Những sai-lầm-dẫn-tới-bàn-thua rất… đáng nhớ của Lloris không phản ảnh một cách chính xác hiệu quả thi đấu tổng thể của thủ môn này trong màu áo Tottenham. Thậm chí, chúng bóp méo giá trị thực sự và những đóng góp tối quan trọng của Lloris cho Spurs.
Không có cầu thủ nào hiện đang thi đấu ở Premier League mắc nhiều lỗi dẫn đến bàn thua hơn Hugo Lloris kể từ khi thủ môn người Pháp gia nhập Tottenham vào năm 2012. Tổng cộng 18 lần!
Ngay cả chấn thương gần đây nhất của Lloris, hồi tháng 10 năm ngoái, trong trận thua 0-3 trên sân Brighton, cũng xuất phát từ một pha xử lý không-đạt-chuẩn tạo điều kiện cho tiền đạo chủ nhà Neal Maupay phá lưới Spurs dễ dàng.
Tháng Ba năm ngoái, Llloris mắc lỗi bắt không dính bóng trong tình huống Mohamed Salah đánh đầu, dẫn tới pha phản lưới sau đó của Alderweireld ở phút bù giờ giúp chủ nhà Liverpool giành thắng lợi chung cuộc 2-1.
Lượt về Premier League 2017/18, Lloris chọn sai vị trí để đón bắt đường tạt của Victor Moses và Alvaro Morata đã trừng phạt sai lầm của anh bằng bàn thắng mở tỉ số (Tottenham thắng 3-1 ở Stamford Bridge tháng 4/2018 – NV). Đối đầu Man City hồi tháng 1/2017, Lloris “góp công lớn” trong cả 2 bàn thắng của đội chủ nhà dù Tottenham ngược dòng hòa 2-2 chung cuộc.
Nhiều CĐV Tottenham chắc chắn cũng chưa quên hình ảnh Lloris long ngóng tự đẩy bóng… vào lưới nhà như thế nào sau cú dứt điểm đơn giản của Kieran Gibbs ở phút 77 trận derby thành London tại Emirates tháng 11/2015 (hòa 1-1). Thống kê cho thấy, phân nửa trong tổng số 18 lần mắc lỗi dẫn tới bàn thua của Lloris đến trong các trận chiến giữa Tottenham và “Big 6”.
Sự nghiệp thi đấu tại Anh của Lloris, quả thật, bị “đóng đinh” bởi bộ sưu tập những khoảnh khắc tồi tệ trong nhiều trận đấu lớn. Và có lẽ, đa số các fan bóng đá hẳn vẫn còn nhớ tình huống Lloris mắc lỗi nặng khiến Pháp bị thủng lưới trước Croatia ở trận chung kết World Cup 2018.
Vấn đề là, những sai-lầm-dẫn-tới-bàn-thua rất… đáng nhớ của Lloris không phản ảnh một cách chính xác hiệu quả thi đấu tổng thể của thủ môn này trong màu áo Tottenham. Thậm chí, chúng bóp méo giá trị thực sự và những đóng góp tối quan trọng của Lloris cho Spurs.
Tính từ năm 2013, khi Opta bắt đầu áp dụng thông số bàn thắng kỳ vọng cho các mẫu phân tích bóng đá của họ, không thủ môn nào ở Premier League có số lượng các pha cứu thua tốt hơn Lloris của Tottenham.
Lloris không chỉ nổi bật ở chất lượng cản phá các pha dứt điểm mà nhiều đồng nghiệp ở giải Ngoại hạng Anh phải “bó tay”, mà quan trọng hơn thủ thành người Pháp duy trì hiệu suất ở mức ổn định cao trong toàn bộ sự nghiệp của mình ở Tottenham.
Phân tích của Opta, dựa trên bàn thắng kỳ vọng, chỉ ra rằng 7 mùa giải Premier League gần nhất trước mùa này, Tottenham với Llloris bắt chính lẽ ra phải thủng lưới nhiều hơn tới 33 bàn so với thực tế. Điểm mấu chốt tạo ra sự khác biệt, dĩ nhiên, chính là sự xuất sắc của thủ thành người Pháp.
Để tiện so sánh, David De Gea “chỉ” giúp Man United thoát thua cỡ 13-14 bàn, trong cùng quãng thời gian. Ederson, thủ môn được tung hô rất nhiều của Man City, thậm chí còn để thủng lưới nhiều hơn so với mẫu phân tích bàn thắng kỳ vọng.
Chỉ xét riêng mùa giải này, Lloris thủng lưới 9 bàn (trong 9 lần bắt chính) ở Premier League. Nhưng phân tích từ Opta cho thấy, với cùng chất lượng những pha dứt điểm (The post-shot expected-goals) mà Lloris phải đối mặt thực tế, đa số các thủ môn khác của giải đấu sẽ phải nhận về số bàn thua không dưới 15.
Tuy nhiên, hiệu suất tuyệt vời mà Lloris đã và đang thể hiện lại là thứ mà giới truyền thông lắm chuyện và đa phần người xem bóng đá không thực sự quan tâm. Họ muốn nói về Lloris của-những-sai-lầm hơn. Như tình huống để Maupay ghi bàn ở Brighton hay pha mắc lỗi tạo điều kiện cho Danny Ings của Southampton lập công.
“Hugo là một chiến binh với tinh thần chiến đấu tuyệt vời. Sai lầm là chuyện chẳng thể tránh trong bóng đá nhưng Hugo chẳng bao giờ để chúng tác động tiêu cực tới bản thân cả” – cựu HLV Tottenham Mauricio Pochettno phát biểu sau trận Tottenham thắng Southampton 2-1 hồi cuối tháng 9 năm ngoái. Đấy là trận đấu mà sau sai lầm trước Ings, Lloris đã có 2 tính huống cứu thua siêu hạng từ các pha dứt điểm của James Ward-Prowse và Maya Yoshida.
Với hơn 3000 đường chuyền ở phần sân nhà, Lloris cũng là cầu thủ dẫn đầu ở hạng mục này tính tại Premier League kể từ năm 2015. Không thủ môn nào khác của giải đấu có số lượng đường chuyền tương tự chạm mốc 2000. Lloris cũng đứng hạng nhất ở tỉ lệ thành công trong những lần băng ra khỏi khu vực 16m50 để cắt các pha tấn công của đối thủ (123 lần, tính từ mùa giải 2015/16). Theo định nghĩa của Opta, Lloris chính là cái tên tiệm cận gần nhất với hình mẫu “thủ môn quét – Sweeper Keeper” của Premier League.
Theo một mẫu phân tích từ Skysports, Lloris dù là mẫu thủ môn có xu hướng lao lên phía trước trong các tình huống 1 vs 1, thích chuyền bóng ở phần sân nhà nhưng khi đối mặt với các pha dứt điểm Lloris thường giữ một thói quen bất di bất dịch. Anh luôn đảm bảo vị trí của mình ở sát với vạch ngang khung thành nhất, điều ngược lại hoàn toàn với đa số các thủ môn khác.
Phương-pháp-Llloris được hiểu đơn giản như thế này: “thay vì nhích lên 1 bước chân để thu hẹp góc sút của đối phương, thì anh chọn vị trí đứng gần sát với cầu môn nhà nhất có thể để có thêm vài tích tắc cho một tình huống phản xa cứu thua”. Tính từ 2013/14 đến thời điểm hiện tại, Lloris đã giúp Tottenham thủng lưới ít bàn hơn so với kết quả phân tích của Opta dựa trên bàn thắng kỳ vọng ở 6/7 mùa giải Premier League. Một bằng chứng rõ ràng cho thấy phương-pháp-Lloris vẫn đem lại hiệu quả cao nhất.
Các CĐV Spurs chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận việc thỉnh thoảng phải chứng kiến Lloris mắc lỗi dẫn tới bàn thua. Bởi CLB Tottenham hiểu rằng, với Lloris, họ đang sở hữu một trong những thủ môn xuất sắc nhất, ổn định nhất giải đấu trong gần 1 thập kỉ qua.
Lloris có lẽ vẫn sẽ mãi mãi bị đánh giá thấp hơn nhiều so với khả năng của chính anh. Nhưng giá trị mà Lloris đã và đang mang đến cho Tottenham chắc chắn vượt xa “bộ sưu tập những sai lầm” của thủ môn này.
Lược dịch từ: Hugo Lloris at Tottenham: Is he underrated? The stats suggest so – Adam Bate (SkySports)