HLV Hoàng Anh Tuấn: "Ngổ ngáo" băng qua nhịp cầu lịch sử

Tác giả Phương GP - Thứ Tư 26/10/2016 14:51(GMT+7)

Zalo
“Vàooo!!!”- phút thứ 72 của trận đấu, Trần Thành tung một cú sút nối nhẹ nhàng nhưng vừa đủ để hạ gục thủ thành Bahrain. Cả nước bùng nổ trong niềm sung sướng vỡ òa, vậy là cuối cùng sau bao nhiêu năm, bộ môn bóng đá 11 người của nước nhà cũng đã được tiến ra sân chơi thế giới. 
 
HLV Hoang Anh Tuan Tu U19 Viet Nam toi giac mo World Cup hinh anh
HLV Hoàng Anh Tuấn, kiến trúc sư cho thành công của U19 Việt Nam
Bàn thắng đến từ một tình huống sắp xếp hết sức… “ngổ ngáo”. Pha đá phạt chuyền bóng “ngổ ngáo” của Quang Hải, cút volley kiến tạo “ngổ ngáo” của Minh Dĩ, và pha chích bóng “ngổ ngáo” của Trần Thành. Tại sao một đội bóng bị đánh giá yếu nhất bảng đấu, một đội bóng mà một vài tờ báo phải viết bài động viên vì bị người hâm mộ ghẻ lạnh lại có thể có một màn phối hợp “không biết sợ” như thế? Câu trả lời nằm ở chiếc ghế huấn luyện, nơi mà huấn luyện viên cũng hết sức “ngổ ngáo” Hoàng Anh Tuấn không thường xuyên có mặt vì còn bận hò hét ở trên đường pitch.
 
***
 
“Tôi là người chịu trách nhiệm cho thất bại”- Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn trả lời phỏng vấn sau thất bại của U19 Việt Nam tại giải U19 Đông Nam Á vừa qua. 
 
Mặc cho việc họ thất bại trước chính nhà vô địch giải đấu, và cũng bỏ qua cả việc ở trận chung kết người Thái còn chịu trận thua “te tua” hơn người Việt trước người Úc, thì ông Tuấn vẫn nhận trách nhiệm về mình. Không hề có một tiếng than phiền nào về công tác tổ chức giải đấu, nơi cầu thủ chúng ta đã phải “nhẫn nhịn” ở nhiều tình huống, cũng chẳng màng đến thái độ của cổ động viên chủ nhà trong trận đấu mà ở một lẽ nào đó chúng ta phải có được sự tôn trọng. Đối với ông Tuấn chỉ đơn giản là thua vì cầu thủ thi đấu không tốt. Không tốt về tinh thần, không tốt về chuyên môn, những thứ mà đáng ra một huấn luyện viên như ông phải là người lên dây cót cho những học trò của mình.
 
Nhà báo Phan Đăng đã từng có bài viết mang tựa đề: “Hoàng Anh Tuấn- Một nhịp cuối thôi, sao khó vượt” để nói đến chặng đường làm nghề “thầy” đầy trắc trở của người đàn ông gốc Khánh Hòa này. Trong sự nghiệp của Hoàng Anh Tuấn có gì đó thật lạ, ông đạt được thành công tột bậc với công tác đào tạo trẻ, nhưng cứ hở đụng đến “chuyện người lớn” thì những trở lực cứ ở đâu đó xuất hiện nuốt chửng lấy người thầy trẻ này.
 
Bén duyên với bóng đá từ rất sớm, ngay năm 19 tuổi ông đã được đội bóng Khánh Hòa rước về ăn tập cùng đàn anh. Và suốt cả sự nghiệp cầu thủ kéo dài những mười sáu năm, Hoàng Anh Tuấn chỉ khoác riêng cho mình chiếc áo của quê hương. Giải đấu các đội bóng miền Nam hay giải Quốc gia A1, vinh quang nào thì người thầy này đều đã được nếm trải. Nhưng đối với ông, những thành công ấy vẫn chưa đủ tầm, chưa đạt tới giấc mơ mà ông vẫn thường mộng tưởng. Không ngủ quên trong những “giấc mơ tầm thường”, Hoàng Anh Tuấn quyết định đổi vận, và việc đầu tiên ông nghĩ đến là…đi học.
 
HLV Hoang Anh Tuan Tu U19 Viet Nam toi giac mo World Cup hinh anh 2
HLV Hoàng Anh Tuấn đã xây dựng một Khánh Hòa đầy bản lĩnh
Phải nói ở Việt Nam, có lẽ không chỉ môi trường bóng đá nói riêng mà kể cả học thuật nói chung cũng khó có vị nào sở hữu được nhiều bằng cấp như Hoàng Anh Tuấn. Thậm chí việc trưng bằng cấp ra cũng đã…phủ kín cả cái bàn làm việc của ông. Không chỉ bằng cấp trong nước, mà ông Tuấn còn có cả chứng chỉ quốc tế với cấp độ cao nhất là bằng FIFA Pro, do chính Liên đoàn Bóng đá Thế giới cấp. Với chứng chỉ này, Hoàng Anh Tuấn có thể tự mình nắm lấy bất kỳ đội bóng nào trên thế giới nếu chỉ yêu cầu về việc học. Vậy nhưng ông vẫn cảm thấy thoải mái khi được vẫy vùng ở cái “ao” Việt Nam, nơi mà một con người như ông Lê Thụy Hải phải thốt lên: “Làm HLV ở đây thật đáng sợ”.
 
Đáng sợ như thế nào? Có lẽ chính bản thân Hoàng Anh Tuấn cũng là người hiểu rõ nhất. Năm 2007, ông lần đầu tiên chính thức lên chức thầy khi dẫn dắt U21 Khánh Hòa tham gia U21 Báo Thanh Niên, và ngay lập tức đội bóng của ông vô địch trước mũi của những tên tuổi lớn khác như Sông Lam Nghệ An. Thành công này giúp ông được quyền nắm đội một ngay sau đó khi HLV Lê Hữu Tường, một người đàn anh mà ông Tuấn hết sức kính trọng, bị sa thải sau chuỗi thành tích hết sức bết bát. Ông Tuấn nắm đội khi giải đấu chỉ còn lại 7 trận, Khánh Hòa nằm ở vị trí áp chót và mục tiêu bắt buộc là trụ hạng.
 
Nhận thấy vấn đề cần thiết là phải xây dựng cho đội một lối chơi vững chắc, ông tập hợp các cầu thủ lại và bơm vào đó một hơi nóng của sự nhiệt huyết máu lửa, biến Khánh Hòa thành một đội bóng không biết sợ, và ngay lập tức họ đạt được thành tích thần kỳ với 4 trận thắng sau đó và trụ hạng sớm trước một vòng đấu. Từ dạo ấy, cái tên Khánh Hòa dần trở thành cái gai trong mắt của những thế lực lớn trong con đường dẫn đến chức vô địch, thậm chí với một lối chơi quyết liệt, không chùn bước trước khó khăn, đội bóng của ông thầy “chính chủ” này được những người yêu bóng đá nước nhà gọi là “đội bóng ngổ ngáo”.
 
Không những xây dựng lối chơi cực chất cho đội bóng xứ biển, mà ông Tuấn còn đi xa hơn trong việc gầy dựng nền tảng cực kỳ vững chắc. Ông từng rất hài lòng với thành quả “đội bóng có các lứa U17, U19, U21 rất bài bản” bên cạnh là những ngôi sao gốc gác quê hương như Quang Hải hay Tấn Tài thi đấu hết mình cho đội bóng ven biển. Hoàng Anh Tuấn hạnh phúc khi thấy những tài năng này lớn lên và cống hiến trong màu áo tuyển. Sự nghiệp của ông ở Khánh Hòa đang trên đà thuận lợi thì bỗng nhiên ban lãnh đạo quyết định giải thể đội bóng và đưa suất chơi V-League cũng như 14 cầu thủ cho Hải Phòng.
 
***
 
HLV Hoang Anh Tuan Tu U19 Viet Nam toi giac mo World Cup hinh anh 3
HLV Hoàng Anh Tuấn trong một khóa học liên kết giữa LĐBĐ Việt Nam (VFF) và LĐBĐ châu Á (AFC)
Hoàng Anh Tuấn là một người ham học, điều đó ai cũng thấy, thậm chí ông đã từng bán cả ô tô để có thể theo đuổi con đường sách vở. Người thầy Khánh Hòa này đã từng nói: “Bóng đá Việt có nhiều huấn luyện viên giỏi, nhưng tiếc là môi trường không cho họ phát triển”, có lẽ vì ý thức được điều đó nên ông sẵn sàng tự thân bỏ hết tiền của cho việc học. Tuy nhiên đối lập với hình ảnh một học trò siêng năng trên lớp, ông là một tay “cứng cựa” trong công việc.
 
Năm 2014, ông chia tay Hải Phòng chỉ sau một năm nắm đội. Ông Tuấn ra đi không phải vì thành tích khi giúp một đội bóng trồi sụt lên đến top đầu của giải đấu, cũng không phải cả vấn đề chuyên môn khi đã dần xây dựng nên bản sắc cho đội bóng xứ Cảng. Ông ra đi vì đơn giản là không được tôn trọng. Đối với ông bóng đá là khoa học, và kể có cả là King Leandro thì “với thân mình 80 kí lô ấy” không đủ tiêu chuẩn, ông cũng bỏ ngoài tai những lời mồi chài, giới thiệu của bất kỳ ai. Và với cá tính ấy khó để mà Hoàng Anh Tuấn tránh khỏi những xung đột, cuối cùng nhà cầm quân người Khánh Hòa này quyết định chia tay Hải Phòng khi mọi chuyện không còn có thể dàn xếp được nữa.
 
“Mặc dù không thắng, nhưng một trận hòa cũng không là vấn đè gì”- ông Tuấn khảng khái trả lời trong cuộc họp báo sau trận hòa đáng thất vọng trước Myanmar mùa AFF Cup 2012. Thật ra năm ấy, bóng đá Việt Nam cũng không sáng sủa gì lắm sau khi phải nhận lấy kết quả khá tủi hổ, thậm chí ông Phan Thanh Hùng đã đệ đơn từ chức vì thành tích yếu kém. Nhưng cũng chính Hoàng Anh Tuấn là người thuyết phục ông Hùng bỏ cái ý định ấy đi, mặc dù ông thầy người Đà Nẵng cuối cùng cũng xuống nước vì quá áp lực. Và chính ông Tuấn chính là cái tên tiếp theo được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chọn mặt gửi vàng.
 
HLV Hoang Anh Tuan Tu U19 Viet Nam toi giac mo World Cup hinh anh 4
Tính cách khảng khái khiến ông Tuấn không thể tại vị ở Hải Phòng
“Tôi không đảm nhận vì nhận thấy cách làm việc không phù hợp với nhau”- ông Tuấn chia sẻ thẳng thắn sau khi được hỏi về lý do ông từ chối tiếp nhận chiếc ghế huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia. Ngày ấy, đã tưởng chừng ngôi vị này chắc chắn thuộc về Hoàng Anh Tuấn, thậm chí hợp đồng đã xong xuôi hết chỉ còn lại là việc ký tên nhưng cuối cùng lại đổ bể. Ông đã hơn một lần nói đến việc ngồi lên chiếc ghế này là ước mơ của cả cuộc đời vậy mà cuối cùng ông lại từ chối vì một lý do là “cách làm việc không phù hợp”. Với một con người được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp như Hoàng Anh Tuấn, có lẽ với chúng ta cũng hình dung ra không phù hợp ở điểm nào rồi.
 
Nhưng lẽ nào chính cái cá tính mạnh mẽ ấy, với sự bộc trực của một trang nam nhi quyết sống không thẹn với lòng ấy mà ông Tuấn lại có duyên kỳ ngộ với…giấc mơ World Cup?
 
***
 
Ngày nay nhiều người đã biết đến nhiều hơn về đội tuyển U19 Việt Nam, một đội bóng không nhiều ngôi sao nhưng là một tập thể đồng đều. Chính cái giấc mơ World Cup đã biến những tình cảm ghẻ lạnh thành những lời ca cháy bỏng, không ai không hồ hởi và thậm chí có nhiều người hâm mộ đã gửi lời xin lỗi vì đã dành những cái nhìn không đúng về đội tuyển lần này.
 
Nhưng để nói về niềm an ủi, có lẽ chính HLV Hoàng Anh Tuấn là người cảm thấy nhẹ nhàng nhất. Việc học của ông đã bị nhiều người dè bỉu với cái “bằng giấy” không mấy giá trị. Người ta đã nói ông là “huấn luyện viên bất tài” khi không đưa đội tuyển U19 lên ngôi vương tại hai kỳ U19 Đông Nam Á gần nhất. Họ nói ông là Toshiya Miura “phiên bản hai” bởi lối chơi dựa nhiều vào cầu thủ có thể chất. Và thiên hạ cũng từng nói ông là “hèn nhát” khi không dám dẫn dắt đội tuyển quốc gia. Nhưng giờ mọi chuyện có lẽ đã quá rõ ràng.
 
HLV Hoang Anh Tuan Tu U19 Viet Nam toi giac mo World Cup hinh anh 5
Niềm vui của người thầy khi các học trò vươn ra biển lớn
“Nếu tôi không được chọn làm huấn luyện viên trưởng quốc gia, thì tôi có thể tham gia đào tạo cầu thủ trẻ”- Hoàng Anh Tuấn chia sẻ. Vậy đấy, trong thâm tâm của ông cái sự làm việc có lộ trình lề lối dường như đã in dấu quá đậm nét, cái tư tưởng hoạch định chỉ xuất hiện ở con người có học vấn cao. “Đào tạo trẻ”, đối với ông Tuấn có lẽ để xây dựng nên một cây cầu hoàn thiện, để có thể bước nốt nhịp cuối như câu hỏi của nhà báo Phan Đăng phải đến từ việc đắp chắc những nhịp cầu “nền móng” đầu tiên. 
 
Và với những ước mơ to lớn của mình, thành quả đến với World Cup U20 cũng chỉ mới là những nhịp đầu tiên trong nhiều nhịp tiếp theo trên cây cầu mang tên bóng đá Việt Nam mà thôi. Có phải không, HLV Hoàng Anh Tuấn? 
 

Bài viết có tham khảo một số nguồn sau:
 
U19 Việt Nam và tâm huyết của HLV Hoàng Anh Tuấn - Báo Thê Thao Văn Hóa

Series Góc khuất - Bóng đá TV

“Hoàng Anh Tuấn- Một nhịp cuối thôi, sao khó vượt” - Phan Đăng

PHƯƠNG GP (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Nghịch lý Nicolas Jackson

“Hôm nay, Jackson vừa cầu thủ xuất sắc nhất vừa là cầu thủ tệ nhất trên sân - điều mà tôi chưa từng thấy trong bất kỳ trận đấu nào trước đây”, cựu danh thủ hiện đang làm việc tại Talksport - Stuart Pearce đã bình luận như thế về màn trình diễn của Nicolas Jackson trong thất bại 0-1 của Chelsea trước Man City ở bán kết FA Cup.

X
top-arrow