

Dù không phải là tâm điểm của truyền thông và xuất hiện với tần suất ồ ạt trên các mặt báo, nhưng Jan Oblak vẫn biết cách tạo ra những giá trị đặc biệt cho bản thân mình, để tiếp tục khẳng định vị thế của một trong những thủ thành hàng đầu thế giới.

 

Tại Euro lần này, sau 4 trận, Jan Oblak có tất thảy 15 lần cứu nguy (11 trong số đó bên trong vòng cấm), ngăn cản trung bình 3.77 bàn thua cho đội nhà. Thành tích này của Oblak là rất đáng biểu dương, bởi những cầu thủ phòng ngự ngay phía trên, ngoài Jaka Bijol hiện đầu quân cho Udinese, thì các gương mặt còn lại khá vô danh và không nổi trội về chuyên môn.

Mùa hè 2024 trên đất Đức đánh dấu 20 năm Slovenia trở lại sân khấu Euro kể từ khi trở thành một quốc gia độc lập, và càng ý nghĩa hơn khi họ lần đầu tiên vượt qua vòng bảng. Dù phải dừng bước tại vòng 1/8 trước Bồ Đào Nha, song việc mang đến rất nhiều khó khăn và kéo đối thủ vào loạt đấu súng đã là thành công ngoài dự kiến của thầy trò Matjaz Kek.

Đôi khi chiến thắng chưa hẳn đã nói lên chân lý, và thất bại cũng không phải cái cớ để luận anh hùng. Với Jan Oblak, đây thực sự là giải đấu rất đáng nhớ khi anh là một trong những nhân tố nổi bật nhất phía Slovenia. Ở tuổi 31, chưa phải quá già với một người chơi vị trí thủ môn, Oblak hứa hẹn sẽ còn đóng góp nhiều hơn nữa cho đội tuyển quốc gia, mà những dấu ấn đẹp đẽ vừa qua tại Euro 2024 chắc hẳn mang tới nguồn sức mạnh lớn lao về mặt tinh thần.

Ngọc My

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Làm sao để ĐT Anh có được Bukayo Saka phiên bản tốt nhất?

Khi xem Arsenal thi đấu, có một số hành động của đội bóng này đã trở nên rất quen thuộc đối với người hâm mộ. Một là Bukayo Saka di chuyển bó vào trong để nhận một đường chuyền trong khi đang sải bước, lướt lên trên hoặc vào phía trong sân đấu.

Ousmane Dembele: Ánh lửa nhen hy vọng

Dù không ghi bàn, nhưng màn trình diễn tích cực của Ousmane Dembele sau khi vào sân từ ghế dự bị trong trận đấu với Bồ Đào Nha tại vòng tứ kết Euro 2024 là rất đáng ghi nhận. Và dẫu trải qua phong ba thác ghềnh thì anh cùng đội tuyển Pháp vẫn tiến vào vòng bán kết, sau những loạt luân lưu định mệnh.

Dani Olmo: Từ kép phụ hóa thân vào vai chính

Một bàn thắng, một đường kiến tạo, cùng nhiều đóng góp tích cực vào lối chơi chung, Dani Olmo từ kép phụ đã hóa thân vào vai chính, thi đấu rực sáng tại MHP Arena để đưa Tây Ban Nha vào bán kết Euro 2024 sau chiến thắng 2-1 nghẹt thở trước đội chủ nhà Đức.

Pháp vượt qua Bồ Đào Nha trên chấm luân lưu: Hồi kết buồn cho Ronaldo

Pháp đã vào bán kết Euro 2024 sau khi đánh bại Bồ Đào Nha 5-3 ở loạt “đấu súng” luân lưu 11m sau 120 phút kém hấp dẫn tại Hamburg. Les Bleus vẫn tiến bước dù chưa ghi được bàn thắng từ bất kỳ pha phối hợp bóng sống nào tại VCK Hè này. Bóng đá đôi khi “ngang ngược” như vậy đấy!

Kai Havertz: Đến bao giờ thì dư luận mới chịu công nhận anh?

Kai Havertz là một câu đố đầy thú vị trong hình hài một cầu thủ bóng đá. Kể từ khoảnh khắc lần đầu tiên ra sân tại Bundesliga cho Bayer Leverkusen vào năm 2016 với tư cách cầu thủ trẻ nhất lịch sử CLB góp mặt trên sân chơi này, Havertz đã được kỳ vọng sẽ nở rộ thành một ngôi sao lớn.

Ronaldo không thể mãi mãi chống lại thời gian

Những giọt nước mắt bắt đầu tuôn rơi. Trước sân vận động kín chỗ tại Frankfurt và số lượng đông đảo khán giả truyền hình trên toàn cầu, Cristiano Ronaldo, VĐV được cho là nổi tiếng nhất hành tinh đang khóc nức nở.