Isco: Từ người nghệ sĩ đẳng cấp thế giới đến gã thất nghiệp ở tuổi 30

Tác giả Nam Khánh - Thứ Năm 30/03/2023 15:46(GMT+7)

Câu chuyện này đã có một sự khởi đầu đầy sáng sủa. Sau khi cập bến Santiago Bernabeu với mức phí chuyển nhượng 30 triệu Euro vào mùa hè năm 2013, Isco đã nhanh chóng chinh phục được các fan Real Madrid với năng lực và phong cách chơi bóng của mình.

 

Khi ấy, ở tuổi 21, anh chính là tân binh đầu tiên của Los Blancos dưới thời HLV trưởng Carlo Ancelotti, nhưng cả nhà cầm quân người Italy và Zinedine Zidane, nhân vật đã thay thế Rafael Benitez ngồi vào chiếc ghế thuyền trưởng vào tháng 1 năm 2016, đều từng gặp khó khăn trong việc “lắp ghép” anh vào đội hình chính của Real Madrid, đặc biệt là khi bộ ba Gareth Bale, Karim Benzema và Cristiano Ronaldo đều sẵn sàng xung trận. 

Tuy nhiên, sự can đảm và cá tính của chàng trai này vẫn có thể giúp cho tài năng sáng tạo mà anh sở hữu trở nên hữu ích đối với đội bóng. Anh đã cùng Real Madrid đăng quang Champions League 4 lần trong 5 mùa giải đầu khoác áo CLB này, được đá chính trong những chiến thắng mà họ giành được ở các trận chung kết với Juventus (2017) và Liverpool (2018).

Vào năm 2017, khi Isco bước sang tuổi 25, anh đã thực sự chạm đến đỉnh cao phong độ của sự nghiệp tại Real Madrid. Ngôi sao người Tây Ban Nha đã ghi được 12 bàn trên mọi đấu trường trong 12 tháng của năm đó – thành tích tốt nhất trong số các tiền vệ ở La Liga. 

Nhưng năm 2017 cũng chính là thời điểm mà đã có rất nhiều sự nghi ngờ xoay quanh tương lai của anh được dấy lên. 

Quá trình đàm phán gia hạn bản hợp đồng sẽ hết hạn vào tháng 6 năm 2018 của anh với ban lãnh đạo Real Madrid đã kéo dài nhiều tháng. Bên cạnh đó, đã xuất hiện rất nhiều lời đồn thổi trong giới truyền thông Tây Ban Nha về những lời mời đến từ các ông lớn nước ngoài dành cho Isco, bao gồm Juventus, Liverpool và Manchester City, thậm chí còn có lời đồn nói rằng Barcelona có thể cám dỗ anh vượt qua ranh giới Clasico để chuyển đến Camp Nou. 

Cơn bão tin đồn đó đã kết thúc vào tháng 9 năm 2017, sau khi Isco chấp nhận ký vào một bản hợp đồng mới có điều khoản giải phóng lên đến 700 triệu Euro và kiếm về cho anh 6 triệu Euro sau thuế mỗi năm. Nó đã đưa anh lên một nấc thang tương đối cao trong hóa đơn trả lương của Real Madrid, ngang hàng với các tiền vệ đồng nghiệp Toni Kroos và Luka Modric. 

Một diễn biến trông có vẻ đầy tích cực khác đã được ban lãnh đạo CLB thực hiện theo sau là động thái bổ nhiệm Julen Lopetegui, người thầy của Isco tại đội tuyển U-21 Tây Ban Nha và sau đó là ĐTQG Tây Ban Nha, vào chiếc ghế HLV trưởng của Los Blancos vào mùa hè năm 2018. Nhưng Lopetegui đã bị sa thải chỉ sau 14 trận đấu, và Santiago Solari trở thành thuyền trưởng tạm quyền. 

Solari tin rằng đường lối tốt nhất dành cho đội bóng khi ấy là trao cơ hội cho những tài năng trẻ bao gồm tiền đạo 18 tuổi Vinicius Junior và tiền vệ 20 tuổi Federico Valverde, đồng thời gạt sang một bên những cựu binh đang kiếm được rất nhiều tiền nhưng chẳng có tinh thần làm việc chăm chỉ. 

Isco rõ ràng không hài lòng với cách mình bị đối xử dưới thời Solari và đã công khai từ chối bắt tay vị HLV trưởng tạm quyền này sau một trận thua 0-3 trước Eibar trên sân khách vào tháng 11. Anh cũng đã sử dụng mạng xã hội để trút tâm sự, đăng tải một đoạn tweet nói rằng mình đang “không được trao cho những cơ hội giống như các đồng đội khác”, đây rõ ràng là một lời phàn nàn nhắm thẳng đến nhà cầm quân người Argentina.

 

Cuộc cách mạng của Solari chỉ kéo dài vỏn vẹn 4 tháng trước khi ông bị sa thải. Zinedine Zidane đã tái ngộ với Real Madrid để bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình trên chiếc ghế thuyền trưởng của CLB này vào tháng 3, và ngay lập tức đưa Isco và hậu vệ cánh Marcelo trở lại với vị thế “trọng thần” của đội. 

Tuy nhiên, thời gian đã chứng minh rằng Solari đã đúng. 

Isco đã ngày càng tụt dốc xa hơn khỏi các tiêu chuẩn của đội một. Khi bước vào giai đoạn cuối độ tuổi nhị tuần, anh chẳng còn cho thấy khả năng đáp ứng những yêu cầu về thể chất của các HLV. Ngay cả người đồng đội Marcelo cũng đã công khai cảnh cáo tiền vệ người Tây Ban Nha rằng anh cần phải tập luyện chăm chỉ hơn. 

Những vấn đề về chiến thuật cũng đã phát sinh. Isco thích được hoạt động tự do tại vị trí số 10, nhưng đây là một vai trò đã chẳng còn được ưa dùng trong bóng đá hiện đại, đây là một sự thật mà những người đồng đội cũ của anh tại Real Madrid là Mesut Ozil và James Rodriguez – hai cầu thủ kiến thiết kiệt xuất – cũng đã lĩnh hội được theo một cách đầy đau đớn. 

“Chuyện này thật đau lòng, bởi vì tôi rất yêu quý họ,” Zidane tâm sự vào cuối năm 2020 trong khi đề cập đến Isco và Marcelo. “Tôi sẽ không bao giờ quên những gì đã trải qua cùng họ. Nhưng giờ thì họ phải tự giành lấy suất ra sân bằng sự nỗ lực thôi.”

Zidane đã tiếp tục trao cho Isco một vài cơ hội, khi anh được đá chính trong trận El Clasico diễn ra trên sân khách vào tháng 12 năm 2019, và trong trận đấu trên sân nhà với đối thủ Manchester City tại vòng 16 đội Champions League vào tháng 2 năm 2020. Nhưng rốt cuộc, tiền vệ người Tây Ban Nha đã phải dành rất nhiều thời gian trên băng ghế dự bị, trong khi bản hợp đồng mà anh đã ký kết vào năm 2017 vẫn còn thời hạn đáng kể.  

Vào mùa hè năm 2021, ban lãnh đạo của Real Madrid đã tỏ ra rất sẵn lòng loại Isco ra khỏi “biên chế” CLB. AC Milan đã gửi đến tiền vệ này một lời đề nghị, nhưng anh đã khước từ vì không chấp nhận mất đi một khoản đãi ngộ lớn. 

Khi Ancelotti quay lại Los Blancos từ Everton vào tháng 6 năm đó, ông đã trao cho Isco một cơ hội để chứng minh bản thân vẫn có thể trở nên hữu ích đối với đội bóng. Anh đã được đá chính 2 trong 3 trận đầu của La Liga 2021-22 nhưng không thể gây ấn tượng. Và mặc dù mối quan hệ giữa hai người vẫn tốt đẹp, nhưng hoàn cảnh của Isco giờ đây đã khác trước rất nhiều. Anh đã không nhận được lời đề nghị gia hạn hợp đồng nào và biết rằng mình sẽ phải ra đi. 

Anh chỉ được đá chính thêm một trận nữa tại La Liga trong toàn bộ mùa giải, và không chơi một phút nào ở Champions League mặc dù có tên trên băng ghế dự bị 9 lần. Vì vậy, khi bản hợp đồng ký kết vào năm 2017 sắp hết hạn vào tháng 6 năm ngoái, rõ ràng là Madrid hoàn toàn không hề có ý định tiếp tục gắn bó với Isco. 

Khi Ancelotti trở lại thì tình hình phong độ của Isco vẫn không có nhiều biến chuyển

Isco và những người đại diện của anh, khi ấy có cả siêu cò Jorge Mendes, đã tự tin rằng sẽ có một CLB lớn thuộc đẳng cấp Champions League khác muốn có sự phục vụ của anh, có thể là một đội bóng bên ngoài Tây Ban Nha. Nhưng cuối cùng, Isco đã chọn ở lại quê hương với quyết định gia nhập Sevilla, một đội bóng cũng có khả năng giành vé dự Champions League, với những đãi ngộ được hưởng ít hơn đáng kể so với tại Real Madrid. 

Một phần nguyên nhân của quyết định này chính là cơ hội tái ngộ với Lopetegui, người đã cố hết sức để đưa anh đến Sevilla bất chấp sự phản đối từ giám đốc thể thao Monchi của họ. 

Một số người biết rõ về Isco của thuở còn chơi cho Madrid đã tự hỏi liệu giờ đây anh có sẵn lòng cố gắng tập luyện chăm chỉ hơn và cho mọi người thấy rằng mình vẫn là một cầu thủ hàng đầu hay không. Isco đã ngay lập tức được trọng dụng, nhưng Sevilla chỉ giành được 1 chiến thắng trong 10 trận đầu tiên trên mọi đấu trường, và Lopetegui đã bị sa thải vào đầu tháng 10. 

Vị thuyền trưởng tiếp theo là Jorge Sampaoli cũng đã chọn đặt niềm tin vào Isco trong hầu hết các trận đấu trước khi bóng đá cấp CLB tạm hoãn để nhường sân khấu cho World Cup vào tháng 11, nhưng rõ ràng là tiền vệ người Tây Ban Nha không hề phù hợp với cả đội bóng lẫn những ý tưởng chiến thuật của ông. Và rõ ràng là việc loại bỏ khoản lương hậu hĩnh của Isco ra khỏi sổ sách sẽ là một động thái rất hữu ích đối với mục tiêu cải tổ đội hình trong kỳ chuyển nhượng tháng 1. 

Khi Lopetegui không còn bên cạnh, Isco và Monchi đã có một cuộc tranh cãi gay gắt trên sân tập vào tháng 12, ngay trước mặt các cầu thủ khác. Không có gì bất ngờ với việc ngay sau đó Sevilla đã thông báo rằng Isco sẽ rời khỏi CLB với tư cách một cầu thủ tự do, vào thời điểm chỉ mới 6 tháng trôi qua trong một bản hợp đồng 2 năm. 

Monchi đã công khai tuyên bố rằng CLB đã “mắc sai lầm” khi ký hợp đồng với Isco, và sẽ là “một sai lầm trầm trọng khác” nếu không kết thúc mối duyên này vào tháng 1. 

Isco tiếp tục có những ngày tháng sống trong bất hòa kể cả khi chuyển đến Sevilla

Vào thời điểm đó, Isco đã được nhận định là một mục tiêu khả thi về mặt tài chính dành cho CLB Union Berlin ở Bundesliga, họ đã sớm thể hiện sự quan tâm của mình trong kỳ chuyển nhượng mùa đông, nhưng các cuộc đàm phán đã dần “nguội đi” trong bối cảnh xuất hiện rất nhiều lời bàn tán nói rằng ưu tiên của tiền vệ người Tây Ban Nha là tới chơi bóng ở Major League Soccer trước khi mùa giải kéo dài từ tháng 3 đến tháng 11 của Bắc Mỹ khởi tranh.

Tuy nhiên, rốt cuộc kế hoạch MLS cũng đã không thể trở thành sự thật, một phần nguyên nhân là vì bất kỳ CLB nào muốn có được sự phục vụ của Isco đều phải đáp ứng cho tiền vệ này các khoản đãi ngộ gần bằng với những gì mà anh kiếm được ở châu Âu. 

Do đó, khi kỳ chuyển nhượng mùa đông sắp kết thúc, Isco đã buộc phải nối lại đàm phán với Union Berlin, và hai bên đã thống nhất được một thỏa thuận miệng để đưa Isco tới thủ đô nước Đức vào đêm thứ Hai, ngày 30 tháng 1, để tiến hành kiểm tra y tế và ký hợp đồng. Nhưng vào ngày thứ Ba, ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng, sau khi tiền vệ người Tây Ban Nha vượt qua các bài kiểm tra y tế và chuẩn bị đặt bút ký hợp đồng, thương vụ này đã bất ngờ đổ vỡ bởi vì, theo chia sẻ từ đoàn tùy tùng của Isco, các điều kiện xoay quanh nó đã thay đổi. 

Ban đầu, Isco đã được thúc đẩy mạnh mẽ bởi cơ hội được thi đấu ở đấu trường châu Âu, vì Union Berlin vẫn đang bám trụ được ở sân chơi Europa League (họ sẽ đánh bại Ajax để lọt vào vòng 16 đội), nhưng sau đó – theo như các nguồn tin giấu tên từ CLB này tiết lộ – Union đã nói với tiền vệ người Tây Ban Nha rằng anh sẽ không thể chơi cho họ ở sân chơi này, bởi vì họ đã “chốt sổ” đội hình tham dự giải đấu. Các nguồn tin này cũng nói thêm rằng, hai bên đã nảy sinh những mâu thuẫn về số lượng các biến số tài chính nằm trong bản hợp đồng được đề xuất. 

“Mặc dù rất muốn có được sự phục vụ của Isco, nhưng chúng tôi có những giới hạn riêng. Hôm nay, chúng đã bị phá vỡ, trái với những gì đã thỏa thuận trước đó. Vì vậy, vụ chuyển nhượng sẽ không thể hoàn tất,” giám đốc thể thao Oliver Ruhnert của CLB thông báo.

Chàng nghệ sĩ tài hoa Isco giờ đây lại phải ở trong tình cảnh "thất nghiệp"

Và đó chính là câu chuyện phía sau tình cảnh thất nghiệp của Isco sau ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng tháng 1.

Kể từ đó, anh đã tiếp tục nhận được những lời đề nghị từ các CLB ở Saudi Arabian và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cũng có một số sự quan tâm từ La Liga. Nhưng vẫn chưa có bất cứ điều gì được hiện thực hóa cả. Đã có những tin tức xuất hiện vào đầu tháng này nói về khả năng chuyển đến Flamengo của Brazil, nhưng các đại diện của Isco đã cực lực phủ nhận chuyện này. 

Trong khi đó, Isco đang phải tập luyện tại nhà cùng một HLV thể lực, chờ đợi tiếng chuông điện thoại. 

Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào những lời đề nghị xuất hiện trước mùa hè và sự kiên nhẫn của một cầu thủ sẽ bước sang tuổi 31 vào tháng tới. Theo chia sẻ từ các nguồn tin thân cận với Isco, anh vẫn muốn chinh chiến tại một giải đấu của châu Âu.

Tuy nhiên, phương án MLS không hề bị loại trừ. 

Theo Guillermo Rai và Dermot Corrigan, The Athletic 

 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.