James Rodriguez: Cậu bé nói lắp và giấc mơ trở thành...Tsubasa

Tác giả Ole - Thứ Tư 13/07/2022 17:05(GMT+7)

Ngay cả khi cái tên James Rodriguez giờ đây đã dần lùi vào dĩ vãng sau những vinh quang chói lọi tại VCK World Cup 2014 thì người ta vẫn luôn nhớ rằng tiền vệ người Colombia từng là một trong những “số 10” cực kỳ xuất chúng và có thể mang đến niềm cảm hứng cho bất kỳ ai từng được chứng kiến anh thi đấu thứ bóng đá đẹp nhất cuộc đời mình.

 

Tài năng của James Rodriguez là điều không cần phải bàn cãi. Ngay cả trong những tháng ngày phải ngụp lặn trong sự thất sủng ở Real Madrid thì ngôi sao sinh năm 1991 vẫn luôn khiến cho người đời phải nhớ đến mình như một “nhạc trưởng” tài hoa và xuất sắc nhất. Thời điểm mới cập bến đội bóng chủ sân Bernabeu, cầu thủ người Colombia mới chỉ bước sang tuổi 23 nhưng đã trở thành Vua phá lưới World Cup 2014 và là siêu sao ở những CLB anh từng khoác áo như Porto hay Monaco… Thậm chí, trong mùa giải đầu tiên thi đấu cho Los Blancos, màn trình diễn của James cũng cực kỳ ấn tượng với 17 bàn thắng và 17 pha kiến tạo trên mọi đấu trường. Nhưng rồi, việc Real trắng tay cũng như sự ra đi của HLV Carlo Ancelotti đã dần khiến cho sự nghiệp của James rơi vào bế tắc khi lần lượt những Rafa Benitez hay Zinedine Zidane đều không thích sử dụng mẫu “số 10” cổ điển như anh. 

Trên thực tế, bất cứ đội bóng nào từng sở hữu tiền vệ người Colombia đều sẵn sàng biến anh trở thành nhân tố trung tâm trong lối chơi của toàn đội. Tại Porto, James đóng góp 6 bàn và 8 pha kiến tạo ngay ở mùa đầu tiên, qua đó góp công lớn giúp đội bóng chủ sân Dragao giành chức vô địch Europa League 2010/11. Khoảng thời gian sau đó, cầu thủ điển trai lần lượt chinh phục các khán giả Bồ Đào Nha bằng những màn trình diễn thuyết phục, mang về 3 chức VĐQG liên tiếp cho Porto trước khi cập bến AS Monaco vào mùa Hè 2013.

Được biết, đây là thương vụ chuyển nhượng kỷ lục với mức giá cao thứ hai trong lịch sử bóng đá Bồ Đào Nha và cũng biến James trở thành một trong những ngôi sao đắt giá bậc nhất tại Ligue 1. Bằng tài năng chơi bóng ma thuật của mình, cầu thủ người Colombia không khó để thích nghi với cuộc sống mới. Mùa giải 2013/14, anh ghi 9 bàn thắng và thực hiện 12 pha kiến tạo, nhiều hơn cả Ibrahimovic bên phía PSG, góp công lớn giúp đội bóng Công quốc giành vị trí Á quân chung cuộc. Tuy nhiên, phải đến VCK World Cup 2014, ánh sáng tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh mới thực sự đưa cái tên James Rodriguez bước ra thế giới. Với 6 pha lập công trên đất Brazil, trong đó tình huống làm bàn kinh điển vào lưới Uruguay ở vòng 1/8 (bàn thắng sau này được bình chọn là đẹp nhất World Cup 2014) đã thực sự biến ngôi sao của ĐT Colombia trở thành “phát hiện lớn nhất” World Cup. 

 

Vào thời điểm ấy, những tưởng James rồi sẽ tiếp bước những Ronaldo, Messi, Bale hay Neymar để trở thành một ứng viên hàng đầu cho danh hiệu Quả bóng Vàng, nhất là khi bản hợp đồng trị giá lên tới 71 triệu bảng đưa anh đến một nơi hào nhoáng bậc nhất của thế giới túc cầu, đó là Real Madrid. Nhưng rồi, trải qua thời gian, những chấn thương dai dẳng cùng môi trường bóng đá khắc nghiệt đã khiến tài năng của cựu tiền vệ Porto dần trở nên phai nhạt qua năm tháng. Mùa Hè năm 2017, James cũng cố gắng hội ngộ người thầy cũ Carletto tại Bayern Munich với hy vọng tìm lại phong độ đỉnh cao nhưng thật trớ trêu là vị chiến lược gia người Ý lại bị sa thải chỉ sau vài tháng. Từ một ngôi sao lớn, cái tên James Rodriguez dần trở nên lạc lõng và không thể tìm thấy phương hướng trong cuộc đời. 

Mùa giải 2020/21, cầu thủ người Colombia được toại nguyện khi tái hợp thành công cùng HLV Ancelotti tại Everton và cũng có những giai đoạn khởi đầu mùa giải tương đối thăng hoa trước khi… chứng nào tật nấy. Bên cạnh những chấn thương thì lối sống phóng túng và thiếu đi sự nỗ lực cũng chính là nguyên nhân lớn khiến cho bản thân James Rodriguez không bao giờ có thể phát tiết trọn vẹn những phẩm chất thiên bẩm của mình. Anh rất dễ nổi nóng mỗi khi thi đấu không như ý muốn và ít khi tuân thủ theo chiến thuật của tập thể, một điều hoàn toàn tối kỵ đối với các ngôi sao trong bóng đá hiện đại. 

Ở một góc độ khác, người ta cũng có thể giải thích rằng chính sự cá tính và thói quen khác người ấy mới là “chất xúc tác” giúp cầu thủ người Colombia tạo nên những khoảnh khắc kỳ diệu thay vì chỉ sống và làm việc theo các khuôn mẫu thông thường. Thế nhưng, sự thật thì không bao giờ thay đổi, rằng cái tên James Rodriguez chỉ thực sự “bùng cháy” một lần duy nhất tại VCK World Cup 2014, một giải đấu mà chính anh từng mơ ước được tỏa sáng khi còn bé. 

Ít người biết rằng, khi còn nhỏ, James từng mắc chứng nói lắp rất nặng, thậm chí phải nhờ đến sự can thiệp của bác sĩ trị liệu ngôn ngữ. Cho tới tận bây giờ, sau khi đã trở thành một siêu sao và sở hữu ngoại hình đẹp như một diễn viên thì tiền vệ người Colombia vẫn thường tỏ ra khá rụt rè trước những lần trả lời phỏng vấn báo chí. Mặc dù vậy, giấc mơ và quyết tâm của cậu bé James Rodriguez ngày ấy thì không hề nhỏ bé chút nào. Bằng nguồn cảm hứng từ bộ truyện tranh Tsubasa của Nhật Bản, anh cũng khao khát một ngày nào đó sẽ đưa đội bóng quê hương mình tìm đến những đỉnh cao tại World Cup. Và rồi, James đã làm được.      


 

Giờ đây, khi mọi vinh quang và thất bại đều đã sớm lụi tàn vào quá khứ, ở độ tuổi 31, cái tên James Rodriguez gần như đã được nếm trải trọn vẹn tất cả những cung bậc cảm xúc trong cuộc sống bóng đá của mình. Có thể ngôi sao người Colombia chẳng bao giờ đạt được đến đỉnh cao như người ta kỳ vọng, cũng chẳng giành được nhiều danh hiệu cao quý, thế nhưng niềm cảm hứng mà James mang đến cho thế giới bóng đá thì là độc nhất, một “số 10” cổ điển vẫn tồn tại và tỏa sáng giữa bóng đá hiện đại, một cậu bé nói lắp từ Cucuta xa xôi đã tự biến giấc mơ Tsubasa của mình trở thành sự thật… 

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Stefan Ortega: Đẳng cấp của một ‘số 2’ và khoảnh khắc cứu thua của mùa giải

Chấn thương (ở vùng đầu và mắt) của Ederson trong trận thắng 2-0 trên sân Tottenham khiến anh phải kết thúc sớm mùa bóng 2023/24 rõ ràng là một mất mát đáng kể đối với Man City. Tuy nhiên, những gì mà “số 2” Stefan Ortega thể hiện trong khoảng nửa giờ thi đấu tại Tottenham Hotspur, với những pha cứu thua xuất sắc, cho thấy thủ môn người Đức hoàn toàn sẵn sàng cùng Cityzens  “về đích” trong khúc khải hoàn.

Marc Cucurella - Hậu vệ cánh ảo: Bước ngoặt cho mùa giải của Chelsea-Pochettino

Kể từ hiệp 2 trận đấu trên sân Aston Villa hôm 28/4, Chelsea làm một đội bóng hoàn toàn khác. Đoàn quân của Mauricio Pochettino ghi 2 bàn trong 45 phút sau tại Villa Park để kết thúc trận đấu với tỉ số hòa 2-2. Và sau đó là 4 chiến thắng liên tiếp: 2-0 Tottenham, 5-0 West Ham, 3-2 Nottingham và mới nhất 2-1 Brighton.

Artem Dovbyk: Từ miền đất dữ tới thiên đường

Một mùa Hè đầy phần khích sẽ chờ đón Artem Dovbyk tại nước Đức trong kỳ EURO 2024 năm nay, bên cạnh danh hiệu Vua phá lưới La Liga (Pichichi) mà chân sút người Ukraine đang có được phần nào lợi thế trước những Bellingham, Lewandowski hay Alexander Sorloth… Quay trở lại quãng thời gian hơn một năm về trước, sẽ chẳng ai tin rằng ngôi sao thuộc biên chế Ukraine có thể vượt qua những hiểm nguy từ khói lửa chiến tranh để tìm tới đỉnh cao như hiện tại.  

Lucas Perez: Người viết truyện cổ tích xứ Galacia

Tự bỏ ra 493.000 euro để phá vỡ hợp đồng với Cadiz, chấp nhận từ bỏ giấc mơ La Liga để quay về chiến đấu cùng đội bóng quê hương Deportivo ở giải hạng ba, tiền đạo người Tây Ban Nha có thể sẽ không bao giờ trở thành một ngôi sao xuất sắc nhất. Nhưng trong những câu chuyện cổ tích của thành phố La Coruna, chắc chắn sẽ luôn tồn tại một cái tên - Lucas Perez.

Declan Rice: Chiến binh, nhạc trưởng & nhà thông thái

Vào một buổi chiều thứ Hai tại sân tập của Arsenal ở London Colney, Declan Rice đang xem qua những đoạn clip do The Athletic tổng hợp và suy ngẫm về quá trình phát triển của mình kể từ khi chia tay West Ham để gia nhập The Gunners với mức phí chuyển nhượng 105 triệu bảng Anh – con số cao kỷ lục trong lịch sử CLB – vào mùa hè năm ngoái.