Hernan Crespo: Ngôi sao lớn với số mệnh của kẻ vô hình

Tác giả Sói Bạc - Thứ Sáu 26/08/2016 17:25(GMT+7)

Vào một ngày tháng Tám năm 2005, Chelsea đối đầu với một Wigan Athletic mới lên hạng. Trong một thế trận khá bế tắc, đoàn quân áo xanh không tài nào khoan thủng được hàng thủ của The Latics. Vào giờ nghỉ giữa hiệp, Người Đặc Biệt tung Hernan Crespo vào sân thay cho Damien Duff. Trận đấu càng trôi về những phút cuối, thì đội khách lại càng tỏ ra vô duyên trong những lần dứt điểm. Cho đến khi tất cả đều nghĩ về một kết quả hòa thì vào phút thi đấu chính thức cuối cùng, Crespo xoay sở và tung cú cứa lòng điệu nghệ ghi siêu phẩm vào lưới Wigan của HLV Jewel. 

Hernan Crespo: Ngôi sao lớn với số mệnh của kẻ vô hình
Tiền đạo người Argentina vui vì có siêu phẩm để đời, đồng đội và người hâm mộ vui vì Chelsea giành được chiến thắng nhưng nhà cầm quân người Bồ Đào Nha thì không. Bàn thắng của Crespo vẫn không xóa được sự thất vọng của Mourinho về màn trình diễn tồi tệ của The Blues cũng như thay đổi cái nhìn về anh để cho anh cơ hội đá chính cho những vòng đấu sau đó. Cứ thế, từ một ngôi sao lớn, Crespo trở thành “người vô hình” ở Cobham…

MỘT NGÔI SAO LỚN VỚI NHỮNG BẢN HỢP ĐỒNG LỚN
 
Bóng đá Argentina được coi là cái nôi sản sinh ra những tiền đạo xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá thế giới. Liệu có ai trong giới mộ điệu có thể hoài nghi về sự thật này khi những Mario Kempes, Ramon Diaz, Jorge Valdano, sau đó là “Vua sư tử” Batistuta đã làm tan chảy biết bao trái tim đam mê môn thể thao vua. Hernan Crespo là một cái tên mang trọng trách nối tiếp truyền thống vẻ vang đó của xứ sở Tango những năm 2000. 
 
Nhìn lại những năm đầu thế kỉ 21, người ta mới thấy được sức mạnh của chàng tiền đạo với mái tóc dài khủng khiếp như thế nào đối với các thủ môn thời bấy giờ, đó là mẫu cầu thủ có khả năng không chiến mạnh mẽ, đồng thời là một trong những tay săn bàn hiệu quả với khả năng di chuyển không bóng tài tình. Crespo được các CĐV nước nhà gọi anh với cái tên trìu mến là Valdanito bởi anh có vẻ ngoài và thân hình cũng như những bước chạy giống với huyền thoại Jorge Valdano – người đã mang về chiếc cúp thế giới năm 1986 cho Argentina. Cũng đã có những thời điểm, người ta cho rằng Crespo là sự thay thế hoàn hảo cho Batigol khi luôn được HLV Pekerman chọn là thủ lĩnh trên hàng công bên cạnh những tài năng trẻ Messi, Saviola hay Tevez…Một Crespo của tuổi trẻ thực sự là một sát thủ nguy hiểm đến vậy sao?
Hernan Crespo - sát thủ trong màu áo Parma
Khả năng săn bàn của anh được người ta biết đến từ khi nào? Đó là khi chàng trai mới 18 tuổi sinh ra ở Buenos Aires, khoác áo River Plate khẳng định được tên tuổi của mình bằng thành tích 13 bàn thắng chỉ trong 25 lần được ra sân và mang về cho CLB 2 chiếc cúp Apertura liên tiếp. Đỉnh cao phong độ của Crespo trong màu áo River Plate chính là chiếc cúp Libertadores danh giá bậc nhất khu vực Nam Mỹ năm 1996 – dấu ấn khiến anh lọt vào mắt xanh của các đội bóng châu Âu.
 
Crespo bắt đầu chuyến phiêu lưu của mình trên đất Italia sau khi cùng Argentina giành được huy chương Bạc ở kỳ Thế Vận Hội Atlanta 96 – sân chơi mà ở đó anh là vua phá lưới. Có lẽ đến tận bây giờ, nếu nhắc đến Crespo, người Italia sẽ vẫn nhớ đến anh với những ký ức đẹp nhất – ký ức mang dấu ấn của một sát thủ tung hoành các sân cỏ của đất nước hình chiếc ủng. 
 
Họ sẽ nhớ đến một sát thủ trong màu áo Parma – đội bóng sọc vàng xanh trở thành một hiện tượng tại Serie A khi sở hữu Crespo trong đội hình – cú đúp năm 1999 với chiếc Siêu Cúp Italia và Cúp UEFA là minh chứng rõ ràng nhất cho đoàn quân của HLV Carlo Ancelotti. 80 bàn thắng trong 4 mùa bóng là thành tích không phải ai cũng có thể vươn tới. Câu chuyện của Crespo ở Parma tựa như một câu chuyện cổ tích thần kỳ khi từ một cầu thủ trẻ vô danh trên đất Italia trở thành một thần tượng mới không chỉ mang lại niềm kiêu hãnh cho riêng CLB mà còn cho toàn bộ thành phố Parma thời bấy giờ. 
 
Họ sẽ nhớ đến một tay săn bàn thượng thặng trong màu áo sọc xanh trắng của Lazio. Anh đặt chân lên thành Roma bằng một hợp đồng phá kỉ lục chuyển nhượng trên thế giới khi đó. Nhưng Crespo cũng chẳng để người ta hoài nghi về anh được lâu. Ngay mùa đầu tiên, danh hiệu Vua phá lưới Serie A đã thuộc về Valdanito một cách thuyết phục với 26 bàn thắng – một mùa giải ngọt ngào đáng nhớ của anh trong màu áo Biancocelesti.
 
Họ sẽ nhớ đến một tiền đạo tài năng nơi thánh địa Giuseppe Meazza khi chính thức trở thành một Nerrazzuri sau cuộc chia tay với một Lazio đang khủng hoảng tài chính năm 2002 – và tất nhiên lại là một vụ chuyển nhượng đình đám với hi vọng sẽ thay thế cho Người Ngoài Hành Tinh Ronaldo. Anh để lại dấu ấn của một sát thủ trên từng mặt trận, đặc biệt là Champions League với 9 lần nổ súng – một hiệu suất làm bàn đáng nể. Tuy vậy, những chấn thương đã phần nào làm ảnh hưởng đến phong độ của chàng tiền đạo người Argentina trong màu áo xanh đen.

STAMFORD BRIDGE – NƠI GIẤC MƠ LATINH BỊ BỎ NGỎ
 
Năm 2003, Crespo được Abramovic mang về Stamford Bridge như thể mang về một viên ngọc quý. Ngay cả chính anh cũng hi vọng về một chân trời mới với những dấu ấn mới như những tinh hoa anh đã để lại trên khắp các sân cỏ Italia. Nhưng cuộc sống vốn có những thử thách, những bất ngờ chẳng chịu chiều lòng người. Lối đá Kick and rush thiên về tốc độ của bóng đá Anh khiến Crespo choáng ngợp, 12 bàn thắng trong mùa bóng đầu tiên khoác áo Chelsea không đủ thuyết phục người hâm mộ. Anh mờ nhạt ngay trong những lần ra mắt và ngày càng mờ nhạt hơn sau những đợt chấn thương. Anh chật vật để tìm cách thích nghi với môi trường mới. 
 
Một sát thủ đã từng tung hoành ngang dọc, làm khuynh đảo khắp các hàng thủ của Serie A trở thành một cái bóng vật vờ, khiến người hâm mộ không khỏi thất vọng. Đã có những thời điểm, những khán giả cay nghiệt nhất đưa ra những phép tính khiến Abramovich đau xót khi ông phải móc hầu bao trả lương cho một “diễn viên hạng xoàng” trên sân cỏ nước Anh. May mắn thay, bên cạnh anh vẫn còn Claudio Ranieri. Ông cảm thông với Valdanito, với những khó khăn anh gặp phải ngay trong mùa bóng đầu tiên.
Crespo là một cầu thủ chuyên nghiệp. Anh ấy sẽ biết cách vượt qua những trở ngại lớn nhất trong sự nghiệp cầu thủ. Về cá nhân mình, tôi sẽ tạo điều kiện tốt nhất để Crespo khẳng định tài năng.
Ranieri
Nhưng Ranieri cũng không còn thời gian để giúp anh vượt qua được chính mình, ông chia tay The Blues và người mới đến -  Mourinho cập bến Stamford Bridge đầu mùa 2004-2005 mang theo những kế hoạch mới, những thay đổi mới. Còn Crespo thì không nằm trong những kế hoạch của HLV người Bồ Đào Nha. Từ một sát thủ đắt giá, anh lại lưu lạc sang đất ITALIA với bản hợp đồng cho mượn, vẫn là Giuseppe Meazza nhưng lại dưới cái tên San Siro bởi mùa bóng năm ấy anh thành người của Rossoneri. Ở đó, anh gặp lại Ancelotti và tìm lại mạch ghi bàn vốn có của mình cùng với những người đồng đội tài năng như Shevchenko, Kaka, Pirlo và Gattuso… Người hùng của Milan đã khiến cho các Milanista sẽ không bao giờ quên được 2 bàn thắng anh ghi được vào lưới Liverpool trong đêm Istanbul lịch sử trước khi  đại diện đến từ xứ sở sương mù nâng cao chiếc cup Champions League danh giá. 
Hernan Crespo - người lập cú đúp trong trận chung kết tại Istanbul
Đối với tôi, được chơi trận chung kết C1 trong màu áo Milan là một trải nghiệm lớn nhất đời. Giống như một giấc mơ vậy, tôi lập một cú đúp và Paolo Maldini ghi bàn còn lại. Đó là một trong những trận cầu bạn phải cố gắng hết mình. Một cảm giác thật tuyệt vời.
Crespo
Tên gọi “tay săn bàn đẳng cấp” lại trở về với anh, Crespo luôn bùng nổ vào những phút gay cấn nhất, khi đội bóng cần anh nhất. Hơn hết là sự cống hiến và lối đá nhiệt huyết mà anh thể hiện qua những bước chạy, những pha làm bàn đẹp mắt. Mourinho một lần nữa gọi anh về Chelsea khi Drogba đang không có phong độ tốt nhất. Anh tạm xa rời chiếc ghế dự bị để cùng Joe Cole tạo nên một bộ đôi ăn ý. Điều anh cần chính là cơ hội được ra sân, là khao khát luôn được cháy hết mình – khác hẳn với vẻ thầm lặng bề ngoài của anh. 
 
Chẳng cần quá phô trương, chẳng cần tên mình được vang lên trên khắp khán đài sau mỗi trận đấu, chẳng cần được HLV ưu ái như các đồng đội khác ở The Blues, “Siêu dự bị” vẫn cứ nhiệt huyết trên sân, trở thành một chiến binh thầm lặng ở Stamford Bridge và thành quả cho 13 bàn thắng trong 42 lần ra sân mùa bóng 2005-06 – mùa bóng cuối cùng của anh ở Chelsea - là danh hiệu vô địch Ngoại Hạng Anh sau khi The Blues vượt qua gã khổng lồ Manchester United. Để rồi sau đó, anh từ bỏ giấc mơ mang tên Anh Quốc, trở về với Nerrazzuri của Italia tươi đẹp – nơi đã từng chắp cánh cho ước mơ vươn tầm thế giới của sát thủ đến từ xứ sở Tango…
Hernan Crespo và chiếc cúp vô địch Ngoại Hạng Anh
Cho tới khi Crespo giải nghệ, có lẽ sẽ không có nhiều người nhớ tới anh như những tiền đạo cùng thời. Định mệnh khiến anh tới Lazio ngay sau khi đội bóng giành Scudetto, tới Milan để nhận lấy những tiếc nuối tại Istanbul, tới Chelsea để những năm tháng đẹp đẽ nhất bị chôn vùi, và rời đi khi Inter Milan vừa chạm ngõ vinh quang. Tài năng giúp anh trở thành một tiền đạo cự phách, nhưng số phận khiến anh không có được ánh hào quang mà mình xứng đáng có được. Và để rồi cho Crespo đã vắng bóng trên các sân cỏ châu Âu, người hâm mộ sẽ nhớ về anh như một ngôi sao lớn trong số mệnh của kẻ vô hình.

Có thể bạn chưa biết:

Crespo là cầu thủ đầu tiên ghi bàn cho 5 đội bóng khác nhau ở Champions League
Crespo là cầu thủ đầu tiên ghi bàn ở hai trận chung kết Copa Libertadores và Champions League
Crespo chưa bao giờ nhận thẻ đỏ trong 19 năm chơi bóng của mình.

VIC (TTVN)
 
 
⇒ Báo bóng đá cập nhật thông tin chuyển nhượng cầu thủ mới nhất và video bàn thắng.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.