Hakan Sukur: Từ ngôi sao sân cỏ đến kẻ lưu vong chính trường

Tác giả Ole - Thứ Năm 01/09/2016 17:55(GMT+7)

“Đất nước này sẽ chẳng đi về đâu nếu vẫn còn những người lãnh đạo như ông ta”, Hakan Sukur công khai chỉ trích Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan trên kênh Twitter vào tháng Hai năm 2016, một hành động sau đó đã khiến anh phải trả giá bằng việc đối mặt với án tù 4 năm. Trải qua những tháng ngày được đón nhận niềm vinh quang trên sân cỏ, con đường chính trị đầy bão táp đã đẩy cựu danh thủ Galatasaray bước vào cuộc đời của một kẻ lưu vong nơi đất khách quê người.
Hakan Sukur: Từ ngôi sao sân cỏ đến kẻ lưu vong chính trường
CON BÒ MỘNG VÙNG BOSPHORUS
Xuyên suốt lịch sử bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ, Hakan Sukur chính là cái tên vĩ đại nhất, không ai có thể phủ nhận điều này. Tính đến thời điểm hiện tại, cựu ngôi sao sinh năm 1971 vẫn đang nắm giữ kỷ lục ghi bàn nhiều nhất trong màu áo ĐTQG, với 51 pha lập công sau 112 lần ra sân, hơn người thứ nhì là Hami Mandirali (đã giải nghệ) tới 29 bàn. Hơn 20 năm theo đuổi sự nghiệp quần đùi áo số, Hakan Sukur từng đoạt được rất nhiều danh hiệu cao quý ở cả cấp độ đội tuyển lẫn CLB, từ các cúp quốc nội, UEFA Cup, Coppa Italia cho đến HCĐ World Cup.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình người gốc Kosovo tại thành phố Sakarya, nằm bên bờ biển Đen, cậu bé Hakan Sukur ngay từ khi còn nhỏ đã sớm bộc lộ năng khiếu chơi bóng thiên bẩm. Không đủ điều kiện để học hành đến nơi đến chốn, Sukur cũng chỉ còn cách tập trung đá bóng thật hay nhằm tìm kiếm cho mình một thứ đam mê có ý nghĩa trong cuộc đời. Năm 17 tuổi, anh nhận được bản hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên với CLB địa phương Sakaryaspor. Trải qua ba mùa giải, Hakan Sukur tiếp tục được ban lãnh đạo Bursaspor đưa về sân Timsah Arena, nơi sau đó đã giúp anh giành lấy tấm vé thông hành lên ĐTQG Thổ Nhĩ Kỳ. Mùa Hè năm 1992, Sukur tiếp tục gia nhập Galatasaray, đội bóng có tầm ảnh hưởng lớn nhất đất nước vùng Cận Đông vào thời điểm bấy giờ, một bước ngoặt cực kỳ quan trọng biến cầu thủ này trở thành chân sút vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá nước nhà.
Hakan Sukur thăng hoa trong màu áo Galatasaray
Cập bến Mecidiyekoy (SVĐ cũ của Galatasaray), Hakan Sukur ngay lập tức thể hiện được bản năng săn bàn sát thủ của mình với 19 pha lập công ở giải quốc nội trong mùa bóng đầu tiên (26 bàn trên mọi đấu trường), qua đó giúp Galatasaray đăng quang Super Lig 1992/1993 một cách hoàn toàn thuyết phục. Hai mùa giải tiếp theo, ngôi sao đến từ Sakarya vẫn thể hiện được phong độ ghi bàn hết sức ổn định (tổng cộng 45 bàn) và nhanh chóng trở thành niềm tự hào trong mắt những người hâm mộ Galatasaray. Để tôn vinh thêm tài năng của Sukur, họ gọi anh là “Con bò mộng vùng Bosphorus”, một biệt danh xem chừng không mấy phù hợp với thân hình cao gầy và có phần hơi mảnh khảnh của tiền đạo sinh năm 1971 này.

LẤY VỢ NHỜ… THỦ TƯỚNG
Là một trong những cầu thủ hiếm hoi của Thổ Nhĩ Kỳ có cơ hội ra nước ngoài thi đấu trong giai đoạn giữa thập kỷ 90, thế nhưng chỉ sau vài tháng chuyển đến Torino (1995), Hakan Sukur đã vội vàng đòi trở về quê nhà chỉ vì… nhớ người yêu. Được biết, trong một chuyến đi tình nguyện trại hè vào năm 1994, chàng tiền đạo trẻ tài năng Sukur đã trót đem lòng yêu cô sinh viên Esra Elbirlik, khi ấy vẫn còn đang học năm thứ 2 khoa Hóa dược tại trường Đại học Istanbul. Mặc dù vậy, bất chấp việc chân sút của Galatasaray từng nhiều lần ngỏ lời cầu hôn nhưng gia đình Esra vẫn nhất mực từ chối. Họ cảm thấy lo lắng khi phải mạo hiểm đánh cược số phận của con gái mình vào tay một kẻ “vô học”. Ngẫm ra cũng chẳng sai, trong khi Esra là thủ khoa đầu vào trường Đại học Istanbul thì Hakan Sukur vẫn còn… chưa học hết lớp 4.
Niềm tự hào của người dân Thổ Nhĩ Kỳ
Tuy nhiên, vào thời điểm ấy, chân sút sinh năm 1971 lại là niềm tự hào của cả đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ cần anh buồn, người dân cả nước cũng buồn theo. Chính bởi vậy, ngay sau khi Sukur vừa quyết định trở về quê hương nhằm chứng minh tình yêu “son sắt” của mình đối với Esra thì Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ lúc bấy giờ là bà Tansu Ciller cũng vội vàng lên kế hoạch đi… cầu hôn cho ngôi sao thuộc biên chế Galatasaray. Theo đó, chỉ đúng một ngày sau tuyên bố “nhớ bồ” của Sukur, một đoàn xe chuyên dụng dành riêng cho các nguyên thủ quốc gia đã ồ ạt phi tới trước cửa nhà Esra, với mục đích thuyết phục bố mẹ cô nhận lời làm đám cưới với cầu thủ xuất sắc nhất Thổ Nhĩ Kỳ. Trong hoàn cảnh phải đối mặt với quá nhiều áp lực, chẳng còn cách nào khác, cô gái 20 tuổi Esra đành đồng ý lấy Sukur làm chồng, thôi thì vẹn cả đôi đường, vừa yêu được ngôi sao đình đám, vừa được sống cuộc đời nhung lụa.
Nào có ngờ, chỉ vỏn vẹn 4 tháng sau ngày tổ chức hôn lễ xa hoa bậc nhất thành phố Istanbul, nàng thơ Esra đã phải bỏ về nhà bố mẹ vì không thể chịu nổi tính cách của Sukur. Không phải tay vừa, chân sút khoác áo Galatasaray cũng lên tiếng tố cáo trước báo giới rằng “vợ mình” đã ăn trộm tiền bạc và đồ trang sức trước khi rời khỏi nhà. Sau vụ này, cái tên Esra Elbirlik dần dần chìm vào quên lãng trong khi Hakan Sukur vẫn nổi như cồn, với những thành tích hết sức vang dội cùng Galatasaray (vô địch UEFA Cup 1999/2000) và ĐT Thổ Nhĩ Kỳ (hạng ba World Cup 2002). Năm 1999, báo chí đưa tin gia đình Esra đã thiệt mạng bởi một trận động đất dữ dội ở miền Tây Thổ Nhĩ Kỳ. Thật đúng là hồng nhan bạc mệnh!
CON ĐƯỜNG CHÍNH TRỊ NGHIỆT NGÃ?   
Để nói về đám cưới kỳ lạ của cặp đôi “trai tài gái sắc” Sukur-Esra thì chắc chắn vẫn còn rất nhiều hài hước. Tuy nhiên, một trong những chi tiết quan trọng nhất chính là buổi hôn lễ mang tính “quốc gia” vào năm 1995 từng chứng kiến sự góp mặt của rất nhiều nhân vật cấp cao như Recep Erdogan hay Fethullah Gulen, những người sau này đã tác động trực tiếp đến con đường tham gia chính trường của Hakan Sukur. Vào thời điểm ấy, khi mà Sukur đang được xem là một hiện tượng có tầm ảnh hưởng tới hầu khắp đất nước, thị trưởng thành phố Istanbul - Erdogan muốn tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với anh để dễ dàng lấy lòng công chúng trong các chiến dịch tranh cử chức Thủ tướng, trong lúc Tansu Ciller sắp sửa kết thúc nhiệm kỳ. Tương tự, Gulen, với tư cách là giảng viên môn cơ sở lý luận Hồi giáo tại trường Đại học Istanbul, đồng thời là thầy của Esra, cũng hy vọng sẽ nhận được thái độ hợp tác từ phía ngôi sao bóng đá xuất chúng nhất Thổ Nhĩ Kỳ.
Hakan Sukur - trúng cử vào ghế nghị sĩ của đảng cầm quyền AKP
Năm 2008, Hakan Sukur giải nghệ, trở thành một bình luận viên bóng đá trên truyền hình. Thời gian cứ thế trôi đi, những tưởng cuộc sống sau sân cỏ của Sukur sẽ trở nên bình yên thì đến năm 2011, anh lại bất ngờ trúng cử vào ghế nghị sĩ của đảng cầm quyền AKP. Mặc dù vậy, trò chơi quyền lực chưa bao giờ là điều đơn giản. Với vốn kiến thức quá ít ỏi của một kẻ suốt ngần ấy năm chỉ biết lao động chân tay, Sukur nhanh chóng bị các đại biểu đồng nghiệp dè bỉu và sỉ nhục như một tên vô văn hóa trong giới chính trị. Mọi thứ ngày càng căng thẳng hơn nữa sau khi hai người bạn thân của anh là Erdogan (lúc này đã trở thành Tổng thống) và Gulen (đang lưu vong tại New York) quyết định đối đầu nhau về chính sách, quan điểm cũng như tư tưởng.
Là người không đồng thuận với các sách lược có phần bạo lực và chuyên chế của bộ sậu Erdogan, mà phần nhiều liên quan đến vấn đề đức tin trong tôn giáo, Sukur đã chấp nhận ủng hộ Gulen. Cần phải nhấn mạnh rằng, sự kiện chân sút này bị khởi tố vì dám sỉ nhục Tổng thống trên kênh Twitter mới chỉ là một biến cố rất nhỏ trong con đường chính trị khắc nghiệt mà anh lựa chọn. Gần đây nhất, ngày 12/8/2016, cơ quan công tố khu vực Sakarya vừa quyết định phát lệnh truy nã Hakan Sukur với cáo buộc tội danh “tham gia vào tổ chức khủng bố có vũ trang” trong cuộc đảo chính quân sự hồi giữa tháng Bảy tại Thổ Nhĩ Kỳ. Được biết, cha của Hakan Sukur, ông Selmet Sukur cũng bị cảnh sát phát lệnh bắt giữ. Mặc dù vậy, bất chấp mọi lời đe dọa từ chốn quê nhà thì cả đại gia đình Sukur vẫn đang vui sống yên lành ở nước Mỹ, nơi anh chuẩn bị thành lập một học viện bóng đá mang tên mình. Cuộc đời lưu vong mà sung sướng như thế, xem chừng vẫn còn hạnh phúc chán!

***

Trong suốt sự nghiệp bóng đá lẫy lừng của mình, Hakan Sukur từng giành được tổng cộng 8 chức VĐQG Thổ Nhĩ Kỳ (đều trong màu áo Galatasaray) đồng thời trở thành chân sút xuất sắc nhất Super Lig với 249 bàn thắng. Ở cấp độ đội tuyển, dưới vai trò một người thủ lĩnh đích thực, Sukur cũng dẫn dắt toàn đội giành HCĐ World Cup 2002, nơi anh để lại dấu ấn bằng pha lập công nhanh nhất lịch sử các VCK World Cup với bàn thắng vào lưới chủ nhà Hàn Quốc (chỉ 10,8 giây sau tiếng còi khai cuộc) ở trận tranh ba tư. Nhắc đến Hakan Sukur, người ta cũng sẽ còn nhớ mãi về cú đúp bàn thắng vào lưới ĐT Bỉ tại kỳ EURO 2000, khi anh đưa Thổ Nhĩ Kỳ lọt vào vòng tứ kết giải đấu danh giá nhất châu Âu.
Trải qua biết bao thăng trầm của cuộc đời, cho dù đang phải sống lưu vong ở nơi đất khách quê người, chẳng khác nào một kẻ “phản quốc”, thế nhưng tất cả vẫn đều phải thừa nhận rằng Hakan Sukur là một tài năng vĩ đại nhất trong lịch sử nền bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ. Dẫu rằng con đường sau sân cỏ của cựu ngôi sao Galatasaray có phần gập ghềnh và kỳ lạ, tuy nhiên nếu đó là lựa chọn cuối cùng của anh, thì sẽ chẳng ai ngăn cản được. Chấp nhận làm một kẻ lưu vong "hạnh phúc", cho những giấc mơ và lý tưởng có thể sẽ không bao giờ trở thành hiện thực, phải chăng cũng là một điều xứng đáng trong đời… 

OLE(TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.