Gilberto Silva: Kẻ vô hình trong khúc nhạc Mandolin

Tác giả Ole - Chủ Nhật 07/08/2016 20:36(GMT+7)

“Tôi chỉ muốn được tiếp tục sống trong một trang trại nhỏ, có thể cưỡi ngựa hàng ngày và ở bên cạnh gia đình”, tiền vệ người Brazil đã nhẹ nhàng bộc bạch với các phóng viên ngay sau thời điểm quyết định chia tay Arsenal vào năm 2008 và đứng trước cơ hội trở về quê hương thi đấu.

Gilberto Silva - chiến binh thầm lặng của Arsenal
Xuyên suốt trong sự nghiệp của mình, Gilberto Silva là một cái tên thầm lặng theo đúng nghĩa, cho dù là ở Arsenal hay Selecao đi chăng nữa. Mặc dù vậy, cứ mỗi lần nhắc đến anh, là người ta đều phải dành tặng cho cựu cầu thủ sinh năm 1976 này một thái độ tôn trọng và cảm phục hơn bao giờ hết.
ĐỪNG TỪ BỎ ƯỚC MƠ

Lớn lên trong một gia đình nghèo khó tại thành phố Lagoa da Prata, thuộc bang Minas Gerais, miền Đông Nam đất nước Brazil, cậu bé Gilberto Silva ngay từ thời thơ ấu đã phải nếm trải cuộc sống thiếu thốn đủ đường. Cha anh, một người thợ rèn, chính là nguồn lao động duy nhất của cả gia đình 6 người, bao gồm Gilberto, bố mẹ cùng ba chị gái. Cũng khá may mắn là trong hoàn cảnh cơ cực như vậy, thế nhưng cựu tiền vệ Arsenal đã không sa ngã vào con đường tệ nạn, giống như rất nhiều đứa trẻ đương thời khác. “Vào thời điểm ấy, tôi không nghĩ là mình phải chịu nhiều áp lực. Gia đình tôi mặc dù rất nghèo nhưng mọi người đều yêu thương lẫn nhau. Hàng ngày, tôi vẫn được chơi bóng cùng những người anh em họ và bạn bè của mình trên đường phố. Chúng tôi chẳng bao giờ tiếp xúc hay thậm chí là suy nghĩ về các vấn đề ma túy và bạo lực”, Giberto nhớ lại.

Năm 1988, ở tuổi 12, Gilberto Silva gia nhập đội trẻ của America Mineiro trong niềm khao khát cháy bỏng về giấc mơ thoát khỏi cảnh đói nghèo, một con đường hết sức phổ biến dành cho những đứa trẻ sống trong các favela (khu ổ chuột) vào lúc bấy giờ. Tuy nhiên, cuộc đời chẳng bao giờ thiếu những thử thách khó lường. Chỉ vỏn vẹn 3 năm sau ngày Gilberto đặt chân đến học viện Mineiro, cha anh đã quyết định nghỉ hưu do gặp vấn đề về sức khỏe. Trước mức lương quá bèo bọt tại CLB, cộng thêm vô vàn áp lực kinh tế từ phía gia đình, không còn cách nào khác, chàng trai Gilberto, khi ấy mới 15 tuổi, buộc phải gác lại niềm đam mê chơi bóng để tìm đường sinh tồn. Từ một người thợ mộc, một người làm việc tại đồn điền cà phê cho đến một người công nhân trong nhà máy, công việc nào anh cũng đã từng nếm trải.

Trong năm 1994, Gilberto đã quyết định thử vận may bằng cách tham gia vào học viện thanh thiếu niên ở CLB địa phương. Mọi thứ tưởng chừng như sẽ tốt đẹp cho đến ngày mẹ anh bất ngờ mắc bệnh nặng cần phải ghép thận, khiến Gilberto thêm một lần nữa phải để lại bóng đá ra phía sau lưng. Mãi đến năm 1997, khi mà cuộc sống gia đình đã trở nên yên ổn hơn, chàng trai 21 tuổi vào thời điểm ấy mới dám nghe theo lời khuyên của những người bạn thân để tiếp tục “đánh cược” số phận thêm một lần nữa. Để rồi, trải qua bao nỗi vất vả thăng trầm trong cuộc đời ngay từ lúc còn rất trẻ, Chúa trời đã mỉm cười với Gilberto.

Gilberto Silva giành chức vô địch World Cup 2002 cùng Brazil
Trở lại America Mineiro vào tháng Sáu năm 1997 cùng bản hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên trong đời, dưới vai trò một trung vệ giống như khi còn niên thiếu, Gilberto Silva nhanh chóng góp phần giúp đội nhà thăng hạng từ Serie B lên Serie A (tên gọi giải VĐQG Brazil). Lần lượt những màn trình diễn ấn tượng sau đó cũng trở thành tấm vé thông hành đưa ngôi sao người Brazil cập bến Atletico Mineiro-CLB kình địch của America Mineiro. Để rồi tại đây, HLV Carlos Alberto Parreira đã từng bước biến anh trở thành một tiền vệ phòng ngự chất lượng bậc nhất Nam Mỹ. Mùa Hè năm 2002, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Gilberto Silva được đền đáp bằng một suất tham dự World Cup dưới thời HLV Felipe Scolari.

Vận may tiếp tục tìm đến với chàng trai 26 tuổi lúc bấy giờ sau khi nhân tố trụ cột Emerson bất ngờ dính chấn thương trước thềm giải đấu chỉ vài ngày. Chẳng còn nhiều lựa chọn, Big Phil buộc phải tin dùng Gilberto trong vai trò một chuyên gia đánh chặn ở giữa sân. Kết quả, Selecao đã đoạt chức vô địch trên đất Hàn Quốc và Nhật Bản nhờ một lối chơi vừa hoa mỹ trên mặt trận tấn công, vừa chắc chắn và thực dụng trong khâu phòng ngự.

BỨC TƯỜNG VÔ HÌNH CỦA ARSENAL

Phong độ tuyệt vời tại World Cup cũng biến cái tên Gilberto Silva trở thành tâm điểm chú ý của nhiều đội bóng lớn châu Âu khi ấy. Rất nhanh chóng, vào ngày 7/8/2002, vượt qua hàng loạt những rắc rối liên quan đến thủ tục chuyển nhượng, Arsenal đã chính thức giành được chữ ký của tiền vệ người Brazil với mức giá 4,5 triệu bảng. “Tôi đặc biệt ấn tượng với phong cách chơi bóng đơn giản của Gilberto. Anh ấy có thể thi đấu ở mọi vị trí trên hàng tiền vệ. Tuy nhiên, sẽ là phù hợp nhất nếu như anh ấy chơi phía trước hàng phòng ngự”, HLV Wenger cảm thấy vô cùng phấn khích sau khi biết tin ban lãnh đạo Pháo thủ chiêu mộ thành công cựu ngôi sao Atletico Mineiro.

Không gặp nhiều khó khăn để loại bỏ người đồng hương Edu và giành một suất đá chính trong đội hình Arsenal. Khoảng thời gian sau này, Gilberto Silva đã cùng Patrick Vieira tạo nên một trong những cặp tiền vệ trung tâm xuất sắc nhất lịch sử bóng đá. So với nhiều đồng đội tại sân Highbury vào thời điểm bấy giờ như Thierry Henry, Dennis Bergkamp, Patrick Vieira, Robert Pires hay Fredrik Ljungberg, ngôi sao người Brazil có phần kém nổi bật hơn hẳn. Tuy nhiên, cũng không phải vì thế mà người ta đánh giá thấp những cống hiến thầm lặng của anh. Là một tiền vệ mỏ neo chơi kỷ luật, cần mẫn và mạnh mẽ, Gilberto chính là bệ phóng cực kỳ quan trọng giúp cho những ngôi sao tấn công của Pháo thủ tỏa sáng trong mùa giải 2003/2004, khi thầy trò HLV Wenger đoạt chức vô địch Premier League với thành tích bất bại.

Là một phần của đội hình Arsenal bất bại...
Trên thực tế, Gilberto Silva thi đấu tương đối đơn giản. Thay vì “làm nóng” sân cỏ bằng những tình huống va chạm mạnh mẽ theo kiểu Patrick Vieira, cầu thủ người Brazil thường chấp nhận di chuyển lùi sâu hơn trước khi tìm cách phán đoán và giải quyết các tình huống lên bóng của đối phương. Sở hữu nền tảng thể lực dồi dào cùng sức rướn đáng nể, Gilberto cũng chẳng hề e ngại bất kỳ ai trong những pha tranh chấp tay đôi. Mặc dù vậy, sự thầm lặng trong tính cách, cả ngoài đời lẫn trên sân cỏ, đã phần nào khiến tiền vệ sinh năm 1976 trở nên “mờ nhạt” hơn trong mắt các CĐV. Cũng chính bởi vậy mà báo giới châu Âu sau này đã quyết định đặt cho Gilberto Silva biệt danh… bức tường vô hình. Vài năm trước, khi được các phóng viên hỏi về tình trạng khủng hoảng tiền vệ trụ của Arsenal, Gilberto chia sẻ: “Kể từ ngày tôi quyết định chia tay đội bóng, họ đã không còn một cầu thủ nào thi đấu trong vai trò đánh chặn thuần túy. Lần lượt Fabregas, Flamini, Arteta hay Alex Song đều không phải mẫu tiền vệ biết cách giữ cây đàn piano cho những người khác biểu diễn. Vấn đề chính là ở đây”.

Chấn thương lưng vào đầu mùa giải 2004/2005 đã khiến Gilberto Silva phải rời xa sân cỏ trong vòng hơn 7 tháng. Suốt giai đoạn tiền vệ mang áo số 19 quay trở về Brazil dưỡng thương, Pháo thủ cũng thi đấu chật vật hơn bao giờ hết. Phải đến khi anh tái xuất (tháng Tư năm 2005), đội bóng thành London mới chơi ổn định hơn và được an ủi phần nào bằng danh hiệu vô địch FA Cup cuối mùa, sau chiến thắng trước M.U trên chấm phạt đền 11 mét. Trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè năm ấy, Patrick Vieira rời Arsenal để gia nhập Juventus, bộ đôi tiền vệ khét tiếng ngày nào của Pháo thủ chỉ còn một mình Gilberto Silva. Tuy nhiên, đây cũng chính là thời điểm để cựu ngôi sao Atletico Mineiro chứng minh rằng anh không hề bị lép vế trước cái bóng của đối tác người Pháp. Giữ vai trò quan trọng xuyên suốt cả mùa giải 2005/2006 với tổng cộng 33 lần ra sân ở Premier League, chỉ kém duy nhất thủ thành Jens Lehmann (38), Gilberto đồng thời góp công lớn đưa Arsenal lọt vào đến trận chung kết Champions League. Đáng chú ý, tại vòng tứ kết, thầy trò HLV Wenger đã đánh bại chính Juventus của “người cũ” Vieira, một kịch bản không thể nào ngọt ngào hơn được nữa dành cho Gilberto Silva và các đồng đội.

...Và trở thành chỗ dựa vững chắc cho các đàn em
Trải qua một mùa bóng “thần thánh”, lần lượt sự ra đi của những cầu thủ kỳ cựu như Sol Campbell hay Dennis Bergkamp trong giai đoạn chuyển nhượng mùa Hè 2006 không hề làm cho tiền vệ người Brazil đánh mất đi nhiệt huyết cống hiến. Khoảng thời gian lượt đi mùa giải 2006/2007, Gilberto Silva từ một người hùng thầm lặng đã bất ngờ thi đấu hết sức bùng nổ trên mặt trận tấn công. Trong bối cảnh chân sút chủ lực Henry dính chấn thương nặng, Gilberto Silva cùng với chiếc băng thủ quân trên tay đã đóng góp 8 bàn thắng từ tháng Tám đến tháng Mười Hai, qua đó giúp Arsenal vượt qua vô vàn khó khăn. Kết thúc mùa giải năm ấy, anh ghi được tổng cộng 11 bàn trên mọi đấu trường, thành tích tốt nhất trong suốt sự nghiệp của mình. Mặc dù vậy, khi đã bước sang độ tuổi 31, Gilberto cũng dần dần phải nếm trải sự khắc nghiệt của thời gian. Mùa bóng tiếp theo, ngôi sao người Brazil mất vị trí chính thức vào tay Mathieu Flamini để rồi phải nói lời chia tay Pháo thủ như một điều tất yếu.

TRONG KHÚC NHẠC MANDOLIN NGỌT NGÀO

Là một người đã quá thấu hiểu nỗi khổ của những số phận bất hạnh ngay từ khi còn thơ ấu, sau thời điểm giã từ sân cỏ, Gilberto Silva luôn cố gắng giúp đỡ mọi người nhiều nhất có thể. Được biết, anh chính là người bảo trợ của The Street League, một giải đấu từ thiện được tổ chức tại Anh dành cho những người tị nạn, vô gia cư có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2003, cùng với 17 cầu thủ được tuyển chọn từ đây, Gilberto đã thực hiện chuyến đi trở về thăm quê nhà Lagoa da Prata để tiến hành một trận đấu giao hữu với CLB địa phương,  bao gồm những thanh thiến niên đam mê chơi bóng xuất thân từ các khu ổ chuột.
Những nốt nhạc mandolin của Silva vẫn đang truyền cảm hứng cho lớp trẻ yêu bóng đá
Bên cạnh đó, Gilberto Silva còn là một người viết nhạc không chuyên. Trong thời gian rảnh rỗi, cựu danh thủ người Brazil vẫn thường xuyên chơi đàn mandolin (măng cầm) và sáng tác nhạc nhằm mục đích thư giãn đầu óc. Từng trải qua một cuộc sống lắm nỗi thăng trầm, thật dễ hiểu vì sao khi Gilberto chỉ mong muốn có một tương lai bình yên bên cạnh gia đình và người thân. “Những đứa trẻ không gặp may mắn đã phải chịu nhiều thiệt thòi ngay từ khi mới sinh ra. Chúng phải đấu tranh để sinh tồn trên các đường phố. Chúng không hề có một thế giới riêng để tồn tại và khao khát. Bóng đá chính là thứ công cụ để đưa những đứa trẻ này trở về gần hơn với xã hội, nơi mà những ước mơ của chúng có thể trở thành một phần của thế giới”, đại sứ Tổ chức Trẻ em đường phố (Street Child)-Gilberto Silva cho biết.

Những người hâm mộ Arsenal có thể mê mẩn trước những pha làm bàn của Henry hay cảm phục tinh thần thủ lĩnh của Vieira, nhưng trong cái ngày 7/8 này, họ sẽ nhớ tới một con người khác. Một con người thầm lặng tới từ bên kia bán cầu và góp phần làm nên những chiến tích vĩ đại của Pháo thủ, một kẻ làm nền cần phải có của mọi đội bóng. Có thể khi các khán giả đang mải mê với những trận cầu sôi động, thì ở một góc nào đó tại London, Gilberto Silva vẫn đang lặng lẽ truyền nhiệt huyết cho những tâm hồn trẻ thơ, để tiếp tục tạo nên những người hùng thầm lặng trên sân cỏ, và để tiếp tục nững bản mandolin giữa đời.

► Xem thêm lịch thi đấu Ngoại hạng Anh và kết quả bóng đá Anh hôm nay.
OLE (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.