Giáo sư và ngày sinh nhật nhẹ nhàng

Tác giả Phương GP - Thứ Hai 23/10/2017 17:48(GMT+7)

Các học trò của Wenger được cái ngoan, cứ tới ngày sinh nhật là luôn biết đem quà đến cho ông. Trong vòng mười năm qua chỉ duy nhất hai lần Arsenal không thắng. Hôm qua cũng không phải điều ngoại lệ.
Giáo sư và ngày sinh nhật nhẹ nhàng
Đã có đôi chút lo lắng cho học trò của Giáo sư trước và ngay cả khi trận đấu bắt đầu. Mới tuần trước, thất bại trước Watford đã khiến Arsenal bị chỉ trích khá nhiều. Và việc đối đầu với Everton, một đội bóng đang bị dồn đến bước đường cùng vào thời điểm này, ngay trên sân khách cũng khiến tâm trạng các Gooners không khỏi thấp thỏm.
 
Và “cái gai” Rooney một lần nữa khiến Arsenal chột dạ. Thêm một pha vung má trong y hệt mười hai năm về trước làm rung mành lưới Pháo thủ. Hẳn trong thoáng chốc Wenger cũng có chút nghĩ về kịch bản không hay. Nhưng thật may mắn, khi các người học trò đã không làm ông thất vọng.
Rất lạ là, phải đến tận vòng đấu thứ chín thì Giáo sư mới có thể trình làng bộ ba tấn công Sanchez-Ozil-Lacazette. Một bộ ba “SML” nghe tên khá...gớm, nhưng đã được chờ đợi rất nhiều không chỉ từ những fan của Arsenal, mà còn từ những người theo dõi Ngoại Hạng khác. Đã từ lâu thì ở hàng công của Arsenal, hay nói đúng hơn là một trong ba tuyến của Pháo thủ, những cái tên góp mặt đều là cầu thủ hạng nhất. 
 
Và cả ba nhân tố ấy đều đã để lại dấu ấn. Ba bàn thắng chia đều cho ba cái tên, và mỗi người đều đóng góp khá lớn vào lối chơi chung của Pháo thủ. Sanchez vẫn hùng hổ, nhiệt huyết. Ozil vẫn tinh tế trong từng đường bóng. Và Lacazette không cần quá cầu kỳ vẫn đem lại hiệu quả. Đây rất có thể là một bước ngoặt quan trọng để Pháo thủ có thể tiến lên trong thời gian tới.
 
Bên cạnh dấu ấn của những ngôi sao, thì trận đấu hôm qua Arsenal còn thể hiện một bộ mặt khởi sắc khác. Sau khi bị dẫn bàn, họ không tỏ ra nôn nóng mà bình tĩnh triển khai các miếng đánh. Dồn ép đối phương sâu về phần sân địch, rồi sau đó kết liễu bằng nhiều tình huống đa dạng, mạch lạc. Đó là hình ảnh của một đội bóng lớn cần có. Bản lĩnh và không hề nao núng.
 
Thật ra đội hình của Arsenal năm nay không hề tồi một chút nào. Những sự bổ sung từ Kolasinac và Lacazette đều khoả lấp đủ vào những khoảng trống cần thiết. Xhaka thì chơi càng lúc càng tiến bộ hơn ở vị trí giữa sân. Mertesacker, Koscielny cũng đã quen hơn ở sơ đồ ba hậu vệ. Điều người hâm mộ đợi ở họ là một sự bản lĩnh, một chút bình tĩnh trong những thời khắc quyết định để biết giành lấy kết quả có lợi.
 
Mà nói thế thôi chứ cái bản lĩnh ấy đã rời xa Arsenal từ lâu quá rồi. Lần cuối nó vụt sáng lên có lẽ là trận chung kết Champions League năm 2006. Trận đấu mà chỉ với mười người trên sân, Pháo thủ vẫn khiến một Barca hùng mạnh ngày ấy phải tốn biết bao công sức mới có thể dành chiến thắng được. Từ lúc ấy trở đi, những cầu thủ khoác lên chiếc áo với họng pháo trên ngực đôi khi thể hiện những hình ảnh mà người xem không thể hiểu nổi.
 
Họ đều là thành viên của một trong những đại gia của bóng đá Anh, nhưng nhiều pha xử lý bóng mà các fan không biết nên khóc hay cười. Chuyền ngang mất bóng ở phần sân nhà khiến bị phản công nguy hiểm. Vào bóng quyết liệt ở những pha 50-50 khiến đôi chân bị tổn hại. Quét bóng trong vòng cấm địa trong những tình huống không cần thiết để phải đối diện với việc bị phạt penalty. Arsenal là thế, có cái gì đó có thể tạm gọi là “tính trẻ con” bên trong họ. Chính thế mà cụm từ “những đứa trẻ của Wenger” mới bị đem đùa theo nghĩa xuyên tạc.
 
Và đó là lúc thiên hạ lại đem “người thầy” ra để nhận xét. Rằng ông đã làm gì khiến cho đội bóng đến như thế? Có phải đã lâu cái ý chí của một nhà vô địch đã không nằm trong giáo án của ông. Có phải ông chỉ còn biết nặn nên những bức tượng đẹp từ những viên đất sét vô danh mà quên tôi luyện chúng qua ngọn lửa bản lĩnh. 
 
Mà thôi, người ta đã tranh cãi điều này nhiều năm rồi. Câu trả lời thì hằng hà sa số, nhưng có một sự thực trước mắt là thời gian của Giáo sư ở tại Arsenal sẽ không còn dài. Sinh nhật lần thứ 68, cũng là cột mốc 21 năm ông tại vị ở đội bóng thành London. Tức là ông đã dành đến 1/3 thời gian trên cuộc đời để dành cho Pháo thủ rồi đấy.
 
Năm nay, sinh nhật có vẻ dễ dàng hơn so với vài năm trước. Lời chỉ trích ít hơn. Hô hoán cũng không ồn ào. Cũng chẳng có chiếc máy bay nào lượn qua lượn lại với những thông điệp khiếm nhã. Có lẽ, Giáo sư cũng chỉ cần sinh nhật như thế này thôi là đã đáng quý lắm rồi.
 
Người ta để cho ông yên có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Có thể vì ông đã biết thay đổi. Ông đã áp dụng sơ đồ ba hậu như những người trẻ tuổi. Ông biết vung tiền mua ngôi sao (mặc dù ngân sách cũng chỉ mua được một người). Cũng như Wenger cũng đã ra sức níu kéo những đầu tàu ở lại Arsenal, thay vì là “đội bóng chuyên bán đội trưởng” như trước nay.
 
Cũng có thể vì người ta đã ngao ngán vì những thất bại của ông. Vị trí nằm ngoài top 4 năm ngoái khiến ông năm nay ít bị dòm ngó hơn. Hoặc đơn giản là việc cứ nhắc đi nhắc lại về chuyện thất bại cũng điều không lấy gì làm hay ho.
 
Hoặc có một bộ phận cá biệt hơn. Người ta đang chờ đợi một gì đó bùng nổ từ vị Giáo già. Giống như ngọn nến thường bừng lên rực rỡ trước khi tắt. Biết đâu bất ngờ vào năm cuối cùng của nhiệm kỳ, ông lại tạo được một điều gì đó bất ngờ thì sao. Chính Sir Alex với năm cuối cùng đội hình cực kỳ “chán” vẫn vô địch được Premier League hay khiến Real Madrid phải “hết hồn” ở Champions League chẳng hạn. Giáo sư với những con người trong tay có thể làm được gì lắm chứ, một danh hiệu lớn cuối cùng cũng không phải là quá ảo tưởng.
 
Nhưng người viết nghĩ rằng, trong những lời nguyện cầu khi thổi chiếc nến sinh nhật lần thứ 68 của ông, Giáo sư sẽ không để dành những lời ước riêng cho mình. Mà ông sẽ dành những lời tốt đẹp nhất đến cho tương lai Arsenal. Để đội bóng sẽ vươn lên, sẽ không bước vào bước chân như Manchester United đã bước vào thời hậu Sir Alex. Tình trạng đổ vỡ sẽ không xảy ra, và với cái nền ông đang ráng công gia cố, từ đó người kế nhiệm sẽ xây nên ngôi nhà đẹp.
 
Hôm qua Arsenal đã thắng, một chiến thắng hoành tráng trên sân khách. Một sinh nhật xa nhà nhưng cảm giác lại êm đềm. Sắp bước tới tuổi “thất thập cổ lai hy,” ông chỉ cần có vậy thôi, đúng không Giáo già Wenger?

VIỆT COBAIN (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Neymar: Từ thiên tài tới bi hài

Chấn thương, tiệc tùng, những vụ bê bối khiến sự nghiệp của Neymar lao dốc rất nhanh. Ở tuổi 32, liệu anh có thể trở lại đỉnh cao hay không?

Francesco Acerbi: Đóa hoa nở muộn

36 tuổi mới có lần đầu tiên vô địch Serie A dù đã chơi bóng ở Ý từ năm 2006, nếu ví Francesco Acerbi là một đóa hoa nở muộn thì người nuôi trồng đóa hoa ấy là Simone Inzaghi.

Julian Brandt: Gọi giấc mơ về từ quá khứ

Dù chưa bao giờ phát tiết trọn vẹn những phẩm chất cũng như tiềm năng thiên bẩm của mình nhưng tiền vệ người Đức đang cùng Dortmund mơ về một mùa giải đẹp nhất kể từ ngày bắt đầu sự nghiệp.

Gabriel Heinze và con đường của một gã... Judas

Một hậu vệ mạnh mẽ, phóng khoáng, luôn nhận được sự yêu quý tại bất kỳ nơi nào anh từng thi đấu nhưng rồi những mối nhân duyên quá đỗi phức tạp đã vô tình biến Gabriel Heinze trở thành kẻ phản bội trong mắt người hâm mộ từng giành trọn vẹn tình cảm cho ngôi sao người Argentina. 

Xavi ở lại Barcelona: Giá trị của tình yêu

Tình yêu là thứ quyết định việc Xavi chọn ở lại Barca và cũng là thứ khiến CLB xứ Catalan luôn muốn giữ chân nhà cầm quân 44 tuổi, dù trước đó, ông từng tuyên bố sẽ ra đi sau khi mùa giải 2023/24 hạ màn. 

Jamal Musiala và giấc mơ từ những vũ điệu Latin

Cuộc phỏng vấn độc quyền trên tờ MARCA sẽ phần nào giúp những người hâm mộ hiểu rõ hơn về cuộc sống của Jamal Musiala cũng như lời hẹn ước chuyển tới La Liga chơi bóng trong tương lai không xa.

Nghịch lý Nicolas Jackson

“Hôm nay, Jackson vừa cầu thủ xuất sắc nhất vừa là cầu thủ tệ nhất trên sân - điều mà tôi chưa từng thấy trong bất kỳ trận đấu nào trước đây”, cựu danh thủ hiện đang làm việc tại Talksport - Stuart Pearce đã bình luận như thế về màn trình diễn của Nicolas Jackson trong thất bại 0-1 của Chelsea trước Man City ở bán kết FA Cup.