James Maddison: Người đàn ông tự tin

Tác giả CG - Thứ Sáu 22/01/2021 16:58(GMT+7)

James Maddison vẫn luôn là một người tự tin. Thậm chí, trong cuộc phỏng vấn với tiền vệ người Anh cho The Guardian vào năm 2018, ký giả Ben Fisher cho biết Maddison tự thừa nhận anh là một người đứng giữa ranh giới của tự tin và kiêu ngạo trong mắt nhiều người.

James Maddison đang ghi bàn trong 3 vòng đấu liên tiếp ở Premier League. Nhưng không phải chỉ đến thời điểm này khán giả mới chú ý đến tiền vệ 24 tuổi. Khoảng hơn 2 năm qua, cái tên James Maddison ngày càng tạo được dấu ấn, một cầu thủ với lối chơi thông minh. Bàn thắng vào lưới Chelsea ở vòng đấu trước cho thấy khả năng xâm nhập vòng cấm và tạo đột biến của anh rất lớn.
Nhưng sau trận, anh còn nổi bật hơn nữa trên mặt báo lẫn các phương tiện truyền thông Anh với một màn trả lời phỏng vấn đầy tự tin, đĩnh đạc, khúc chiết và nhiều màu sắc. Nói thế là bởi những phần phỏng vấn sau trận với các cầu thủ xưa nay vẫn thường được xem là mang tính thủ tục, vô thưởng vô phạt bởi những câu trả lời thường đơn điệu, nhạt nhẽo và khá chung chung.
Nhưng cuộc phỏng vấn với Maddison sau trận đấu với Chelsea vừa qua thì khác. Tờ Telegraph thậm chí còn có một bài viết mang tên “6 bước để có một cuộc phỏng vấn sau trận hòan hảo với sự tham gia của James Maddison”.
Ở đó, anh nói về việc đội bóng của mình chuyển sang sơ đồ 4-4-2 khi không có bóng và 4-3-3 khi cầm bóng; anh nói về sự thiếu tập trung của Chelsea trong các tình huống cố định hay “bạn không thể nào thi đấu cho Brendan Rodgers nếu bạn không làm những công việc xấu xí”. Thậm chí, anh còn cho biết đã lắng nghe những lời phê bình, nhận xét của Jamie Carragher và ngồi lại với các HLV để cải thiện dựa theo đó.
“Tôi nhớ có trận chúng tôi đã đá với Sheffield United và Jamie Carragher bình luận: ‘Ông ấy cần giúp James Maddison ghi nhiều bàn hơn nếu muốn cạnh tranh vị trí ở Anh và được nhắc đến cùng nhóm với những ông lớn khác’. Tôi, HLV trưởng và phân tích viên Jack đã ngồi lại và xem nơi nào tôi có thể ghi nhiều bàn thắng hơn”, Maddison tiết lộ.
Đó là vài chi tiết nhỏ của cuộc phỏng vấn. Tất nhiên, ngôn ngữ văn bản khó lòng diễn tả hết sự thú vị cuộc nói chuyện đó. Trong chừng mực hơn 4 phút, đó là những chia sẻ đáng nghe và đáng xem so với đa số những cuộc phỏng vấn sau trận thông thường với cầu thủ. Matt Curtis, nhà sản xuất của các đài BT Sport và CBS, khẳng định: “Cuộc phỏng vấn với Maddison là luồng gió mới và ví dụ điển hình cho thấy chúng ta có thể chân thành và cởi mở”.
Là khán giả, chúng ta chắc chắn muốn thấy cầu thủ thể hiện phẩm chất và năng lực trên sân cỏ. Nhưng sẽ thú vị hơn nữa nếu thấy cầu thủ ấy thể hiện phong thái tự tin, thần thái đĩnh đạc và nói chuyện rành mạch, hấp dẫn. Tất nhiên vế trước là quan trọng nhất nhưng vế thứ hai thể hiện khía cạnh liên quan tới con người cầu thủ, và đó là điều các khán giả luôn tò mò.
James Maddison vẫn luôn là một người tự tin. Thậm chí, trong cuộc phỏng vấn với tiền vệ người Anh cho The Guardian vào năm 2018, ký giả Ben Fisher cho biết Maddison tự thừa nhận anh là một người đứng giữa ranh giới của tự tin và kiêu ngạo trong mắt nhiều người. HLV Brendan Rodgers thì nhận xét: “Cậu ấy là một người thực sự khiêm tốn, có chút ngông đáng yêu và là một cậu bé giỏi”.
Còn ông Richard Stevens - HLV của Học viện Coventry - khẳng định: “Cậu ấy yêu bóng đá. Tôi nghĩ cái sự ngông đó đến từ niềm tin vào những gì cậu ấy nghĩ mình có thể làm được. Nếu không có sự tự tin như thế, cậu ấy sẽ không thể nào thể hiện chất quái trong lối chơi”.
Jack Grealish và James Maddison đang là 2 tiền vệ tấn công, 2 cầu thủ số 10 triển vọng, hay và đạt phong độ cao nhất bóng đá Anh thời điểm hiện tại. Khả năng nhận bóng và xử lý với tốc độ nhanh của Maddison thực sự tuyệt vời, độ sát thương trong những đường chuyền ngày càng lợi hại.

Trong khi đó HLV Rodgers từng so sánh Maddison với cậu học trò cũ Philippe Coutinho về khía cạnh lựa chọn vị trí, đôi khi xuất hiện ở trung lộ và đôi khi dạt ra biên. Ở Leicester, nhà cầm quân người Bắc Ireland đã sử dụng Maddison ở nhiều vị trí: có lúc là số 8, có lúc đá tiền đạo cánh trái và có những khi xuất phát bên cánh phải nhưng đa phần trong đó anh được bố trí trong vai trò số 10.
Vị trí tiền vệ tấn công, trái tim của đội bóng, phía sau tiền đạo chính là nơi mà Maddison thích hoạt động nhất - “Vị trí số 10 là vai trò yêu thích của tôi. Tôi thích hoạt động giữa các tuyến, cố gắng phá vỡ trung lộ đối phương”. Với Maddison, khát khao cải thiện bản thân của anh luôn không ngừng.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Independent vào tháng 1 năm 2018, tiền vệ người Anh thừa nhận bản thân là “học sinh đang học hỏi về bóng đá”. Trong đó, anh chia sẻ về cách mình phải di chuyển giữa các tuyến ra sao, giữ kiên nhẫn, không lùi quá sâu và chờ những không nhỏ xuất hiện mà người khác không thấy. Maddison cho biết với một số đối thủ, anh phải dâng lên gây áp lực cùng các tiền đạo, nhưng có những đối thủ anh phải đứng áp sát tiền vệ phòng ngự và cắt đường chuyền.
“Bạn có thể thiết lập các dạng di chuyển cho cầu thủ tuy nhiên trực giác của họ cũng đóng vai trò quan trọng. Cậu ấy sở hữu năng lực tuyệt vời để tạo ra đột biến trong 1/3 sân cuối cùng”, đó là đánh giá của HLV Brendan Rodgers cho cậu học trò.
Thật bất ngờ là đến thời điểm này, Maddison vẫn đang bị ngó lơ ở đội tuyển Anh. Một trong những tiền vệ tấn công hay nhất xứ sở sương mù vẫn đang chật vật gây ấn tượng với Gareth Southgate. Dù có giai đoạn hơi sa sút nhưng những gì anh thể hiện suốt 2 mùa giải vừa qua cho thấy anh xứng đáng hơn nhiều việc mới chỉ có 1 lần khoác áo “Tam sư”.
Nhưng có lẽ với sự tự tin của mình, Maddison sẽ không nản lòng.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.