Jack Grealish: Đi theo “Gazza” hay “Wazza”?

Tác giả Thế Trung - Thứ Sáu 06/08/2021 12:01(GMT+7)

Trước Jack Grealish, bóng đá Anh cũng từng có những cầu thủ sở hữu lối chơi khiến tất cả phải phấn khích là Paul Gascoigne và Wayne Rooney. Nhưng mỗi người đã đi một con đường sự nghiệp riêng. Câu chuyện của Grealish là anh sẽ đi theo lối nào.

 
Ở nước Anh, Paul “Gazza” Gascoigne không chỉ đơn thuần là một cầu thủ bóng đá. Ông đã trở thành một biểu tượng văn hóa, một nhân vật đặc biệt với cả tài lẫn tật, một cái tên luôn được công chúng đón nhận bằng sự chất phác và vui vẻ phàm tục. Có người so sánh Gascoigne với Falstaff – nhân vật trong vở “Những người vợ vui vẻ của Windsor” được đại thi hào William Shakespeare miêu tả là một lão béo thân thiện, tính tình phóng đãng, ham chơi, rất thích uống rượu và không phải lúc nào cũng thành thật. 
 
Gascoigne là Flastaff của đời thực nhưng biết đá bóng. Ông chơi thứ bóng đá đẹp đẽ và ông yêu điều đó. Không những thế, Gascoigne còn là một trong những người giỏi nhất mà bóng đá Anh từng sản sinh ra. Ấn tượng về Gazza (đặc biệt là ở Italia 90 và kỳ Euro 6 năm sau đó) sâu đậm đến mức hầu hết cổ động viên Anh Quốc đều coi đó là chuẩn mực dành cho một cầu thủ bóng đá. 
 
Hành trình đi tìm Gazza mới của người Anh đã diễn ra trong nhiều năm. Ban đầu, nó chỉ là niềm hy vọng về một thần đồng nào đó sẽ vụt sáng ở một giải đấu lớn và tiếp nối giấc mơ đưa bóng đá trở về nhà. Dần dần, sự kỳ vọng ngày càng lớn và cũng nặng nề hơn. Nó vô tình trở thành áp lực cho các HLV buộc phải đưa các tài năng trẻ ra trước ánh đèn sân khấu ngay cả khi họ chưa thực sự sẵn sàng. Hơn nữa, không phải cầu thủ nào cũng đủ khả năng bứt phá để trở thành một ngôi sao tầm cỡ thế giới. 

Paul Gascoigne là "của hiếm" của bóng đá Anh một thời. Ảnh: Getty Images
 
Cho đến lúc này, chỉ duy nhất Wayne Rooney là xứng đáng với sự chờ đợi (thậm chí là vượt xa). Biệt danh “Wazza” của Rooney đã nói lên tất cả. Giữa Wazza và Gazza có quá nhiều điểm tương đồng. Họ đều là những cầu thủ xuất chúng và những “tay chơi” thứ thiệt bên ngoài sân cỏ.
 
Nếu Paul Gascoigne từng là “của hiếm” trong thời của mình thì bóng đá Anh hiện tại lại không thiếu những tiền vệ tấn công giỏi. Một trong những người nổi bật nhất, và cũng đang nhận được nhiều sự chú ý nhất, chính là Jack Grealish. Có thể Grealish không dữ dội và “ngổ ngáo” như Gascoigne hay Rooney nhưng người cựu đội trưởng của Aston Villa cũng sở hữu những phẩm chất đặc biệt để một ngày nào đó có thể sánh ngang hàng với hai người đàn anh. 

Mái tóc bóng bẩy (mà Grealish quả quyết là không hề bắt chước trong Peaky Blinders – bộ phim truyền hình nổi tiếng lấy bối cảnh ở chính Birmingham), đôi tất được kéo xuống thấp để lộ ra cặp bắp chân ấn tượng chính là đặc điểm để khán giả dễ dàng nhận ra Jack Grealish. Quan trọng hơn, anh luôn có xu hướng chơi bóng một cách phiêu lưu và đủ khả năng để làm điều đó một cách hiệu quả. 
 
Grealish sở hữu khả năng đi bóng và chuyền bóng tuyệt vời. Anh có thể vượt qua đối phương bằng kỹ thuật của mình, vừa có thể triển khai tấn công ngay từ nhịp chạm đầu tiên sau khi nhận bóng. Ở Premier League mùa giải 2020/2021, Grealish có 6 bàn thắng, 10 đường kiến tạo, tạo ra 81 cơ hội (trong đó có 14 cơ hội ngon ăn), 80 lần dẫn bóng vào vòng cấm đối phương và 110 lần bị phạm lỗi. Đây chỉ là một vài trong số những thống kê nổi bật của Jack Grealish mùa vừa rồi, những thống kê khiến Man City sẵn sàng chi ra 100 triệu bảng để đưa anh về với Etihad.

Wayne Rooney là cầu thủ gần nhất của nước Anh mang đến cảm giác phấn khích mà Gascoigne từng mang tới. Ảnh: Getty Images
 
“Những giải đấu lớn luôn là dấu mốc trong cuộc đời cầu thủ”, Jack Grealish chia sẻ trước khi cùng đội tuyển Anh bước vào Euro 2020, “Mọi người đều nhớ đến Gazza ở Italia 90 nhưng thực tế là ông ấy đã nổi tiếng từ trước đó. Wayne Rooney cũng vậy. Euro 2004 là nền tảng để anh ấy trở thành một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Tôi cũng đang đi theo con đường của họ và hy vọng rằng tôi sẽ có thêm nhiều cơ hội để làm được một điều gì đó”.
 
Thực tế, Euro 2020 mới là giải đấu chuyên nghiệp chính thức đầu tiên nằm ngoài lãnh thổ nước Anh của Jack Grealish. Đây có lẽ là lý do khiến HLV Gareth Southgate sử dụng anh một cách rất hạn chế ở kỳ Euro vừa rồi. Tuy nhiên, nó cũng là nguyên nhân cho sự chờ đợi mà các cổ động viên dành cho Grealish. Người hâm mộ đã quá quen với Harry Kane, Raheem Sterling hay Marcus Rashford. Họ hiểu quá rõ ưu nhược điểm, những gì các ngôi sao này có thể làm gì cho đội tuyển. 
 
Ngược lại, Jack Grealish là một điều bí ẩn thú vị mà tất cả đều muốn khám phá. Câu chuyện này một lần nữa sẽ xảy ra với Grealish ở Manchester City. Từng có cơ hội ra đi trong quá khứ nhưng “Đội trưởng Jack” đã lựa chọn trung thành với Aston Villa – đội bóng thời niên thiếu của anh. Chính vì vậy, Grealish chưa bao giờ biết đến Champions League hay Europa League, chưa bao giờ được trải nghiệm những sân khấu lớn nhất thế giới và sức ép khủng khiếp của chúng. 
 
Đầu tiên là mức giá khổng lồ, tiếp theo là tới sự kỳ vọng lớn lao và sự săm soi của hàng triệu triệu con mắt trên toàn thế giới. Nhưng ở một phương diện nào đó, đây lại là lợi thế của Grealish. Mọi người chưa biết anh có thể và không thể làm gì ở đẳng cấp cao nhất hay nói cách khác, Jack Grealish chưa bị đặt vào những giới hạn cụ thể. 
 
“Tôi nghĩ cậu ấy là cầu thủ người Anh giỏi nhất kể từ thời Bobby Charlton”, HLV Alex Ferguson nói về Paul Gascoigne. “Sau một trận đấu với Newcastle, tôi đã yêu cầu CLB phải đưa cậu ấy về ngay lập tức. Đáng tiếc là Paul Gascoigne đã có một thỏa thuận với Tottenham từ trước. Là một cầu thủ trẻ, rất dễ để bạn bị nuốt chửng bởi những cám dỗ ở London và tôi nghĩ cậu ấy đã mắc một sai lầm lớn. Bản thân Gascoigne sau này cũng nhận ra điều đó”.
 
Trong một buổi phỏng vấn cùng cậu học trò cũ Gary Neville, Sir Alex đã chỉ ra rằng sai lầm của Paul Gascoigne chính là việc chuyển tới London mà không có những người thân thực sự ở bên cạnh. Lối sống tự do đã dần phá hỏng sự nghiệp của một trong những tài năng xuất chúng nhất của bóng đá xứ sở sương mù, người từng được tạp chí FourFourTwo miêu tả là “cầu thủ người Anh tiến gần nhất đến đẳng cấp của Diego Maradona ở Italia 90”. 

Jack Grealish đã chính thức rời khỏi "cái ao nhỏ" Aston Villa để tới "biển lớn" Man City. Ảnh: Manchester City
 
Chiến lược gia người Scotland khẳng định nếu tới Man United thay vì Tottenham, Gascoigne sẽ được bảo vệ tốt hơn bởi những người đàn anh như Bryan Robson, Steve Bruce hay Gary Pallister. Đây cũng là điều đáng để cân nhắc dù Jack Grealish đã ở một độ tuổi đủ chín chắn và Manchester không thể so với London về độ sầm uất. 
 
Tất nhiên, tâm lý học thể thao lúc này đã phát triển hơn rất nhiều so với cách đây hơn 30 năm. Các CLB luôn có chuyên gia tâm lý – những người sẽ đảm bảo cho sự hòa nhập nhanh chóng và lành mạnh cho các tân binh. Hơn nữa, Pep Guardiola biết phải làm gì để biến Jack Grealish trở thành ngôi sao đẳng cấp thế giới.
 
Mùa hè năm 1988, Paul “Gazza” Gascoigne chia tay đội bóng thuở niên thiếu Newcastle để tới Tottenham Hotspur với số tiền chuyển nhượng kỷ lục cho một cầu thủ người Anh thời đó là 2,2 triệu bảng. Mùa hè năm 2004, Wayne “Wazza” Rooney rời CLB quê hương Everton để chuyển sang khoác áo Manchester United bằng bản hợp đồng trị giá 27 triệu bảng – mức giá cao nhất dành cho một cầu thủ dưới 20 tuổi lúc bấy giờ. 
 
Mùa hè năm 2021, Jack Grealish đã chia tay đội bóng ở nơi mình sinh ra để trở thành cầu thủ đắt giá nhất trong lịch sử Premier League. Sở hữu Aston Villa là những ông chủ giàu có nhưng 100 triệu bảng quả thực là lời đề nghị không thể từ chối. Tất cả đều đã nhìn thấy Rooney thành công như thế nào hay Gascoigne thất bại ra sao. Đi theo con đường của Gazza hay Wazza hay của riêng mình, mọi thứ lúc này phụ thuộc hoàn toàn vào Jack Grealish. 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.