Trở về Trang chủ

“Hoàng đế” Adriano: Thiên tài từ đỉnh cao rơi xuống vực sâu

Thứ Tư 12/05/2021 17:32
Aa

"Hoàng đế" Adriano từng một thời là nỗi sợ hãi cho các hàng phòng ngự. Nhưng rồi, đỉnh cao của anh nhanh chóng đi qua để lại nỗi nuối tiếc. Trên The Players Tribune, cựu danh thủ Brazil tâm sự về cuộc đời mình, những câu chuyện về năm tháng ấu thơ, trở thành người nổi tiếng và rớt xuống vực sâu... vì sự qua đời của người cha.

adriano
 
 
Họ nói tôi đã biến mất.
 
“Adriano từ bỏ hàng triệu euro”. “Adriano đang dùng ma túy”. “Adriano mất hút trong các khu ổ chuột”. Bạn có biết đã bao nhiêu lần tôi nhìn thấy những cái tiêu đề ấy không? Thật nhảm nhí. Vâng, tôi đang ngồi đây và mỉm cười trước mặt bạn. Bạn có muốn nghe sự thật, từ chính tôi không? Sẽ không còn những thứ nhảm nhí nữa, vì Adriano có chuyện muốn kể cho các bạn.
 

TỪ KHU Ổ CHUỘT TỚI FLAMENGO

 
“Favelas” (Khu ổ chuột), ngay cả từ đó mọi người cũng luôn hiểu sai. Người ngoài không hiểu đâu. Khi nào họ nói về Brazil, khi nào họ nói về những đứa nhóc trong các khu ổ chuột?
 
Họ luôn vẽ ra một bức tranh tối tăm, trong đó luôn đầy đau đớn và nghèo khổ.
 
Đúng là đôi khi nó như thế. Nhưng câu chuyện không đơn giản như vậy. Khi nghĩ về quá trình mình đã lớn lên ở khu ổ chuột, tôi thực sự nghĩ về quãng thời gian vui vẻ. Tôi nghĩ về thả diều, chơi quay và đá bóng ở trong hẻm. Đó là một tuổi thơ đúng nghĩa chứ không phải chỉ toàn những cái bấm “tap, tap, tap” vào màn hình mà trẻ con bây giờ làm đâu.
 
Xung quanh tôi là gia đình và người thân. Tôi lớn lên trong một cộng đồng. Tôi không khổ sở chút nào mà đúng là tôi đã sống. Tôi đã kiếm được rất nhiều tiền trong sự nghiệp. Nhưng phải trả bao nhiêu tiền để có lại được niềm vui như thế nữa? Bạn hiểu ý tôi chứ?
 
Khi đó, dưới chân tôi luôn là trái bóng. Chính Chúa đã đặt nó ở đó. Năm tôi lên 7 tuổi, một vài thành viên trong gia đình góp tiền để tôi có thể vào học viện của. Trời ơi, từ khu ổ chuột tôi sẽ đến Flamengo sao? Đi thôi! Tôi sẽ xỏ giày vào ngay! Bến xe buýt ở đâu nhỉ?

Adriano
Ảnh: The Players' Tribune
 
Nhưng có một chuyện là nhà tôi sống ở Penha, mà nếu bạn biết Rio thì sẽ hiểu tôi phải đi một quãng đường xa vô cùng để từ Penha đến trường Flamengo ở Gavea. Đó là thời điểm những năm 90 trước khi có đường cao tốc Yellow Line. Tôi phải đi 2 chặng xe buýt và tất nhiên vì vẫn còn nhỏ nên tôi cần có người đi cùng.
 
Và đây là lúc bà tôi xuất hiện trong câu chuyện. Nếu cuộc đời tôi không có bà thì sao? Thì bạn sẽ không biết đến cái tên Adriano đâu. Nghe này, bạn không biết người phụ nữ ấy đâu. Một nhân cách lớn, một huyền thoại! Để tôi kể một câu chuyện ngắn thế này…
 
Hồi tôi ở Inter, có lần báo chí đi theo tôi đến khắp mọi nơi, truy lùng tôi vì điều gì đó. Họ “hạ trại” ở ngoài nhà tôi và không chịu đi. Tôi cảm thấy như có cái bẫy gì đó. Khi ấy tôi đang sống cùng bà và tôi nghe thấy tiếng bà đang đun nước trong bếp.
 
“Bà ơi, bà đang làm món gì đấy”, tôi hỏi.
 
“Không, không. Bà đang không nấu ăn, cháu yêu à”, bà trả lời.
 
Nhưng có một cái nồi rất to ở đó cứ như thể bà làm món mì sợi vậy. Bà nói tiếp: “Bà chỉ đang chuẩn bị một món quà cho những người bạn của chúng ta ở ngoài kia thôi”.
 
Tôi sửng sốt: “Cái gì? Bà sao thế. Bà không được làm thế!!!!”
 
Bà đáp lại: “Không, không. Bà chỉ định cho những người bạn của chúng ta tắm một chút thôi! Sẽ rất tuyệt và ấm, họ sẽ thích lắm đấy!!”
 
Haha! Trời ơi, bà tôi nghiêm túc lắm. Tôi phải ngăn bà lại vì bà tôi cứ khăng khăng: “Họ cần dừng ngay việc làm phiền cháu yêu của bà! Bà phải dạy cho họ một bài học!”
 
Bà tôi đấy, bạn hiểu rồi chứ?
 
Khi tôi còn nhỏ, bà thường đi xe buýt đến sân tập cùng tôi mỗi ngày, và tất nhiên nhà tôi không nhiều tiền nên bà thường làm bỏng ngô để tôi có đồ ăn. Hoặc đôi khi bà lại cắt một mẩu bánh mì trắng và phết ít đường vào giữa. Chúng đều là những món rất cơ bản. Chúng ta có thể mua được bất cứ thứ gì, nhưng đôi khi những thứ đơn giản lại ngon nhất phải không? Đặc biệt là khi bạn đói. Món bỏng ngô đó có khác gì thức quà từ thiên đường đâu!
 
Mỗi khi chúng tôi đến sân tập, bà tôi sẽ làm gì bạn biết không? Bà ngồi trong một quán café đẹp và uống một tách trà? Không, bà ngồi ở sân tập và xem tôi đá bóng hàng giờ liền. Điều buồn cười nhất là không bao giờ có thể phát âm tên tôi sao cho đúng.
 
Từ khi tôi sinh ra, bà đã gọi tôi là “ADI-RANO!” Vì thế bà luôn hô lên với những đứa trẻ khác là “Này! Chuyền cho Adirano đi!! Cháu đang làm gì đấy? Chuyền bóng cho Adirano đi!”
 
Lúc đó tôi phải bảo bà là “Bà ơi! Bà hãy yên lặng một chút! Bà không thể nói thế được!”
 
Sau đó trên chuyến xe về nhà, bà bắt đầu phân tích trận đấu. “Adirano, sao cháu lại chạy như thế này? Sao cháu không sang bên kia? Bà không hiểu sao cháu lại không sút, cháu yêu” Haha! Bà thực sự thúc đẩy tôi rất nhiều! Bà chính là Mourinho trước cả khi Mourinho xuất hiện! Bà thẳng thắn lắm.
 
Bà cháu tôi giữ thói quen này suốt 8 năm trời và ngày nào cũng thế. Tôi sẽ không bao giờ quên. Không bao giờ, không bao giờ. Tôi không biết mình dành bao nhiêu tiếng trên xe buýt với bà nữa. Đó là toàn bộ cuộc sống của tôi. Bạn có nghĩ tôi dành thời gian cho việc học lúc nào không? Không bất ngờ khi tôi đúp lớp 4 ba năm liền!
 
Bà hy sinh để tôi có thể trở thành cầu thủ bóng đá. Và rồi một ngày, bất chợt từ đâu, toàn bộ giấc mơ gần như kết thúc.
 
Năm tôi lên 15, Flamengo định loại tôi. Nghiêm túc đấy, thề có Chúa. Vấn đề là lúc đó tôi chơi hậu vệ trái và tôi đang phát tướng quá nhanh vì ăn quá nhiều bỏng ngô! Bạn có tưởng tượng ra tôi lúc đó không? Adriano đá hậu vệ trái? Đến cuối năm, HLV xếp đội hình đám trẻ bọn tôi thành hai hàng.
 
Họ chỉ vào tôi và nói: “Cậu, ra chỗ kia”
 
Hàng bên trái tức là bị loại, còn hàng bên phải là ở lại.
 
Họ chỉ vào tôi: “Adriano, qua đó”
 
Tôi phải sang hàng bên trái rồi. Tạm biệt. Khi tôi đang lững thững đi thì một HLV gọi với lại “Này, không, không. Không phải Adriano. Cậu ở lại”.
 
Thật không thể tin nổi. Khi Chúa đã ban phước xuống cuộc sống của chúng ta, chúng ta không thể lý giải được. Thời điểm đó tôi biết rằng đó là cuộc chiến sống còn. Khi họ chuyển tôi lên đá tiền đạo, tôi biết đây là cơ hội cuối. Vậy tôi đã làm gì?
 
Người anh em à, tôi đã chiến đấu. Tôi đấm gục tất cả những người đứng chắn trên đường tôi đi. Đó là một điều nữa mà người ngoài không hiểu. Khi bạn là tiền đạo thì đó không còn là cuộc đua nữa. Không, không. Khi bóng đến chân bạn và trước mặt bạn là 2 trung vệ cao to cố gắng xử bạn. Đây không phải cuộc đua. Đây là cuộc chiến, một cuộc chiến đường phố.
 
Vậy tôi đã làm gì? Tôi đấm tất cả những gã khốn to lớn cản đường tôi! Adriano sẽ là thằng cuối cùng còn đứng trên sàn đấu. Tôi nói thật.
 
Flamengo giữ tôi đá tiền đạo, tạ ơn Chúa, và vài năm sau, khi tôi 17 tuổi, tôi đã có cơ hội tập với đội một. Nhưng lúc này tôi đang đối đầu với những người đàn ông trưởng thành. Họ chơi bóng để nuôi gia đình và ở đẳng cấp khác. Vì thế tôi phải chứng minh với tất cả rằng họ không thể khiến tôi bối rối.
 
Tôi sẽ không bao giờ quên thời điểm này - chúng tôi đá 11 vs 11 và bóng lăn qua lăn lại mà chẳng có gì xảy ra. Đột nhiên trái bóng đến chỗ tôi ở trong vòng cấm. Nó rơi từ trên không xuống, các hậu vệ đẩy tôi và tôi huých họ ra. Khi quay lại, tôi chỉ thấy cái khung thành đẹp đẽ đang hiện ra trước mặt tôi. Bóng ở chân trái, và bạn biết tôi sẽ làm gì khi có bóng ở chân trái rồi đây. Tôi không giải thích được. Có lẽ Chúa đã nhón ngón tay của ngài từ trên thiên đường xuống và đặt trái bóng vào chân tôi. Tôi nhắm mắt lại và sút bóng mạnh nhất có thể. BÙM, bóng đi về phía khung thành và bay lên trời như một chú chim. Tạm biệt.
 
Trời ạ, thề có Chúa là trái bóng bật ngược trở lại vạch giữa sân. Tôi không đùa đâu. Và tôi có thể nhìn thấy gương mặt của mọi người khi đó: các cầu thủ, HLV, tất cả mọi người. Cảm xúc của họ là “Ôi trời! Là cậu bé này sút sao”. Lúc đó tôi nghĩ: “Cảm ơn Cha Thiên Thượng. Cảm ơn ngài vì món quà này”.

Adriano
Ảnh: Getty Images
 

“HÃY ĐỂ CẬU BÉ NÀY ĐÁ PHẠT”

 
Vài tháng sau, tôi được gọi lên đội tuyển quốc gia. Mọi thứ diễn ra nhanh như vậy đấy. Thời điểm đó tôi vẫn sống ở khu ổ chuột cùng với bố mẹ. Thực sự lúc họ đang công bố danh sách đội tuyển trên TV tôi vẫn đang ngủ. Mẹ vào phòng gọi: “Adriano! Adriano! Con trai! Con được gọi lên đội tuyển rồi! Chúa ơi”
 
Khi ấy tôi vẫn còn đang ngái ngủ. Mẹ nói lại: “Con được gọi lên đội tuyển rồi! Chúa ơi!”
 
Tôi đáp: “Hả, mẹ nói gì cơ? Mẹ đang đùa con à?”
 
Tôi chạy đến TV và thấy tên mình hiện lên. Trời ơi. Lúc đó tôi 18 tuổi, sống ở khu ổ chuột. Câu chuyện của tôi vốn chẳng có bất cứ logic nào cả, ngay cả tôi cũng cảm thấy thế. Vậy mà chỉ một năm sau, tôi chuyển tới Inter Milan và mọi người gọi tôi là “Hoàng đế”. Giải thích như thế nào bây giờ? Bàn tay của Chúa, tôi chỉ có thể nói với bạn như vậy.
 
Tôi nhớ khi vừa đến Italy, tôi không biết chuyện gì đang xảy ra cả. Xung quanh tôi là những người như Seedorf, Ronaldo, Zanetti, Toldo.. Tôi rất sợ họ. Seedorf đi quanh phòng thay đồ, tay cầm chiếc áo anh ấy vừa cởi ra - anh ấy chỉ có 7% mỡ cơ thể thôi! Thực sự đáng tôn trọng!
 
adriano 2
 
Tôi sẽ không bao giờ quên ngày chúng tôi đối đầu Real Madrid trong một trận giao hữu ở Bernabeu và tôi vào sân từ ghế dự bị. Chúng tôi được hưởng một quả đá phạt ngoài vòng cấm và tôi bước lên đứng trước bóng. Này, tại sao lại không nhỉ? Hãy đoán xem ai đằng sau tôi đang hô lên: “Không, không, không. Tôi sẽ đá”.
 
Là Materazzi đấy! Nghe có buồn cười không, haha! Tôi gần như không hiểu anh ấy nói gì vì lúc đó tôi chưa biết nói tiếng Italy. Nhưng tôi hiểu là anh ấy rất muốn đá. “Không, không, không”.
 
Thế nhưng Seedorf can thiệp: “Không, hãy để cậu bé này đá”. Không ai cãi lại Seedorf cả, và tất nhiên Materazzi phải tránh sang một bên. Điều hài hước là nếu bạn xem video ấy sẽ thấy Materazzi đứng chống nạnh, có lẽ lúc đó lão nghĩ: ‘Thằng oắt con này sẽ sút đập vào hàng rào cho xem!”
 
Sau này, mọi người luôn hỏi tôi về cú đá phạt đó. “Làm thế nào cậu sút mạnh như thế được?” Tôi chỉ trả lời họ là: “Tôi cũng không biết nữa. Tôi sút bằng chân trái và Chúa làm phần còn lại” BÙM. Bóng găm vào góc cao khung thành. Tôi không giải thích được, mọi chuyện cứ diễn ra như vậy thôi.

 
Đó là khởi đầu cho câu chuyện tình với Inter. Cho đến tận ngày hôm nay, Inter vẫn là CLB của tôi. Tôi yêu Flamengo, Sao Paulo, Corinthians… Tôi yêu quý nhiều nơi tôi đã từng đến, song Inter vẫn là điều đặc biệt với tôi. Báo chí Italy? OK, đó là câu chuyện khác. Còn CLB Inter? Là số một.
 
Tôi vẫn nổi da gà mỗi khi nhớ lại bài hát mà các khán giả hát dành cho tôi ở San Siro.
 
“Che confusione
 
Sarà perché tifiamo
 
Un giocatore
 
Che tira bombe a mano 
 
Siam Tutti in piedi 
 
per questo brasiliano 
 
batti le mani 
 
che in campo c'è Adriano.
 
“Tất cả chúng tôi ủng hộ anh chàng Brazil này”.
 
Trời ơi, một thanh niên tới từ khu ổ chuột như tôi sao? Tôi đang là “Hoàng đế” ở Italy ư? Tôi còn chưa làm được gì nhiều và mọi người đã đối đãi với tôi như nhà vua. Thật điên rồ. Tôi nhớ cả gia đình tôi đều từ Rio đến thăm tôi và khi tôi nói về gia đình, bạn sẽ không hiểu ý tôi đâu. Gia đình theo kiểu Brazil. Tôi không chỉ nói đến bố mẹ mà tôi đang nói tới 44 người! Anh em, cô dì chú bác!
 
Cả khu tôi sống đều lên máy bay. Và thông tin đến với chủ tịch CLB, ngài Moratti (một huyền thoại). Ngài Moratti nói: “Này, đây là thời khắc đặc biệt với cậu bé. Hãy cử một chiếc xe buýt đón gia đình cậu ấy”. Hãy tưởng tượng mà xem, 44 người Brazil trong một chuyến đi tới Italy! Haha, cảnh tượng thật thú vị. Đây là lúc ăn mừng rồi.

Adriano
Ảnh: AFP
 
Đây là lý do tôi sẽ không bao giờ nói một điều không hay nào về ngài Moratti hay Inter. Mọi CLB nên vận hành như thế, họ quan tâm đến tôi và cuộc sống cá nhân của tôi. 
 
Hiện tại, tôi biết bạn đang nghĩ gì. “Nhưng Adriano này, tại sao anh lại rời bỏ bóng đá? Tại sao anh lại rời bỏ chúng tôi”, bạn đang nghĩ thế phải không? Tôi luôn nhận được câu hỏi này mỗi khi quay lại Italy.
 
Bạn biết không, đôi lúc tôi nghĩ mình là một trong những cầu thủ bóng đá bị hiểu nhầm nhất thế giới. Mọi người không thực sự hiểu những gì đã xảy ra với tôi. Họ chỉ được nghe toàn những câu chuyện không đúng. Nhưng thực sự câu chuyện rất đơn giản. Trong vòng 9 ngày, từ cảm giác hạnh phúc, mọi thứ biến nó thành quãng thời gian tồi tệ nhất với tôi. Từ thiên đường tôi đã bị quăng xuống địa ngục. Thực sự là như vậy.
 

TỪ THIÊN ĐƯỜNG…

 
Ngày 25 tháng 7 năm 2004. Trận chung kết Copa America với Argentina diễn ra. Mọi người Brazil đều nhớ trận đấu đó. Cho đến tận những phút cuối cùng, chúng tôi vẫn đang thua họ. Và bọn họ bắt đầu bôi tro trát trấu, chế giễu, cố gắng khiến chúng tôi mất bình tĩnh để thời gian trôi đi. Luis Fabiano muốn đấm hết lũ bọn chúng! Haha! “Hãy quên trận đấu này đi, giết hết mấy thằng khốn ấy!”
 
Và phần còn lại là một bài thơ, một bộ phim, một bản nhạc. Tôi không biết gọi nó là gì nữa, nhưng thực sự siêu thực. Bóng rơi vào vòng cấm, tình huống rất hỗn loạn, toàn thân người, cùi chỏ. Tôi không thể thấy cái khỉ gì cả! Nếu bạn xem video sẽ thấy tôi giơ cùi chỏ thúc vào ai đó. Nhưng đột nhiên bóng ở chân tôi, một món quà từ thiên đường. “Ô, đên đây nào, em đẹp lắm đồ khốn!”, tôi nghĩ.
 
Sẽ là dối trá nếu tôi nói tôi biết mình đang hướng trái bóng vào đâu. Tôi chỉ cố gắng sút thật mạnh bằng chân trái mà thôi. BÙM. “Một nụ hôn từ một thằng béo đến những người Argentina!” Tôi sút tung lưới và trong khoảnh khắc ấy không thể nào diễn tả được cảm xúc. Thật không thể tin nổi.
 
Trận đấu lúc đó mới chỉ về tỷ số hòa thôi, nhưng chúng tôi biết là họ đã vỡ vụn ra rồi. Chúng tôi biết điều gì sẽ xảy ra trên chấm luân lưu. Và đúng như vậy.
 
Juanzao - bùm!

Adriano
Ảnh: Getty Images
 
Chúng tôi là nhà vô địch. Và Argentina thì không. Đánh bại Argentina theo cách như thế, với đất nước tôi, với gia đình tôi đang theo dõi… đó là ngày hạnh phúc nhất cuộc đời tôi. Hãy nghĩ về điều đó. Một thằng nhóc đến từ khu ổ chuột. Làm sao mà tôi lại không nghĩ rằng Chúa đã nhón bàn tay ngài từ trên thiên đường xuống để sắp đặt cuộc đời tôi như thế chứ? Và đó là bài học cho tất cả mọi người. Vì dù bất kể bạn là ai - bạn có thể đứng trên đỉnh thế giới, bạn có thể là “Hoàng đế”. Nhưng cuộc đời bạn có thể thay đổi thành… 

*Bốp* (một cái tát), như thế.
 

… RỚT XUỐNG ĐỊA NGỤC

 
Ngày 4 tháng 4 năm 2004. Chín ngày sau, tôi trở lại châu Âu với Inter. Tôi nhận được một cuộc điện thoại từ nhà, mọi người thông báo bố tôi qua đời vì bị trụy tim.
 
Thực sự tôi không muốn nói về điều đó, nhưng tôi sẽ kể về ngày sau hôm ấy. Tình yêu bóng đá của tôi không bao giờ còn như trước nữa. Bố tôi yêu bóng đá và truyền tình yêu đó cho tôi. Nó trở thành định mệnh cuộc đời tôi. Khi đá bóng, tôi đá vì gia đình. Khi ghi bàn, tôi ghi bàn vì gia đình. Vì thế khi bố mất, với tôi bóng đá không bao giờ còn như trước nữa.
 
Tôi vượt đại dương đến Italy, sống xa gia đình và tôi không thể nào đương đầu với sự thật ấy. Dần dần tôi bị trầm cảm và uống rất nhiều rượu. Thực sự tôi không muốn tập luyện nữa, tôi chẳng còn gì để làm với Inter cả. Tôi chỉ muốn về nhà thôi. 
 
Thành thực với bạn thế này, dù tôi ghi rất nhiều bàn ở Serie A vài năm sau, và dù người hâm mộ thực sự yêu quý tôi, nhưng niềm vui của tôi đã mất. Tôi không thể chỉ bật cái công tắc và cảm xúc trở lại như cũ, không thể nào. Không phải mọi chấn thương đều ở thể chất, bạn hiểu không?
 
Khi dính chấn thương Achilles vào năm 2011, tôi biết rằng về thể chất đó là thời điểm kết thúc rồi. Tôi có thể phẫu thuật và phục hồi rồi cố gắng tiếp tục thi đấu, nhưng tôi sẽ không bao giờ như trước nữa. Tôi đã mất đi sự bùng nổ, sự cân bằng cũng không còn. Chết tiệt, đến giờ tôi vẫn đi khập khiễng. Ở mắt cá chân của tôi vẫn còn một cái lỗ.
 
Điều tương tự cũng xảy ra khi bố tôi mất. Vết xẹo vẫn nằm sâu trong lòng.
 
“Chuyện gì đã xảy ra với Adriano vậy?”
 
Này người anh em, chuyện rất đơn giản. Ở mắt cá chân tôi có một cái lỗ, và lòng tôi cũng vậy. Năm 2008, lúc đó Mourinho ở Inter và mọi thứ dần trở nên quá sức chịu đựng. Báo chí đi theo tôi đến khắp nơi và những gì Mourinho nói là “Chết tiệt! Mẹ kiếp! Cậu đang chơi tôi đấy à, ông nhõi?”
 
Tôi trả lời: “Ối trời, để tôi rời khỏi đây”. Tôi không thể chịu đựng nổi. Tôi được gọi lên đội tuyển quốc gia và trước khi tôi rời đi, Mourinho nói: “Cậu sẽ không trở lại nữa phải không?”
 
Tôi trả lời: “Ông đã biết rồi mà!”
 
Đó là tấm vé một chiều.
 
Đôi khi báo chí không hiểu rằng chúng tôi cũng chỉ là con người. Làm “Hoàng đế” rất nhiều áp lực. Tôi xuất thân với chẳng có gì trong tay. Tôi là một đứa trẻ chỉ muốn chơi bóng rồi sau đó uống rượu với bạn bè. Và tôi biết đó không phải điều bạn sẽ nghe thấy từ đa số cầu thủ bóng đá ngày nay vì mọi thứ cần rất nghiêm túc và dính nhiều tới tiền bạc. Nhưng tôi chỉ thành thật mà thôi. Tôi chưa bao giờ thôi là thằng nhóc từ khu ổ chuột.
 
Báo chí nói tôi “biến mất”. Họ nói tôi biến vào những khu ổ chuột và chơi ma túy, rất nhiều những câu chuyện điên rồ như thế được thêu dệt. Họ đăng những bức ảnh về tôi và bảo xung quanh tôi là xã hội đen và câu chuyện của tôi là một bi kịch. Nhưng tôi phải cười khi thấy những câu chuyện ấy vì họ không biết mình sẽ làm gì khi nói ra những điều như thế. Họ không hiểu họ đang trưng ra những cái rác rưởi gì.
 
adriano
 
Tôi trở về với người thân, bạn bè, cộng đồng của mình. Tôi không muốn sống trong chiếc lâu đài ở trên ngọn đồi xa cách mọi người. Tôi trở về với những người biết tôi khi tôi còn là ADI-RANO, ăn bỏng ngô trên xe buýt.
 
Tất nhiên, cái gì cũng có giá của nó. Tôi không giữ được vóc dáng, thể chất và cả tinh thần. Tôi biết mình cần được giúp đỡ. Vì thế tôi đến Sao Paulo để nhận được sự hỗ trợ từ REFFIS. Thời điểm đó Sao Paulo có những bác sĩ giỏi nhất thế giới. Tôi tìm đến bác sĩ tâm lý để giải quyết dứt điểm trầm cảm và trở lại với trạng thái tốt nhất.
 
Đến đây tôi phải dành những tình cảm cho ngài Moratti vì ông ấy luôn chân thành. Ông ấy để tôi có không gian riêng vì những gì tôi trải qua. Tôi đi đi về về liên tục giữa Italy và Brazil, nhưng cuối cùng không thể nói dối ông ấy được.
 
Một ngày, ngài Moratti gọi cho tôi và nói: “Cậu cảm thấy sao?”
 
Tôi trả lời: “Tôi không thể làm gì được nữa. Tôi phải ở lại Brazil thôi”.
 
Và ông ấy hoàn toàn đồng ý. Ông ấy để tôi rời đi một cách yên bình. Tôi vô cùng kính trọng ông ấy vì điều đó.
 
“Adriano từ bỏ hàng triệu euro để về nhà”.
 
Đúng, có thể tôi đã từ bỏ hàng triệu euro. Nhưng cái giá nào để có thể chữa lành vết thương lòng? Phải trả bao nhiêu tiền để lấy lại được những tinh túy của mình?
 
Thời điểm đó, tôi bị cú sốc mất cha nhấn chìm. Tôi muốn mình cảm thấy an yên trở lại. Tôi không hề dùng ma túy. Còn rượu ư? Có, tất nhiên. Tôi có uống. Nghe này, nếu bạn xét nghiệm nước tiểu của tôi sẽ không thấy tí ma túy nào trong đó đâu. Cái ngày mà tôi dùng ma túy sẽ là ngày mà mẹ và bà tôi mất. Nhưng bạn biết gì không? Chắc chắn bạn sẽ tìm thấy rượu. Cái cốc nước tiểu sẽ có màu đục như caipirinha (một loại cocktail của Brazil - BTV).

Adriano
Ảnh: Getty Images
 

“HOÀNG ĐẾ” VÀ ADRIANO

 
Khi tôi trở lại Rio để khoác áo Flamengo, tôi không muốn là “Hoàng đế” nữa. Tôi muốn là Adriano, tôi muốn vui vẻ trở lại. Và chúng tôi khá vui. Tôi sẽ kể cho bạn nghe sự thật về đội Flamengo ấy. Đôi khi chúng tôi đi tập không phải vì bóng đá mà chỉ vì bữa rượu sau đó. Ngay khi kết thúc buổi tập, bùm, đến giờ quẩy rồi. Đến thẳng Mercado Produtor nào. Toàn bộ các bà vợ đều biết! “Bọn anh sẽ về nhà lúc nửa đêm mà!” Haha
 
Ngày hôm sau tại sân tập, một số người trông vật và vật vờ, còn người khác thì nói “Không sao đâu anh trai. Em thấy anh kiệt sức lắm rồi đấy. Em sẽ chạy thay anh!!” Chúng tôi làm tất cả mọi thứ cùng nhau. Và chúng tôi vô địch, chức vô địch quốc gia đầu tiên cho Flamengo sau 17 năm. Thật đặc biệt.
 
Tôi hoàn toàn không còn giống như trước kia sau khi bố mất, nhưng mùa giải đó tôi thực sự cảm thấy mình đang ở nhà, tôi cảm nhận lại được niềm vui. Tôi cảm thấy mình lại là Adriano. Adriano là cậu bé đến từ khu ổ chuột. Adriano là cậu bé đi xe buýt với bà. Adriano là cậu bé mà Flamengo định loại. Adriano là thằng nhóc luôn chiến đấu. Và Adriano là thằng luôn đứng cuối cùng trên sàn đấu.
 
Tôi chưa bao giờ thôi là con người như thế. Tiền bạc, danh tiếng, sự công nhận… tất cả chưa bao giờ thay đổi con người tôi.
 
Tôi không vô địch World Cup. Tôi không vô địch Libertadores. Nhưng bạn biết gì không? Tôi giành mọi thứ khác. Và tôi từng trải qua một cuộc sống địa ngục.
 
Tôi rất tự hào khi là “Hoàng đế”. Nhưng nếu không phải là Adriano thì “Hoàng đế” cũng vô dụng. Adriano không đội vương miện. Adriano là cậu bé đến từ khu ổ chuột được Chúa ban phước. Và Adriano không mất hút vào trong các khu ổ chuột. Anh ta chỉ về nhà mà thôi.
 

Có thể bạn quan tâm

Mới nhất

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi

Erling Haaland không khủng hoảng nhưng rốt cuộc anh cũng chỉ là người phàm trần mà thôi

Erling Haaland không hề khủng hoảng. Chàng trai trẻ người Na Uy đang đứng trước viễn cảnh có được mùa giải thứ hai liên tiếp đoạt cú đúp danh hiệu quốc nội và giải thưởng Chiếc Giày Vàng của Premier League, một thành tích mà ngay cả Thierry Henry cũng chẳng làm được.

top-arrow
X