Glenn Hoddle: "Tottenham đáng lẽ đã có Morientes và Samuel Etoo"

Tác giả KDNX - Chủ Nhật 21/11/2021 15:06(GMT+7)

Trong những ngày gần đây, khi Tottenham đang trở thành tâm điểm của bóng đá Anh nói riêng và bóng đá Châu Âu nói chung khi đem về Antonio Conte, một HLV danh tiếng của bóng đá Italia, phóng viên Donald McRae của tờ báo The Guardian đã quyết định thực hiện một cuộc phỏng vấn với Glenn Hoddle, HLV một thời của Tottenham Hotspurs.

 
 
 
"Chết ngạt" vì bóng đá Anh

"Tôi có được lòng dũng cảm," Glenn Hoddle đã chia sẻ như thế trong một cuộc trò chuyện dài về sự sống, cái chết, bóng đá, định danh, những nỗi đau và vinh quang của thời làm cầu thủ cũng như HLV. Đây cũng là một cuộc trò chuyện về bản thân ông cũng như vị trí của ông trong làng bóng đá Châu Âu khi đặt cạnh những cái tên lừng lẫy như Danny Blanchflower, Brian Clough, Johan Cruyff, Arsene Wenger, Daniel Levy và Antonio Conte.
 
Hoddle là một tài năng nên thuộc về bóng đá Châu Âu hơn là bóng đá Anh, hay ít ra là bóng đá Anh 30 năm trước, cái thời mà nền bóng đá này vẫn còn gắn với lối đá "kick and rush" cổ truyền. Thời còn làm cầu thủ, ông luôn gắn bó với triết lý kiến thiết bóng của mình, còn khi trở thành HLV, ông lại quá thẳng tính, dẫn đến việc ông bị loại khỏi đội tuyển Anh bằng những lời nói của mình. Tệ hơn, vào tháng 10 năm 2018, Hoddle gặp phải cơn ngưng tim suýt chút nữa đã lấy đi mạng sống của ông, một trải nghiệm đã khiến HLV người Anh chiêm nghiệm nhiều hơn về bản thân.

 
"Tôi có niềm tin mãnh liệt vào khả năng của mình," Hoddle chia sẻ khi nhớ về những năm tháng thi đấu cho Spurs, đội bóng ông thi đấu từ năm 1975 tới 1987, cái thời điểm mà tài năng của Glenn Hoddle phải va chạm với cái lối đá rắn rỏi, thiên về tắc bóng và bóng dài của bóng đá Anh. Ở thời điểm đó, Glenn Hoddle thường được gọi bằng cái tên nữ tính là "Glenda", hoặc được đặt cho cái biệt danh là "gã cầu thủ xa xỉ." Nhưng Hoddle luôn giữ vững cá tính của mình: "Hồi đó tôi cứng đầu lắm. Tôi hay ngượng, nhưng khi chạm đến bóng đá, tôi phải thi đấu tự nhiên nhất có thể. Nếu người ta không hiểu tôi thì đành chịu vậy."
 
Trong cuộc trò chuyện với The Guardian, Glenn Hoddle cũng cho rằng lối chơi của mình không thuộc về bóng đá Anh, mà thuộc về một nền bóng đá khác chú trọng vào khả năng kiến tạo của ông hơn: "Sẽ rất khác nếu tôi là một gã Hà Lan, Pháp hay Tây Ban Nha. Khi tôi ra nước ngoài thi đấu (cho Monaco từ năm 1987-1991 dưới thời Arsene Wenger), tôi chợt nhận ra số 10 là vị trí sở trường của tôi. Hồi trước tôi từng chơi số 10 cho ĐT Anh rồi". Trận đấu duy nhất mà Hoddle nhắc tới đó là trận đấu gặp Hungary vào năm 1983. Ở trận đấu đó, cựu HLV Tottenham đã ghi được 1 bàn thắng và kiến tạo 2 bàn.
 
Trong cuốn tự truyện của mình, Playmaker (cầu thủ kiến tạo-BTV), được chấp bút bởi cây viết Jacob Steinberg của Observer, Hoddle thú nhận ông cảm thấy như bị "bóp nghẹt" bởi bóng đá Anh và bởi "cái lối suy nghĩ thiển cận bất di bất dịch đến mức ngán ngẩm của nền bóng đá Anh Quốc." Thậm chí, theo Hoddle, ĐT Anh khi đó chỉ gắn chặt với một sơ đồ duy nhất: "Lúc nào cũng chỉ là 4-4-2. Khi đó, tôi sẽ bị đẩy sang cánh phải. Kể cả với Spurs, tôi cũng được xếp vào vị trí không phải sở trường của mình. Phải mãi tới mùa giải cuối cùng, mùa giải Clive Allen ghi 49 bàn, tôi mới được xếp vào vị trí số 10 sở trường của mình."
 
Trong bài phỏng vấn của mình, Donald McRae cho rằng Hoddle là một người vượt xa thời đại của mình. Bản thân HLV người Anh cũng công nhận điều đó. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng ông phải dằn mình xuống rất nhiều: "Tôi biết rõ chứ, nhưng tôi lại không thể nói ra. Ngày trước người ta hay nói tôi: "Này, đáng lẽ ra anh phải thi đấu hơn 53 trận ấy." Khi đó, tôi sẽ trả lời ngắn gọn: "53 trận là đủ tự hào rồi." Nhưng trong thâm tâm, tôi biết rõ mình là một cầu thủ đẳng cấp thế giới. Trong những trường hợp như thế, hoặc là cắn răn chịu đựng, hoặc là chiến đấu hết mình."

 
Theo Glenn Hoddle, niềm tin của ông cũng được chắp cánh từ những người đi trước: "Hồi tôi mới 19 tuổi, Danny Blanchflower từng nói với tôi thế này: "Glenn, một gã cầu thủ xa xỉ là một gã cầu thủ không thể làm được những gì con đang làm. Hắn ta không thể nhìn thấy một đường chuyền, hắn ta luôn để mất bóng. Đừng bao giờ để người ta khiến con nghĩ mình là một gã cầu thủ "xa xỉ". Những lời nói đó từ Danny Blanchflower thực sự đã tiếp thêm niềm tin cho tôi."
 
Một người nữa cũng được Hoddle nhắc tới đó là cố HLV huyền thoại Brian Clough. "Làm sao tôi quên được chứ. Hồi đó, tôi có một tay bạn tên Sean, hắn ta nhại giọng người khác giỏi lắm. Một ngày nọ, tôi nhấc máy lên và nghe thấy một giọng nói ở đầu bên kia: "Cậu trai, ta là Brian Clough của Nottingham Forest đây." Thế là tôi nói: "Mày đùa vừa thôi Sean ạ," rồi cúp máy xuống. Chuông lại reo lần nữa. Đúng là Brian Clough rồi. Thầy ấy dành 10 phút trò chuyện với tôi, còn tôi khi đó xấu hổ vô cùng. Clough gạt qua một bên rồi nói: "Thầy có thể hiểu rằng em muốn ở lại Tottenham, Thật vui khi nói chuyện với em, chúc em may mắn với sự nghiệp của mình." Thầy ấy cũng nói rằng thầy ấy sẽ xây dựng một ĐT Anh vận hành xung quanh tôi nếu trở thành HLV Tam Sư. Không phải vì thầy ấy sẽ cho tôi đá chính mà tôi nói thế này đâu, nhưng thật sự sai lầm khi không trao cơ hội cho thầy ấy."
 
Quãng thời gian làm HLV đầy chông gai
 
Trong cuộc phỏng vấn với Donald McRae, Glenn Hoddle cũng cho rằng Arsene Wenger ở Monaco rất khác với Arsene Wenger thời ở Arsenal: "Ian Wright, Lee Dixon, Tony Adams và David Seaman đều cho rằng thầy ấy ít khi nói năng gì ở giờ nghỉ. Đó không phải là Arsene tôi từng biết khi ông ấy 36. Đôi lúc, ông ấy sẽ vào phòng thay đồ, thế là chai Lucozade sẽ đập thẳng xuống sàn. Sau đó là một tràng tiếng Pháp liên thanh từ mồm ông ấy. Khi đó, tôi sẽ nhìn vào Mark Hateley rồi hỏi: "Lão không vui à cậu ?"
 
Theo Hoddle, Wenger chính là người đã truyền cảm hứng cho ông khi trở thành HLV. Có thể thấy rõ điều đó qua nhiệm kỳ tuyệt vời của ông ở Swindon, đội bóng đã thăng hạng Premier League nhờ bàn tay của Hoddle. Theo HLV người Anh, đầy chính là quãng thời gian hạnh phúc nhất đời ông: "Cái dàn cầu thủ đó vượt xa những gì tôi thấy ở Barcelona, thậm chí là Man City ấy. Hồi đó chúng tôi có Mickey Hazard, Ross MacLaren, John Moncur, tất cả đều là những cầu thủ thuận 2 chân như tôi. Tuyệt vời thật sự."
 
Tuy nhiên, vì những vấn đề tài chính của mình mà Swindon mãi mãi không thể thăng tiến. Thậm chí, Glenn Hoddle còn phải bỏ ra số tiền 200,000 Bảng tiền túi để giúp Swindon đem về Shaun Taylor, một hậu vệ danh tiếng từ Exeter. "Tôi chưa bao giờ dẫn dắt một CLB lắm tiền nhiều của cả. Tottenham cũng ít tiền, Southampton cũng thế. Thậm chí, lúc tôi đến với Chelsea vào năm 1993, tôi không thể giữ chân Andy Townsend khi Aston Villa lúc nào cũng săn đón cậu ấy."
 
"Cơ sở vật chất của Chelsea thực sự tệ hại. Văn phòng của tôi nằm ngay trong phòng thay đồ với một cái điện thoại trả tiền thủng đáy. Họ bảo tôi bỏ đồng 50 Xu vào đó thì thế nào tiền cũng rơi ra ở đáy. Khi đó, phải đặt lại vào điện thoại trước khi cuộc gọi bị cắt ngang. Một lần, Ron Atkinson hỏi tôi: "Glenn, cái tiếng gì thế ?" Tôi trả lời hắn: "Ron, tôi không định nói với anh đâu." Hồi đó chúng tôi chạy đua một bản hợp đồng 2,1 triệu Bảng. Lạy Chúa Tôi, nó tệ kinh khủng."
 
Hoddle thuyết phục Ken Bates, ông chủ của Chelsea khi đó, đem về Ruud Gullit. Kể từ đó, Chelsea bắt đầu "thay da đổi thịt", một cuộc cách mạng kéo dài cho tới ngày Roman Abramovich mua lại CLB. Vào năm 1996, 3 năm sau khi dẫn dắt Chelsea, Glenn Hoddle bất ngờ được ĐT Anh bổ nhiệm làm HLV trưởng. Một nhiệm kỳ đầy thành công nếu không tính đến trận thua Argentina trên chấm luân lưu ở World Cup 1998, trận đấu mà Glenn Hoddle không thể xem lại lần hai vì ông biết rằng nếu đánh bại Argentina, họ lẽ ra đã có thể lên ngôi bằng tập thể đó.
 
Nhiệm kỳ ở ĐT Anh của ông kết thúc trong tai tiếng khi vào tháng 1 năm 1999, trong một cuộc phỏng vấn với The Times, Glenn Hoddle đã nói rằng người tàn tật là những người bị trừng phạt vì lỗi lầm họ làm ở kiếp trước. Trong quyển sách của mình, ông đã nhấn mạnh rằng: "Tôi không hề nói tới trừng phạt, tôi chưa bao giờ dùng từ đó, tôi còn chưa dùng từ "nghiệp chướng" kiếp trước hoặc thậm chí nói rằng người tàn tật đáng phải nhận những gì họ đang trải qua ở kiếp này cơ."

 
Trong cuộc phỏng vấn với Donald McRae, Hoddle cũng gạt bỏ mọi nghi vấn về việc ông đã nói ra câu nói đó. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu ông có thể tha thứ cho Matt Dickinson, người đã thực hiện bài phỏng vấn đầy tai tiếng ngày hôm đó hay không, Hoddle đã chia sẻ: "Nếu là tôi trước khi bước vào tuổi 30, chắc chắn tôi sẽ không thể tha tứ, nhưng niềm tin và cuộc sống tâm linh đã cho tôi thấy đây là cơ hội tôi. Cho đến nay, tôi chẳng còn chút bực bội nào khi nghĩ đến vụ việc đó."
 
Cơn ngưng tim và niềm tiếc nuối mang tên Tottenham
 
Vào ngày 27 tháng 10 năm 2018, nhằm ngày sinh nhật thứ 61 của mình, Hoddle gặp phải một cơn trụy tim khi làm việc trong phòng thu hình của BT Sport. Nếu không có Simon Daniels, người kỹ thuật thu âm của đài BT Sport hỗ trợ hô hấp cho ông cũng như sử dụng công cụ trợ tim, có lẽ Glenn Hoddle đã không còn sống tới ngày hôm nay: "Một trong số những điều ít ỏi mà tôi còn nhớ ở ngày hôm đó chính là những gì tôi đã nói với tài xế của mình, Johnno: "Hẹn gặp cậu lúc 5 giờ rưỡi." Ông biết tôi đã nói gì khi trở lại phòng thu hình đó chứ ? "Johnno, gặp lại cậu lúc 5 giờ rưỡi...nếu Chúa cho phép." Cậu ấy sẽ nói: "Nào, ngài đừng nói thế chứ." Nhưng tôi vẫn nói thế. Cái lần suýt chết đó, tôi đã nghĩ: "Làm ơn, Chúa ơi, cho con trở lại cái xe đó vào lúc 5 giờ rưỡi." Lúc đó ai cũng sợ cả, đâu phải riêng tôi."
 
 Khi thực hiện cuộc phỏng vấn với Hoddle, Donald McRae đã hỏi ông về Tottenham Hotspurs, đội bóng đã từng được dẫn dắt bởi ông trong quãng thời gian từ năm 2001 tới năm 2003. Khi được hỏi về việc có bao giờ ông tiếp xúc với giới chủ của Tottenham hay không, Hoddle đã thành thật trả lời: "Chưa, tôi chưa bao giờ gặp Joe Lewis, gọi điện cũng không cơ. Spurs lúc nào cũng trong tim tôi. Đó là quãng thời gian tuyệt vời nhất nhưng cũng là quãng thời mệt mỏi nhất. Hồi ở Tottenham, tôi luôn muốn xây dựng một tập thể "bách chiến bách thắng" như Monaco, nhưng tiếc thay, chúng tôi khi đó không có nhiều tiền."

 
Theo Hoddle, đáng lẽ ra ông có thể đem về Fernando Morientes từ Real Madrid và Samuel Eto'o từ Malllorca với mức giá 12 triệu Bảng vào năm 2003. Tuy nhiên, Lewis và Daniel Levy lại quá chậm trễ. "Đau đớn lắm," Hoddle chia sẻ."
 
Tuy nhiên, theo Glenn Hoddle, cuộc sống của một chủ tịch chưa bao giờ dễ dàng, nhất là với một đội bóng đi theo mô hình bóng đá như Tottenham. Khi được hỏi liệu Antonio Conte có phải là một lựa chọn "bất đắc dĩ" của Daniel Levy hay không, Glenn Hoddle đã chia sẻ những ý kiến riêng của mình như một lời kết thúc cho bài phỏng vấn: "Ông ấy đã để lỡ khá nhiều cơ hội, vì vậy, ông ấy phải nhắm đến Conte, vì vậy, những gì được đưa lên bàn đàm phán ngày hôm đó cũng rất khác. Đây là khoảng thời gian quan trọng với Daniel vì ông ấy khét tiếng là người hay sa thải HLV. Đáng lẽ ra chúng tôi có thể đem về 3 cầu thủ tốt nếu không dùng cái số tiền đó để đền bù cho mấy tay HLV bị sa thải."
 
Tư liệu lấy từ cuộc phỏng vấn của Donald McRae của báo The Guardian.
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.