"Chill Guy" Musiala: Từ học viện Chelsea đến sân khấu Bundesliga

Tác giả Minh Thư - Thứ Sáu 29/11/2024 22:48(GMT+7)

Zalo

Tôi là một “Chill Guy”. Đó là điều đầu tiên bạn cần biết về tôi. Tôi không bao giờ làm cái gì đó quá nhiều ngoại trừ trên sân cỏ.

Thành thật mà nói, thư giãn cũng là một phần thưởng mà. Đã khi nào bạn ngồi nhà và đến cái giai đoạn thư giãn cực độ,  bắt đầu lướt album ảnh của mình chưa? Ý tôi là, lật từng trang của bức ảnh, cho tới lúc bắt đầu. Đó là điều mà tôi thích, bởi nó giống như xem một bộ phim chiếu lại về cuộc đời của chính mình vậy.

Thực ra, một ngày nọ tôi đã ngồi ở nhà để làm việc đó. Khi hoàn thành, tôi đã thấy những bức ảnh chụp bằng chiếc điện thoại đầu tiên của mình. Nó thực sự đã khiến tôi nổi da gà. Tôi như đã nhìn thấy hành trình sự nghiệp của mình trong một bức hình. Hồi lên 8, tôi có cho mình một chiếc điện thoại. Trước cả khi đó, tôi đã luôn muốn có một chiếc cho mình nhưng bị me phản đối.

Mẹ tôi có bằng thạc sĩ đấy và bà là một người phụ nữ thông minh. Mẹ chắc chắn sẽ không để đứa con 8 tuổi của mình có một chiếc iPhone. Không đời nào. Nhưng cơ hội để thương lượng đã đến, khi tôi được nhận vào học viện của Chelsea.

Gia đình tôi khi đó đã chuyển từ Đức sang Anh để mẹ hoàn thành bằng cấp của mình. Tôi đang học nói tiếng Anh nên khi nói chuyện vẫn bị pha lẫn giữa Anh và Đức, đôi khi là cả bằng ngôn ngữ của “bóng đá” nữa. Thật buồn cười vì một trong những người bạn đầu tiên của tôi khi đến Anh là Levi Colwill.

Trong ngày đầu tiên tới học viện Southampton, tôi nói 99% bằng tiếng Đức. Nhưng bạn biết bóng đá là như thế nào rồi đấy... giống như một ngôn ngữ chung của thế giới vậy. Tôi đã chủ động tiến tới chỗ Levi vì tôi đoán cậu ta là một người khá dễ gần. Tôi đã cố gắng hết sức có thể để bắt chuyện.

“Hmm…Có chuyện gì vậy?. Xin chào. Bóng đá. Tôi thích bóng đá. Bóng đá thật tuyệt, bro. Jamal.”

Levi có lẽ nghĩ tôi thật kỳ lạ, nhưng chúng tôi đã gắn bó với nhau qua trận đấu, và tôi bắt đầu học tiếng Anh từng chút từng chút một. Bạn biết điều gì điên rồ không? Hai chúng tôi thậm chí còn phát hiện ra mình có chung ngày sinh. Nó như là định mệnh vậy.

Vài tháng sau, chúng tôi cùng chuyển đến Chelsea. Nhưng tôi sẽ phải đi đi về về giữa trường học và nơi tập luyện rất nhiều. Một đứa trẻ ở thành phố lớn. Lúc đó, mẹ tôi suy sụp và cho tôi mượn điện thoại. (Tuy nhiên, bà đã nhanh chóng cài đặt những hạn chế cho chiếc máy. Về cơ bản, tôi có thể nhắn tin và sử dụng máy ảnh và chỉ vậy mà thôi.)

Và bức ảnh đầu tiên tôi chụp là cùng với Levi. Levi và Jamal ở Chelsea. Hai cậu bé với chung một giấc mơ. TÁCH (tiếng chụp ảnh).

Chill Guy Musiala Từ học viện Chelsea đến sân khấu Bundesliga 1
 

Khi chúng tôi đến Chelsea, thật tuyệt vời khi được ở gần tất cả các huyền thoại. Chúng tôi chỉ cần đứng trong bán kính 100m là có thể nhìn thấy họ qua bãi đậu xe. Lúc đó là vào năm 2012, chúng tôi đã thấy Lampard, Drogba, Čech, Terry…. Và họ đều là người thật, bằng xương bằng thịt. Đó thực sự là Didier Drogba. Họ giống như bước từ trò chơi FIFA ra vậy.

Họ ở một khu vực hoàn toàn khác với bọn trẻ chúng tôi. Nhưng một ngày nọ vì lý do nào đó, họ đến tập luyện trên sân trẻ, và tôi nhớ đã nói với Levi, “Tôi sẽ chụp một bức ảnh. Tôi sẽ chụp bức ảnh, anh bạn à…”

Khi buổi tập kết thúc, tất cả các cầu thủ đều bước ra sân với trạng thái phấn chấn nhất. Tôi sẽ không bao giờ quên ngày hôm đó, tôi đã đến gặp Andre Schurrle. Cái tầm đó thì tôi cũng vứt hết liêm sỉ đi thôi, gặp thần tượng thì quan trọng gì nữa. Thế là tôi đã tiến thẳng tới chỗ cầu thủ người Đức để xin chụp ảnh.

Chill Guy Musiala Từ học viện Chelsea đến sân khấu Bundesliga 2
 

Tôi lấy máy ra chụp và giơ cái máy lên trước mặt rồi bập bẹ vài chữ kiểu "Bitte (làm ơn trong tiếng Đức), Andre? Bitte? Anh trai à, làm ơn chụp với em tấm ảnh được không?

Trong khi tôi cuống cuồng hết cả lên thì anh ấy vẫn tỏ ra khá điềm tĩnh.Schurrle đứng yên để tôi chụp một tấm selfie với vẻ ngượng ngùng. Bạn còn nhớ những bức selfie vào năm 2012 không? Lúc đó thì chưa có cách nào để chụp selfie một cách đẹp nhất được.

Bức ảnh có vẻ mờ và chúng được thực hiện một cách vụng về. Nhưng tôi không quan tâm. Tôi quý những tấm hình đó như vàng vậy. Cuối cùng tôi đã có được hình chụp với Drogba, Terry và nhiều cầu thủ khác. Nó giống như trò bắt Pokémon vậy.

“Anh bạn, hôm nọ tôi đã bắt gặp Luiz, rồi Hazard!”. Khi gặp bạn bè, tôi sẽ khoe các bức ảnh chụp cùng thần tượng như khi bắt được một con Pokémon hiếm vậy.

Bố tôi thậm chí đã giúp tôi có được tấm hình với JT (John Terry). Khi đó, ông tình cờ bắt gặp anh ấy đang đi dạo. Và bố tôi gọi lớn: “Đội trưởng! Tôi và con trai tôi có thể chụp một bức ảnh nhanh thôi được không?” 

Đó là khoảnh khắc đặc biệt với ông. Ông là người đã truyền cho tôi tình yêu bóng đá và đã có mặt ở mọi trận đấu của tôi khi còn nhỏ. Ông không ngại chạy lên chạy xuống bên ngoài đường biên cùng tôi. Nếu bạn xem một đoạn video hồi đó, ông giống như một vị trọng tài vậy. Nhưng với tôi, ông đơn giản chỉ là một người cha đang xem con mình chơi bóng đá mà thôi.

Chill Guy Musiala Từ học viện Chelsea đến sân khấu Bundesliga 3
 

Tôi đã xem lại tất cả những bức ảnh cũ vào ngày hôm đó. Nó như một lời nhắc nhở tuyệt vời về việc chúng tôi đã đi được bao xa. Gia đình tôi đã sống tám năm ở Anh trước khi trở về Đức. Năm 16 tuổi, tôi hoàn thành chương trình Giáo dục trung học phổ thông. Đó cũng là thời điểm gia đình tôi gặp nhiều vấn đề. Không chỉ ở khía cạnh bóng đá, mà còn là về cuộc sống.

Sự kiện Brexit (Vương quốc Anh rời Liên minh Châu Âu) sắp có hiệu lực ở Vương quốc Anh. Với tư cách là một người nước ngoài làm việc tại Lodon, mẹ tôi lo lắng về việc nó có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp của bà.

Với gia đình tôi thì lúc đó chẳng có gì là rõ ràng cả. Đúng vào thời điểm mọi thứ đang rất căng thẳng thì Bayern Munich đã cho chúng tôi cơ hội. Nói quê hương có đúng không nhỉ? Hay tôi nên nói Đức là "ngôi nhà đầu tiên của tôi?".

Tôi yêu nước Anh. Thành thật là tôi cảm thấy một phần trong mình là người Anh. Không dễ dàng gì để đưa ra quyết định vứt bỏ cuộc sống hiện tại để chọn làm quen với điều mới. Nhưng nó thực sự giống như định mệnh. Có điều gì đó ở Bayern khiến tôi cảm thấy bản thân mình thuộc về.

Thú thật là tôi không định nói sai sự thật đâu. Tôi có thể kể cho mọi người một phiên bản hoàn hảo của hành trình tôi đến với Bayern, mặc những bộ đồ Lederhosen. Trông tôi sẽ giống như một cậu nhóc người Đức nhỏ bé trở về nhà. Mô tả như vậy nghe thật trôi phải không. Nhưng sự thật thì phức tạp hơn thế. 

Vài tuần trước khi chúng tôi chuyển đến Munich, tôi bị gãy hàm. Tôi sẽ kể câu chuyện đó vào một dịp khác. Tất cả những gì bạn cần biết là tôi phải nhét hai chiếc đĩa vào hàm. Thứ duy nhất mà tôi có thể ăn trong nhiều tuần liền là súp và lasagna. Nó là món mì ống lasagna.

Tôi đã ăn nhiều đến nỗi giờ không thể ngửi nó thêm một lần nào nữa. Tôi thậm chí phát ốm khi nghe đến tên của nó. Tôi đã ăn quá nhiều lasagna đến mức “nội thương”. Cuối cùng tôi đã sụt cân rất nhiều. Dù trước đó tôi vốn dĩ đã không phải một người có thể trạng tốt.

Tôi - cậu bé xuất thân từ học viện của Chelsea chuyển tới Bayern khi đó chỉ nặng khoảng 60kg. Với lần gãy hàm đó, tôi thậm chí còn không thể nói được, chỉ có thể nói vài chữ lẩm bẩm.

Để nói mọi chuyện dễ hiểu hơn thì tôi nói tiếng Đức. (Thôi đừng có mà cười nữa, Leroy. Dừng lại đi, để yên em nói nào). Đúng vậy, tôi đã luôn nói tiếng Đức ở nhà với bố mẹ tôi. Nhưng bạn biết ở nhà là thế nào mà đúng không? Nó giống như tiếng Đức thông thường, tiếng Đức của dân thường nói chuyện với nhau thôi ấy. Đó không phải là tiếng Đức ở trường với der, die, das đúng chuẩn. Vậy là lúc đó tôi xuất hiện tại Bayern Munich và cố giới thiệu bản thân với mọi người bằng tiếng Đức hơi lủng củng của mình kèm theo một cái khuôn miệng chỉ mở được 15%.

Thật là điên rồ.

Tôi chắc rằng mọi người đều nhìn nhau như kiểu: "Thằng nhóc này đến từ Chelsea à? Cái thằng gầy gò đó ư? Nó thực sự có thể chơi bóng đá à?" 

Điều đó đã cho tôi rất nhiều động lực để trở lại sân cỏ và chứng minh với mọi người ở câu lạc bộ rằng họ đã đúng khi đặt niềm tin vào tôi. Tôi phải cảm ơn Miroslav Klose rất nhiều vì thời gian đó. Chú ấy là HLV của tôi ở đội U17 và đã không hề nương tay với tôi chút nào.

Khi nói đến câu chuyện phòng ngự, tôi chẳng hiểu cái gì luôn. Tôi vẫn còn non nớt trong vụ phòng ngự lắm. Tôi chỉ muốn tham gia tấn công và đối đầu với đối thủ của mình. Nhưng thật may, Klose đã rèn giũa cho tôi mỗi ngày và nói tôi bắt buộc phải biết phòng ngự.

Thật buồn cười vì khi mọi người đều nhớ đến Klose bởi những bàn thắng của chú ấy thì trong câu chuyện của tôi Klose lại dính với câu chuyện phòng ngự. Nhưng quả thật, chú ấy luôn hành xác tôi vì chuyện đó, bảo tôi phải phòng ngự suốt thôi..

“Jamal! Jamal! Quay lại! Phòng thủ! CẬU PHẢI PHÒNG THỦ!!!!”

Tôi không nói điêu với mọi người làm gì đâu, nhưng cũng có lúc mấy lời chú ấy nhắc nhở thật sự rất khó chịu. Nhưng chính Klose đã giúp tôi trở thành một cầu thủ hoàn thiện hơn và đến bây giờ hai chú cháu vẫn có một mối quan hệ rất tốt. (Klose thậm chí hài lòng với khả năng phòng ngự của tôi đến mức cho phép tôi tập sút bóng với chú ấy khi tập trung ở đội tuyển quốc gia.)

Nếu không có chú Klose, tôi sẽ không thể tiến bộ và lên chơi ở đội một cách nhanh như vậy. Cái hôm ra mắt thật sự rất tuyệt vời.

Nhưng thực ra, đêm hôm trước còn đáng nhớ hơn nữa cơ. Tôi nghĩ rằng mọi cầu thủ bóng đá đều nhớ chính xác mình ở đâu khi nhận được “cuộc gọi” đó.

Chill Guy Musiala Từ học viện Chelsea đến sân khấu Bundesliga 4
 

Lúc đó là vào năm 2020, ngay trước khi đại dịch xảy ra. Tôi khi đó 17 tuổi và đang chạy bộ ở Munich, vừa chạy vừa đeo tai nghe. Điện thoại của tôi bắt đầu reo. Tôi nghĩ chắc đó là mẹ nhưng khi nhấc điện thoại giữa chừng thì nhận ra đó là Tiger Gerland. Ông ấy nói: "Tôi chỉ muốn cho cậu biết rằng, cậu sẽ tập luyện với đội một vào ngày mai." 

Ngay sau cuộc gọi tôi đã bị sốc. Đến nỗi mà tôi đã quay đầu để chạy về nhà và nói với mẹ rằng: "Mẹ!!! Mẹ!!! Mẹ sẽ không tin được chuyện này đâu!!! Chúng ta phải ăn tối ngay bây giờ. Con phải đi ngủ!"

Tối hôm đó tôi đã cố đi ngủ sớm, vào lúc 10 giờ. Nhưng vì quá lo lắng mà tim tôi đập thình thịch. 11, 12 rồi tới 1 giờ sáng.

Tôi không biết mình đã ngủ thiếp đi lúc nào. Nó giống như kiểu… Còn gì hơn nữa để mà mơ vào tối nay đây? Mơ mộng tầm này có ý nghĩa gì nữa đâu? Sáng mai, giấc mơ tôi mong muốn nhất sẽ thành hiện thực rồi.

Nhưng có điều hơi buồn cười là mẹ tôi phải chở tôi tới sân bóng vào ngày hôm sau. Ý tôi là chuyện đi tập rồi mẹ chở đi này kia nó cũng là chuyện thường ngày kể từ khi chuyển đến Munich ấy, nhưng giờ tôi đi tập với tâm thế khác lắm rồi.

Sau cuộc gọi đó, tôi được tập với Müller, Neuer, Kimmich nhưng mẹ tôi vẫn chở tôi trong chiếc VW Polo nhỏ nhắn của bà. Tôi đang cố gắng để "bật mode" nghiêm túc và tập trung nhất có thể thì mẹ tôi lại cứ hỏi lảng vảng bên tai mấy câu như: “Jamal, con ăn sáng đủ chưa? Jamal, giảm âm lượng đi coi. Jamal, đừng quên nhắn tin cho mẹ khi xong nhé. Jamal abcxyz.. vv….”

“MẸ AH!!!!!!!! Con cần tập trung! Mẹ có thể để con điều khiển cái playlist được không vậy?”

Cả hai mẹ con tôi lúc đó cứ như đang diễn hài trên xe vậy... Mẹ biết tôi lo lắng vì bình thường tôi cứ ca hát suốt cả chuyến đi, nhưng hôm đó tôi lại im lặng như tờ. Cuối cùng chúng tôi cũng đến chỗ tập luyện của đội.

Mở cửa xe ra… Mẹ tôi nói vọng ra: "Yêu con trai của mẹ! Tập luyện vui vẻ nhé! Nhớ nhắn tin cho mẹ sau khi tập xong đấy!" Tôi đáp lại: "Được rồi, được rồi, con nhớ rồi mà!". Vừa dứt lời mẹ tôi nói to: "JAMAL???". "Ah vâng, con yêu mẹ"

Đóng cửa xe lại rồi tôi bước tới cổng nơi đội một tập luyện. Lúc đó tôi chỉ nghĩ 'Hy vọng là chú bảo vệ cho mình vào trong.' May thật, các chú ấy cho tôi vào, cảm ơn Chúa. Nhưng tôi chẳng biết phải đi đâu sau khi đi qua cái cánh cổng đó. Tôi chỉ đến đó như để cho đủ quân số thôi ấy. Đội một đã họp về một trận đấu ở Champions League. Vậy là tôi chỉ ngồi ở trong sảnh của trung tâm huấn luyện rồi đợi mẹ đến đón mình. Tôi cảm thấy mình như một thực tập sinh ngày đầu đi làm ở công ty ấy. Cứ ngồi ỳ một chỗ và sợ đến mức không dám lấy điện thoại ra. Chỉ đơn giản là ngồi… chờ đợi… và sống trong cảm giác căng thẳng vô cùng…

Cuối cùng, tôi thấy anh bạn Josh Zirkzee đi xuống cầu thang. Lúc nó nhìn thấy tôi, mồm nó cười chắc phải rộng ra cả mang tai. Lúc đó, nó vừa cười vừa nói trêu tôi: “Haha! Xem ai ở đây nào... Được rồi người anh em, để tôi dẫn ông đi vòng vòng tham quan một chuyến nhé.”

Chill Guy Musiala Từ học viện Chelsea đến sân khấu Bundesliga 5
 

Tôi chỉ nhớ mình vừa bước vào phòng thay đồ và đứng đó, về cơ bản là vậy. Tôi rất sợ phải vô tình ngồi vào chỗ của ai đó. Tôi chỉ cố gắng trở nên vô hình cho đến khi có người chỉ cho tôi chỗ ngồi. 

Mọi người biết cái cảm giác mà chẳng biết làm gì với hai bàn tay mình không? Tôi lúc đó chuẩn là chẳng biết phải làm gì cho đúng cả. Chỉ đừng đó và lẩm nhẩm: “Không làm phiền ai là được, không làm phiền ai là được. Chỉ cần đừng làm phiền ai thôi là mọi chuyện sẽ êm đẹp thôi. Chỉ cần như vậy thôi”.

Thực ra, lúc nhỏ tôi đã nghe rất nhiều câu chuyện, xem cả những bộ phim tài liệu về NBA. Nội dung về những tay tân binh khi mới vào đội ấy. Tôi tưởng tượng nó sẽ diễn ra theo kiểu mấy anh lớn trong đội sẽ nói: “Phải chỉ cho thằng tân binh này biết thế nào là lễ hội mới được.”

Tôi cứ nghĩ các anh ở đội một sẽ rất nghiêm khắc với mình. Nhưng thực tế là mọi người đều rất vui vẻ và chào đón tôi gia nhập đội một. (Thôi được rồi, gần như thôi chứ không phải tất cả mọi người. Tôi vẫn chưa tha thứ cho Leroy về cái biệt danh Bambi đâu. Nó hay đến mức... tôi không biết phải làm sao luôn ấy! Mọi người hiểu ý tôi không?)

Chill Guy Musiala Từ học viện Chelsea đến sân khấu Bundesliga 6
 

Mia san Mia - nó không chỉ là câu khẩu hiệu thông thường mà còn là văn hóa và truyền thống của Bayern Munich. Thật khó để giải thích cho đến khi bạn bước vào phòng thay đồ, nhưng nó giống như bầu không khí gia đình hơn. Tôi không nghĩ mình sẽ tin điều đó cho đến khi tôi thực sự ở đó và trải nghiệm. Những ngày đầu tiên thực sự quan trọng đối với tôi. Không chỉ đơn thuần ảnh hưởng ở góc độ cầu thủ bóng đá, mà còn là về góc độ của con người của tôi.

Khi chúng tôi vào sân, tôi nhớ đã thấy Thiago chơi hai chạm với một ai đó trên toàn bộ sân. Chuyền từ nửa sân này sang nửa sân kia mà không có lỗi nào. Những chạm bóng của anh ấy đều rất hoàn hảo. Tôi chưa bao giờ thấy điều gì giống như vậy. Sao có thể chứ? Ôi Chúa ơi!

Tôi chỉ nhớ bài tập đầu tiên chúng tôi thực hiện là bài tập kiểm soát bóng, và tôi đứng ở giữa sân. Tất cả những gì tôi muốn là đảm bảo lúc đó là không có sai phạm nào xảy ra khi tôi đứng vào vị trí đó. 

“Đừng để họ nhận ra bạn mới 17 tuổi.”  Đó chính là mục tiêu của tôi.

Mọi thứ sau đó đều mờ nhạt. Nhưng tôi nhớ khi rời khỏi sân và chỉ nhìn những cầu thủ khác, tôi biết mình thuộc về nơi này. Tôi có thể thấy điều đó trên khuôn mặt họ. Cho đến giờ mọi thứ vẫn không hề phai nhạt

Sau buổi tập đầu tiên, tôi thay đồ và nhắn tin cho mẹ, theo kiểu đơn giản tôi, đại khái là: “Được rồi, hoàn thành rồi. Mẹ có thể đến đón con không?”

Chill Guy Musiala Từ học viện Chelsea đến sân khấu Bundesliga 7
 

Tôi đợi bà ở bãi đậu xe khoảng 30 phút. Mọi người đều đi bộ đến xe Audi của họ và họ nói vọng đến chỗ tôi đứng: "Gặp lại sau nhé, Jamal"

Đợi mãi thì cuối cùng mẹ cũng lái chiếc VW Polo đến và đón tôi về nhà. Tôi lên xe và cảm giác như ngày đầu tiên đi học vậy. Mẹ tôi mỉm cười rồi quay sang hỏi vài câu: "Thế nào con trai, nay tập ổn không? Có vui không?".

Tôi cũng đáp lại cho có kiểu: "Tuyệt vời ông mặt trời luôn mẹ ah. Vâng, nay con tập vui lắm!"

Tôi sau đó không nói gì nữa. Chỉ im lặng ngồi trên xe, thư giãn, mỉm cười nhìn ngắm mọi thứ qua cửa sổ xe ô tô...

Nhưng như vậy mới gọi là kỷ niệm chứ!

Đó là khởi đầu cho chương tiếp theo của cuộc đời chúng tôi. Rất nhiều thứ đã xảy ra thực sự nhanh sau đó. Đại dịch. Trận đấu đầu tiên của tôi trên sân vận động không khán giả khi Bayern chạm trán Freiburg. Bàn thắng đầu tiên của tôi vào lưới Schalke.

Trận đấu đầu tiên của tôi trên một sân vận động chật kín khán giả là cuộc chạm trán Leipzig - thời điểm bóng đá đã thực sự trở lại với không khí lễ hội vốn có của nó. Rồi tiếp đến là kỳ World Cup đầu tiên và kỳ EURO đầu tiên.

Thêm cả kỷ niệm lần đầu tôi được mặc áo số 10 tại Euro nữa. Tôi nhớ cả mấy anh chàng thổi kèn saxophone này, niềm vui mà chúng tôi mang đến cho cả đất nước này. Tất cả đều là những kỷ niệm tuyệt vời.

Chill Guy Musiala Từ học viện Chelsea đến sân khấu Bundesliga 8
 

Tôi sẽ kể những câu chuyện đó một ngày nào đó, khi tôi có thời gian để sắp xếp lại mọi thứ. Nhưng điều hiện lên trong tâm trí tôi ngay lúc này là buổi tập đầu tiên ở Bayern. Đôi khi bạn phải tua lại cuộn phim để nhớ lại những điều nhỏ nhặt. Đó là lý do tại sao tôi muốn viết điều này. Để ghi lại những kỷ niệm trên giấy, và quay lại và đọc lại chúng sau 5 hoặc 10 năm nữa….. Có thể là 50 năm nữa. 

Đây là tôi ở tuổi 21.

Ở tuổi 26, tôi hy vọng mình có một World Cup và một vài danh hiệu Champions League trong tủ. Tôi hy vọng mình đã làm gia đình tự hào. Và tôi thực sự hy vọng rằng cuối cùng bố tôi ngừng yêu cầu tôi hỏi các đồng đội của mình xem họ có thể chụp một bức ảnh nhanh với ông ấy không. Chỉ một bức ảnh nhanh thôi.

(Thật ra thì bây giờ bố vẫn sẽ thích làm điều đó thôi. Thích lắm đấy. Thật buồn cười làm sao).

Đúng vậy. Đó là tôi. 

Đó là câu chuyện cho đến giờ.

– Jamal, 2024

(Theo The Players' Tribune)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Kylian Mbappe: Gian nan tỏ mặt anh hùng

Liên tiếp đá hỏng cả hai quả phạt đền chỉ trong vòng 1 tuần, Kylian Mbappe đang trải qua những tháng ngày khó khăn cùng với Real Madrid. Giấc mơ được chơi cho đội bóng của cuộc đời đã thành hiện thực, nhưng thực tại đáng báo động ở đội bóng Hoàng Gia liệu có làm cho siêu tiền đạo 25 tuổi người gốc Cameroon cảm thấy bối rối?

Jack Grealish đá tiền vệ: Chìa khóa thoát khủng hoảng của Pep Guardiola?

Khi Jack Grealish nhận bóng ở rìa vòng cấm Manchester City trong hiệp hai, rê bóng vượt qua lớp pressing tầm cao của Nottingham Forest và giúp các đồng đội chuyển trạng thái, một tràng pháo tay đã vang lên từ các cổ động viên đội nhà – đây chính là một lời nhắc nhở về việc dự định ban đầu của Pep Guardiola khi đưa anh về đội chủ sân Etihad chính là để đảm đương nhiệm vụ này.

X
top-arrow