Hugo Lloris: Đội trưởng mẫu mực, người gác đền xuất chúng

Tác giả Nam Khánh - Chủ Nhật 29/08/2021 13:00(GMT+7)

Zalo

Hugo Lloris có thể không phải lúc nào cũng ngoạn mục, nhưng với sự hiện diện của anh trước khung thành, dù cho đã có một vài sai lầm, thủ môn chưa bao giờ là vị trí mà Spurs phải lo lắng trong suốt 9 năm qua.

Không một cầu thủ nào có nhiều lần ra sân cho Tottenham Hotspur ở Premier League hơn Hugo Lloris. Trong trận đấu thứ hai của Premier League 2021/2022, trước đối thủ Wolverhampton Wanderers, thủ môn 34 tuổi đã phá vỡ kỷ lục 299 lần ra sân của Darren Anderton. Có thể khẳng định rằng, con số đó là một minh chứng không thể bàn cãi về sự bền bỉ và ổn định của Lloris. 
 
Ngoài ra, 6 trong 9 năm gắn bó với Spurs cho đến nay, ngôi sao người Pháp chính là đội trưởng của họ, có vị thế đứng trên cả thủ quân của đội tuyển Anh là Harry Kane, đồng thời, anh cũng đeo băng đội trưởng của nhà vô địch World Cup 2018, đội tuyển Pháp. Có thể nói, Lloris đã thực sự trở thành một huyền thoại của CLB này – không một ai có thể phủ nhận điều đó. 

Trong tư cách một thủ môn, Lloris từng gây ấn tượng mạnh với sự nhanh nhẹn mà mình thể hiện trong các tình huống lao ra khỏi vạch vôi khung thành. Hiện tại, Ederson và Alisson rõ ràng là những cái tên nổi bật hơn, nhưng trong quá khứ, Lloris, cùng với một Manuel Neuer trẻ tuổi, đã được coi là những người tiên phong của phong trào “thủ môn quét”. Từ phiên bản gốc đó, về sau, anh đã có thêm những sự tiến hóa khác trong sự nghiệp gác đền của mình.
 
“Tôi không muốn chờ đợi trận đấu đến với mình,” Lloris chia sẻ với nhà báo Oliver Kay vào tháng 12 năm 2012. “Tôi thích chủ động ‘tấn công’ quả bóng, dâng cao trên sân đấu và áp sát các cầu thủ tấn công nếu việc đó khả thi.”

Hugo Lloris
Ảnh: Getty Images
 
Nói chung, tốc độ của Lloris là một điểm mạnh tuyệt vời trong việc “quét dọn” các đợt tấn công của đối thủ – nhưng cũng đã có những sai lầm tai hại xuất hiện bởi lối chơi này của anh. Chẳng hạn, trước đối thủ Liverpool vào tháng 3 năm 2013, thủ môn người Pháp đã tặng cho Stewart Downing một cơ hội ghi bàn để cân bằng tỷ số trong một trận đấu quan trọng, và cuối cùng Spurs đã bị đánh bại với tỷ số 3-2.
 
Khi Lloris mắc lỗi, các đồng đội sẽ được nhìn thấy một phần quan trọng trong tính cách của cầu thủ này, đó là sự tự vấn bản thân. Thông thường, Lloris sẽ nghiền ngẫm những sai lầm của anh với các HLV thủ môn của Spurs. “Một ngày nào đó, chúng ta có thể sẽ thấy anh ấy bước vào nghiệp huấn luyện,” một nguồn tin từ phòng thay đồ của Spurs chia sẻ. “Anh ấy phân tích tất cả mọi thứ. Anh ấy là một nhà phê bình vô cùng khắt khe và cực kỳ tỉ mỉ.”
 
Được những người thân cận và các đồng đội nhận xét là có tính cách trầm lặng, Lloris có vẻ không phải một cầu thủ thích hợp với vai trò đội trưởng – cương vị mà anh chính thức được trao từ năm 2015 – nhưng khả năng lãnh đạo có nhiều hình thức khác nhau, và phong cách của Lloris được nhận định là thực hiện nhiệm vụ thủ lĩnh thông qua những màn trình diễn và cách ứng xử trong các tình huống. 
 
Tuy kiệm lời, nhưng Lloris sẽ sẵn sàng lên tiếng nếu cảm thấy mình cần làm vậy, và chúng ta đã được chứng kiến điều đó qua những sự việc như khi anh chỉ trích thái độ của toàn đội sau “nỗi ô nhục” trước Dinamo Zagreb ở Europa League vào tháng 3, hay mắng nhiếc Son Heung-min vào năm ngoái.
 
“Hugo rất thông minh, nhưng cậu ấy cũng có thể mất bình tĩnh,” Vincent Duluc, một nhà báo của L’Equipe chơi thân với Lloris, chia sẻ. “Khi thua cuộc, cậu ấy sẽ cực kỳ tức giận. Cậu ấy ghét cay ghét đắng việc thua cuộc. Rất nhiều cầu thủ Spurs không có tính cách đó”. 
 
Lloris ghét thua cuộc đến mức anh từng kể rằng mình thường không nói chuyện với vợ suốt 3 ngày sau các trận thua. Giờ đây, khi họ đã có con, anh nói đùa rằng sự im lặng của mình đã giảm xuống chỉ còn ba giờ. 
 
Thủ môn người Pháp cũng đã thay đổi thành kiểu đội trưởng hò hét nhiều hơn trên sân đấu – một trong các đặc điểm chính của Spurs trong các trận đấu không khán giả là những lời chỉ đạo liên tục của Lloris.
 
“Lloris có khuynh hướng trở thành ‘trung úy’ của HLV trưởng, đảm nhận nhiệm vụ truyền đạt cho các đồng đội những điều mà ông ấy đưa ra”, một nguồn tin từ phòng thay đồ của Spurs chia sẻ. “Anh ấy luôn đóng một vai trò rất quan trọng trong điều đó. Anh ấy không tham gia vào bất kỳ hội nhóm cụ thể nào trong đội cả. Anh ấy hòa đồng với tất cả mọi người.” 
 
Sau khi được bầu làm đội trưởng, Lloris đã tiếp tục là một trong các thành viên chủ chốt của đoàn quân Spurs đạt được những bước tiến vượt bậc trong vài mùa giải tiếp theo. Họ thường xuyên được tham dự đấu trường Champions League, thậm chí là đến được với trận chung kết vào mùa 2018/2019. 
 
Đặc biệt, hệ thống phòng ngự của Spurs – với thủ môn người Pháp luôn là một nhân tố quan trọng – đã giúp họ được ghi nhận là đội bóng để thủng lưới ít nhất vào các mùa 2015/2016 và 2016/2017, đứng ở vị trí thứ ba trong khía cạnh này vào mùa 2017/2018. 
 
Đương nhiên, nhân vô thập toàn, Lloris cũng đã mắc phải những sai lầm đáng trách xen kẽ với các pha cứu thua xuất sắc, ví dụ như chiếc thẻ đỏ trước PSV hay pha bóng khiến Toby Alderweireld phải bất đắc dĩ phản lưới nhà trước Liverpool, nhưng chúng chẳng đủ để đánh gục thủ môn người Pháp và khiến anh mất đi vị thế người gác đền số một của Spurs.    
 
Vào mùa giải trước, Lloris đã tiếp tục thể hiện một phong độ tuyệt vời. Anh đứng đầu bảng xếp hạng về chỉ số “Những bàn thua đã ngăn chặn được” ở Premier League, được tính bằng cách lấy số bàn thua thực tế của một thủ môn so sánh với con số mà mô hình bàn thắng kỳ vọng (xG) dự liệu anh ta sẽ để thủng lưới.
 
Theo số liệu này, Lloris đã cứu được nhiều hơn kỳ vọng 5 bàn thua, dựa trên chất lượng của những cú dứt điểm trúng đích (xGOT) mà anh phải đối mặt – những người được ghi nhận thống kê âm có nghĩa là số bàn thua thực tế của họ lớn hơn con số mà xGOT đưa ra.
 
Hugo Lloris
Ảnh: The Athletic
 
Và khi nhìn vào dữ liệu Những bàn thua đã ngăn chặn được trong xuyên suốt sự nghiệp của Lloris ở Spurs, chúng ta có thể thấy rằng về tổng thể, Lloris đã cứu thua tốt hơn kỳ vọng trong hầu hết các mùa giải. 
 
Hugo Lloris
Ảnh: The Athletic
Khả năng ngăn cản các cú sút của Lloris chưa bao giờ bị nghi ngờ – được tạo nên bởi tốc độ và phản xạ đẳng cấp thế giới mà anh sở hữu. “Cậu ấy nhanh nhẹn đến khó tin”, Brad Friedel, người cựu đồng đội đã bị Lloris cướp đi vai trò thủ môn số một ở Spurs, nhận định. “Những hành động chạy nước rút ban đầu và các pha cản phá những cú dứt điểm cự ly gần của cậu ấy thật đặc biệt”.
 
Nhằm hỗ trợ cho việc phản xạ, Lloris thích ở sát vạch vôi khung thành với mục đích mang đến cho bản thân nhiều thời gian nhất có thể để phản ứng trước những cú dứt điểm. Anh cũng thường làm một điều được giới thủ môn gọi là “bước nhảy tạo động lực”.
 
“Khâu chọn vị trí, cách mà anh ấy đặt bản thân vào những vị trí lý tưởng và sử dụng đôi chân thật xuất sắc, bên cạnh phản xạ đáng kinh ngạc”, John Harrison, một chuyên gia phân tích dữ liệu thủ môn, phân tích. “Điểm tôi thích thú nhất ở Lloris chính là điều mà các thủ môn gọi là ‘bước nhảy tạo động lực’. Bạn sẽ thấy rất nhiều thủ môn, ví dụ như David De Gea, nhảy nhót trước khi cú sút ập đến, tiếp đất và sau đó lao người để cố cứu thua. Điều này hoàn toàn ổn nếu đó là một bước nhảy nhỏ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bạn sẽ có được một pha bay người mạnh mẽ hơn nếu thực hiện một bước nhảy nhỏ trước khi cú dứt điểm ập đến.
 
Trong chuyện này, Lloris thực sự là một cao thủ. Anh ấy cực kỳ giỏi trong việc thực hiện những bước nhảy tạo động lực phù hợp nhất đối với từng tình huống để có được những pha bay người cản phá như ý muốn” 
 
“Tình huống cứu thua trước Chelsea vào tháng 11 năm ngoái, với một cú dứt điểm hướng đến góc dưới khung thành, là một ví dụ thực sự tuyệt vời về lợi ích của cách mà anh ấy làm điều đó.” Vào khoảng giây 15 của clip dưới, bạn có thể thấy bước nhảy tạo động lực của Lloris.
 
 
Nhưng phong cách này cũng có nhược điểm, đặc biệt là khi nhìn vào các tình huống 1 đối 1. Harrison đã khẳng định rằng trong khi Lloris thực sự là một bậc thầy khi nhắc đến khả năng cản phá tổng thể, thì anh chỉ ở mức trung bình khi nói đến việc xoay sở trong các tình huống 1 đối 1.
 
“Nhưng sẽ rất thú vị nếu chúng ta chia chúng thành các tình huống ‘cự ly xa’ (hơn 14 yard – tức khoảng 12,8m) và ‘cự ly gần’ (dưới 12,8m), anh ấy thực sự xuất sắc – vượt trên dữ liệu kỳ vọng – trong các tình huống 1 chọi 1 ‘cự ly xa’, và chật vật trước những tình huống ‘cự ly gần’,” Harrison giải thích. 
 
Hugo Lloris
Ảnh: The Athletic
 
“Nguyên nhân là bởi chiến thuật mà Lloris sử dụng trong các tình huống 1 đối 1, anh ấy thích chờ đợi trong khu vực 5m50 và phản ứng với những cú sút, hơn là lao ra ngoài để giao tranh với các tiền đạo và ‘tấn công’ quả bóng.
 
Đây là một chiến thuật tuyệt vời đối với những cú dứt điểm trong các tình huống 1 đối 1 cách xa khung thành. Nhưng đó là một chiến thuật tồi khi tiền đạo đối phương có thể tiếp cận gần với khung thành, đơn giản là vì bạn sẽ không có đủ thời gian để phản ứng và cản phá trước hầu hết các cú sút, ngay cả khi chúng ở khá gần cơ thể của thủ môn”.
 
Có một vài ví dụ cho điều này – bao gồm trường hợp dưới đây, diễn ra vào tháng 8 năm 2019, khi Lloris bị Joelinton của Newcastle đánh bại.
 
 
… hay pha ghi bàn của Alexandre Lacazette trong trận derby Bắc London diễn ra vào tuần tiếp theo.
 
 
Đôi khi, Lloris không phải trả giá vì sử dụng chiến thuật quen thuộc đứng yên tại vạch vôi và phản xạ trong một tình huống 1 đối 1 – như một pha đối đầu với Sadio Mané trong trận đấu với Liverpool vào tháng 1. 
 
Hugo Lloris
 
 Mane phối hợp 1-2 với Mohamed Salah…
 
Hugo Lloris
 
 Lúc này, “hầu hết các thủ môn sẽ lao ra, nhưng Lloris đã chọn giữ vị trí”, Harrison bình luận. 
 
Hugo Lloris
 
“Anh ấy đã có một pha phản xạ kỳ diệu để ngăn cản cú dứt điểm của Mané, nhưng các con số thống kê đã cho thấy đây không phải là một quyết định tốt”.
 
Khi Lloris quyết định dâng cao, các kết quả có thể trở nên tốt hơn. Ví dụ tiếp theo diễn ra trong trận đấu với Fullham vào tháng 1 “Lloris đã xử lý tình huống này một cách tuyệt vời với việc lao lên và tạo nên một vật cản được tính toán cẩn thận ngay gần tiền đạo”, Harrison phân tích. “Hành động này đã mang đến tác dụng che chắn phần lớn khu vực cầu môn từ tầm nhìn của tiền đạo, thu hẹp góc sút của anh ta, và cho phép Lloris dễ dàng vô hiệu hóa cú sút”.
 
Hugo Lloris
 
 
Hugo Lloris
 
 
Hugo Lloris
 
“Nếu Lloris có thể kết hợp chiến thuật này nhiều hơn vào lối chơi của mình, khả năng ngăn chặn các tình huống 1 đối 1 cự ly gần của anh ấy sẽ được cải thiện”, Harrison khẳng định.
 
Nhìn chung, trong vài năm qua, phong cách gác đền của Lloris đã thay đổi sang khuynh hướng thích ở sát vạch vôi và đã ngừng lao ra khỏi khung thành thường xuyên. Từ thống kê số lượng hành động phòng ngự bên ngoài vòng cấm mỗi 90 phút của thủ môn người Pháp do FBref cung cấp, có thể thấy rằng các tình huống lao ra ngoài vòng cấm của anh đã giảm hơn một nửa so với mùa 2017/2018.
 
Hugo Lloris
Ảnh: The Athletic
 
Đôi khi, lối chơi này có thể trở thành một sai lầm – hãy nhớ lại những bàn thua trước Dominic Calvert-Lewin của Everton, Fabien Balbuena của West Ham và Roberto Firmino của Liverpool ở mùa trước (xem các ảnh dưới), khi Lloris quyết định giữ vị trí.
 
Hugo Lloris
 
 
Hugo Lloris
 
Hugo Lloris
 
Việc Lloris giữ vị trí bám sát vạch vôi thay vì lao ra để ngăn cản quả tạt tầm thấp của Mané trong tình huống này chắc chắn là một quyết định sai lầm.
 
Tuy nhiên, chiến thuật này đã thường xuyên hoạt động hiệu quả đối với Lloris. Khuynh hướng của anh là lùi về phía vạch vôi để tối đa hóa thời gian phản ứng nếu nghĩ rằng mình sẽ không chạm được vào một quả tạt, sau đó ổn định bản thân để sẵn sàng thực hiện một pha cứu thua. Làm như vậy khi đối mặt với những cú đánh đầu thực sự là một chiến thuật thông minh, bởi vì những cú đánh đầu ở Premier League có tốc độ chỉ bằng khoảng một nửa những cú sút thông thường – trung bình khoảng 40,2 đến 48,3 km/h so với 88,5 km/h.
 
Trong số những ví dụ tiêu biểu bao gồm một pha cản phá trước Ruben Dias của Manchester City vào tháng 11 năm ngoái, hãy chú ý đến vị trí đứng của Lloris trong từng khung hình:
 
Hugo Lloris
 
Hugo Lloris
 
Hugo Lloris
 
Hugo Lloris
 
Mấu chốt của pha cứu thua này chính là cách đôi chân của anh ấy hoạt động trước khi cú dứt điểm được tung ra và khả năng chọn vị trí đã giúp nhiệm vụ trở nên dễ dàng hơn”, Harrison phân tích.
 
Bên cạnh việc trở nên thận trọng hơn với vị trí xuất phát của mình, những đường chuyền phát triển bóng từ hàng thủ của Lloris dưới thời Mourinho đã trở nên ít hơn rất nhiều so với những năm cuối cùng của triều đại Pochettino. Đây có thể là một yếu tố đã góp phần vào sự thăng hoa về phong độ của thủ môn người Pháp, vì Lloris không có phạm vi chuyền bóng đa dạng như Alisson hay Ederson. 
 
Hugo Lloris
Ảnh: The Athletic
 
Matt Pyzdrowski, chuyên gia phân tích thủ môn và cũng là một cựu thủ môn chuyên nghiệp, có một giả thuyết cho rằng việc những ngôi sao người Brazil kia định nghĩa lại vai trò thủ môn đã tạo nên áp lực buộc Lloris phải phát triển bóng nhiều hơn mức mà anh cảm thấy thoải mái.
 
Rõ ràng, Lloris có các điểm yếu và đã mắc phải những sai lầm – đây là chuyện không thể tránh khỏi và chính là cuộc đời của một thủ môn. Theo Friedel, “chìa khóa thành công” dành cho mọi thủ môn là thi đấu theo đúng với những điểm mạnh của mình. Lloris đã được làm vậy nhiều hơn kể từ khi tái xuất sân cỏ sau một chấn thương vào tháng 1 năm 2019, và sự cải thiện là rất rõ ràng.
 
Lloris có thể không phải lúc nào cũng ngoạn mục, nhưng với sự hiện diện của anh trước khung thành, dù cho đã có một vài sai lầm, thủ môn chưa bao giờ là vị trí mà Spurs phải lo lắng trong suốt 9 năm qua. Và đây cũng chính là quan điểm của người đồng đội cũ Friedel. 
 
Vừa là một người gác đền sở hữu trình độ chuyên môn xuất chúng, vừa là một thủ lĩnh mẫu mực, Tottenham Hotspurs thật may mắn khi có được lòng trung thành của Hugo Lloris trước sự lôi kéo của hàng loạt ông lớn trong suốt những năm qua.
 
Theo Charlie Eccleshare và Mark Carey, The Athletic
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

X
top-arrow