Hãy ngừng nói về Cristiano Ronaldo và pressing

Tác giả Nam Khánh - Thứ Năm 15/09/2022 16:58(GMT+7)

Pressing và Cristiano Ronaldo đã trở thành một chủ đề được bàn tán quá nhiều, và khi quá tập trung vào nó, chúng ta đang phớt lờ cả khu rừng chỉ vì vài cái cây. 

 

Khi Manchester United ký hợp đồng với Cristiano Ronaldo vào mùa hè năm 2021, những người phản đối thương vụ này đều nhanh chóng đưa ra chung một lập luận, “Ronaldo không pressing.” Dĩ nhiên, pressing có vai trò rất quan trọng trong bóng đá hiện đại. Tất cả các đội bóng hàng đầu thế giới đều triển khai pressing từ hàng công với cấp độ / cường độ đa dạng. Các cổ động viên, bên cạnh vị HLV trưởng khi ấy là Ole Gunnar Solskjaer, đều bày tỏ mong muốn Man United trở thành một đội bóng hiện đại hơn, có thể pressing tầm cao một cách mạnh mẽ và hiệu quả. Việc mang về một cầu thủ không pressing chắc chắn là một động thái đi ngược lại với kế hoạch đó. 

Thời nay, số lần pressing của một cầu thủ đã trở thành một thông tin mà tất cả mọi người đều có thể tiếp cận miễn phí. Bạn có thể nhanh chóng truy cập vào FBref và thấy rằng Ronaldo có vị trí như thế nào trong thống kê pressing dành cho các tiền đạo. Chính vì vậy, câu chuyện “Ronaldo và pressing” lại càng trở thành một chủ đề được giới truyền thông, được dư luận đại chúng bàn tán, tranh luận nhiệt tình hơn, cho đến nay vẫn chưa có hồi kết. 

Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, kể cả thời điểm tái gia nhập Man United dưới thời Solskjaer, cho đến thời Ten Hag hiện tại, pressing không hề là vấn đề của Ronaldo. 

Ronaldo hoàn toàn có thể pressing. Đối với một tiền đạo trung tâm, pressing không phải là việc quá khó, và đòi hỏi mà nó đặt ra về mặt tinh thần nhiều hơn so với thể chất. Đúng, bạn cần phải thực sự có khát khao chạy hết mình và áp sát các đối thủ, nhưng nhiệm vụ chính của tiền đạo trung tâm chỉ đơn giản là ngòi nổ kích hoạt hệ thống pressing của đội. Anh ta muốn ép đối thủ phải đưa bóng tới một vị trí nhất định mà bản thân biết rằng đồng đội của mình sẽ đoạt được nó. Những phẩm chất quan trọng nhất mà trung phong này cần có là nhận biết thời điểm để áp sát ai đó và những làn đường chuyền bóng cần triệt tiêu khi làm điều đó. 

Trong ví dụ dưới đây, hãy chú ý đến cách Ronaldo triệt tiêu phương án chuyền bóng tới trung vệ trước khi áp sát thủ môn đối thủ. Kết quả là Man United được hưởng một quả ném biên. 

Video: Xem tại đây 

Sự ám ảnh của dư luận với pressing lớn đến mức nó được coi là thứ duy nhất mà Ronaldo thiếu, và bản thân siêu sao người Bồ Đào Nha chắc chắn cũng nhận thức được điều này. Như thể anh đã định hét lên “các người bảo rằng tôi không pressing, để rồi xem” trước khi lao về phía trước để gây áp lực lên thủ môn. 

Tuy nhiên, việc một cầu thủ lao lên phía trước và áp sát thủ môn chưa chắc đã là pressing. Pressing phải được thực hiện theo hướng công việc chung của tập thể. Nếu một cầu thủ lao đi trong khi phần còn lại của đội không làm thế, vậy thì hành động đó sẽ không chỉ không có tác dụng gì, mà còn khiến các đồng đội của anh ta gặp bất lợi. Hơn nữa, pressing không nhất thiết phải được thực hiện ở các phần sân đấu trên cao. Nếu đội bóng đang cố triển khai một mid-block (khối phòng ngự tầm vừa) nhưng có một cầu thủ cắm đầu cắm cổ lao về phía thủ môn và các trung vệ, điều đó cũng sẽ gây bất lợi cho chính đội của anh ta.

Trước khi Ronaldo đến, Man United vốn không phải là một đội bóng pressing tầm cao. Tuy nhiên, họ là một đội bóng có khuynh hướng thi đấu với một hàng thủ dâng cao trong khi phòng ngự trong một mid-block chặt chẽ. 

Khi Ronaldo đến, mức độ dâng cao của hàng thủ Man United hầu như không thay đổi. Nhưng trong khi cả đội vẫn duy trì mid-block, thì một Ronaldo “quyết tâm khiến dư luận rút lại những chỉ trích” sẽ thường xuyên lao lên phía trước. Khi không có sự hỗ trợ của các đồng đội phía sau anh, đội hình Man United sẽ nhanh chóng bị kéo giãn ra.

 

Điều này đã tạo ra rất nhiều khoảng trống mà các tiền vệ cần phải yểm trợ lo liệu, và với việc những cầu thủ chạy cánh có cường độ hoạt động / độ cần mẫn thấp như Mason Greenwood và Marcus Rashford không cung cấp nhiều sự hỗ trợ, tuyến giữa đã không thể che chắn cho bộ tứ hậu vệ và Man United trở thành một thảm họa phòng ngự.

Để giảm thiểu tình trạng này, Ralf Rangnick đã bắt đầu thiết lập đội bóng của ông thi đấu với một khối phòng ngự càng lúc càng thấp hơn khi mùa giải tiếp diễn, loại bỏ mọi tiềm năng xuất hiện pressing. Nếu đội bóng được chỉ đạo không pressing, vậy thì tại sao việc Ronaldo không pressing lại trở thành vấn đề? 

Như đã đề cập ở trên, pressing không phải là vấn đề của Ronaldo. Pressing chỉ đơn thuần là một từ thông dụng chiếm hết thời lượng phát sóng. Chẳng ai màng đến việc đi sâu vào những khái niệm như “duy trì đội hình.” Nếu bạn đang phòng ngự với toàn bộ 11 cầu thủ, bạn cần toàn bộ 11 cầu thủ đều có ý thức duy trì đội hình. Nếu bạn đang muốn gia cố hệ thống phòng ngự của mình bằng cách sử dụng 4-4-2, nhưng trung phong lệch trái của bạn thậm chí không xuất hiện trong ảnh dưới, điều này chẳng giúp gì cho hệ thống phòng ngự của bạn cả, nó chỉ khiến họ phải chịu nhiều áp lực hơn.   

 

Dưới thời Ten Hag, mọi cuộc bàn tán đều xoay quanh chuyện “tinh thần cống hiến hết mình cho tập thể”, và một lần nữa, có vẻ như Ronaldo đã nhận thấy rằng người ta lại đang xì xào về khả năng phòng ngự của anh. Nếu anh chứng minh mình có thể làm điều đó, vậy thì nhiệm vụ hoàn tất.  

Trong trận đấu đầu tiên của Man United ở Europa League 2021-22, trước đối thủ Real Sociedad, Ronaldo được ghi nhận đã thực hiện 14 lần pressing, thống kê cao thứ hai của anh trong chiếc áo Man United. Tỷ lệ pressing thành công của anh là 28,6%, rất tốt đối với một trung phong. 

Chắc chắn đây là những con số sẽ được dư luận sử dụng để nói rằng Ronaldo đang bắt đầu tuân theo các nguyên tắc của Erik Ten Hag. Nhưng nói như vậy đồng nghĩa rằng bạn đang bỏ qua cả khu rừng chỉ vì vài cái cây. 

Trong triết lý bóng đá của Ten Hag, không chỉ các hành động diễn ra trong trạng thái không kiểm soát bóng mới cần tinh thần làm việc vì tập thể, mà khi đội của ông kiểm soát bóng cũng vậy. Khi Man United kiểm soát bóng, Ronaldo đang “g.i.ế.t” đội bóng này khi tiếp tục hành động theo nhịp trống của riêng mình. 

Trước tiên cần phải làm rõ một chuyện. Cristiano Ronaldo không phải một trung phong thực thụ, và cũng chưa từng chơi như một trung phong thực thụ. Anh không thể chơi ở cánh vào độ tuổi này bởi vì không còn tốc độ hoặc cường độ hoạt động cao để có thể chơi ở đó trong môi trường bóng đá hiện đại, vậy nên trung lộ là sự lựa chọn duy nhất. Do đó, Ronaldo có thể được thông cảm (phần nào) vì không di chuyển như một trung phong. 

Hệ thống của Erik Ten Hag yêu cầu cầu thủ trung phong phải thi đấu đúng nghĩa một trung phong. Cristiano Ronaldo thì lại thích di chuyển rộng để nhận bóng, điều này thường đưa anh rời khỏi vị trí được chỉ định.

Một trung phong lùi sâu vẫn có thể giúp ích cho đội, ví dụ như nhử các hậu vệ bỏ vị trí – đây là một chi tiết của hệ thống số 9 ảo – nhưng để tạo ra và tận dụng lợi thế đó, bạn cần thực hiện những pha di chuyển không bóng cực thông minh và có các đồng đội đánh vào khoảng trống do mình tạo ra. Quan trọng nhất, bạn cần các hậu vệ thực sự bỏ vị trí và để lộ ra khoảng trống. 

Điều đó đã không diễn ra trong trường hợp của Ronaldo. Hãy quan sát ví dụ dưới đây, có hai cầu thủ đã đi theo Ronaldo khi anh di chuyển rộng, nhưng dù đã khiến đối thủ phải “dùng 2 đề phòng 1”, anh vẫn không mở ra bất kỳ khoảng trống nào cho các đồng đội của mình cả. 

Video: Xem tại đây 

Trong ví dụ tiếp theo, Ronaldo đang dạt ra cánh và gọi bóng, mặc dù anh đang ở một vị trí chẳng có bất kỳ thế mạnh nào cả. Ngay cả khi anh có thể xoay người và đánh bại kẻ truy cản mình, Sociedad vẫn có 3 cầu thủ hiện diện đúng vị trí để sẵn sàng yểm trợ cho đồng đội. 

   

 

Khuynh hướng di chuyển của Ronaldo đồng nghĩa rằng phải có một người khác lấp vào vị trí trung phong để cung cấp cho Man United một mũi tấn công ở trung lộ. Trong trường hợp này, Fred đã làm điều đó, nhưng Fred chắc chắn không phải là một cầu thủ mà bạn muốn giao cho nhiệm vụ đối đầu với các trung vệ trong vòng cấm, Ronaldo mới là người đó! Và Dalot là chàng trai mà bạn muốn anh ta sẵn sàng để thực hiện một quả tạt cho siêu sao 37 tuổi. Chẳng có lý do gì để Ronaldo đến gần và nhận bóng từ Dalot cả. Khi Dalot chuyền bóng cho Ronaldo, điều này đã tạo ra một tình huống mà 4 cầu thủ Man United có thể rơi vào thế bị 3 cầu thủ phòng ngự kèm chặt. 

 

Những động thái di chuyển không bóng của Ronaldo có thể trở nên hết sức kỳ lạ. Trong ví dụ dưới đây, anh bắt đầu ở vị trí ngang với trung vệ  đối thủ và đây đích thực là nơi mà một trung phong nên hiện diện, nhưng sau đó lại di chuyển lùi xuống gần như ngay phía trước Bruno Fernandes, qua đó đưa thêm một cầu thủ phòng ngự về phía quả bóng và lấy đi mọi phương án chuyền chọt của Fernandes ngoại trừ đưa bóng ra cánh. 

VIDEO: xem tại đây 

Trong khi Ten Hag mong muốn những pha di chuyển không bóng có lợi cho đội, thì Ronaldo lại thực hiện những pha di chuyển không bóng chỉ có lợi cho Ronaldo. Anh thích lảng vảng tại hành lang trong phía cánh trái – ở phần rìa trên cùng của vòng cấm, nơi anh có thể cắt vào phía trong và dùng chân phải để tung ra những cú sút, vì vậy, bất kể đó có phải là nơi Ronaldo nên di chuyển đến hay không, thì đó cũng là nơi mà anh thường xuyên tìm đến. 

Trong những phút cuối cùng của trận đấu với Arsenal, Man United đã thực hiện một pha phát bóng bay sâu sang phần sân đối thủ. Với tư cách một tiền đạo mục tiêu, nhiệm vụ của Ronaldo là thắng không chiến hoặc tạo nên một đường chuyền cho ai đó đang có ý định thoát ra phía sau hàng thủ đối phương. Anh đã thực hiện tốt nhiệm vụ này và đưa quả bóng đến cho Fred. Giờ đây, nhiệm vụ của anh là di chuyển vào vòng cấm, nhưng thay vì chạy về phía cột gần – nơi Man United đang cần một cầu thủ hiện diện, Ronaldo lại chọn di chuyển ngay phía sau Fred, với hy vọng Fred sẽ có một pha chuyền ngược về sau – đáng lẽ ra vị trí đó chỉ cần Eriksen có mặt là đủ. 

 

Có thể sẽ không ít người phản bác rằng như vậy cũng đâu có vấn đề gì, bởi vì rõ ràng là không có cơ hội nào để Ronaldo lao vào vòng cấm kịp thời trong pha tấn công này, nhưng hãy hỏi bất kỳ vị HLV nào và họ sẽ nói với bạn rằng một cầu thủ chiếm lĩnh vị trí phù hợp chậm trễ sau khi thực hiện một pha di chuyển đúng chuẩn, vẫn tốt hơn di chuyển hoàn toàn sai.

Bất chấp khuynh hướng chọn vị trí và hành động theo nhịp trống của riêng mình, điều thực sự “g.i.ế.t” Man United chỉ đơn giản là những cơ hội dứt điểm mà Ronaldo không nắm bắt được. Việc Ronaldo không thể hiện thực hóa các cơ hội dứt điểm trong những tình huống mà anh từng tàn phá đối thủ giờ đây đã trở nên quá quen thuộc. 

Video: Xem tại đây 

Có lẽ không ví dụ nào có thể tóm gọn Cristiano Ronaldo của hiện tại tốt hơn tình huống dưới đây. Ronaldo lăn xả pressing, theo đúng yêu cầu của hệ thống mà Ten Hag triển khai. Pha pressing đó đã khiến đối thủ đánh mất quyền kiểm soát bóng, và Man United đã nhanh chóng tạo ra một cơ hội. Như một phần thưởng cho nỗ lực pressing, Ronaldo là người nhận được cơ hội đó, nhưng anh thậm chí không thể tung ra một cú dứt điểm. 

Video: xem tại đây 

Cristiano Ronaldo là cây săn bàn thuần túy kiệt xuất nhất từng xuất hiện trong môn thể thao vua. Bất kể anh có thể hiện một hình ảnh như thế nào trong mùa giải này đi chăng nữa, sự thật đó cũng sẽ không thay đổi. Chỉ là, anh không còn là một cầu thủ như vậy nữa. 

Trong mùa giải đầu tiên của Jose Mourinho trên cương vị HLV trưởng của Man United, một trong những quyết định mà ông đưa ra là loại bỏ Wayne Rooney ra khỏi dàn nhân sự đá chính, trong khi vẫn trao cho anh đủ cơ hội để phá kỷ lục ghi bàn của Sir Bobby Charlton. Trong suốt mùa giải đó, chẳng có ai tranh cãi về chuyện thời lượng thi đấu của anh cả. Khi Man United để anh ra đi với một khoản phí không được tiết lộ vào cuối mùa giải, chẳng có ai phàn nàn rằng “thế quái nào chúng ta lại để cho anh ấy ra đi? Anh ấy là tay săn bàn vĩ đại nhất lịch sử CLB! Chúng ta cần những bàn thắng của anh ấy!”

Trên thực tế, với những gì Rooney đã thể hiện trong 3 năm, người ta hiểu rõ nguyên nhân anh phải ra đi. Anh có thể là tay săn bàn vĩ đại nhất lịch sử Man United, nhưng anh của khi ấy đã không còn là phiên bản Wayne Rooney kiệt xuất nữa.  

 

“Kết thúc thời đỉnh cao” – đó là điều sớm muộn cũng sẽ xảy ra với tất cả mọi người, và giờ đây nó đang xảy ra với Cristiano Ronaldo. Bằng chứng đã được bày ra ngay trước mắt chúng ta. 

Chỉ là chúng ta không chịu thảo luận về nó. Thay vì phân tích đầy đủ các lý do tại sao anh không phù hợp với hệ thống của Ten Hag, người ta chỉ chăm chăm bám vào các từ ngữ thông dụng và tập trung tất cả các cuộc thảo luận vào “pressing”, trong đó một bên chỉ nói “anh ta không pressing” và bên kia phản bác lại “chả quan trọng, biết ghi bàn là được.”

Các cuộc tranh luận càng dính chặt vào câu chuyện “Ronaldo và pressing”, chúng sẽ càng cách xa những điểm cần chú trọng. 

Theo Pauly Kwestel, Kwest Thoughts

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Liam Delap: Cánh én nhỏ tại Portman Road

Sẽ là thiển cận nếu mô tả Ipswich Town của Kieran McKenna là đội bóng một người. Nhưng với Liam Delap, họ thực sự đang sở hữu một chân sút có thể ghi bàn đều đặn. Delap chắc chắn là 1 trong những lý do chính giúp Ipswich (tạm) thoát ra khỏi nhóm 3 đội cuối BXH Premier League 2024/25.

Đêm huyền ảo ở Munich

Thật không tưởng và kỳ lạ, nhưng giờ tôi có thể nói với bản thân mình, ‘Chúa ơi, thì ra cảm giác vô địch là thế này! Tôi luôn luôn tự hỏi nó sẽ như thế nào, nhưng giờ tôi đã biết rồi!’.

Pep Guardiola gia hạn với Man City: Ai buồn, ai vui?

Lại một lần nữa trong những ngày tháng 11, Pep Guardiola lại quyết định gia hạn hợp đồng với Manchester City sau 2 lần gia hạn trước đó vào năm 2020 và 2022. Bản hợp đồng mới cho phép Pep gắn bó thêm 2 năm với đội chủ sân Etihad và đánh dấu cột mốc tròn 1 thập kỷ chiến lược gia vĩ đại này dẫn dắt nửa xanh thành Manchester.

Rodri: "Có nhiều thứ bạn sẽ không thể học được qua trường lớp mà phải tự chiêm nghiệm theo thời gian"

Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.

Nghịch lý Vinícius Júnior

Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.

Luis Nani: Cuộc đời xoay trong những điệu santo

Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.

Ruben Amorim: "Tôi sẽ làm tất cả để đưa Man Utd trở về vị thế của mình"

Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.