Một buổi chiều cuối tháng 4 tại Barcelona, khi ấy chỉ còn bảy tuần nữa là đến Euro 2024 được tổ chức tại Đức. Ilkay Gundogan, 33 tuổi, đang ngồi trong một quán bar khách sạn ở tầng 18 của một tòa nhà cao tầng, uống nước và cà phê. Sân Camp Nou, sân nhà của CLB Barcelona, nơi Gundogan đã khoác áo được gần một mùa giải, nằm trong tầm nhìn.
|
Ilkay Gundogan có cha mẹ là người Thổ Nhĩ Kỳ, anh sinh ra và lớn lên ở Gelsenkirchen (Đức). Tại Euro 2024, anh sẽ chỉ huy tuyển Đức với tư cách đội trưởng. Đó sẽ là một cột mốc!
Mức độ nhạy cảm của chủ đề này được thể hiện rõ vài tuần sau đó. Trong một cuộc khảo sát của kênh truyền hình WDR, 21% người được hỏi cho biết họ muốn có nhiều cầu thủ da trắng hơn trong đội hình tuyển Đức. Chưa hết, 17% thấy tiếc vì Gundogan, một cầu thủ gốc Thổ Nhĩ Kỳ, là đội trưởng.
Hãy cùng tạp chí nổi tiếng Der Spiegel của Đức đến với cuộc phỏng vấn độc quyền cùng Ilkay Gundogan, được đăng tải chỉ vài ngày trước khi Euro 2024 khởi tranh.
Xin chào Gundogan, anh sẽ trở thành thủ quân đầu tiên của ĐTQG Đức ở một giải đấu với lý lịch là người nhập cư. Điều đó có ý nghĩa gì đối với anh?
Đúng vậy, đó là một cảm giác rất tuyệt khi được đeo băng đội trưởng màu đen, đỏ, vàng trên tay.
Chỉ vậy thôi à?
Trước đây, ước mơ của tôi là trở thành một tuyển thủ quốc gia. Giờ đây, tôi được chỉ huy đội tuyển tại một kỳ Euro tổ chức trên sân nhà. Điều đó khiến tôi vô cùng tự hào. Đối với tôi, thật bất ngờ khi Hansi Flick bổ nhiệm tôi làm đội trưởng vào năm 2023, ngay trước trận đấu cuối cùng của ông ấy. Sau khi ông ấy ra đi, mọi thứ lại trở nên không chắc chắn. Việc Julian Nagelsmann xác nhận tôi tiếp tục làm đội trưởng là một sự ghi nhận.
Anh là đội trưởng gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở một đất nước đang có xu hướng dịch chuyển sang cánh hữu. Điều này có ảnh hưởng gì đến anh không?
Tôi không muốn tự đề cao mình trong vấn đề này. Tôi không trở thành đội trưởng vì tôi là người nhập cư. Cái này không liên quan gì đến cái kia. Mọi thứ phụ thuộc vào cách nhìn nhận của đồng đội và HLV trưởng. Bạn chỉ trở thành đội trưởng khi đồng đội của bạn coi bạn là người giỏi, cởi mở, trung thực và ghi nhận bạn. Sự ghi nhận này dành cho những gì tôi thể hiện trên cương vị một con người, chứ không phải nguồn gốc của tôi.
Mặt khác, tỷ lệ người nhập cư ở Đức chiếm gần 30%.
Tôi hiểu rằng cần có những người như tôi ở các vị trí lãnh đạo, vì điều đó phản ánh một thực tế mới ở Đức. Chúng ta có thể trông khác nhau, nhưng chúng ta đều là người Đức. Tôi biết rằng tôi có thể là một tấm gương sáng. Nhưng tôi không muốn nhấn mạnh điều đó quá nhiều.
Tại sao không?
Vì tôi thấy thú vị hơn khi so sánh động lực của một đội bóng với xã hội. Anh có thể thấy, ở Barcelona hay ĐTQG Đức của chúng ta, các cầu thủ chuyên nghiệp đến từ nhiều nguồn gốc khác nhau và thi đấu cùng nhau. Tuy nhiên, họ luôn đối xử nhau rất tốt.
Khó có thể so sánh: Vì trong một đội bóng, gần như tất cả mọi thành viên đều trạc tuổi nhau và mục tiêu thường giống nhau, không giống như trong xã hội.
Đúng vậy, nhưng tôi thấy như vậy thật đáng tiếc. Nếu điều đó có thể xảy ra ở một đội bóng, nơi mỗi người đều có lợi ích riêng và áp lực cao, thì tại sao lại không thể xảy ra trong một quốc gia? Đó là điều tôi mong muốn.
Ký ức đầu tiên của anh về ĐTQG Đức là gì?
Bàn thắng vàng của Oliver Bierhoff trong trận chung kết Euro 1996. Khi đó tôi mới 5 tuổi và có một chiếc áo đấu tuyển Đức, cũng như một chiếc áo đấu của tuyển Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi luôn cổ vũ cho cả hai đội trong các giải đấu lớn. Nhưng điều khiến tôi ấn tượng nhất là World Cup 2006 trên sân nhà.
Tại sao vậy?
Khi đó tôi đã là một thiếu niên, đã ngồi hàng giờ cùng bạn học ở Gelsenkirchen để xem truyền hình trực tiếp và bị thu hút bởi việc rất nhiều người từ nhiều quốc gia khác nhau có thể vui vẻ bên nhau. Tâm trạng đó đã mang đến cho tôi một cảm giác hoàn toàn mới về nước Đức.
Lúc đó, khẩu hiệu “chủ nghĩa yêu nước vô tư” đã xuất hiện.
Tôi chỉ đơn giản cảm nhận được tinh thần ái quốc đặc biệt đã nảy sinh trong suốt quãng thời gian ấy. Bầu không khí năm 2006 cũng có liên quan đến việc đội tuyển chúng ta đã tiến rất sâu, dù trước đó không ai kỳ vọng như vậy. Bây giờ, với tư cách là một cầu thủ thi đấu tại giải đấu trên sân nhà, tôi cảm thấy trách nhiệm của chúng tôi là lặp lại điều đó.
Tuổi thơ của anh như thế nào ở Gelsenkirchen vào những năm 90?
Khi tôi 3 tuổi, cha mẹ tôi đã đăng ký cho tôi và người em sinh đôi vào một CLB bóng đá. Từ đó, trong suốt tuổi thơ của tôi, chỉ có hai thứ: trường học và bóng đá. Chúng tôi đá bóng trên những con đường nhựa vào buổi chiều và sút bóng vào cửa nhà để xe. Đó là 15, đôi khi là 20 đứa trẻ với những nguồn gốc hoàn toàn khác nhau cùng chơi bóng. Có tiếng Đức, nhưng cũng có tiếng Ả Rập, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, tiếng Á. Đó là nước Đức mà tôi lớn lên.
Anh đã sống ở quận nào?
Ở Hessler. Quận này ít có người Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1979, ông nội tôi đã rất coi trọng việc hai con trai của ông, khi đó 14 và 16 tuổi đến Đức, làm sao có thể học tiếng Đức nhanh chóng để sớm hòa nhập. Ông tôi đã có chủ ý chọn Hessler. Cha mẹ tôi cũng tiếp tục làm y như vậy với hai anh em tôi. Họ không muốn chúng tôi chỉ sống khép kín trong cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ và không rành tiếng Đức. Họ muốn chúng tôi hòa nhập. Và để hòa nhập, trước tiên là thông qua ngôn ngữ.
Ở nhà, anh cũng nói tiếng Đức chứ?
Em trai và tôi chỉ nói tiếng Đức với nhau, cha mẹ tôi thì nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Cha mẹ muốn chúng tôi thành thạo cả hai ngôn ngữ, nhưng dĩ nhiên chuyện đó không phải lúc nào cũng suôn sẻ như ý họ.
Tại sao vậy?
Ngay cả khi đi du lịch ở Thổ Nhĩ Kỳ, em trai và tôi vẫn nói tiếng Đức. Một lần, chúng tôi đến một khu chợ và muốn mua những chiếc áo bóng đá fake. Giá cho người bản địa rẻ hơn nhiều so với du khách. Và tôi trông khá giống người Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng khi mặc cả giá với người bán hàng, vì thói quen, tôi đã nói gì đó bằng tiếng Đức với em trai. Cuối cùng, chúng tôi buộc phải trả cái giá dành cho khách du lịch, cao gấp đôi giá bình thường. Cha mẹ tôi rất tức giận. (cười)
Cha mẹ anh đã nói chuyện với anh về chủ đề nhập cư như thế nào?
Họ rất coi trọng việc chúng tôi hòa nhập tốt nhất có thể, nhưng đồng thời họ cũng muốn chúng tôi không quên nguồn gốc và truyền thống Thổ Nhĩ Kỳ của mình.
Cha mẹ anh định nghĩa thế nào về khái niệm “hòa nhập”?
Đó là việc chúng tôi chủ yếu thích nghi với văn hóa Đức – không chỉ về ngôn ngữ mà còn về nhiều nghi lễ. Tôi sẽ lấy một ví dụ: Mặc dù tôi là người Hồi giáo, nhưng tôi có rất nhiều kỷ niệm đẹp về lễ Giáng sinh từ thời thơ ấu. Bên cạnh CLB bóng đá của tôi, cha mẹ tôi cũng đã đăng ký cho tôi tham gia một trường dạy nhảy khi còn nhỏ. Đến tháng 12, luôn có một bữa tiệc Giáng sinh ở đó, nơi ông già Noel (Thánh Nicholas) và Knecht Ruprecht (người đồng hành cùng Thánh Nicholas trong truyền thống Đức) cùng xuất hiện. Những kỷ niệm ấy lại là thứ mà tôi sẽ không thể biết nếu chỉ ở nhà của cha mẹ. Giáng sinh luôn là một dịp lễ đặc biệt và đáng trân trọng đối với gia đình tôi.
Nhiều gia đình nhập cư khi đến Đức vẫn dành tình cảm cho những CLB từ Thổ Nhĩ Kỳ. Gia đình anh thì sao?
Cả gia đình tôi đều là fan của Galatasaray, ngoại trừ mẹ tôi. Bà ấy là fan của Fenerbahce và vì vậy, mẹ tôi thường ít có niềm vui hơn (cười). Tôi cũng có bộ chăn ga gối đệm Galatasaray.
Nhìn vào ĐTQG năm 1996 và 2006, chúng ta thấy hầu hết chỉ có cầu thủ da trắng thi đấu, từ Bierhoff đến Michael Ballack và Philipp Lahm. Anh có cảm thấy được đại diện bởi họ không?
Khi còn nhỏ, thần tượng của tôi là Hamit và Halil Altintop. Giống như tôi, họ đến từ Gelsenkirchen và có cha mẹ là người Thổ Nhĩ Kỳ. Họ trông giống tôi và rất thành công ở Bundesliga.
Hai anh em Altintop chọn thi đấu cho ĐTQG Thổ Nhĩ Kỳ. Mãi đến năm 2009, Mesut Ozil và sau đó là anh mới gia nhập tuyển Đức. Ngày nay, những đứa trẻ nhập cư có cảm thấy ý nghĩa màu cờ sắc áo tuyển Đức nhiều hơn so với anh trước đây không?
Có thể. Nhưng cũng có thể là trẻ em gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức cảm thấy được các tuyển thủ Thổ Nhĩ Kỳ đại diện nhiều hơn so với tôi ở tuyển Đức. Và điều đó hoàn toàn bình thường. Mỗi người có cảm giác về sự gắn kết khác nhau, và chúng ta phải có thể chấp nhận điều đó ở Đức. Khi còn nhỏ, tôi luôn mong muốn được thuộc về một nơi nào đó.
Anh có bao giờ cảm thấy mình không thuộc về ĐTQG Đức?
Có những thời điểm tôi hiểu những lời chỉ trích dành cho lối chơi của mình, như thể một số người chỉ đơn giản là không muốn tôi góp mặt. Điều đó thực sự tổn thương. Tuy nhiên, sau đó tôi nhận ra rằng đó không phải là vấn đề chung, mà chỉ là do tôi có một trận đấu tồi tệ.
Mong muốn được hòa nhập có thúc đẩy anh không?
Tôi nghĩ vậy. Tôi đã xa nhà từ rất sớm. Đến một lúc nào đó, tôi bắt đầu định nghĩa giá trị bản thân mình dựa trên thành tích thể thao. Giá trị càng cao, tôi càng được chấp nhận. Nếu anh hỏi tôi có hy vọng rằng những đứa trẻ có nguồn gốc nhập cư nhìn thấy chính mình trong tôi hay không, thì tôi sẽ trả lời: Có, rất muốn là đằng khác. Nhưng những đứa trẻ đó cũng nên lấy tôi làm tấm gương để học tập từ những sai lầm.
Vào năm 2018, anh cùng với Ozil đã tạo nên một vấn đề chính trị: Các anh đã chụp ảnh với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan
trước thềm World Cup tại Nga?
Trong đội tuyển và Liên đoàn bóng đá Đức (DFB), tôi không cảm thấy mình bị xa lánh. Các đồng đội, HLV và quan chức đều biết tôi là người như thế nào. Tuy nhiên, bên ngoài đội tuyển, mọi thứ thực sự khó khăn với tôi. Những phản ứng của dư luận phần nào khiến tôi khó lòng chấp nhận.
5 năm sau, anh được bầu chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất năm của Đức. Một sự thay đổi đáng kinh ngạc.
Khi đó tôi tự nhủ: Mình sẽ không bỏ cuộc. Mình phải chứng minh bản thân, cả về mặt con người.
Anh có nhớ mình đã gọi điện cho ai đầu tiên sau khi Hansi Flick lựa chọn anh làm đội trưởng vào năm 2023 không?
Tôi nhớ là không ai cả. Khi về nhà tôi mới kể cho vợ mình nghe. Nhưng tôi thấy việc gọi điện cho ai đó chỉ vì chuyện này là rất kỳ. Tôi không muốn khoe khoang. Vài người thân trong gia đình tôi thậm chí chỉ biết tin qua báo chí.
Chúng tôi nghĩ rằng ít nhất anh cũng sẽ nói trực tiếp với cha mẹ mình. Bởi vì họ đặc biệt quan tâm đến việc anh hòa nhập ở Đức.
Khi họ biết tin, họ đã rất tự hào. Nhưng đồng thời, họ cũng nói với tôi rằng điều đó có nghĩa là tôi phải càng có trách nhiệm hơn. Cha mẹ tôi có phần truyền thống. Đối với họ, làm thủ lĩnh đồng nghĩa với việc luôn phải mạnh mẽ.
Vậy đối với anh, làm thủ lĩnh có nghĩa là gì?
Tôi tin rằng ngày nay, bạn có thể và phải chỉ huy một đội theo nhiều cách khác nhau. Việc chỉ thể hiện sự mạnh mẽ là điều vô nghĩa.
Trong trận giao hữu với Hà Lan vào tháng 3, hậu vệ trái người Đức và là tân binh Maximilian Mittelstadt đã mắc sai lầm nghiêm trọng sau một quả ném biên, dẫn đến bàn thua đầu tiên. Sau đó, anh đã tiến đến Mittelstadt. Anh đã nói gì?
Tôi không thích việc ôm ấp đồng đội một cách tượng trưng hoặc quát nạt họ chỉ vì một số người nghĩ rằng đó là điều mà một thủ lĩnh nên làm. Tôi là người thiên về những sự phân tích hơn. Tôi đã nói với Maxi vào lúc đó rằng hãy dành nhiều thời gian hơn cho quả ném biên tiếp theo. Mục tiêu của tôi là đưa ra sự hỗ trợ cụ thể nhất có thể.
Trong sự nghiệp thi đấu của mình, anh từng được chỉ huy bởi một số đội trưởng xuất sắc. Có ai khiến anh đặc biệt ấn tượng không?
Vincent Kompany tại Manchester City là một người thủ lĩnh tuyệt vời.
Kompany hiện là tân HLV trưởng của Bayern. Khi còn là cầu thủ, anh ấy là một hậu vệ cao lớn và cứng cỏi. Điều gì ở Kompany khiến anh ấn tượng nhất?
Anh ấy có phong thái của một đội trưởng như người ta từng hình dung trước đây, nhưng cũng có những phẩm chất tính cách cần thiết trong thời đại ngày nay. Điều đặc biệt ở Vincent là sự chân thành của anh ấy. Các đồng đội nhanh chóng nhận ra liệu một người đội trưởng có trung thực với bản thân và người khác hay không. Nếu anh ta mắc lỗi trong tập luyện, anh ta thích la mắng một cầu thủ trẻ hơn? Hay anh ta nói: Xin lỗi, lỗi của tôi? Vincent không bao giờ ngần ngại làm điều đó. Và tôi cũng vậy. Đặc biệt thế hệ trẻ ngày nay sẽ tôn trọng bạn hơn nếu bạn là người sống chân thực. Họ thông minh hơn nhiều so với chúng ta trước đây.
Khi anh còn trẻ, mọi thứ như thế nào?
Khi tôi chơi cho Nurnberg ở tuổi 18, đội trưởng của chúng tôi Raphael Schafer từng cho tôi đo ván trong tập luyện, mặc dù quả bóng cách xa 50 mét. Chỉ vì anh ấy muốn cho tôi thấy tôi đã sai ở đâu. Đối với tôi, đó là một bài học bổ ích vào thời điểm đó. Nhưng ngày nay bạn không thể chỉ huy một đội theo cách như thế nữa.
Sau khi bị loại khỏi Champions League với Barcelona, không khí trong phòng thay đồ có vẻ đã xáo động vì anh chỉ trích người đồng đội Ronald Araujo vì tình huống thẻ đỏ, ngay trong một cuộc phỏng vấn. Giọng điệu của báo chí địa phương khi ấy là: Có lẽ anh đúng, nhưng anh không nên công kích đồng đội của mình một cách công khai.
Nếu xem xét toàn bộ bài phỏng vấn, tôi đã nói về chúng tôi như một đội chứ không chỉ về Ronald. Bản thân tôi cũng mắc nhiều sai lầm và tôi cũng thừa nhận điều đó. Nếu bạn không sẵn sàng cho điều đó, bạn không thể thành công.
Trong sự nghiệp của mình, anh đã trải qua dưới sự dẫn dắt của nhiều hình mẫu lãnh đạo khác nhau, đều là những HLV hàng đầu. Ví dụ như Jurgen Klopp và Thomas Tuchel ở Dortmund, Pep Guardiola ở Manchester. Có một đặc điểm nào chung cho tất cả họ không? Một bí quyết nào đó của những HLV hàng đầu?
Điều phân biệt một HLV hàng đầu với một HLV trung bình là họ nhận ra điều gì thực sự cần thiết cho đội bóng của mình. Một số đội bóng cần cách tiếp cận tình cảm và có sự đồng cảm hơn, những đội khác cần chủ yếu tập luyện và chiến thuật. Đó là điểm khác biệt giữa Klopp và Guardiola. Cả hai đều nhận ra điểm mạnh của mình trong việc huấn luyện một đội bóng vào một thời điểm nào đó, và sau đó lựa chọn cầu thủ một cách có chủ đích. Klopp chọn những người muốn được khơi gợi cảm xúc, Guardiola chọn những người tìm kiếm chỉ dẫn rõ ràng trên sân. Đó là lý do tại sao họ thành công như vậy.
Sau khi giải nghệ, anh sẽ theo đuổi sự nghiệp huấn luyện. Nếu được chọn một phẩm chất từ mỗi HLV hàng đầu từng kinh qua, anh sẽ chọn gì?
Từ Pep, đó chắc chắn là trí thông minh trong bóng đá; từ Klopp, đó là uy quyền của người cha; từ Tuchel, đó là nội dung tập luyện và sự quan tâm đến từng chi tiết. Ví dụ, Tuchel luôn chú ý đến tư thế bàn chân khi đón bóng và dẫn bóng.
Anh muốn trở thành một HLV như thế nào: Giống Guardiola hơn hay Klopp hơn?
Tôi muốn trở thành một HLV có thể thấu hiểu tốt cầu thủ của mình, nhưng cũng phải có trí thông minh trong bóng đá. Tôi muốn đi theo con đường tương tự như Xabi Alonso ở Leverkusen.
Điều gì ở Xabi khiến anh ấn tượng?
Tôi đã gặp Xabi ở Manchester khi anh ấy đến học hỏi Pep. Anh ấy cho tôi ấn tượng là một người đàn ông dễ chịu, chân thực và truyền đạt kế hoạch rõ ràng cho toàn đội. Tôi nhận ra ở Xabi những yếu tố từ triết lý của Pep, nhưng cũng có những ý tưởng riêng. Điều đó khiến tôi nể phục.
Có phải ngẫu nhiên mà nhiều tiền vệ trung tâm thành công sau khi giải nghệ như Guardiola, Alonso, Zinedine Zidane?
Không hề ngẫu nhiên. Là một tiền vệ chơi ở trung tâm, bạn được kết nối với mọi thứ trên sân. Bạn phải chú ý đến những gì xảy ra ở cả phía trước và phía sau. Điều đó rèn luyện cho bạn và chuẩn bị cho bạn sự nghiệp huấn luyện sau này.
Theo anh, HLV đóng góp bao nhiêu phần trăm vào thành công của một đội bóng?
Từ 70 đến 80%.
Nghe điều đó từ một cầu thủ đã vô địch Champions League khiến chúng tôi ngạc nhiên. Chẳng phải người ta thường nói rằng bóng đá là trò chơi của các cầu thủ sao?
HLV tạo ra khuôn mẫu cho cả đội di chuyển. Một HLV thực sự giỏi có thể giúp đội bóng trở nên vượt trội, giúp một cầu thủ trở nên xuất sắc hơn những gì anh ấy vốn có. Xabi Alonso đã biến Alejandro Grimaldo thành một cầu thủ hàng đầu Bundesliga ở Leverkusen. Trước mùa giải, không ai điền tên cậu ấy vào danh sách đó cả.
Jude Bellingham, tuyển thủ Anh, gần đây đã ca ngợi cách HLV của cậu ấy tại Real Madrid, Carlo Ancelotti, để cho đội bóng “tự do chơi bóng” dựa trên phẩm chất từng cá nhân. Anh thuộc phe “tự do” hay phe “có kế hoạch”?
Tôi thuộc đội Pep, vì vậy là phe “có kế hoạch”.
Nhưng tại sao Real Madrid lại vô địch Champions League với chế độ “tự do” và loại Manchester City của Guardiola trên hành trình chinh phục của họ?
Bởi vì bóng đá là môn thể thao của những khoảnh khắc. City đã áp đảo Real rõ rệt. Tuy nhiên, cuối cùng Madrid đã đưa ra những quyết định đúng đắn vào những thời điểm then chốt. Điều khiến tôi ấn tượng ở Real là đội bóng này không bao giờ hoảng loạn, ngay cả khi họ bị dẫn 0:1 ở phút thứ 85. Đó là một phẩm chất tinh thần cực kỳ mạnh mẽ. Và điều đó có thể đánh bại một kế hoạch được chuẩn bị kỹ càng.
Có một giả thuyết cho rằng các đội bóng có những HLV có ảnh hưởng lớn như Guardiola sẽ ít có khả năng kháng cự hơn khi diễn biến trên sân không theo kế hoạch.
Điều đó có lý. Tại City, chúng tôi cũng phải học cách thoát khỏi kế hoạch trong những khoảnh khắc nhất định. Rằng đôi khi chúng tôi không có bóng trong một giai đoạn nhất định nào đó. Có lẽ chúng tôi phải học cách đó để vô địch Champions League.
Trên thang đo “tự do” đến “có kế hoạch”, HLV trưởng tuyển Đức Julian Nagelsmann đứng ở vị trí nào?
Ở giữa. Julian cho chúng tôi một định hướng chiến thuật rõ ràng; nhưng đặc biệt ở giai đoạn tấn công, anh ấy cho chúng tôi nhiều tự do hơn. Cách tiếp cận này đã hoạt động rất hiệu quả trong các trận đấu giao hữu vào tháng 3.
Hai chiến thắng trước Pháp và Hà Lan đánh dấu bước ngoặt sau những thất bại trước đó trước Thổ Nhĩ Kỳ và Áo. Làm thế nào để giải thích sự thăng hoa này?
Julian đã sắp xếp đội hình khác nhau, phân chia vai trò rõ ràng hơn nhiều: Ai là cầu thủ đá chính và ai là người thách thức. Không còn nhiều dấu hỏi lớn, mọi sự không chắc chắn đều tan biến. Nhờ đó, chúng tôi có thể chơi tự do hơn và điều đó đã được thể hiện rõ ràng. Tâm trạng toàn đội cơ bản đột nhiên khác hẳn.
Bí ẩn của đội tuyển này là các bạn có thể chiến thắng trước những đối thủ rất mạnh như Pháp, nhưng lại thường xuyên tỏ ra bất lực trước các đội hạng trung như Thổ Nhĩ Kỳ. Lý do là gì?
Tôi không thể giải thích được. Chúng tôi đã không bao giờ ổn định trong một khoảng thời gian dài của những năm qua. Tôi hy vọng bây giờ điều đó sẽ thay đổi.
Tuyển Đức muốn trở thành đội bóng nào: Một đội bóng kiểm soát bóng vượt trội như Tây Ban Nha trước đây; hay một đội bóng chuyển đổi trạng thái, chơi phòng ngự phản công như Pháp?
Tôi không biết liệu chúng tôi đã đủ gắn kết để nói rằng “Chúng tôi luôn muốn cầm bóng” hay chưa. Sẽ rất tốt cho chúng tôi nếu chúng tôi chuẩn bị tinh thần cho việc có thể làm cả hai: Giữ bóng và phản công. Đó là lý do tại sao sự trở lại của Toni Kroos vô cùng quan trọng đối với chúng tôi.
Tại sao vậy?
Toni kết nối cả hai thế giới. Không có cầu thủ nào đại diện cho lối chơi kiểm soát bóng nhiều hơn anh ấy. Mặt khác, anh ấy thường chơi phản công với Real Madrid trong những trận đấu lớn. Toni mang lại cho đội tuyển của chúng tôi sự cân bằng mà chúng tôi đã không có trong một thời gian dài.
Do vai trò mới, anh đã di chuyển từ vị trí tiền vệ trụ (số 6) lên vị trí tiền vệ công (số 10) và thi đấu bên cạnh hai cầu thủ trẻ 21 tuổi Florian Wirtz và Jamal Musiala. Gần đây, người ta ít thấy anh thi đấu nổi bật hơn. Lý do là gì?
Vai trò của tôi đã thay đổi. Hiện tại, chúng tôi thi đấu với ba số 10. Mỗi người đều có xu hướng ghi bàn tương tự, di chuyển theo những đường chạy tương tự và muốn rê bóng. Do đó, điều quan trọng hơn hết là tôi phải chú ý: Flo và Jamal đang làm gì? Làm thế nào để tôi điều chỉnh lối chơi của mình để chúng tôi có thể phối hợp nhịp nhàng và tạo ra sự cân bằng?
Nhưng anh là đội trưởng, còn hai cầu thủ kia là những tài năng trẻ. Chẳng lẽ Wirtz và Musiala không cần phải thích nghi với anh sao?
Tôi không nghĩ vậy. Khác với họ, tôi có kinh nghiệm. Tôi cần điều chỉnh lối chơi của mình để phù hợp với họ chứ không phải ngược lại. Ví dụ, nếu Flo di chuyển sang trái, tôi không nên chạy theo ra hướng đó mà cần phải tìm kiếm một hướng di chuyển khác để tạo ra khoảng trống. Khi Jamal rê bóng, tôi cần phải mở đường cho cậu ấy.
Anh thể hiện điều đó bằng lời nói hay bằng hành động, đơn giản là di chuyển đến một vị trí khác thôi à?
Cả hai. Nhiều cầu thủ trên sân bằng trực giác làm những gì tốt nhất cho lối chơi của họ. Ví dụ, Flo và Jamal thường chơi ở vị trí số 10 lệch trái ở CLB của họ. Do đó, khi một trong hai người chơi ở vị trí số 10 lệch phải ở ĐTQG, họ tự động di chuyển vào trung tâm nhiều hơn. Nhiệm vụ của tôi lúc ấy là nhận ra điều đó và di chuyển sang cánh phải, nơi có thể có khoảng trống, nhưng cũng có thể là nơi dẫn đến một pha phản công của đối thủ nếu chúng tôi mất bóng. Flo và Jamal không cần phải lo lắng về điều đó, họ nên tập trung vào việc thi triển lối chơi của mình. Tôi sẽ điều chỉnh bản thân để họ có thể thành công.
Điều này dẫn đến những tranh luận về việc liệu anh có còn xứng đáng đá chính hay không, như Lothar Matthaus đã làm trước Euro.
Những người hiểu những gì tôi làm trên sân cũng biết rằng đóng góp này đôi khi quan trọng hơn việc thực hiện đường chuyền quyết định. Tôi không quan tâm đến những gì các chuyên gia nói.
Đối với anh, Euro sẽ được coi là thành công với tuyển Đức khi nào?
Khi chúng tôi có thể thu hút sự chú ý của người dân trong nước và tạo ra bầu không khí phi thường. Trong những trận đấu đầu tiên, chúng tôi có trách nhiệm tạo ra sự phấn khích. Và hy vọng rằng nó sẽ đưa chúng tôi đi suốt giải đấu.
Anh có mơ về chức vô địch Euro hay đó là điều viển vông sau những năm tháng ảm đạm?
Tôi chưa bao giờ định nghĩa thành công bằng danh hiệu, mà bằng cảm giác tôi có trong những khoảnh khắc đó. Đã có những thất bại mà tôi không cảm thấy như vậy, vì tôi biết rằng chúng tôi đã cống hiến hết mình và không thể làm gì hơn. Khi tôi rời sân sau trận đấu cuối cùng của Euro 2024, tôi muốn cảm thấy rằng chúng tôi đã thể hiện hết khả năng của mình. Sau đó, chúng ta sẽ xem kết quả như thế nào.
Theo anh, đâu là những ứng cử viên vô địch?
Pháp là ứng cử viên sáng giá nhất. Ngoài ra còn có Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Anh.
Thú vị là anh không đề cập đến tuyển Đức.
Sau những giải đấu gần đây không mấy thành công, sẽ là tự phụ nếu chúng tôi tự coi mình là ứng cử viên hàng đầu. Tuy nhiên, chúng tôi có thể thi đấu tốt.
Sau Euro 2021 và World Cup 2022, anh đã cân nhắc việc từ giã ĐTQG. Giải đấu này sẽ là giải đấu cuối cùng của anh?
Tôi đã suy nghĩ về chuyện đó, nhưng tôi là người luôn tin vào cảm xúc của mình trong thời điểm hiện tại. Trước tiên, tôi muốn tập trung vào giải đấu.
Khi thời điểm đó đến: Anh muốn mọi người ở Đức nhớ đến tuyển thủ quốc gia Ilkay Gundogan như thế nào?
Là người hy sinh giúp đỡ đồng đội và nâng cao chất lượng đội bóng, đó sẽ là niềm vui của tôi.
Cảm ơn ông Gundogan vì cuộc trò chuyện này.
(Dịch từ Der Spiegel)