Huỳnh Quang Thanh: Chàng “Hữu quân” gốc Sài Thành

Tác giả Phương GP - Thứ Hai 10/10/2016 16:04(GMT+7)

Cách đây tròn 200 năm, 1816, một trong những danh tướng nổi tiếng nhất lịch sử đã được cử về làm Tổng trấn Gia Định, đó là “hữu quân” Huỳnh Tường Đức. Người từng có công hỗ trợ Nguyễn Huệ thu phục Bắc Hà, phò trợ Nguyễn Ánh thống nhất đất nước, công lao lớn đến độ vua đã cho phép cải họ sang họ Nguyễn Hoàng gia và xem như người trong họ tộc.

Huỳnh Quang Thanh: Chàng “Hữu quân” gốc Sài Thành (Ảnh: Nam Lương)

168 năm sau, 1984, một người con họ Huỳnh khác đã được sinh ra ở Sài Gòn. Và giờ đây anh đã trở thành huyền thoại của bóng đá nước nhà, người nổi tiếng với những cơn cuồng phong bên cánh phải, với sự nhiệt huyết không bao giờ tắt, người góp công đem bóng đá Việt Nam đến ngôi vua Đông Nam Á- “hữu quân” Huỳnh Quang Thanh.


TRANG KỲ TÀI CỦA ĐẤT SÀI GÒN

Phút 64 trận đấu giữa Việt Nam và UAE trong khuôn khổ vòng bảng Asian Cup 2007, Minh Phương có bóng từ giữa sân, anh “chích” bóng đầy nhạy cảm cho Thanh Bình, nhưng đối phương đã kịp tiếp cận và ngăn cản, cơ hội trôi khỏi mũi giày tiền đạo người Đồng Tháp. Nhưng kìa, một cầu thủ khác trong màu áo đỏ đón được bóng, anh quăng thẳng chân đóng một phát như búa bổ. Bóng bay vào lưới trước sự ngỡ ngàng của thủ thành đối phương, hàng vạn khán giả trên sân Mỹ Đình vỡ òa trong cảm xúc, còn người vừa ghi bàn chạy như bay đến gốc cột cờ. Đó có lẽ là ấn tượng đầu tiên của Huỳnh Quang Thanh đối với người hâm mộ bóng đá Việt Nam.

Chàng trai sinh ra ở quận 10 của Sài Gòn này ngay từ thuở thiếu niên đã bộc lộ những tư chất hơn người. Năm 15 tuổi, trong một giải phong trào của bóng đá Sài Thành, anh được những tuyển trạch viên để ý đến và một năm sau, họ đã thuyết phục được gia đình gửi gắm cậu con út đến ăn tập trung ở trường Năng khiếu bóng đá TP HCM. Năm 2000, Quang Thanh bất ngờ có tên trong đội tuyển dự giải U16 châu Á tại Đà Nẵng nhưng không may vì chấn thương mà phải chia tay giải đấu từ sớm. Tuy nhiên, không vì thế mà cậu nản lòng. Ba năm sau, huấn luyện viên Trần Minh Chiến về dẫn dắt đội trẻ của Ngân Hàng Đông Á, và cũng từ đó tài năng của Huỳnh Quang Thanh càng ngày càng nở rộ.


"Dung mạo khôi ngô, khỏe mạnh hơn người, ai cũng coi ông là hổ tướng", đó là những lời mà Việt Nam Sử Thoại đã miêu tả về Huỳnh Tường Đức, và đối với Huỳnh Quang Thanh thì những lời ca bay bổng như thế này cũng không phải là quá đáng. Anh mang trên mình một khuôn mặt điển trai rất phong trần, cùng với đó là dáng người đậm, rất đàn ông. Bên trong anh là một nguồn năng lượng dồi dào với một nền thể lực sung mãn. Từ khi Trần Minh Chiến kéo anh về vị trí hậu vệ, Quang Thanh càng cho thấy tiềm năng của mình lớn như thế nào với những pha lên công về thủ không biết mệt mỏi. Và kể từ khi anh đến với Bình Dương để hợp cùng Vũ Phong trở thành một cặp bài trùng bên cánh phải của đội bóng đất Thủ, những pha leo biên thần tốc, chồng cánh thông minh và đột nhập vòng cấm để tung ra những cú đấm quyết định dần trở thành thương hiệu, cũng như nỗi khiếp sợ của đối phương mỗi lần phải đối đầu với cặp đôi này.


Tên tuổi của Quang Thanh dần được khẳng định, anh được giới chuyên gia đánh giá là hậu vệ cánh xuất sắc nhất kể từ thời của Trần Công Minh. Huấn luyện viên Calisto cũng hơn một lần khẳng định rằng ở tuyển Việt Nam, Quang Thanh và Vũ Phong là hai cầu thủ có đẳng cấp cao nhất. Và ông thầy người Bồ đã không hề nói ngoa khi kỳ AFF Cup năm 2008, ông sẵn sàng cho nhiều hậu vệ khác dự bị để nhường vị trí hậu vệ trái, không phải là cánh sở trường lại cho Quang Thanh, để anh có thể cùng Vũ Phong tạo nên hành lang vũ bão trong những đường tấn công và dẫn đội tuyển đến cúp vàng khu vực.

Huỳnh Quang Thanh góp mặt trong đội hình tiêu biểu của tuyển Việt Nam qua các thời kì

TRĂN TRỞ MỐI TÌNH VỚI CỐ HƯƠNG

Kỳ tài là thế, nhưng số phận của hai con người họ Huỳnh này luôn có một sự trăn trở nhất định trong đường đời.


Huỳnh Tường Đức xưa kia theo phò trợ Đỗ Thanh Nhơn của Đông Sơn, song vì cậy tài mà lấn quyền nên chúa công của ông bị Nguyễn Ánh xử tử. Và nhờ tài năng ông được Chúa Nguyễn tin yêu và từ đó trở thành cánh tay đắc lực của lực lượng Gia Định. Rồi vì thời cuộc buộc ông phải trợ giúp Nguyễn Huệ đánh chiếm Bắc Hà để có thể giữ tính mạng mà trông về chủ cũ.


Huỳnh Quang Thanh cũng vậy. Anh sinh ra ở Sài Gòn, lớn lên tại Sài Gòn và khởi nghiệp cũng tại Sài Gòn. Anh thậm chí nhiều lúc tưởng chừng như có thể về chơi cho đội bóng tại thành phố mang tên Bác nhưng những gì để lại chỉ là một sự ê chề.

Huỳnh Quang Thanh trong màu áo B. Bình Dương

Năm 2003, Trần Minh Chiến về dẫn đội trẻ Ngân Hàng Đông Á và ngay lập tức ông chấm Huỳnh Quang Thanh, đem anh về đội trẻ U21 để ăn tập. Sau đó một năm, HLV Vital đưa Quang Thanh lên đội một dự bị cho cặp trung vệ Đỗ Hùng-Neweat, nhưng vì nhiều lý do, đội xuống hạng ngay sau đó và các ngôi sao bỏ đội bóng để lại một Ngân Hàng Đông Á vật vờ. HLV Thành Vinh buộc phải đôn nhiều cầu thủ trẻ lên thi đấu, nhưng tình hình đã không thể cứu vãn. Năm 2005, NH Đông Á giải thể và Quang Thanh được Bình Dương rước về rồi trở thành trụ cột không thể thiếu của đội bóng đất Thủ trong hai chức vô địch cúp Quốc Gia liên tiếp vào năm 2007, 2008.


Năm 2011, Quang Thanh tưởng như đã có thể trở về để đóng góp cho đội bóng quê hương là Sài Gòn Xuân Thành. Một ngày vào tháng 12 năm 2011, tại một quán cà phê góc đường Nguyễn Đình Chiểu - Lý Thái Tổ, Quang Thanh đã ký vào bản hợp đồng với giá trị lên tới 10 tỷ đồng. Một con số kỷ lục! Nhưng cuối cùng, bản hợp đồng trở thành một vụ bê bối được báo giới gọi là “cú lừa thế kỷ”. Số là khi mọi chuyện tưởng như “ván đã đóng thuyền” thì ông bầu Lê Quang Lãm…không thể chi trả chi phí do không đủ khả năng tài chính. Quang Thanh vì quá sốc và ê mặt nên đã hoàn toàn từ mặt Sài Gòn Xuân Thành dù bầu Thụy (ông chủ đích thực của CLB) đã lên tiếng gọi anh về và hứa chi trả đầy đủ.

Huỳnh Quang Thanh - Vũ Phong: Cặp bài trùng

Vậy đấy, một cầu thủ được đánh giá là tài năng nhất của thành phố mang tên Bác kể từ sau thời thế hệ vàng cuối cùng lại không thể thi đấu cho quê hương. Đó không những là nỗi đau của Quang Thanh mà chính những người yêu mến bóng đá của thành phố lớn nhất nước cũng phải ngán ngẩm mỗi khi nhắc đến. Nhưng có lẽ số mệnh đã chọn cho Quang Thanh một quê hương thứ hai là đất Thủ.


TÌNH YÊU CỦA MINH CHỦ


Huỳnh Tường Đức xưa phò Chúa Nguyễn không ngại vinh nhục, và chúa Nguyễn cũng luôn sủng ái hết lòng với ông. Một lần Nguyễn Ánh bị bao vây bởi quân Tây Sơn, chính vị “hữu quân” này đã một mình trở về cứu giá, lần ấy khó khăn đến độ vị chúa công đã ngủ gục trên chân ông và sau này vì ân tình đã cải họ ông sang họ Nguyễn, và gọi là Nguyễn Huỳnh Đức. Ông sau này vì thất bại mà phải theo trợ giúp Nguyễn Huệ nhưng khi có cơ hội liền trở về với minh chủ. Có lẽ vì vậy mà sau này Huỳnh Tường Đức là một trong ít những vị công thần không bị “trảm” khi Gia Long lên ngôi.


“Ngày tôi đi, các chú ở Becamex Bình Dương nói rằng: Nếu không thành thì cứ quay về đây. B.Bình Dương luôn giang tay chào đón những công thần trở về,” Quang Thanh tâm sự trong ngày quay lại đội chủ sân Gò Đậu. Một câu nói nhưng thể hiện hết tình cảm của đội bóng đất Thủ đối với người con Sài Gòn này.


Năm 2005, trong lúc bơ vơ khi NH Đông Á giải thể, chính Bình Dương đã rước Quang Thanh về và biến anh trở thành một tài năng sáng giá của bóng đá nước nhà. Bốn năm sau, khi Vũ Như Thành chia tay đội bóng đất Thủ, chính ban huấn luyện đã đeo vào tay Quang Thanh chiếc băng đội trưởng thay vì những gương mặt cộm cán khác như Trường Giang, Thế Anh. Và ngày mà Quang Thanh ê chề trở về sau thương vụ đổ vỡ với Sài Gòn Xuân Thành, chính Bình Dương cũng không hề nghi kỵ mà đón chào anh trong niềm an ủi. Bình Dương yêu anh là thế và chính anh cũng không ngần ngại thể hiện tình cảm của mình.


“Không”, đó là câu trả lời của Quang Thanh khi Xi Măng Hải Phòng đưa ra lời đề nghị đặc biệt hấp dẫn vào năm 2009. Đó là khoảng thời gian đội bóng đất Cảng đang rất mong mỏi một chiếc cúp vô địch quốc nội sau nhiều năm lỡ hẹn, họ sẵn sàng đưa ra bất cứ giá nào để có được chữ ký của cặp đôi Vũ Phong - Quang Thanh của Bình Dương, thậm chí mức giá có thể lên đến 30 tỷ đồng. Nhưng đáp lại sự khát khao đó là cái gạt tay của cả hai công thần đất Thủ này. Đối với họ Bình Dương là nơi đã nuôi dưỡng đôi chân, là ngôi nhà, và Gò Đậu là sân bóng đáng mơ ước cho những bước chạy của mình. Bình Dương đối với họ còn hơn là một đội bóng.


“Hồi ở BTV Cup 2013, tôi đã cùng đội Đồng Tâm Long An về lại sân Bình Dương, nhưng thú thực là cảm xúc không nhiều như lần này khi cùng đội bóng mới về đối đầu với B.Bình Dương ở V-League 2014. Nói thế, vì tôi có quá nhiều kỷ niệm với nơi tôi gắn bó gần 8 năm, vui có, buồn cũng chẳng ít!...”- Quang Thanh chia sẻ trong trận đấu đầu tiên trở về sân Gò Đậu đối đầu với đội bóng cũ trong khuôn khổ V-league. Tám năm, nửa đời cầu thủ, anh gắn bó hết tuổi trẻ sung sức nhất tại đội bóng đất Thủ. Ở đấy anh có vinh quang, có nước mắt và ở đấy anh có những kỷ niệm đong đầy. Những kỷ niệm mà khi gặp lại không khỏi khiến cảm xúc chạm phải những bồi hồi.


VĨ THANH

Huỳnh Quang Thanh sau trận chung kết lịch sử năm 2008
Quang Thanh đã chia tay màu áo tuyển sau nhiều năm lỡ hẹn các giải đấu lớn vì chấn thương, người ta tiếc cho chiến dịch AFF Cup 2010 khi phải nhận thất bại ê chề vì không có anh trong đội hình. Và niềm hối tiếc đó vẫn kéo dài đến hiện tại. Nhiều lứa đàn em thay nhau gánh vác lấy hành lang cánh mà anh để lại nhưng người thì giỏi thủ mà công không hay, người thì lo công không lo thủ, khiến cho cái hành lang từng một thời là nỗi khiếp sợ của khu vực giờ đã yếu đi nhiều lắm. Và cứ thế nỗi hoài niệm về một “hổ tướng” Hữu quân Quang Thanh ngày nào vẫn cứ mãi đau đáu trong lòng người hâm mộ bóng đá Việt Nam.


Nguồn tài liệu tham khảo:

Tùy Phong, G.Huy-Thethaovanhoa.vn

Tuấn Thành, Đỗ Tuấn, Cát Tường- Bongdaplus.vn

Trần Chí-Vietbao.vn

Wikipedia.org

PHƯƠNG GP

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.

Rodri: “Quả bóng Vàng không làm thay đổi con người tôi”

Gặp chấn thương phải nghỉ thi đấu dài hạn, Rodri, chủ nhân của Quả bóng Vàng 2024, đã mời tạp chí France Football đến nhà riêng ở Madrid để chia sẻ những cảm xúc của anh về buổi lễ trao giải Ballon d’Or, những lời khen mà anh nhận được và về giải thưởng mà một cá nhân chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự hiếm hoi lắm mới nhận được.

Philipp Lahm: Từ phút ngắn ngủi tại Olympiastadion đến huyền thoại bóng đá Đức

Là cựu đội trưởng của cả Bayern Munich và đội tuyển Đức, Philipp Lahm có thể nói đã có một sự nghiệp thi đấu vô cùng thành công. Trong bài viết này, chúng ta sẽ được trở về với những kỷ niệm để tôn vinh nhà vô địch Champions League, World Cup và đã tham gia sâu vào kế hoạch tổ chức UEFA Euro 2024 của Đức.

Liệu Liverpool đã sẵn sàng để buông tay với Mohamed Salah?

Trong chưa đầy 2 tháng nữa, Mohamed Salah sẽ có quyền ký vào một thoả thuận trước hợp đồng với một đội bóng nước ngoài. Và giờ là lúc chúng ta đặt ra câu hỏi: Liệu Liverpool đã sẵn sàng để chia tay vị "Vua Ai Cập" của họ hay chưa?