“Nếu bạn muốn kiếm tìm một loài hoa kiên cường nhất, loài hoa có thể vượt qua những điều kiện khắc nghiệt để có thể tồn tại, để có thể vươn lên tỏa sắc- thì đó chỉ có thể là những bông hoa cẩm chướng mà thôi.”
|
Homare Sawa: Bông hoa cẩm chướng vực dậy đất nước Nhật |
BÔNG HOA DẠI HƯỚNG ĐẾN ÁNH MẶT TRỜIThành phố Fuchu, một thành phố thuộc vùng ven của cụm thủ phủ Tokyo, vẫn thường được biết đến là nơi có thời tiết ôn hòa cùng với bầu trời trong xanh tuyệt đẹp. Và cách đây vừa tròn 38 năm, dưới bầu trời trong xanh lững lờ những áng mây lành ấy, Homare Sawa đã cất tiếng những tiếng khóc đầu tiên để đón chào cuộc đời.
Từ thuở bé thơ, Sawa đã tỏ ra mình là một vận động viên bẩm sinh. Không chỉ so với những bạn nữ mà đối với những bạn nam đồng trang lứa, thể trạng của chị nhiều khi còn có nét vượt trội. Thậm chí mới ba tuổi, chị đã có thể bơi thoải mái dưới nước mà không cần người lớn kèm cặp. Vào thập niên 80, bộ truyện Tsubasa ra đời và nó mở ra một giấc mơ mới cho bóng đá nước Nhật, không khí bóng đá học đường len lỏi khắp nẻo ở xứ sở Mặt trời mọc này, những cậu học sinh đua nhau rượt theo trái bóng mỗi khi tan trường và anh trai của Sawa cũng không phải là ngoại lệ. Cô bé sáu tuổi ngày ấy cứ tò mò ngước đôi mắt ngây thơ nhìn ông anh tập luyện với trái bóng, và vào một ngày cô quyết định rượt theo để có thể sút vào nó vì nghĩ rằng “Việc đó hẳn sẽ vui lắm”- Sawa sau này chia sẻ.
Thấy em gái mê đá bóng, cậu anh liền thích thú dẫn theo để cùng mình đến với những buổi tập dành cho đội bóng thiếu nhi mà cậu tham dự. Thật không ngờ, “đẳng cấp” của cô em quá cao đến nỗi ông huấn luyện viên liền gọi cô vào đội tuyển để tham dự vào một giải đấu nhi đồng, bất chấp những ý kiến trái chiều về giới tính của cô bé. Và đó cũng là lúc mà đôi chân của Homare Sawa bắt đầu viết nên những dòng đầu tiên vào lịch sử bóng đá Nhật Bản.
|
Homare Sawa khi còn rất mạnh mẽ trong màu áo ĐT Quốc Gia |
Sawa đã từng chia sẻ rằng: “Nhớ lại thì có lẽ nhờ những ngày chơi bóng cùng với đám trai làng đã giúp tôi hoàn thiện kỹ năng của bản thân, tôi trở nên mạnh mẽ hơn vì đơn giản là tôi không muốn thua kém họ”. Trên khuôn mặt của Sawa toát nên một nét điển hình của người phụ nữ Nhật, một nét khắc khổ chịu thương chịu khó đáng khâm phục. Có lẽ những ngày chơi bóng bên đám thiếu niên hơn mình về cả thể hình và thể lực đã giúp chị hình thành nên lối chơi riêng của mình. Không khoa trương như Marta, cũng không mạnh mẽ như Abby Wambach, Sawa chơi bóng bằng cái đầu và đôi chân không biết mệt mỏi. Đôi lúc chúng ta thấy chị soạc bóng ngăn chặn đối phương ngay sát vòng cấm địa, đôi khi lại thấy chị đang ở tuyến trên tỉa những đường bóng tuyệt đẹp cho đồng đội ghi bàn. Những đường tỉa bóng của Sawa thì ôi thôi đẹp lắm, bóng cầu âu qua đầu đối phương và đặt tiền đạo vào ngay vị trí thuận lợi trong vòng cấm địa, những đường chuyền để cho dễ hình dung thì có lẽ nên nhờ hình ảnh của Xavi để mà so sánh vậy. Nhưng tài năng đặc biệt của Sawa không chỉ dừng lại ở đó, tuy vị trí của chị là ở vòng tròn trung tâm với vai trò cầm trịch trận đấu, nhưng chị có hiệu suất ghi bàn đáng kinh ngạc.
Năm 15 tuổi, Sawa đã ra mắt đội tuyển quốc gia trong trận đấu giao hữu với Phillipines, và ngay trận đầu tiên, Sawa đã lập cú poker để chào màu áo tuyển. Đó là sự khởi đầu cho hơn 80 bàn thắng của hơn 200 trận thi đấu trong màu áo đội tuyển quốc gia sau hai mươi năm chinh chiến không biết mệt mỏi. Thậm chí chị còn là Vua phá lưới trong kỳ World Cup 2011 trên đất Đức, bàn đạp giúp chị giành danh hiệu Cầu thủ nữ xuất sắc nhất thế giới năm 2011, vượt qua cả huyền thoại Marta và người bạn thân Abby Wambach.
Cả một sự nghiệp gần như hoàn hảo của một cầu thủ nhưng có một điều luôn canh cánh trong đầu Sawa, đó là chị không có được cơ hội để thỏa sức trên mảnh đất quê hương. Lý do là vì ở Nhật Bản không hề có một giải đấu chuyên nghiệp nào dành cho bóng đá nữ. Và đó cũng là động lực thúc đẩy Sawa luôn hết mình cho màu áo quốc gia để nâng cao hình ảnh người phụ nữ trong mắt nước Nhật. Chị luôn thi đấu cho điều ấy ở những kỳ World Cup mà mình tham dự, cho đến kỳ thứ 5 thì mọi sự đã đổi khác.
|
Homare Sawa và những danh hiệu cá nhân cao quý |
CÂU CHUYỆN VỀ HOA CẨM CHƯỚNG TRÊN NƯỚC ĐỨC
Ngày 11-3-2011, tức là trước trận chung kết có 4 tháng mà thôi, nước Nhật đã hứng chịu một trong những thảm họa tệ hại nhất trong lịch sử loài người. Một cơn chấn động mạnh ngoài khơi phía đông bờ biển bán đảo Oshika, Tohoku đã gây nên một cơn sóng thần tấn công vào đất liền. Cơn sóng đã cướp đi sinh mạng của gần 16 ngàn người cùng với đó là hàng ngàn người đã mất tích. Nhưng chưa dừng lại ở đó, một tuần sau, thông tin về rò rỉ phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima còn kéo thêm hàng vạn hộ gia đình phải rời xa tổ ấm của mình. Nước Nhật trở nên kiệt quệ hơn bao giờ hết, một nền kinh tế hùng mạnh thế giới cuối cùng cũng phải nhờ đến sự trợ giúp của thế giới.
Nhưng vượt qua nỗi đau, đội tuyển nữ Nhật Bản không hề bỏ cuộc, họ vẫn hăng say tập luyện để nuôi lớn ước mơ của mình. Ước mơ vô địch thế giới. Ước mơ về niềm vinh quang sẽ tạo nên một niềm cổ vũ to lớn cho người dân đang gồng mình khắc phục hậu quả nơi quê nhà. Những cô gái đến từ xứ Mặt trời mọc ngày ấy được người hâm mộ gọi là Nadeshiko (Những bông hoa cẩm chướng) bởi lối chơi kiên cường, lăn xả như đời sống của loài hoa này. Những thân hình nhỏ thó chạy không biết mệt mỏi trên nền cỏ xanh ở nước Đức, thậm chí họ còn sẵn sàng đưa đầu vào mũi giày của đối phương để tranh cướp một pha bóng.
|
Homare Sawa và các đồng đội đã viết nên câu chuyện những bông hoa cẩm chướng trên đất Đức |
Nadeshiko vượt qua vòng bảng với thành tích hai trận thắng và một thất bại. Những bông hoa tiếp tục khuất phục chủ nhà Đức ở trận tứ kết trước khi có màn lội ngược dòng ngoạn mục trước đoàn quân trẻ trung Thụy Điển. Và đến trận đấu cuối cùng, họ đương đầu với đối thủ đáng sợ nhất - đội tuyển Mỹ. Tuyển Mỹ khi ấy sở hữu trong tay những ngôi sao hàng đầu như tiền đạo Abby Wambach hay thủ thành Hope Solo, và đặc biệt nhất là tinh thần hưng phấn sau khi tự tay loại ứng cử viên vô địch Brazil ngay vòng tứ kết. Ngay cả khi so sánh về hiệu số đối đầu thì Nhật Bản cũng hoàn toàn lép vế với lịch sử 25 trận đấu không biết mùi chiến thắng, thậm chí trước đó một tháng, đội quân xứ Mặt trời mọc còn bị những cô gái xứ Cờ hoa khuất phục đến hai lần trong những trận đấu giao hữu. Mọi chuyên gia đều đánh giá sẽ không có cơ hội nào cho Nadeshiko.
Trước trận chung kết, vẫn như mọi trận đấu trước đó, ông Norio Sasaki-huấn luyện viên trưởng tuyển Nhật Bản - cho những cô gái xem hình ảnh từ quê nhà. Họ đã không thể cầm được nước mắt và như có một luồng điện chạy dài nơi sống lưng, thúc đẩy tinh thần các cầu thủ. Họ bước ra sân với một niềm tin mãnh liệt. “Không biết vì sao nhưng tôi có niềm tin rằng chúng tôi sẽ chiến thắng”- Sawa trả lời với phóng viên CNN. Và đó cũng là niềm tin đối với cả người dân Nhật khi mọi gia đình đều mở TV để trông theo những đôi chân của các tuyển thủ nữ, mặc cho trận đấu diễn ra vào giờ rạng sáng ở quê nhà.
Và như có một thần lực của tinh thần dân tộc, tuyển nữ Nhật đã hay mà còn may nữa. Bóng hai lần tìm đến xà ngang và cột dọc khung thành đội bóng áo xanh trước khi Morgan mở tỷ số cho tuyển Mỹ, nhưng cũng chỉ 12 phút sau đó, tận dụng sai lầm của hàng phòng ngự đối phương Miyama đã gỡ hòa để dẫn hai đội đến với hai hiệp phụ. Phút 104 Wambach một lần nữa giúp đội bóng Cờ Hoa dẫn điểm. Và khi mà mọi người nghĩ về chiến thắng cho đội bóng áo trắng thì Sawa lại sắm vai người hùng khi ghi một trong những bàn thắng xứng đáng xếp vào Top “Những pha làm bàn đẹp nhất trong lịch sử các trận chung kết” kể cả bóng đá nam và nữ. Sau quả phạt góc từ cánh trái, chị chạy cắt mặt và tung ra một pha đánh gót từ vị trí không tưởng, bóng xuyên qua rừng bóng áo trắng trước khi bay vào lưới trước con mắt ngỡ ngàng của tất cả mọi người. Bàn thắng mà sau này Sawa thừa nhận rằng sẽ không bao giờ chị có thể tái hiện lần nữa.
|
Homare Sawa xinh tươi trong trang phục truyền thống của Nhật Bản |
Hai đội bước vào loạt luân lưu cân não, tinh thần đội Mỹ bị chấn động mạnh sau bàn thắng của Sawa nên những đôi chân liên tiếp thất bại, còn đội Nhật Bản thì lại có được sự cổ vũ to lớn nên vững vàng khuất phục thủ thành đội bạn. Để rồi khi Kumagai sút tung nóc lưới của Hope Solo, những trái tim người Nhật như vỡ òa trong niềm vui vô hạn. Họ ôm nhau và khóc cho một niềm vui không thể nói thành lời. Họ đã là nhà vô địch. Nadeshiko đã trở thành Nữ hoàng mới của bóng đá thế giới!
***
Đã 5 năm trôi qua từ cái ngày khó quên ấy, tuy nước Nhật vẫn đang tìm cách khắc phục hậu quả nhà máy điện hạt nhân nhưng những hình ảnh đau thương đã được thay bằng những màu sắc tươi vui hơn. Đội tuyển nữ lại một lần nữa tiến đến trận chung kết World Cup nhưng lần này họ đã không thể vượt qua tuyển Mỹ để bảo vệ thành công ngôi hậu của mình.
Còn riêng Homare Sawa, chị đã từ giã sự nghiệp quần đùi áo số sau hơn 23 năm chinh chiến. Giờ đây Sawa hạnh phúc với gia đình nhỏ của mình và chuẩn bị làm một người mẹ. Sự nghiệp của Sawa là một thiên sử dài cho việc đấu tranh quyền bình đẳng giới trong môi trường bóng đá Nhật Bản. Và câu chuyện cổ tích về “Những bông hoa cẩm chướng” sẽ mãi lưu truyền trong lịch sử đất nước này, vì nó không chỉ dạy cho nước Nhật mà còn chỉ ra cho thế giới này thấy rằng: Bóng đá nữ cũng có một vai trò và sứ mạng quan trọng như thế nào.
Dữ liệu tham khảo:
Four Four Two, Wikipedia.
PHUONG GP(TTVN)