Sau chiến thắng trước ĐT Myanmar, HLV Mai Đức Chung cầm chiếc loa tay và nói với các CĐV trên khán đài: “Cảm ơn người hâm mộ. Cảm ơn tất cả mọi người đã đồng hành cùng ĐT nữ Việt Nam”. Giọng ông như nghẹn lại.
Hình ảnh đó vừa lạ mà vừa quen với người hâm mộ bóng đá nữ. Lạ vì một con người đã từng giành tới 5 HCV SEA Games, trong đó có 3 kỳ giành vàng liên tiếp, lại vẫn xúc động nhường ấy khi đứng trên đỉnh vinh quang. Nhưng họ cũng quen vì một Mai Đức Chung luôn khát khao giành chiến thắng, và một thầy Chung luôn hướng tới thứ bóng đá vị nhân sinh.
Trong suốt 20 năm gắn bó với ĐT nữ, điều giúp cho HLV Mai Đức Chung vẫn giữ nguyên được ngọn lửa đam mê và đưa bóng đá nữ nước nhà đi lên chính là tư tưởng coi đội bóng như một gia đình. Không ai hiểu rõ tính cách, hoàn cảnh của các học trò hơn ông. Cũng chính bởi thế mà hai từ “bố Chung” đã trở nên quen thuộc với các cô gái trên tuyển lúc nào không hay. Và ngược lại, ông Chung cũng coi những cô học trò nhỏ như con cái trong nhà.
ĐT nữ Việt Nam tới SEA Games 32 với tư cách là các nhà ĐKVĐ, nhưng họ lại đang trong quá trình chuyển giao thế hệ. Những cầu thủ trụ cột đã lớn tuổi, các cầu thủ trẻ thì chưa có kinh nghiệm trên tuyển, và còn đó những nỗi lo về chấn thương. Nhưng cuối cùng, tập thể ấy vẫn vượt qua khó khăn để giành vàng về cho Tổ quốc, bởi họ có niềm tin ở bản thân, niềm tin ở người đàn ông đang hò hét ngoài đường biên.
Bao giờ cũng thế, chỗ ngồi của HLV Mai Đức Chung trong cabin có lẽ chỉ để tượng trưng, bởi ông luôn là người túc trực bên ngoài để sát sao và truyền lửa cho các học trò. Đó cũng là hình ảnh quen thuộc của bố Chung trong hành trình tại vòng loại World Cup một năm về trước. Dưới cái nóng 30 độ C, người đàn ông sinh năm 1951 ấy vẫn đứng gần 2 tiếng ngoài đường biên để thúc giục các học trò chiến đấu, để rồi tất cả được đền đáp bởi tấm vé World Cup lịch sử.
Phụ nữ là vậy, họ có thể không có sức mạnh như cánh mày râu, nhưng trong họ luôn tiềm ẩn một sức mạnh to lớn. Cái họ cần chỉ là một niềm tin sắt đá, một điểm tựa để nhấc bổng cả trái đất lên. HLV Mai Đức Chung chính là điểm tựa mà các cô gái cần. Sau những giây phút hò hét ngoài đường biên, giọng ông lạc cả đi, da đen sạm và cơ thể gần như kiệt sức. Nhưng khi được phóng viên hỏi, ông cũng chỉ dành những lời cảm ơn cho tập thể và người hâm mộ. Có lẽ trong giây phút nghẹn ngào khi giành tấm huy chương vàng SEA Games thứ 4 liên tiếp, ông Chung cũng nghĩ tới các học trò nhiều hơn là tới bản thân mình.
Thứ bóng đá vị nhân sinh của thầy Chung ấy có thể không phải là khuôn mẫu để sao chép trong thời đại bóng đá kim tiền hiện tại. Nhưng có lẽ cũng bởi thế mà nó càng đáng trân quý hơn. Sau 20 năm thầy Chung cầm quân, ĐT bóng đá nữ từ một tập thể nhiều vấn đề như chính ông chia sẻ đã trở thành một đội quân bách chiến bách thắng, và trên hết, là một gia đình thực sự.
Cũng chính vì thứ bóng đá lấy con người làm gốc đó mà thầy Chung chinh phục luôn cả những người hâm mộ khó tính nhất. Sau khi giúp tuyển nữ giành vé dự World Cup, ông xin nghỉ vì cũng có tuổi, người ta năn nỉ ông ở lại. Ông gặp vấn đề về bằng HLV tham dự World Cup, tất cả chung tay để tìm cách lách luật để giữ ông lại với đội tuyển. Giờ đây tất cả đều yêu quý ông như cái cách họ yêu quý các cô gái vàng. Với họ, ĐT nữ là Mai Đức Chung, và Mai Đức Chung là ĐT nữ.
Sau chiến tích tại SEA Games, HLV Mai Đức Chung lại cùng các học trò hướng tới mục tiêu lớn nhất trong sự nghiệp của mình: World Cup 2023. Đó sẽ là đỉnh cao trong nghiệp cầm quân của vị chiến lược gia gốc Hà Nội, và có thể cũng sẽ là dấu ấn cuối cùng của ông trong chặng đường 20 năm với bóng đá nữ. Nhưng dù có thế nào đi nữa, người ta cũng sẽ vẫn thấy một cái bóng đen nhẻm đứng suốt 2 tiếng ngoài đường biên gào đến lạc cả giọng để chỉ đạo các học trò. Đó cũng sẽ là điểm tựa để các cô gái vàng viết tiếp những câu chuyện lịch sử cho bóng đá nước nhà…
- Một bài viết của Frank