Ian Rush: Bóng ma của The Kop

Tác giả Phương GP - Thứ Năm 20/10/2016 16:51(GMT+7)

Ngồi lân la đôi ba câu chuyện với những người bạn theo dõi trận Derby nước Anh mới để ý thấy, rất nhiều bạn đề cập đến “sự may mắn” của Lữ đoàn đỏ Liverpool. May mắn ấy nằm ở đâu? Đó là The Kop luôn luôn có trong đội hình một tiền đạo “biết đóng góp”. 20 năm qua, tại Liverpool, nhắc đến tiền đạo hay thì các Kopites luôn tự hào để nói về Fowler, Owen, Torres, Suarez,… Có thể đẳng cấp mỗi người khác nhau, nhưng mỗi tiền đạo lại có cho mình những ấn tượng rất riêng.
Ian Rush: Bóng ma của The Kop
Ngày này cách đây tròn 56 năm, Rushie cất tiếng khóc chào đời trong một ngôi nhà thuộc ngôi làng mang tên St Asaph, phía bắc Xứ Wales. Ông là thành viên trong gia đình gồm…mười người con, có lẽ vì vậy mà những ngày thơ bé mẹ của ông đã thường cấm đoán khi cậu con đòi được ra sân cùng với mấy đứa bạn xóm giềng quần thảo với trái bóng. May mắn là Rushie không phải là đứa trẻ quá ngoan ngoãn nên vẫn thường lén trốn mẹ để đến với niềm đam mê và hơn 30 năm sau, câu chuyện về một huyền thoại đã được viết nên. 
TRUYỀN THỐNG VÀ ĐÔI GIÀY ƯỚT
Có một câu chuyện vẫn thường được nhiều nhà báo khâm phục khi nhắc lại cuộc cách mạng của Bill Shankly. Ông đến và quyết định thẳng tay quét sạch mọi mầm mống bê bối trong sinh hoạt tại Liverpool, xây dựng “môn quy” nghiêm khắc cho Lữ đoàn đỏ, một trong những quy định đó được hướng đến cho lứa trẻ: những cầu thủ trẻ phải hoàn toàn phục tùng đàn anh, chấp nhận dự bị và học hỏi cho đến khi nào lối chơi cũng như văn hóa The Reds len lỏi khắp trong huyết quản thì khi ấy họ mới có tiếng nói.
Điều này được người kế nhiệm Bob Paisley tiếp nối, ông thậm chí còn mạnh tay hơn khi kể cả những ngôi sao trẻ được đem đến đội cũng phải chịu “môn quy” như thế, và Rushie cũng nằm trong số đó. Một số người bạn cùng trang lứa với Rushie vì không chịu nổi khoảng thời gian bị đày ải trên ghế dự bị mà đành phải ra đi, ông cũng như chúng bạn, hoàn toàn mất kiên nhẫn đối với sự cứng nhắc trong cách điều hành của huấn luyện viên. Và vào một ngày đẹp trời, Rushie thể hiện thái độ bằng cách…xông vào phòng của vị thuyền trưởng “đòi sự công bằng”. Bob Paisley chỉ đơn giản trả lời một câu ngắn gọn: “Nếu cậu không thích, thì cậu có thể ra đi”- bất chấp ông đã tốn những 300.000 bảng (một cái giá kỷ lục thời đó) của câu lạc bộ vì nghe lời Geoff Twentyman- một tuyển trạch viên bị “ám ảnh” với đôi chân của Ian Rush những ngày còn ở trên sân cỏ của đội bóng Chester.
Rush trầm ngâm rời phòng huấn luyện viên trưởng, và quyết tâm chứng minh cho ông thầy thấy được khả năng của mình là như thế nào. Cuối mùa giải năm ấy, Ian Rush ghi được cho mình năm bàn sau…bốn trận đấu, và từ đó câu chuyện về Sát thủ Ian Rush tại Anfield được lưu truyền. Chiêu khích tướng của Paisley đã cho thấy tác dụng của mình, và như Rush thừa nhận, chính nhờ truyền thống cứng nhắc ấy đã khiến ông cảm thấy cố gắng hơn trong thi đấu.
Hình ảnh một Ian Rush trên sân cỏ với hàng loạt cú hattrick và poker liên tục
Vào một ngày thu năm 1981, trong một trận đấu với Oulu Palloseura trong khuôn khổ cúp châu Âu tại Anfield, Rush có cơ hội chứng tỏ bản thân mình khi được vào sân thay tiền đạo David Johnson bị chấn thương, và ngay lập tức tiền đạo trẻ đặt dấu ấn với một bàn thắng. Những ngày tháng tiếp theo là những ngày tươi đẹp trong sự nghiệp của Rush, ông liên tiếp nhả đạn mang về chiến thắng cho đội bóng của mình. Để rồi, sau hai mùa giải tương đối thành công với những pha lập công đều đặn, mùa giải 1983-1984 Ian Rush đã làm nên lịch sử khi đưa Liverpool giành danh hiệu Châu Âu thứ tư và tự mình có riêng chiếc giày vàng Châu Âu. Chiếc cúp bạc và chiếc giày vàng đến từ câu chuyện từ…đôi giày ướt!
Số là trước trận đấu với câu lạc bộ Luton, Rushie bị trượt chân trong nhà tắm. Lúc đó ông đang mang giày và đôi giày của ông bị nhúng hoàn toàn trong bồn tắm. Tức mình, Rushie đeo nguyên đôi giày ấy vào trận đấu và ngay lập tức ghi…năm bàn vào lưới đối phương. Vậy là từ đó, ông có một thói quen là cứ làm ướt đôi giày của mình trước khi hồi còi khai cuộc vang lên, để rồi người ta quen với hình ảnh một Ian Rush trên sân cỏ với hàng loạt cú hattrick và poker liên tục.

KENNY DAGLISH VÀ BÓNG MA TRÊN ANFIELD
Đối với những ai hâm mộ Liverpool và giải bóng đá cao nhất xứ Sương mù có lẽ đã hơn một lần nghe nhắc đến bộ đôi một thời của The Reds: Ian Rush-Kenny Daglish. Nhưng ít người biết rằng Rushie đã từng…rất ghét King Kenny.
Ấy là vào giai đoạn đầu sự nghiệp tại thành phố Cảng, khi ông còn là cầu thủ trẻ mới chuyển đến còn King Kenny đang là ngôi sao sáng nhất của Lữ đoàn đỏ. Cái kiếp “lau giày chùi bóng” cho đàn anh khiến cho ông cảm thấy tự ti mỗi khi chứng kiến những người đàn anh của mình bước đến. Thế nhưng, từ ngày bước ra ánh sáng, những bàn thắng đã dần rũ bỏ đi những mặc cảm trong thâm tâm, biến Rushie và King Kenny trở thành đối tác không thể tách rời trong hàng công của Liverpool.
Ian Rush và Kenny Daglish
Họ hiểu nhau đến mức đáng kinh ngạc, thậm chí nhiều người tin rằng những suy nghĩ của Daglish và Rushie như đồng điệu với nhau trong từng khoảnh khắc. Có những đường chuyền mà số 7 thực hiện khi số 9 còn chưa bắt đầu di chuyển. Có những vị trí mà số 9 có mặt trước cả khi số 7 tung đường tạt bóng. Và thậm chí họ hiểu nhau đến nỗi Daglish còn có một vài tình huống di chuyển để tạo khoảng trống cho chính Rushie thâm nhập vào vòng cấm. Kenny như vị vua huy hoàng trước hàng phòng ngự, còn Rush chính là “bóng ma” mập mờ sau lưng các hậu vệ.
Lấp lửng, rình rập và có xu hướng đứng ngang với hàng thủ của đối phương, đó là phong cách chơi bóng của Ian Rush. Không cần quá hoa mỹ với những pha đảo chân, không cần quá cầu kỳ với những quả xử lý kỹ thuật, ở Rushie là khả năng chớp thời cơ hoàn hảo. Đặc biệt Rush có một biệt tài đáng khâm phục về khả năng sút bóng khi…quay lưng lại khung thành. Ông đứng ngang với hàng thủ đối phương, nhận bóng trong tư thế quay lưng và cứ thế là vặn mình sút quyết đoán và bóng găm vào góc hiểm trong sự bất lực của đối phương. Ngoài ra ở Ian Rush còn có một đặc sản nữa, đó là những cú volley cực kỳ đẹp mắt. Những cú vung chân với cảm giác bóng tuyệt vời khiến bóng đi căng như kẻ chỉ làm tung mành lưới của đối phương và rung động cầu trường.
Chính lối chơi ấy mà khán giả gọi ông là “The Ghost” –“Bóng ma”. Một bóng ma không phải ở trong nhà hát mà ở chính trên sân cỏ Anfield. Bóng ma “ám” những hàng thủ lừng lẫy trên khắp châu Âu. Bóng ma đã biến Everton trở thành trò hề trong bài hát châm chọc “Poor Scouser Tommy” của những Kopites với cú poker siêu đẳng. Bóng ma đã ghi hattrick vào lưới nhà vô địch nước Anh Aston Villa. Nhưng có lẽ vì chính biệt danh ấy mà Ian Rush là cầu thủ hiếm hoi phải tự mình chứng kiến hai thảm họa lớn nhất trong lịch sử Liverpool và bóng đá thế giới- Heysel và Hillsborough.
Ian Rush nâng cúp cùng Robbie Fowler
HUYỀN THOẠI VĨ ĐẠI
Trong những câu chuyện về những anh hùng thần thoại, đương nhiên lúc nào cũng phải có những thành tích phi phàm, những chiến công hiển hách. Nhưng thứ khiến cho người đọc cảm thấy khâm phục nhất đó là những bi kịch mà người anh hùng gặp phải.
Ian Rush và đội hình Liverpool thế hệ 80s vĩ đại phải hai lần trải qua những bi kịch, đó là thảm họa Heysel (1985) và Hillsborough (1989). Và lần đầu tiên, vị anh hùng này đã bị đánh bại.
Ngày 29/5/1985 là một ngày đẹp trời tại thủ phủ Brussel của Bỉ, đó là ngày cả châu Âu hướng về sân vận động Heysel để theo dõi trận chung kết C1 giữa hai đội Juventus và Liverpool. Nhưng khi những cầu thủ đang quần thảo trên sân thì những cổ động viên trên khán đài tổ chức một cuộc ẩu đả. Hậu quả một mảng tường bị sập và kéo theo đó là mạng sống của 39 người. Một vết đen trong lịch sử bóng đá và Liverpool bị cấm thi đấu tại cúp châu Âu vô thời hạn.
Nghe tin sét đánh đó, Ian Rush với một tương lai đang rộng mở không thể nào ngồi yên được. Ông quyết định sang Juventus để có thể tham dự được đấu trường danh giá nhất cấp độ câu lạc bộ. Ngay khi thông tin được lộ ra, hàng vạn Kopites đã tiến hành chiến dịch “Rushie Must Stay” nhằm níu kéo người hùng lại Anfield nhưng tất cả đã muộn. Mùa hè năm 1986, Ian Rush gia nhập Juventus với giá 3,2 triệu bảng.
Ian Rush trong màu áo Juventus
Cây viết Eoin O’Neill đã từng có một bài viết với tiêu đề rất hay: “Ian Rush: 12 năm tại ngoại”. Đó chính là khoảng thời gian chán chường mà tiền đạo người Xứ Wales khoác áo Bà đầm già thành Turin. Ngày Rush đến, chấn thương bỗng ở đâu xuất hiện khuất phục ông, tiếp đó là quyết định ở lại của Platini khiến ông không còn trong kế hoạch của đội bóng. Và thế là Liverpool dang đôi tay đón chào người hùng trở lại thành phố Cảng trong mùa bóng 1986-1987.
Một năm sau, Rush lại tiếp tục trong màu áo sọc trắng đen với thành quả 14 bàn thắng cuối mùa bóng, bằng với Marco Van Basten và Rudie Voeller. Nhưng một lần nữa, ông lại cảm thấy không hạnh phúc khi thi đấu trong môi trường xa lạ. Dường như trong Rushie có sự đồng cảm với những làn hơi sương chỉ xuất hiện ở xứ Sương mù, những tia nắng ấm bên kia eo biển Măng-xơ khiến ông như lạc nhịp khỏi lối sống của mình. Phải rồi “bóng ma” thì phải ở nơi mờ ảo tĩnh mịch, chứ đâu lại lạ kỳ xuất hiện trong những ngày nắng trong trẻo cơ chứ.
Vậy là sau một mùa khoác áo thi đấu cho Juventus “đàng hoàng”, Ian Rush trở lại nước Anh trong màu áo…Liverpool. Không thể tưởng tượng nổi cái tình mãnh liệt giữa The Reds đối với Rushie nó lớn đến chừng nào. Thế nhưng có lẽ nào chính nó đã giúp ông vượt qua được nỗi đau thứ hai chăng.
Ngày 15/4/1989, thảm họa Hillsborough ập đến. Nó như làn sóng dâng trào mạnh bạo ở ngoài khơi xa hải cảng Liverpool. Nó mạnh hơn hẳn làn sóng Heysel của năm năm trước, và đã đánh gục hoàn toàn thành phố Cảng. Một bầu không khí tang tóc và chán chường dâng lên xâm lấn lấy toàn bộ khối óc và con tim nơi đây. Và chính những người cầu thủ, mà đứng đầu là King Kenny và Ian “The Ghost” Rush, quyết định đứng lên để vực dậy cả thành phố. 
Mùa giải 1989-1990, King Kenny với vai trò vừa là người truyền lửa, vừa là chỉ huy cả trên sa bàn và sân cỏ đã đưa một Liverpool rệu rã vững chãi trên con đường gập ghềnh. Còn Rushie, sự trở về dường như đã tiếp thêm cho ông sức mạnh, biến ông thành ngọn đuốc chiếu sáng rực rỡ với 26 bàn thắng để đốt lên Ngọn lửa Hillsborough bất tử. Rushie trở thành Vua phá lưới mùa giải năm đó và Liverpool giành ngôi vô địch, một kết thúc có hậu cho một bi kịch, sự động viên không thể tốt hơn cho thành phố tưởng chừng đã chết.
Vậy đấy, Owen có thể là thần đồng có một không hai. Torres có thể là hoàng tử có một không hai. Suarez có thể là đầu tàu có một không hai. Nhưng Rush đơn giản là vĩ đại nhất.
Là chân sút vĩ đại nhất câu lạc bộ, là người sánh ngang với Jimmy Greaves và Denis Law với khả năng săn bàn trong vòng cấm, là đàn anh và “người thầy” dìu dắt Robbie Fowler những ngày đầu chân ướt chân ráo, là người đã đem về hàng loạt chiếc cúp trong phòng truyền thống của câu lạc bộ, nhưng sự vĩ đại của Rush không đơn giản như thế. Ông vĩ đại vì là người thấm nhuần truyền thống nơi đây, và chết đi sống lại cho mãnh đất này-mãnh đất Liverpool.
Nguồn tài liệu tham khảo:
Lfchistory.net
Rush: The Autobiography (sách)
LiverpoolFC.com
Eoin O’Neill: Thesefootballtimes.co
Wikipedia.org

PHƯƠNG GP(TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.

Nguyễn Quang Hải: Sự khác biệt của một cầu thủ đặc biệt!

Những gì Nguyễn Quang Hải thể hiện tại Thường Châu, Trung Quốc đầu năm 2018 xứng đáng được coi là màn trình diễn cá nhân xuất sắc nhất của một cầu thủ Việt Nam ở cấp độ châu lục. Tiếp nối chiến tích cá nhân và tập thể khó tin tại VCK U23 châu Á, là một Quang Hải đóng vai trò tối quan trọng trong đội hình “Những chiến binh sao Vàng” thời HLV Park Hang Seo giành Hạng 4 môn bóng đá nam Asiad 2018, Vô địch AFF Cup cùng năm và vào tới Tứ kết Asian Cup 2019.

Mohamed Salah: Ở lại hay ra đi?

Liverpool có 2 giải pháp, nhưng chúng lại tạo ra 1 vấn đề. Cầu thủ xuất sắc nhất của họ đang có mùa giải hay nhất trong sự nghiệp. Họ chỉ đánh rơi 7 điểm sau 19 trận tại Premier League và Champions League. Vì thế, cầu thủ này liên tục được phỏng vấn sau những trận đấu mà anh đóng vai trò quan trọng giúp Liverpool giành chiến thắng.

E-magazine: Santi Cazorla - Địa ngục chấn thương và sự nhiệm màu kỳ lạ của cuộc sống

Những biến cố kinh hoàng tưởng chừng như đã khiến tiền vệ người Tây Ban Nha gục ngã và phải chấp nhận rời xa thế giới bóng đá trong đau đớn và tủi nhục, nhưng rồi bằng niềm đam mê và lòng khao khát cháy bỏng, Santi Cazorla cuối cùng đã vượt qua tất cả để tiếp tục mang đến cho khán giả những phép màu tuyệt vời trên sân cỏ.