Bóng đá Italy luôn nổi tiếng với những nhà điều hành bóng đá lão luyện như Adriano Galliani, Luciano Moggi. Trong thập niên 2010 đến nay, nhân vật thành công và nổi bật nhất trong lĩnh vực này ở đất nước hình chiếc ủng không ai khác ngoài Giuseppe “Beppe” Marotta.
Cách đây chưa lâu, Beppe Marotta đã được trao Huân chương Công trạng của Italy - huân chương cao nhất trong hệ thống của đất nước hình chiếc ủng. Trước đó, vào năm 2014, Marotta cũng được vinh danh trong Đại sảnh danh vọng tại Bảo tàng Museo del Calcio ở Liên đoàn Bóng đá Italy.
Năm 2018, ông vượt qua những CEO lừng lẫy như Jose Angel Sanchez (của Real Madrid) hay Ferran Soriano (của Manchester City) để nhận giải thưởng “Nhà điều hành xuất sắc nhất” ở Hội nghị cấp cao Bóng đá Thế giới. Những sự vinh danh đó dành cho cống hiến hơn 40 năm của người đàn ông tới từ Varese cho nền bóng đá Italy.
Salvatore ở rạp chiếu bóng thiên đường
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Corriere della Sera, Beppe Marotta từng chia sẻ ông cảm thấy mình giống nhân vật Salvatore trong bộ phim “Nuovo Cinema Paradiso” (Tạm dịch: Rạp chiếu bóng thiên đường). “Nuovo Cinema Paradiso” là tác phẩm điện ảnh kinh điển của Italy và đã từng đoạt tượng vàng Oscar cho bộ phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Trong phim, Salvatore xuất thân là một người phụ tá cho một nhân viên chiếu phim tại một rạp chiếu bóng tỉnh lẻ trước khi trở thành một đạo diễn xuất sắc trong tương lai.
Giống Salvatore, Beppe Marotta cũng đi từng nấc thang thấp nhất để vươn tới danh vọng. Marotta sinh ra tại thành phố Varese, xứ Lombardy trong một gia đình có mẹ là nội trợ và bố là một viên trong cơ quan nhà nước. Nơi ông lớn lên chỉ cách sân vận động Ossola của đội bóng địa phương Varese 500m, và với tình yêu bóng đá mãnh liệt, đến một ngày ông nảy ra ý tưởng. Marotta đưa ra lời đề nghị với nhân viên phụ trách trang phục của Varese: Ông sẽ lau giày, bơm bóng và mang quần áo bẩn của cả đội đi giặt, đổi lại, ông sẽ được phép khoác bộ trang phục thể thao của CLB và theo dõi những buổi tập.
Ngay từ nhỏ, Marotta đã bộc lộ những chỉ dấu về khả năng ngoại giao, đàm phán như vậy. “Cậu ấy sẽ làm hòa nếu có một cuộc cãi vã nhỏ nổ ra và sau đó đi tìm giải pháp”, Dario Isella - một người bạn của Beppe Marotta từ khi ông còn là cậu bé nhặt bóng ở Varese - chia sẻ với Gazzetta dello Sport.
Trong quãng thời gian niên thiếu đó, Marotta đã đi học cùng những nhân vật sau này nổi bật trên chính trường Italy sau này như Mario Monti (cựu Thủ tướng Italy), Attilio Fontana (Thống đốc vùng Lombardy), Giancarlo Giorgetti (Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Italy), Roberto Maroni (cựu Phó thủ tướng Italy). Cụ thể hơn, Giorgetti là một người bạn của CEO Inter Milan hiện tại, còn Maroni từng cùng chung đội bóng ở trường trung học với Marotta.
Nhưng trong khi những người như Roberto Maroni thường đến trường với những tờ báo chính trị trên tay thì ngược lại, Beppe Marotta cầm theo những tờ Gazzetta dello Sport. Niềm đam mê của ông với trái bóng tròn khó lòng vơi cạn, trong khi năng lực quản lý ngày càng được phát tiết một cách rõ nét ngay từ những ngày trẻ.
Beppe Marotta (bên phải) thời điểm làm việc tại Varese |
19 tuổi, ông được trao trọng trách quản lý toàn bộ hệ thống đào tạo trẻ của Varese. Guido Borghi - cựu chủ tịch CLB Varese, con trai nhà tài phiệt Giovanni Borghi - nhớ lại: “Beppe thường chơi bóng đá 5 người với chúng tôi, nhưng cậu ấy là một thiên tài ở khía cạnh quản lý. Chính vì vậy, năm cậu ấy 19 tuổi, tôi giao nhiệm vụ quản lý toàn bộ đội trẻ, chịu trách nhiệm cho việc chăm sóc sự phát triển của cầu thủ. Cha tôi vẫn thường xem các trận bóng ở gần phòng thay đồ và cậu ấy là người duy nhất được phép ngồi cạnh”.
Đến năm 22 tuổi, Giuseppe Marotta đã trở thành Giám đốc Điều hành của CLB Varese. Từng bước một, uy tín của Marotta ngày một tăng lên trong làng bóng đá Italy. Từ Varese, ông kinh qua Monza, Como, Ravenna, Venezia, Atalanta và Sampdoria và đều để lại ít nhiều dấu ấn xét trên tiềm lực lẫn vị thế của các CLB này lúc đó.
Tại Venezia, với thương vụ mượn thành công Alvaro Recoba từ Inter Milan trong mùa giải 1998/1999, đội bóng này đã trụ hạng trong mùa bóng đầu tiên trở lại Serie A sau hơn 30 năm, trong đó ngôi sao người Uruguay đóng góp rất quan trọng với 11 bàn và 9 pha kiến tạo trong 19 lần ra sân. Ở Sampdoria, trong triều đại của Marotta, chiến tích nổi bật nhất chắc chắn là việc “Il Doria” giành vé tham dự Champions League mùa giải 2010/2011 với sự tỏa sáng của bộ đôi tiền đạo Antonio Cassano và Giampaolo Pazzini mà Marotta đã mang về.
Kiến trúc sư của những ông lớn
8 năm ở Sampdoria là tiền đề để Beppe Marotta tiến lên nấc thang mới trong sự nghiệp của mình với bến đỗ mới mang tên Juventus. Khi đó, “Bà đầm già” vừa trải qua mùa giải vô cùng thất vọng khi chỉ đứng thứ 7 ở Serie A. Juventus dường như vẫn chưa tỉnh cơn “say đòn” sau cú đấm trời giáng mang tên Calciopoli. Andrea Agnelli được bổ nhiệm làm Chủ tịch CLB để tiếp nối truyền thống của gia tộc và một trong những việc quan trọng mà ông làm là đưa Marotta về đảm nhiệm vị trí Giám đốc Điều hành mảng thể thao. Từ đó, Juventus có cú chuyển mình ngoạn mục để lấy lại vị thế của mình.
Có thể nói, Beppe Marotta chính là kiến trúc sư cho sự thống trị của Juventus tại Italy suốt gần một thập kỷ. Trong bối cảnh Juventus mất đi sức hút với những ngôi sao lớn, Marotta tập trung vào những bản hợp đồng giá rẻ nhưng đảm bảo vừa đủ chất lượng với Juventus. Sau mùa giải đầu tiên Marotta nhận nhiều chỉ trích vì thất bại của HLV Luigi Delneri và hầu hết các tân binh (ngoại trừ Leonardo Bonucci và Andrea Barzagli), Juventus vẫn đặt niềm tin vào vị giám đốc của mình.
Beppe Marotta chính là một trong những kiến trúc sư cho sự thống trị của Juventus |
Niềm tin đó được đền đáp xứng đáng bằng những mảnh ghép mà ông đưa về để hoàn thiện đội hình CLB. Andrea Pirlo, Stephan Lichtsteiner, Arturo Vidal… xuất hiện ở mùa giải 2010/2011 và bổ sung sức mạnh cho “Bianconeri” mới mẻ dưới thời Antonio Conte. Đó chính là khởi đầu cho sự trở lại của một đế chế. Những thành công trên sân cỏ cùng sự khôn ngoan trên thị trường của Juventus giúp doanh thu đội bóng tăng cao. Thương vụ đỉnh cao nhất của Marotta có lẽ chính là việc Juventus không tốn một đồng chuyển nhượng nào để có Paul Pogba và sau đó bán lại tiền vệ người Pháp cho Manchester United với giá 110 triệu euro.
Fabio Paratici - cựu Giám đốc thể thao Juventus - từng nói: “Làm việc cùng Marotta giống như thể đang ở Harvard vậy. Bạn sẽ được học hỏi mỗi ngày”. Trong khi đó, cựu Phó chủ tịch Pavel Nedved của Juventus thì bày tỏ: “Beppe là một giáo viên xuất sắc, không chỉ với tôi mà toàn thể Juventus. Tại Juventus, chúng tôi đã trải qua 8 năm rất quan trọng cùng nhau. Với sự có mặt của ông ấy, Inter sẽ mạnh hơn nhưng đồng thời cũng khiến tôi hơi đau lòng một chút”.
Nedved đã đúng. Giống như tại Juventus một thập kỷ trước, Marotta đến Inter với nhiệm vụ đưa đội bóng này trở lại đúng vị thế vốn có. Với sự đầu tư tâm huyết từ Tập đoàn Suning, giành hàng loạt danh hiệu như Scudetto, 2 chức vô địch Coppa Italia, 2 danh hiệu Siêu cúp Italy. Những thương vụ mua bán chất lượng như Romelu Lukaku, Achraf Hakimi, Nicolo Barella, Christian Eriksen, Andre Onana, Hakan Calhanoglu, Edin Dzeko... hay việc bổ nhiệm những nhà cầm quân như Antonio Conte hay Simone Inzaghi là nền tảng cho thành công của Inter.
Năm 2021, trong bối cảnh Inter Milan gặp khó khăn tài chính trong việc luân chuyển dòng tiền từ túi của công ty mẹ tại Trung Quốc, Marotta vẫn khéo léo xoay sở để đội bóng không đổ vỡ. Việc bán những cầu thủ như Hakimi hay Lukaku giúp Inter thu về xấp xỉ 200 triệu euro và giảm phần lớn quỹ lương, đồng thời vị CEO phụ trách thể thao của họ vẫn có có cách để mang về những giải pháp thay thế.
Lapo Elkann - thành viên gia tộc Agnelli, em trai của John Elkann – CEO Exor, Công ty mẹ của Juventus - cách đây chưa lâu viết trên Twitter: “Theo ý kiến của tôi, sau khi Marotta rời đi, Juventus đã mất rất nhiều. Chúng tôi cần những nhân vật mạnh mẽ, có đủ năng lực trong thế giới bóng đá, một thế giới hoàn toàn riêng biệt. Nếu không, việc đưa Juventus trở lại đẳng cấp cao nhất là điều không tưởng”.
Thành công của Inter trong suốt quãng thời gian gắn bó với Marotta đã chứng minh nhận định đó: Một nhân vật “cáo già” thừa sự khôn ngoan, các mối quan hệ và hiểu cách nền bóng đá vận hành có thể giúp đội bóng chống chọi với cơn khốn khó. Đó cũng là lý do ở Italy người đàn ông này có biệt danh “Kissinger của bóng đá”.