“Thằng đấy con giáo viên nó học giỏi là đương nhiên rồi.”
Bố nó lắm tiền thế thì nó chẳng thành công thì sao.”
Khi nhìn vào sự thành công của ai đó chúng ta thường dễ dàng đưa ra những nhận xét như thế. Chả thế mà người ta luôn có danh hiệu hay học bổng riêng dành cho những học sinh nghèo. Điều ấy đương nhiên là hợp lý và không có gì phải bàn cãi. Nhưng tự đưa ra một câu hỏi ngờ nghệch rằng sao không có những danh hiệu tương tự dành cho những người luôn mang bên cạnh mình cụm từ “ nhà có điều kiện” có phải cứ có sẵn điều kiện là không cần những nỗ lực và thành công tự đến…
“Cho tôi Neymar - Messi - Suarez trong đội hình tôi sẽ vô địch thế giới cho bạn xem”
Một câu nói theo mô tuýp có vẻ quen thuộc mà cá rằng không ít người đã tự thốt lên hay mang suy nghĩ ấy khi chứng kiến những gì mà bộ ba của Barcelona đã thể hiện. Barcelona thực sự đang sống bằng hơi thở của họ. Sự xuất sắc của bộ ba này dường như làm lu mờ sự đóng góp của những người đồng đội khác và lu mờ cả… huấn luyện viên của họ. Thành công rực rỡ mà Barcelona đạt được ở mùa giải trước với không ít các cổ động viên không có chút hình bóng nào của Luis Enrique cả. Người ta quan niệm đơn giản rằng có Messi việc vô địch mọi giải đấu trở nên thật dễ dàng và còn thêm Neymar và Suarez thì việc vô địch là chuyện đương nhiên phải thế!
SỰ THẬT LÀ GÌ?
Pep Guardiola ra đi để lại một trang rực rỡ trong lịch sử Barcelona với đầy đủ các danh hiệu lớn nhỏ trong 4 năm tại vị. Thành công của ông cũng chính là sức ép, cái bóng không hề nhỏ để lại cho những người kế nhiệm. Câu hỏi mà những người kế nhiệm Pep tại Barcelona phải trả lời được không chỉ đơn giản là làm thế nào để câu lạc bộ giành chiến thắng mà còn là làm sao để vừa giành chiến thắng vừa duy trì được xứ đặc sản “Tiki taka” hoa mỹ mà người hâm mộ phải được “thưởng ngoạn” mỗi khi xem đội bóng thứ Catalunya thi đấu. Và cả Tito Vilanova lẫn Gerado Martino đều không thể vượt qua điều ấy. Chức vô địch La Liga của Tito Vilanova (chức vô địch vẫn được người ta cho là do Real tự dâng cho Barca với một loạt những vụ lùm xùm trong nội bộ) không thể che giấu đi sự thật rằng giai đoạn 2012-2014 là giai đoạn thất bại của Barcelona. Enrique đến và tiếp quản một Barcelona không dễ dàng và hoàn hảo như nhiều người nghĩ.
Một mùa giải trắng tay trên mọi đấu trường tinh thần các cầu thủ không cao, phần lớn trong số đó trải qua một mùa hè đáng thất vọng cùng Tây Ban Nha tại World cup 2014. Có những dấu hiệu tuổi tác bắt đầu xuất hiện với hàng loạt trụ cột Xavi, Iniesta hay Alves, phần lớn đội hình lúc này lại dường như đã bị no nê danh hiệu và động lực, khát khao dường như là một dấu hỏi lớn thêm vào đó là án phạt cấm chuyển nhượng 1 năm rưỡi được chính thức áp dụng với Barcelona .
|
Luis Enrique chính thức trở thành HLV Barcelona từ tháng 5 năm 2014 |
Và dù cho có một khởi đầu như mơ với 7 chiến thắng trong 8 trận đầu tiên cùng thành tích giữ sạch lưới thì những sóng gió vẫn chưa dừng lại với Luis Enrique. Những vấn đề trong nội bộ đội bóng xuất hiện khi GĐKT Zubizarreta bị sa thải, Carles Puyol quyết định rút lui khỏi đội bóng và những thông tin về sự bất hòa giữa Luis Enrique và Messi xuất hiện. Ta không thể phán xét tính xác thực của những thông tin đó nhưng khoảng thời gian đó đã có không ít những cuộc thăm dò ý kiến các cổ động viên và hầu hết- đương nhiên- không đứng về phía Luis Enrique. Thời điểm khó khăn ấy nhiều người thậm chí đã nghĩ “Lucho” sẽ sớm phải rời khỏi chiếc ghế nóng tại Nou Camp. Enrique không nói quá nhiều về những điều ấy, ông có câu trả lời của riêng mình, bằng… những chức vô địch cùng sự tỏa sáng của chính Lionel Messi.
MẠNH MẼ, ĐA DẠNG VÀ THỰC DỤNG HƠN…
Enrique là một người con của xứ Asturias chứ không phải Catalunya và ông cũng trưởng thành từ lò đào tạo của Gijon chứ không phải từ La Masia. Nên dường như Enrique kể cả khi thi đấu hay trong vai trò huấn luyện đều có nét rất riêng của mình so với những người “gốc Barcelona” khác. Khi tiếp quản chiếc ghế huấn luyện tại Barcelona, Enrique từng nói ông sẽ không từ bỏ “tiki taka” mà ngược lại mong muốn sẽ làm nó hoàn thiện và mạnh mẽ hơn. Dường như ông đã làm được.
Mùa giải đầu tiên, Enrique gần như lựa chọn bản hợp đồng mới Ivan Rakitic thay thế vị trí của Xavi- biểu tượng của “Tiki taka” và Barcelona trong suốt những năm trước đó. Nhờ vậy, Barcelona không chỉ còn phụ thuộc vào những màn ban bật hay bóng ngắn nữa, bóng dài đã được sử dụng đều đặn hơn và khả năng tranh chấp của hàng tiền vệ cũng được cải thiện. Luis Enrique thành công. Barcelona đa dạng hơn trong lối chơi và trở nên mạnh mẽ hơn.
Enrique đến là lúc những trụ cột bắt đầu bước sang tuổi “băm” cũng đồng nghĩa với việc đi đến bên kia sườn dốc của sự nghiệp. Alves đã sa sút rất nhiều trong hai mùa giải trước đó và thậm chí ngay trước thềm mùa giải đã có rất nhiều thông tin Alves sẽ ra đi.Câu chuyện tương tự với Andres Iniesta khi tuổi tác đã làm đôi chân anh nặng nề hơn và việc gần như không được sát cánh cùng “cạ cứng” Xavi khiến nhiều người nghi ngờ vào khả năng đóng góp của Andres. Cả hai vẫn tiếp tục ở lại và bằng cách nào đó Enrique làm cả hai như bừng tỉnh và trở lại mạnh mẽ. Enrique thành công. Barca giữ lại cho mình thứ vô giá mang tên “kinh nghiệm” cho đội hình của mình.
|
Xavi rời Barelona sau 24 năm gắn bó |
Enrique khi còn thi đấu có khả năng chơi đầu rất tốt. Ông luôn rất ưa thích những tình huống xâm nhập vào vòng cấm và đánh đầu cắt mặt để ghi bàn. Còn ngược lại, Barcelona chơi bóng bổng tệ như thế nào kể cả trong giai đoạn đỉnh cao của họ thì hầu như ai cũng biết. Enrique thay đổi điều ấy. Một vài con số thống kê có thể khiến bạn phải bất ngờ. La Liga mùa bóng trước Barcelona chỉ để thua… 1 bàn từ những pha không chiến của đối phương và ở chiều ngược lại họ có đến 16 pha làm bàn bằng đầu. Thật đáng ngạc nhiên. Enrique thành công. Barca mạnh mẽ hơn trên không và chắc chắn hơn trong phòng thủ.
Trước khi Enrique đến. Barcelona thường trở nên yếu đuối trước những đối thủ thực sự khó chơi. Ai có thể quên được thất bại đến 0-7 sau 2 lượt trận trước Bayern tại Champions League 2012/2013 hay mỗi lần gặp lối đá phòng ngự chủ động và chơi áp sát của Atletico là Barcelona lại thi đấu như “gà mắc tóc”. Enrique đến mọi chuyện đã khác. Mùa trước, Barca thậm chí chấp nhận để Bayern Munich cầm bóng nhiều hơn ngay tại Nou Camp trước khi tung đến 3 cú đấm kết liễu hoàn toàn đội quân của Guardiola. Còn Atletico ư? Đó không còn là vấn đề nữa. Dưới triều đại của “Lucho” Barca toàn thắng đội bóng của Diego Simeone. Nhìn cái cách Barca bình tĩnh thi đấu và lội ngược dòng mặc dù bị dẫn trước từ rất sớm trước Atletico ở vòng 22 mới thấy được Barca đã khác như thế nào. Luis Enrique thành công. Barca lì lợm và hiệu quả hơn trong những trận đánh lớn.
Và điều quan trọng nhất trong thành công của Barcelona là cách mà Luis Enrique thay đổi và kết hợp được bộ 3 trên hàng công của mình. Từ những tin đồn về xích mích với Messi đến hình ảnh Enrique nhảy bổ lên vì pha vào bóng của Felippe Luis với Messi trong trận đấu với Atletico vòng đấu trước… Đó là một sự thay đổi lớn. Enrique hiểu ông không thể yên vị tại đây nếu không có được sự phục vụ hết mình từ “số 10”. Và ông đã làm được điều ấy. Messi trở thành linh hồn đích thực của Barcelona trong vị trí của một người kiến thiết lối chơi. Luis Enrique nói về bộ 3 tiền đạo của mình: “Messi là người giỏi nhất hiện nay. Còn Neymar đang đi đúng hướng để trở thành số 1. Suarez ư? Anh ấy là tiền đạo hàng đầu không ai ghi bàn giỏi hơn anh ấy”. Enrique hiểu những gì mình đang có và biết tận dụng chúng. Enrique thành công. MNS thăng hoa và Barcelona tiệm cận với sự "hoàn hảo".
Barcelona lại vừa hủy diệt Valencia đến 7-0 trong trận đấu tại Cup nhà vua. Khi nhìn vào kết quả ấy hay những chiến thắng giòn giã khác của Barcelona. Bạn hay tôi có thể chỉ nhớ đến những bàn thắng của Messi hay Suarez mà quên mất người đạo diễn thật sự đứng sau những chiến thắng ấy. Luis Enrique có lẽ cũng không quan tâm đến điều ấy. Ông chưa cần sự công nhận- ngay lúc này đây- sự công nhận sẽ đến một cách tự nhiên lúc thích hợp. Có thể là ngay khi lời nguyền Champions League bị phá bỏ ngay cuối mùa giải này…
Ngày cuối cùng của thị trường chuyển nhượng mùa đồng vừa qua. Một bản hợp đồng đã được thông báo, một “bom tấn” thực sự của một kỳ chuyển nhượng tương đối ảm đạm. Bản hợp đồng ấy mang tên… Pep Guardiola. Man City đã chính thức công bố bản hợp đồng với nhà cầm quân 45 tuổi người Tây Ban Nha. Quyết định về Man City một lần nữa khiến cho những tranh luận về Pep Guardiola lại bắt đầu. Rằng thực sự là một huấn luyện viên đại tài hay chỉ đơn giản dựa vào lực lượng siêu khủng mà mình luôn có trong tay. Có không ít những huấn luyện viên đã từng bị nghi ngờ về điều ấy nhưng ít ra Pep còn có “Tiki taka” như một thứ lí lẽ chắc nịch về tài thao lược của mình còn Luis Enrique hay “Lucho” dường như vẫn đang trên con đường tìm ra một điều tương tự...
SW (TTVN)