James Ward-Prowse và những pha đá phạt gợi nhớ David Beckham

Tác giả Nam Khánh - Thứ Sáu 13/11/2020 11:10(GMT+7)

Zalo

Quan sát Ward-Prowse trong mọi giai đoạn khi anh thực hiện một pha đá phạt, bạn sẽ rất dễ dàng nhận thấy những điểm tương đồng với Beckham, và điều đó sẽ không hề gây ngạc nhiên nếu bạn biết về việc anh ngưỡng mộ cựu đội trưởng của đội tuyển Anh đến thế nào.

 Tiền vệ của Southampton và đội tuyển Anh đã đi sâu vào kỹ thuật sút phạt của mình và chia sẻ về sự hồi sinh mà anh đã trải qua dưới thời Ralph Hasenhüttl.
 
James Ward-Prowse và những pha đá phạt gợi nhớ David Beckham hình ảnh
 
James Ward-Prowse biết rằng mình sẽ ghi bàn khi anh thậm chí còn chưa đặt bóng xuống. Đội trưởng của Southampton vốn trước đó đã có một cú sút tìm đến góc cao khung thành với một pha đá phạt trực tiếp và tung ra một đường cong khác từ bên cánh kiến tạo cho người đồng đội Jannik Vestergaard ghi bàn mở tỷ số. Giờ đây, anh đã có một cơ hội ở trung lộ, chỉ cách 1 yard bên ngoài vòng cấm Aston Villa.
 
Phải chăng khoảng cách quá gần này không phải là một điều kiện lý tưởng để kỹ thuật “bay vút lên và lao xuống” thương hiệu của anh có thể tỏa sáng? Vestergaard đã nghĩ vậy. Trung vệ to cao người Đan Mạch đã nói với Ward-Prowse rằng tiền vệ này nên để mình thực hiện nó. Ward-Prowse đã tỏ vẻ hoài nghi.
 
“Tôi quay sang Jannik và định hỏi: ‘Cậu chắc chứ?’, nhưng lại chợt nghĩ: ‘Mà khoan. Đây là sở trường của mình mà,’” Ward-Prowse kể lại. “Tôi đã nhìn vào cách mà bức tường được tổ chức, cách mà thủ môn chuẩn bị và trả lời cậu ấy: ‘Không, cứ để cho tớ.’ Tôi tự tin vào khả năng của mình đến mức đã khẳng định: ‘Tớ sẽ ghi thêm một bàn nữa tại đây.’ Đó là một sự tự tin mạnh mẽ đến mức … khó tin.”
 
Đây là cấp độ cao nhất của niềm tin vào bản thân, là một thứ tâm lý được xây dựng sau những năm tháng khổ luyện trên sân tập, để ý đến từng chi tiết nhỏ nhất. Ward-Prowse đã đưa quả bóng bay vút lên, vượt qua hàng rào đang bật nhảy, cũng như các cầu thủ đối phương đang lui xuống để đề phòng những tình huống nguy hiểm khác, và đi vào góc cao.
 
James Ward-Prowse và những pha đá phạt gợi nhớ David Beckham hình ảnh
 
Southampton đã dẫn trước với tỷ số 3-0 trong hiệp một – họ sẽ giành chiến thắng 4-3 chung cuộc để củng cố vị thế là đội có phong độ cao nhất tại Premier League sau 5 trận đã đấu – và Ward-Prowse đã lập nên một chiến tích mang tính lịch sử. Matt Le Tissier từng giữ kỷ lục là người có số bàn thắng từ các tình huống đá phạt nhiều nhất trong kỷ nguyên Premier League của câu lạc bộ này với con số 7. Giờ đây, thành tích của Ward-Prowse là 8. Chúng được tạo nên sau 64 cú sút phạt, và có tỷ lệ chuyển hóa là 12,5% – con số cao nhất kể từ khi Opta bắt đầu thu thập các số liệu thống kê kể từ mùa giải 2003/04.
 
Nghệ thuật sút phạt từ lâu đã khiến các fan hâm mộ môn thể thao vua trên thế giới nói chung và tại Anh nói riêng mê mẩn, với một trong những kỹ thuật được yêu thích nhất chính là knuckle-ball, gắn liền với các cầu thủ như Cristiano Ronaldo, Gareth Bale, và Marcus Rashford. Họ “tung cước” vào van của quả bóng, làm cho nó lắc lư, “mờ ảo” và chuyển hướng đột ngột trên đường bay. Còn Ward-Prowse thì đi theo trường phái của David Beckham, phong cách của anh chỉ xoay quanh việc đưa bóng bay vút lên cao và lao xuống, tư thế cơ thể khi “tung cước” nghiêng đến mức tưởng chừng anh sẽ ngã nhào xuống.
 
“Tôi đã xem qua một vài bức ảnh về tư thế cơ thể của mình khi sút vào quả bóng và cảm thấy hơi lo ngại một chút,” Ward-Prowse chia sẻ. “Bạn sẽ nghĩ rằng: ‘Mình đang đặt lên cơ thể một áp lực lớn, chắc chắn mình sẽ không thể đi bộ vài ngày nếu thực hiện 10 cú đá phạt như vậy liên tiếp.’ Nhưng tôi cần phải cố gắng giúp cơ thể mình thích nghi với nó. Tôi nhận thấy kỹ thuật này sẽ giúp tôi đưa bóng bay theo quỹ đạo mà mình cần để gây sóng gió cho khung thành đối phương. Có rất nhiều kỹ thuật khác nhau được các cầu thủ sử dụng. Một số người sẽ giữ thẳng cơ thể. Tôi nghĩ rằng trong trường hợp của Rashford, cậu ấy hơi khom người khi tung ra cú sút để có thể đưa quả bóng bay theo quỹ đạo mình muốn.”
 
Quan sát Ward-Prowse trong mọi giai đoạn khi anh thực hiện một pha đá phạt, bạn sẽ rất dễ dàng nhận thấy những điểm tương đồng với Beckham, và điều đó sẽ không hề gây ngạc nhiên nếu bạn biết về việc anh ngưỡng mộ cựu đội trưởng của đội tuyển Anh đến thế nào. Beckham vẫn đang là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng từ các pha đá phạt nhất tại Premier League với 18 bàn; những người đứng sau là Thierry Henry và Gianfranco Zola với con số 12.
 
comment left Beckham là số một đối với tôi,
Ward-Prowse chia sẻ.
comment right

“Không chỉ là những pha đá phạt, mà còn là hình ảnh tổng thể của anh ấy. Tôi đã bắt chước mọi kiểu tóc, tôi đã sử dụng những mẫu giày của anh ấy, và tôi muốn được mang số áo của anh ấy. Anh ấy là người mà tôi luôn nghĩ ‘đỉnh vãi!’ mỗi khi chiêm ngưỡng. Anh ấy đã ảnh hưởng rất lớn đến tôi và truyền cảm hứng cho tôi cố gắng khổ luyện khả năng đá phạt.”
 
“Tôi đã chẳng còn đếm được nổi những người đã đề cập về các điểm tương đồng trong kỹ thuật đá phạt của chúng tôi. Nhưng tôi cũng cảm thấy rằng giữa chúng tôi có những sự khác biệt cụ thể. Tôi biết Beckham luôn vung tay rất rộng và anh ấy hơi ngã người ra sau một chút. Anh ấy không gập người khi tiếp xúc với bóng. Còn khi tôi sút vào quả bóng, tôi thường nhảy lên để có thể làm nó đi theo quỹ đạo mà mình muốn. Trong quá trình cố gắng phát triển kỹ thuật đá phạt tương tự Beckham, tôi đã tìm ra một ‘công thức’ của riêng mình.”
 
James Ward-Prowse và những pha đá phạt gợi nhớ David Beckham hình ảnh
 
Giống như Beckham, Ward-Browse đã bắt đầu cảm thấy những sự kỳ vọng cực kỳ lớn khi anh thực hiện một pha đá phạt, và đó là thứ mà anh đang thực sự tận hưởng, cùng với bầu không khí như thể một nhà hát của các sân vận động vào thời điểm này, một sự tĩnh lặng hoàn hảo. “Trận đấu bị ‘đóng băng’ trong một phút,” Ward-Prowse kể. “Và điều đó còn rõ ràng hơn nữa vào thời điểm vắng bóng các cổ động viên này, bởi vì sự im lặng sẽ thực sự bao phủ hoàn toàn sân vận động. Tiếng còi của trọng tài cất lên và mọi người nín thở chờ đợi.”
 
Ward-Prowse luôn đặt mặt có logo nhà tài trợ của quả bóng hướng lên trên. Đó không phải là một thói quen xuất phát từ sự mê tín, mà đúng hơn là một hành động mang mục đích kích hoạt “trí nhớ cơ bắp” – theo chia sẻ của tiền vệ 26 tuổi. Nó sẽ gửi đến cơ thể anh một lời nhắc nhở rằng: “Đây là một tình huống đá phạt, logo Nike đang quay mặt về hướng này và mình sẽ xuất phát từ kia.”
 
Anh nói thêm: “Tôi nghĩ rằng mình cần một sự bất biến, một thứ gì đó sẽ đưa tôi vào nhịp điệu mà mình cần. Tôi tin vào ‘trí nhớ cơ bắp’ – bạn càng thực hành nhiều một hành động, cơ thể bạn sẽ càng trở nên đồng bộ với nó hơn. Hãy nhìn vào những cú trái tay nổi tiếng của Roger Federer – số lần anh ấy thực hiện cú đánh đó – hoặc Jonny Wilkinson. Tôi đã đọc cuốn sách mà Federer viết về cách tiếp cận của anh ấy trong mọi việc. Nếu bạn tập luyện và thực hành thật nhiều một ‘chiêu thức’, cơ thể của bạn sẽ trở nên ‘đồng bộ hóa’, ghi nhớ các kỹ thuật và càng lúc càng cải thiện chất lượng những cú sút của bạn.”
 
Chính Mauricio Pochettino, trong khoảng thời gian dẫn dắt Southampton, đã giao cho Ward-Prowse nhiệm vụ đảm nhận những tình huống cố định của đội bóng này vào giai đoạn chuẩn bị trước mùa giải hồi năm 2013, và khi ấy, tiền vệ người Anh đã tập luyện, cũng như thực hiện những pha đá phạt với một cường độ nhiều khủng khiếp. Còn vào thời điểm hiện tại, anh đang ưu tiên chất lượng hơn số lượng, chỉ thực hiện “có lẽ khoảng 10-12 pha đá phạt mỗi tuần”. Anh cảm thấy sự thay đổi này sẽ giúp tái tạo tốt hơn áp lực của một tình huống đá phạt vào ngày xuất trận và đồng thời, cũng có lợi cho bản thân về mặt thể chất, bởi vì “nếu tôi lạm dụng kỹ thuật sút phạt sở trường của mình một cách không kiểm soát, điều đó sẽ không tốt cho cơ thể của tôi và khiến nó mất đi sự hiệu quả thường thấy.”
 
Ward-Prowse chia sẻ rằng anh luôn phân tích các thủ môn nhưng, trên thực tế, sự hiệu quả của những pha đá phạt sẽ chủ yếu phụ thuộc vào kỹ thuật, tư thế và tư duy của anh. “Tôi là một người cực kỳ tin tưởng vào kỹ thuật của bản thân và, nếu tôi có thể đưa bóng bay đến nơi mà mình muốn, không một thủ môn nào có thể cản phá được nó,” Anh tự tin khẳng định.
 
Cầu thủ 26 tuổi còn chia sẻ rằng, anh tự tin vào khả năng thành công của mình trong những pha đá phạt hơn cả các tình huống penalty. Ở mùa giải trước Ward-Prowse đã nhường vai trò chân sút penalty chính của đội cho Danny Ings. “Tôi nghĩ mình có nhiều cơ hội ghi bàn khi sút phạt hơn là đá penalty, bởi vì penalty là một tình huống dạng 50-50, nó có thể diễn ra theo hai hướng, trong khi đó, với một tình huống đá phạt, tôi luôn cảm thấy mình có uy thế áp đảo thủ môn.”
 
Tiền vệ 26 tuổi cũng đã hồi tưởng về khoảng thời gian đầy khó khăn vào tháng 12 năm 2018, ngay sau khi Ralph Hasenhüttl tiếp quản chiếc ghế huấn luyện viên trưởng nhưng, như mọi khi, nó đã mang đến một động lực để anh cải thiện bản thân hơn nữa.
 
Ward-Prowse vốn đã thường xuyên không được ra sân trước khi Hasenhüttl đến, nhưng tình hình đã thực sự chạm đáy khi anh tham gia cuộc hành quân của đội đến Huddersfield để chuẩn bị cho một trận đấu Premier League, nhưng cuối cùng lại bị loại khỏi danh sách đội hình 18 người.
 
“Tôi ngồi trên khán đài, với một thanh chocolate và một tách trà để làm vơi đi nỗi buồn, và tôi đã nghĩ: ‘Với lão huấn luyện viên trưởng này, liệu mình có còn chút hy vọng nào tại nơi đây không?’” Ward-Prowse tâm sự. “Khi một vị tân huấn luyện viên trưởng đến, trong bạn sẽ tràn đầy một cảm giác rằng đó có thể sẽ là một sự khởi đầu mới dành cho mình, và với trường hợp của tôi khi ấy, thứ cảm giác này đã tan biến rất mau chóng.”
 
James Ward-Prowse và những pha đá phạt gợi nhớ David Beckham hình ảnh
 
Hasenhüttl đã không hề đề cập một cách chắc chắn với tiền vệ này về những gì mà anh cần làm để có chỗ đứng trong đội bóng của ông – về cơ bản, điều kiện tiên quyết là anh cần phải thi đấu quyết liệt, năng nổ hơn – và Ward-Prowse nhớ rằng mình đã khiến cho người đồng đội Stuart Armstrong gặp chấn thương khi nỗ lực chứng minh khả năng của bản thân. Ward-Prowse đã được trở lại với đội hình xuất trận vào cuối tháng 12 năm 2018 và kể từ đó trở đi, anh chỉ vắng mặt vỏn vẹn 2 trận trên mọi đấu trường. Hasenhüttl, người thường xuyên mô tả ngôi sao 26 tuổi là một cỗ máy, đã trao cho anh chiếc băng đội trưởng vào cuối mùa giải trước.
 
Sau chiến thắng của Southampton trước Newcastle trên sân nhà vào đêm thứ Sáu tuần trước, hiện tại họ chỉ cách ngôi đầu bảng 2 điểm và đáng lẽ ra Ward-Prowse sẽ có được lần thứ ba liên tiếp được góp mặt trong danh sách đội hình Tam Sư của Gareth Southgate ở mùa giải này, nhưng cuối cùng đã bị gạch tên vì một chấn thương xảy đến bất ngờ. Hiện tại, chắc chắn rằng mục tiêu của tiền vệ 26 tuổi ở cấp độ đội tuyển quốc gia chính là một chỗ đứng vững chắc trong đoàn quân tham dự European Championship diễn ra vào mùa hè năm sau.
 
Sự xem trọng của Southgate dành cho khâu thực hiện những tình huống cố định là một điều rất chắc chắn. Tại World Cup 2018 diễn ra trên đất Nga, 6 trong số 12 bàn thắng mà đội tuyển Anh ghi được là đến từ các pha phạt góc hoặc đá phạt, và 2 trong số những tình huống penalty mà Tam Sư chuyển hóa thành công đã được trao cho họ sau các pha phạt góc. Chính Southgate gần đây đã mô tả Ward-Prowse sở hữu “khả năng thực hiện tình huống cố định ngang ngửa những chuyên gia về lĩnh vực này mà tôi từng sát cánh hoặc dẫn dắt” – và hãy nhớ rằng ông từng thi đấu cùng David Beckham. Chính vì vậy, hãy cùng đón chờ những đường cong tuyệt mĩ khác được vẽ nên bởi James Ward-Prowse, không chỉ tại Premier League, mà còn ở những đấu trường danh giá khác, cả trong màu áo câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia.
 
Nguồn: Lược dịch từ bài phỏng vấn “James Ward-Prowse: 'If I put the ball where I want to, no keeper can save it'” được thực hiện bởi tác giả David Hytner, đăng tải trên The Guardian.
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

X
top-arrow