Helenio Herrera: Thầy phù thủy của thế giới bóng đá (P2)

Tác giả Góc Khán Đài - Thứ Ba 23/04/2019 14:27(GMT+7)

Cách làm việc của Herrera thậm chí còn lạnh lùng đến mức tàn nhẫn, vô cảm. Một cầu thủ phàn nàn rằng anh ta đang bị ốm, ông yêu cầu anh ta tiếp tục quay lại tập luyện. Một cầu thủ xuất hiện với tình trạng đang bó bột, ông bẻ nát nó.

Phần 1: Helenio Herrera: Thầy phù thủy của thế giới bóng đá (P1)

Phần 2:

Herrera đã mau chóng nhận ra sự yếu đuối về mặt tâm lý của Barca và tìm cách khắc phục điều này. Với niềm tin tuyệt đối vào các phương pháp của mình, ông đã áp dụng nó tại đội bóng xứ Catalan. Theo ghi chép của Sid Lowe, ông đã bắt đầu với ba buổi tập mỗi ngày. Chỉ trong ngày đầu tiên, đã có cầu thủ kiệt sức đến mức nôn mửa. “Cường độ và sự tập trung luôn nằm ở mức cao nhất,” Suárez kể lại với Lowe. “Ông ấy là một người cực kì chuyên nghiệp – và hoàn toàn khác biệt với bất cứ ai khác. Công việc luôn khắc nghiệt hơn, mạnh mẽ hơn, nhanh hơn và dồn dập hơn; tiếp cận một cách trực diện.
Helenio Herrera: Thầy phù thủy của thế giới bóng đá
Không có chuyện đùa giỡn ở đây – mọi thứ đều cực kì nghiêm túc.” Cách làm việc của Herrera thậm chí còn lạnh lùng đến mức tàn nhẫn, vô cảm. Một cầu thủ phàn nàn rằng anh ta đang bị ốm, ông yêu cầu anh ta tiếp tục quay lại tập luyện. Một cầu thủ xuất hiện với tình trạng đang bó bột, ông bẻ nát nó. Herrera luôn kiểm soát tuyệt đối những vấn đề có thể khiến các cầu thủ mất ổn định và sa sút phong độ. Theo ghi chép của Lowe, đã từng có lần các giám đốc của câu lạc bộ nghi ngờ một cầu thủ trong đội đang bị cô bạn gái của anh ta khiến cho lầm đường lạc lối. Tệ hơn nữa, nhiều khả năng cô ta đã lén lút cặp kè với một gã đàn ông khác khi anh ta đi vắng. Câu lạc bộ đã cố gắng chia cắt cặp đôi này, thậm chí còn thuê cả thám tử tư theo dõi cô ta, nhưng đều vô dụng. Khi được nghe kể về chuyện trên, Herrera đã đề nghị họ thuê một gã nào đó để tán tỉnh và ngủ với cô ta. 
 
Herrera hiểu rất rõ về tâm lý của các cầu thủ mà ông dẫn dắt. Lowe kể lại, trong một chuyến du đấu, khi Czibor than vãn vì phải xa nhà quá lâu, Herrera đã hứa rằng ông sẽ cho phép anh về nhà nếu ghi được ba bàn. Anh đã lập được một cú hattrick ngay trong trận đấu đầu tiên. “Đối với những người Catalan, tôi sẽ nói: ‘Cậu đang khoác trên mình màu cờ sắc áo của xứ Catalonia đấy, hãy thi đấu hết mình vì quê hương của cậu đi,’ còn với các cầu thủ nước ngoài, tôi sẽ nói về chuyện tiền bạc,” Ông kể lại với Simon Kuper trong cuốn Fooball Against the Enemy. “Ngoài ra, tôi còn nói về mấy cô vợ và con cái của họ. Khi bạn có trong đội 25 cầu thủ, bạn không nên nói cùng một điều tương tự với tất cả bọn họ.” Thủ môn Antoni Ramallets kể lại với Lowe. “Ông ấy có trong tay thông tin về mọi thứ. Ông ấy thậm chí còn có thể nói với bạn về bố mẹ của một số cầu thủ người Italia, người Đức, ngày mà anh ta sinh ra, tất cả mọi thứ.”
 
Các thói quen trước trận đấu của ông cũng rất kì quái. Herrera mang đến cho các cầu thủ trà thảo dược và coffee chứa aspirin. Wilson viết rằng ông thường tập hợp các cầu thủ thành một vòng tròn, ném quả bóng vào từng người, sau đó nhìn sâu vào mắt họ và hỏi: “Chúng ta sẽ giành chiến thắng như thế nào? Tại sao chúng ta là những kẻ sẽ giành chiến thắng?” khi ông dứt lời, các cầu thủ sẽ xích lại gần hơn, khoác tay lên vai nhau và hét to: “Chúng ta sẽ giành chiến thắng! Chúng ta sẽ làm điều đó cùng nhau!” Cũng theo ghi chép của Wilson, Suárez, một trong những cầu thủ quan trọng nhất trong đội, tin rằng nếu rượu của anh ta bị đổ trong bữa ăn, anh ta sẽ có thể ghi bàn trong trận tiếp theo. Chính vì vậy, trước những trận đấu quan trọng, Herrera thường cố tình đập vỡ ly của anh ta.
 
Barca đã có một sự khởi đầu như mơ. Tại La Liga, họ đánh bại Real Madrid đến 4-0. Nhưng mối quan hệ giữa Herrera và một số cầu thủ chủ chốt đã bắt đầu xuất hiện những rạn nứt. Căng thẳng nhất là tình trạng mối quan hệ giữa ông và Kubala, một tiền đạo vô cùng được sùng bái, người đã tuyền cảm hứng để giúp đội bóng xứ Catalna lên ngôi vô địch vào các năm 1952 và 1953. Sau khi trốn khỏi Budapest trên một chiếc xe tải có biển số giả của Nga, Kubala đã có một chuyến du đấu tại Tây Ban Nha vào mùa hè năm 1950 với một đội bóng không chính thức bao gồm những cầu thủ đang tị nạn chính trị trốn khỏi Đông Âu.

Khi họ thi đấu với Barcelona và Real Madrid, cả hai câu lạc bộ này đều muốn ký hợp đồng với anh. Anh đã quyết định chọn đầu quân cho Barca. (Có chuyện kể lại rằng Kubala đã bị mắc kẹt tại một nhà ga xe lửa khi đang có ý định ký hợp đồng với Real Madrid, ngay lúc đó, một người trong ban lãnh đạo của Barca đã chuốc say và lừa anh ký vào bảng hợp đồng của họ). Sức mạnh và phong cách thi đấu đầy hoa mĩ của anh đã hoàn toàn thay đổi đội bóng này. Người ta kể rằng, với số lượng cổ động viên mà khổng lồ Kubala đã thu hút đến sân, thì sân vận động Les Corts với 60.000 chỗ ngồi của Barca, cũng bị cho là quá nhỏ bé, chính điều này đã thuyết phục ban lãnh đạo đội bóng xứ Catalan xây dựng nên Camp Nou. 
 

Cuộc xung đột của hai người họ chủ yếu là về vấn đề hình ảnh và chiến thuật. Một số người cho rằng, Herrera đã bị ám ảnh bởi sự ghen tị của ông đối với danh tiếng của Kubala. Bên ngoài sân cỏ, lối sống của Kubala ngày càng lệch lạc. Anh bị nghiện rượu nặng, và thường say mèm cho đến sáng sớm, câu lạc bộ đã phải chỉ định một tài xế riêng đảm nhận nhiệm vụ chở anh đến các trận đấu và buổi tập. Thỉnh thoảng, Kubala đến tập trung với đội trong tình trạng vẫn chưa hoàn toàn tỉnh táo.

Trên sân cỏ, phong cách thi đấu phóng khoáng và mang đậm tính biểu diễn của anh trái ngược hoàn toàn với tầm nhìn của Herrera về một thứ bóng đá tốc độ và trực diện. Không lâu sau, Herrera đã quyết định phải tìm mọi cách để tống khứ Kubala ra khỏi Barcelona. Theo Sid Lowe, từng có lần Herrera lên tiếng yêu cầu ban lãnh đạo đội bóng đưa ra một tuyên bố cáo buộc Kubala đã tự ý nghỉ nhiều buổi tập và từ chối ra sân trong một vài trận đấu, với lý do bị bệnh nhưng không thể đưa ra bất cứ chứng cứ nào. Đã có đến 7 giám đốc của đội từ chức vì không ủng hộ Herrera và đồng cảm với Kubala. 
 
Tại La Liga, Herrera đã giành được chức vô địch ngay trong mùa giải đầu tiên dẫn dắt Barca. Điều đó có nghĩa là họ đã đạt đủ điều kiện để được tham dự Cúp Châu Âu. Mùa giải 1959/1960, Barca lọt vào trận bán kết và đối đầu với Madrid, đội bóng vẫn đang bất bại kể từ đầu giải đấu. Trong trận lượt đi diễn ra tại thành phố thủ đô, Herrera đã cất Kubala trên băng ghế dự bị và Barca bị đánh bại với tỷ số 3-1. Trận lượt về cũng kết thúc với tỷ số tương tự, điều đó có nghĩa là đội bóng xứ Catalan đã bị nghiền nát đến 6-2 sau cả hai lượt trận. Ngày hôm sau, Herrera bị cuốn vào một cuộc tranh cãi gay gắt ở La Rambla, con phố đi bộ nổi tiếng của thành phố Barcelona.

Theo ghi chép của Sid Lowe, mọi thứ bắt đầu trở nên mất kiểm soát và Herrera đã phải trốn vào một khách sạn, trùng hợp thay, đó lại chính là nơi mà cả đội Real Madrid đang ở. Giới truyền thông đã mô tả vụ việc này là một cuộc tấn công nghiêm trọng. Trong mùa giải đó, Barca đã giành chức vô địch La Liga năm thứ hai liên tiếp, nhưng Herrera đã quyết định rời khỏi đội bóng này. Khoảng thời gian sau đó, họ đã không thể giành được bất cứ một chức vô địch nào cho đến tận năm 1974. 
 
Năm 1960, Herrera đã ký vào một bảng hợp đồng béo bở với Internazionale. Có rất nhiều việc ông phải làm tại đây. Dưới thời của chủ tịch Angelo Moratti, một ông trùm dầu mỏ sở hữu nguồn lực khủng lồ, Inter đã không thể đăng quang một lần nào tại Serie A kể từ sau hai chức vô địch liên tiếp vào các năm 1953 và 1954. Mùa giải trước đó, họ đứng ở vị trí thứ tư, kém nhà vô địch Juventus đến 15 điểm. “Khi tôi đến Inter, nơi đó đang bị bao phủ bởi một bầu không khí tồi tệ,” Herrera kể lại với Kuper. “Họ đã giành được rất nhiều chức vô địch trong quá khứ, và đó là một chuyện rất ấn tượng, nhưng cái quá khứ đó đã ở quá xa về phía sau,” Giống như ở Tây Ban Nha, Herrera đã xóa tan đi bầu không khí ảm đạm của câu lạc bộ này với sức lôi cuốn và cách phát âm đầy hài hước của ông.

“Trước khi Herrera đến Italia, không một ai thật sự biết đến tên của các huấn luyện viên,” Sandro Mazzola, một playmaker khét tiếng, kể lại với UEFA.com. “Người ta không hề quan tâm chút nào đến các huấn luyện viên, họ rất ít khi xuất hiện trên các tờ báo, chỉ chủ yếu làm việc trong phòng thay đồ và trên sân cỏ. Thế rồi ông ấy đã đến và thay đổi tất cả mọi thứ.”
 
Một khuôn khổ kỷ luật mới đã được áp đặt ngay tức khắc. Bất cứ cầu thủ nào dám vượt qua những ranh giới mà Herrera đã đặt ra, anh ta xem như cầm chắc “án tử”. Không một cá nhân nào được phép xem thường những chuẩn mực của ông, bất kể anh ta có tài năng và tầm ảnh hưởng lớn đến đâu. Tiền đạo Antonio Angelillo, người đã ghi đến 33 bàn thắng sau 30 trận ra sân trong mùa giải 1958/1959, đã bị “trảm” vì cuộc sống ngoài lề lệch lạc và tính cách ương bướng của anh ta.

Armando Picchi, một sweeper lừng danh của thế giới bóng đá, đã từng cả gan thách thức Herrera và ngay lập tức bị tống khứ sang AS Varese. Gã “lười biếng” duy nhất có thể sống sót dưới triều đại của vị huấn luyện viên này chính là Mario Corso, một cầu thủ chạy cánh trái có kỹ thuật cá nhân rất xuất sắc, Herrera đã rất muốn đá Corso ra khỏi Inter, nhưng anh ta lại có được sự ủng hộ và bảo vệ của Moratti. Cầu thủ khiến Herrera hài lòng nhất chính là Luis Suarez, chủ nhân của danh hiệu quả bóng vàng năm 1960 và đã chuyển sang thi đấu cho Inter từ Barca. 
 
Tại Inter, Herrera đã chép lại các ý tưởng của mình bằng những ghi chú được viết bằng mực đen, xanh và đỏ, rất nhiều trong số đó đã được đưa vào cuốn sách Tacalabala, một cuốn sách mà người vợ Fiora Gandolfi đã xuất bản sau khi ông qua đời. Những câu khẩu hiệu thúc đẩy động lực được viết trên khắp các bức tường trong phòng thay đồ. Ông luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của các cổ động viên và đã tham gia vào việc thành lập nên nhiều hội nhóm và mạng lưới fan hâm mộ. Theo ghi chép của John Foot trong cuốn “Calcio: A History of  Italian Football”, có thể nói Herrera chính là “cha đẻ” của “Ultra”.

Ông thường ôm lấy các cầu thủ của mình trước khi trận đấu bắt đầu, và tổ chức các cuộc nói chuyện riêng lẻ với từng người trong số họ. Ông không ngừng săn lùng những thông tin có thể củng cố mối quan hệ của mình với cả đội, thậm chí, ông còn nhờ cậy nhân viên mát xa của đội nghe lỏm những cuộc trò chuyện liên quan đến bóng đá mà các cầu thủ bàn luận trong lúc thư giãn. Một tâm lý khát khao chiến thắng đến rực cháy đã được ông “thổi” vào đội bóng này. Có lần, một cầu thủ trong đội đã bị ông đày ải lên băng ghế dự bị, chỉ vì anh ta đã nói với cánh báo chí rằng, “chúng tôi đến Rome để thi đấu” thay vì “chúng tôi đến Rome để giành chiến thắng.”
 
Herrera đã tạo nên một thứ được gọi bằng cái tên “ritiro”. Chúng là những trại huấn luyện cực kì khắc nghiệt, nơi mà các cầu thủ sẽ bị nhốt trong khách sạn trong suốt nhiều ngày, được bao quanh bởi các nhân viên của đội, sân bóng và thiết bị. Mục đích chính của việc này là nhằm tăng sự tập trung của các cầu thủ lên mức cao nhất trước mỗi trận đấu. Theo Website của Herrera, ông đã nghĩ ra ý tưởng này từ lúc còn ở Barcelona; trong khi đang phải nằm viện vì bị gãy xương, ông đã đọc được một cuốn sách về chủ nghĩa thần bí, có đề cập đến “Linh thao”, một khái niệm được tạo ra từ thế kỷ 16, và bắt đầu nảy ra những ý tưởng từ đó. Có thể gọi các trại huấn luyện này bằng hai chữ “tàn khốc”.

Inter sẽ thuê lại toàn bộ khách sạn, vì vậy, không một người ngoài nào có thể lọt vào bên trong. Các cầu thủ sẽ phải trao đổi trước với gia đình và bạn bè về các nguyên tắc của Herrera để đảm bảo không có sự cố nào xảy ra. Khi tiền đạo người Anh Gerry Hitchens rời khỏi Inter, anh đã mô tả cảm giác của mình giống như “thoát khỏi một doanh trại đẫm máu”. Sự chậm chạp cũng là một trong những thứ sẽ không tránh khỏi việc bị Herrera trừng phạt. Wilson viết, trong một cuộc chạy việt dã, Hitchens, Suarez và Corso đã bị tụt lại phía sau và đến trại tập trung muộn hơn những người khác. Họ phát hiện ra Herrera đã cùng cả đội lên xe bus và rời đi trước, vì vậy, cả ba buộc phải tự mình thực hiện một chuyến đi dài 6 dặm để trở về Milano. 
 
Trong tất cả những làn gió mới mà Herrera đã mang đến, thứ nổi tiếng nhất gắn liền với tên tuổi của ông mãi cho đến nhiều thế hệ sau chính là Catenaccio, ngay cả khi ông không phải là người đã phát minh ra nó. Nguồn gốc của hệ thống này xuất phát từ Thụy Sĩ, vào những năm 1930, khi HLV Karl Rappan bố trí thêm một hậu vệ hoạt động phía sau hai trung vệ để đề phòng những pha đột phá bất ngờ của các tiền đạo đối phương. Vai trò này về sau được đặt tên là “sweeper”. Với phát minh đó, Rappan đã đạt được rất nhiều thành công ở trong nước, trước khi đưa một Thụy Sĩ “nhỏ bé” lọt vào đến tận vòng tứ kết của World Cup 1938. Ý tưởng này sớm được lan rộng qua biên giới phía Nam.

Các đội bóng nhỏ sẽ thi đấu lùi sâu, duy trì một thế trận chặt chẽ trước đối phương và tận dụng những pha phản công. Vào năm 1947, Guiseppe Viani đã sử dụng hệ thống này để đưa Salernitana được thăng hạng lên chơi ở Serie A. Họ mau chóng xuống hạng trở lại chỉ sau một mùa giải với việc không thể giành chiến thắng trong bất cứ trận đấu sân khách nào, nhưng với các huấn luyện viên khác, điều này không làm mất đi sự ấn tượng của họ đối với Catenaccio. 
 
Người đàn ông đã nâng tầm hệ thống này trở thành một tinh hoa của bóng đá châu Âu tên là Nereo Rocco. Vào những năm 1940, ông đã đưa đội bóng “tí hon” Triestina đạt được vị trí thứ hai ở Serie A, trước khi biến Padova trở thành một thế lực đáng gờm trong nửa sau của thập niên 1950. Những thành tích phi thường này đã mang đến cho ông công việc tại Milan, đội bóng đã được ông dẫn dắt đến danh hiệu Scudetto năm 1962 và chức vô địch cúp châu Âu năm 1963. Sau một thời gian chuyển đến Torino, ông tiếp tục trở lại Milan, giúp họ một lần nữa đăng quang tại Serie A vào năm 1968 và giành chức vô địch Cúp Liên Lục Địa năm 1969.

Có thể nói, Rocco chính là đối thủ không đội trời chung của Herrera trong suốt những năm 1960. Đó là một người đàn ông rất đáng gờm, có tính cách sôi nổi, lôi cuốn, hay gắt gỏng, cao ngạo, và khá hóm hỉnh. Cũng giống như Herrera, ông có thói quen theo dõi sát sao đời sống riêng tư của các cầu thủ dưới quyền; tại Torino, Gigi Meroni đã phải nói dối rằng cô bạn gái của anh chỉ là em gái để thoát khỏi sự giám sát của Rocco. Rocco không hề áp đặt một lối sống cụ thể nào cho các cầu thủ. Ông thường chè chén say sưa với các cầu thủ và nhà báo qua những buổi tối nhậu nhẹt ăn chơi, đặc biệt là với Brera, một người cùng chia sẻ với ông niềm yêu thích với bóng đá phòng ngự. Foot có ghi chép lại rằng, Rocco đã sử dụng một nhà hàng tại địa phương để làm văn phòng của mình. 
 
Triều đại của Nereo Rocco tại Milan đã đóng góp rất nhiều trong việc biến Catenaccio thành một huyền thoại. Danh tiếng của nó được thể hiện qua hình ảnh của một hệ thống siêu phòng ngự (ultra-defensive), với năm hậu vệ đá lùi sâu, được bảo vệ từ xa bởi một cầu thủ đảm nhận nhiệm vụ tranh cướp bóng (ball-winner); một chiến thuật bị cho là được thiết kế ra để hủy diệt thứ bóng đá mang tính biểu diễn, phóng khoáng; với mục tiêu tối thượng là giành chiến thắng bằng mọi giá. Nhưng trên thực tế, nó còn phức tạp hơn rất nhiều so với suy nghĩ đó. Milan sở hữu một số cầu thủ có kỹ thuật cá nhân điêu luyện và họ đã ghi được rất nhiều những bàn thắng ngoạn mục.

Tuy nhiên, trách nhiệm của họ luôn luôn là giành chiến thắng, bất kể phải trả giá như thế nào. Tâm lý phòng ngự và cẩn trọng đến mức tuyệt đối của họ bắt nguồn từ chính sự thật đó. Trước một trận đấu tại Cúp Liên Lục Địa, đối đầu với Estudiantes de La Plata, Rocco được cho là đã nói với các cầu thủ của mình: “Cứ đá thẳng vào bất cứ thứ gì di chuyển trên sân; nếu nó là bóng thì càng tốt.” Một số học trò cũ của ông về sau cũng sẽ trở thành những huấn luyện viên nổi tiếng, sở hữu phong cách tôn sùng bóng đá phòng ngự, có thể kể đến một số cái tên như  Enzo Bearzot, Cesare Maldini và Giovanni Trapattoni.
 
(còn nữa)
 
Lược dịch từ bài viết “The Wizard” của Thore Haugstad, được đăng tải trên Time on the Ball.

Nam Khánh (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.

Nguyễn Quang Hải: Sự khác biệt của một cầu thủ đặc biệt!

Những gì Nguyễn Quang Hải thể hiện tại Thường Châu, Trung Quốc đầu năm 2018 xứng đáng được coi là màn trình diễn cá nhân xuất sắc nhất của một cầu thủ Việt Nam ở cấp độ châu lục. Tiếp nối chiến tích cá nhân và tập thể khó tin tại VCK U23 châu Á, là một Quang Hải đóng vai trò tối quan trọng trong đội hình “Những chiến binh sao Vàng” thời HLV Park Hang Seo giành Hạng 4 môn bóng đá nam Asiad 2018, Vô địch AFF Cup cùng năm và vào tới Tứ kết Asian Cup 2019.

Mohamed Salah: Ở lại hay ra đi?

Liverpool có 2 giải pháp, nhưng chúng lại tạo ra 1 vấn đề. Cầu thủ xuất sắc nhất của họ đang có mùa giải hay nhất trong sự nghiệp. Họ chỉ đánh rơi 7 điểm sau 19 trận tại Premier League và Champions League. Vì thế, cầu thủ này liên tục được phỏng vấn sau những trận đấu mà anh đóng vai trò quan trọng giúp Liverpool giành chiến thắng.

E-magazine: Santi Cazorla - Địa ngục chấn thương và sự nhiệm màu kỳ lạ của cuộc sống

Những biến cố kinh hoàng tưởng chừng như đã khiến tiền vệ người Tây Ban Nha gục ngã và phải chấp nhận rời xa thế giới bóng đá trong đau đớn và tủi nhục, nhưng rồi bằng niềm đam mê và lòng khao khát cháy bỏng, Santi Cazorla cuối cùng đã vượt qua tất cả để tiếp tục mang đến cho khán giả những phép màu tuyệt vời trên sân cỏ.