Jack Wilshere: Viên pha lê đã không còn giọt sáng

Tác giả CG - Thứ Bảy 09/07/2022 17:41(GMT+7)

Jack Wilshere đã chính thức nói lời từ giã sự nghiệp thi đấu sau khi chia tay với AGF – đội bóng Đan Mạch mà anh ký hợp đồng vào tháng 2/2022. Nhìn lại hành trình sự nghiệp của cựu tiền vệ người Anh, chúng ta thấy có những khoảnh khắc thăng hoa nhưng bao phủ lên đó chủ yếu vẫn là những tiếng thở dài tiếc nuối.


 

Ở tuổi 30, Jack Wilshere đã nói lời chia tay với sự nghiệp thi đấu. Khi chúng ta nhìn một Zlatan Ibrahimovic đang chuẩn bị gia hạn hợp đồng với AC Milan (theo những nguồn tin uy tín) ở tuổi 40, khi chúng ta nhìn những Cristiano Ronaldo, Lionel Messi, Luka Modric, Karim Benzema,… vẫn đang thi đấu sung sức khi đang gần 40 tuổi, chúng ta sẽ càng thấy sự dừng lại của Wilshere là quá sớm. Có lẽ sẽ có những người bất ngờ nhận ra Wilshere mới 30 tuổi bởi anh đã chơi bóng và xuất hiện trên truyền thông từ rất sớm.

Ở độ tuổi 30, Wilshere vẫn được đâu đó nhắc tới kèm danh xưng “thần đồng”, điều đó có nghĩa những năm tháng tươi đẹp nhất trong sự nghiệp của anh đã đi qua từ lâu. Sự nghiệp của tiền vệ người Anh như một bông hoa sớm nở nhưng chóng tàn. Mọi nỗ lực trong những năm tháng sau đó nhằm níu kéo lại một sự nghiệp đã đi chệch hướng và không thể nào trở lại đúng quỹ đạo hoàn toàn không có tác dụng. Một cầu thủ Jack Wilshere đẹp nhất chính là anh những năm 18 đôi mươi.

16 tuổi, Wilshere đã được HLV Arsene Wenger trao cơ hội thi đấu trận chính thức đầu tiên cho đội một Arsenal, phá vỡ kỷ lục cầu thủ trẻ nhất ra mắt đội một “Pháo thủ” do Cesc Fabregas nắm giữ trước đó. 10 ngày sau, Wilshere ghi bàn thắng đầu tiên trong một trận đấu chính thức cho Arsenal với pha lập công vào lưới Sheffield United ở League Cup. 

18 tuổi, Wilshere đã có một giai đoạn đá chính liên tục ở trung tâm hàng tiền vệ Arsenal. HLV Fabio Capello của ĐT Anh khi đó ca ngợi tiền vệ của Arsenal chính là “tương lai” của “Tam sư”. 19 tuổi, anh khiến thế giới bóng đá ngỡ ngàng khi thi đấu hoàn toàn đĩnh đạc trước những Sergio Busquets, Andres Iniesta và Xavi của Barcelona. Pep Guardiola nói: “Cậu ấy sở hữu khả năng đặc biệt khi cầm bóng, trong vai trò tiền vệ trụ cậu ấy tự tin rê dắt và tấn công vào các trung vệ”. 

Ngày Jack Wilshere vụt sáng với màn trình diễn ấn tượng trước Barcelona. Ảnh: Getty Images

Màn trình diễn trước Barcelona chính thức đưa cái tên Wilshere vụt sáng trên sân khấu bóng đá thế giới. Thời điểm đó Barca đang trong giai đoạn cực thịnh, và một người khiến những hào thủ của họ phải gặp khó khăn ắt hẳn phải là một cầu thủ sở hữu tiềm năng lớn. Ngày Robin van Persie rời đi, Wilshere được trao chiếc áo số 10 của “Pháo thủ”, và không ít người đã nhắc đến hình ảnh của một người đội trưởng Arsenal trong tương lai giống như hình ảnh của Fabregas.

Trên tạp chí FourFourTwo cách đây một thập kỷ có một series gồm 8 phần mang tên “How to keep possession” (Tạm dịch: Làm thế nào để kiểm soát bóng) mà ở đó Jack Wilshere sẽ chia sẻ những kiến thức, góc nhìn về kỹ thuật chơi bóng và làm thế nào để có thể thực hiện lối chơi kiểm soát bóng. Đó chính là thời điểm Wilshere đang bước ra ánh sáng và được ca tụng là một thần đồng của bóng đá thế giới.

Nhưng 10 năm sau ngày đó, cũng trên FourFourTwo, anh ngậm ngùi chia sẻ số tạp chí phát hành vào tháng 12/2021 như sau: “Tôi đã có quãng thời gian tốt đẹp mùa giải trước sau khi quay lại Bournemouth, nhưng hiện tại tôi đang là cầu thủ tự do. 6 tháng vừa qua thật sự rất khó khăn. Đã lâu rồi tôi không còn tận hưởng bóng đá nữa”.

Wilshere thực sự là của hiếm của bóng đá Anh vào thời kỳ anh mới xuất hiện: một cầu thủ thi đấu đầu óc, kỹ thuật, có nhãn quan và khả năng đọc trận đấu tinh tường. HLV Arsene Wenger gọi anh là “một cầu thủ có trái tim của người Anh và kỹ thuật của người Tây Ban Nha”. Thế nhưng những chấn thương liên miên đã bào mòn thể chất của Wilshere. Mùa giải 2010/11, Wilshere đá 49 trận trên mọi đấu trường cho Arsenal khi chưa bước sang tuổi 20. Thế nhưng, chấn thương cổ chân trong giai đoạn trước mùa giải 2011/12 đã khiến anh phải ngồi ngoài trong toàn bộ mùa bóng đó. Và nó cũng là khởi đầu cho một hành trình sự nghiệp giống như pha lê: đẹp nhưng dễ vụn vỡ. Những màn trình diễn chói sáng mỗi khi ở trên sân, ví dụ như bàn thắng vào lưới Norwich City, ngày càng ít đi.

Những chấn thương đã lấy đi quá nhiều thứ của Jack Wilshere. Ảnh: Getty Images

Một trong những điều khó chịu với các cầu thủ có lẽ chính là việc trong lúc mình đang nằm trong phòng hồi phục thì phải nhìn các đồng đội tập luyện bên ngoài, và quá trình đó cứ kéo dài liên tục, lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Để rồi đến một ngày, anh không thể chịu đựng được nữa khi một bạn học của cậu con trai gọi anh là “Jack Wheelchair” (Jack xe lăn – một cách chơi chữ để châm biếm từ tên của anh). Và ở tuổi 29, thần đồng một thời lâm vào cảnh thất nghiệp khi không có một CLB nào để nương náu.

“Thực sự tôi chưa từng nghĩ mình sẽ ở hoàn cảnh này. Hôm nay tôi chạy bộ và vẫn không nghĩ nổi là mình lại trải qua thời điểm này của sự nghiệp. Mọi người từng bảo tôi: ‘Năm 28, 29 tuổi cậu sẽ đạt đỉnh cao sự nghiệp’. Và thực sự tôi đã nghĩ thế. Trước đây tôi nghĩ ở tuổi này tôi vẫn thi đấu cho đội tuyển Anh và khoác áo một CLB hàng đầu”, Wilshere chia sẻ trên The Athletic vào năm 2021.

Sau tất cả, một sự nghiệp có những rực rỡ nhưng chủ yếu là tiếc nuối đã khép lại. Giờ đây, Wilshere đang chuẩn bị cho một chương mới trong cuộc đời. Theo The Athletic, cựu tiền vệ người Anh chuẩn bị được bổ nhiệm làm HLV đội U18 Arsenal. Có lẽ đó chính là một sự tri ân tốt đẹp mà Arsenal dành cho chàng trai năm nào của mình.

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.