Gianluigi Donnarumma: Khi áp lực đã trở thành một món ăn quen thuộc

Tác giả Nam Khánh - Thứ Năm 15/07/2021 11:27(GMT+7)

Có thể nói, trong đoàn quân chinh phục Euro 2020 của Roberto Mancini, Gianluigi Donnarumma chính là cầu thủ đã khởi đầu mùa hè này theo một cách sóng gió nhất.

 

Chỉ 1 ngày sau khi ngôi sao 22 tuổi rơi lệ trong niềm hạnh phúc vào khoảnh khắc anh và các đồng đội chính thức giúp AC Milan giành được tấm vé tham dự Champions League lần đầu tiên sau 8 năm, thông tin Rossoneri chiêu mộ thành công thủ môn số một của Lille, Mike Maignan, với mức phí chuyển nhượng 15 triệu Euro đã được xác nhận. Động thái này chính là một lời thông báo rằng họ đã quyết định đoạn tuyệt với Donnarumma. 
 
Thủ môn 22 tuổi là người gác đền số một của Milan vào thời điểm đó, đồng thời được “cơ cấu” để trở thành một thủ lĩnh, một huyền thoại của Rossoneri, bản thân anh cũng không ít lần khẳng định ưu tiên hàng đầu của mình là tiếp tục gắn bó với CLB này. Nhưng rốt cuộc, giám đốc kỹ thuật Paolo Maldini và các cộng sự đã kiên quyết không chấp nhận những con số mà Donnarumma và người đại diện Mino Raiola đòi hỏi (hợp đồng 2 năm, 10-12 triệu Euro/năm và 20 triệu Euro tiền lót tay dành cho Raiola). 
 
Theo quan điểm của phía ban lãnh đạo Milan, đó là những yêu cầu “hết sức quá đáng”, không chỉ là về chuyện tiền nong, mà đồng thời, trong hoàn cảnh Rossoneri đang rất cần sự “ổn định”, thì việc chứa chấp một cầu thủ mà cứ sau một mùa giải lại phải loay hoay đàm phán, thương lượng hợp đồng mới – đặc biệt là khi anh ta được đại diện bởi Mino Raiola – sẽ không phải là một sự lựa chọn đúng.   
 
Hệ quả theo sau là hàng loạt những lời chỉ trích trực tiếp hướng đến thái độ của Donnarumma và Raiola trong quá trình đàm phán, để rồi khiến cho mối quan hệ của hai bên hoàn toàn đổ vỡ, từ các Milanista trên khắp thế giới, thậm chí cho đến những huyền thoại như Dino Zoff, Massimo Ambrosini, Alessandro Costacurta, Alessandro Nesta, và Maldini – các nhân vật mà có lẽ chính bản thân Donnarumma đã xem là những người hùng của anh. 
 
Chính vì những lùm xùm diễn ra ngay trước thềm Euro 2020 này, chắc hẳn đã có không ít tifosi cảm thấy lo lắng về nguy cơ tâm lý của Donnarumma – người chắc chắn sẽ đảm nhận vai trò thủ môn số một của Azzurri – sẽ bị ảnh hưởng nặng, và tác động tiêu cực đến phong độ trên sân cỏ. Quan trọng nhất, quyết định đoạn tuyệt của Milan đã khiến Donnarumma và Raiola phải xoay sở tìm cách hiện thực hóa những con số mà họ muốn ở một bến đỗ khác. 
 
Cuối cùng, không hổ danh là một “siêu cò” của thế giới bóng đá, Raiola đã kiếm được cho Donnarumma một bản hợp đồng quá béo bở với Paris Saint-Germain (5 năm, lương 12 triệu Euro/năm và 20 triệu Euro tiền lót tay cho Raiola). Khi mà khao khát lớn nhất đã được thỏa mãn, đương nhiên chẳng còn ai phải lo lắng về tâm lý của Donnarumma nữa.

Gianluigi Donnarumma đã có một kỳ Euro cực kỳ xuất sắc. Ảnh: Getty Images
 
Tuy nhiên, trên thực tế, đó chỉ là một nỗi lo hoàn toàn vô nghĩa. Dù cho mới chỉ 22 tuổi, nhưng Donnarumma là một chàng trai vốn đã quá quen với những áp lực cả trong sân cỏ lẫn bắt nguồn từ các vấn đề ngoài lề chuyên môn. Câu chuyện hết sức phức tạp, rối rắm xoay quanh mối quan hệ của anh với Rossoneri không chỉ mới xuất hiện gần đây, mà đã diễn ra trong nhiều năm trời. 
 
Từ lâu, các Milanista đã gán cho Donnarumma biệt danh “Dollarumma” để chế nhạo những đòi hỏi quá đáng của anh – hay chính xác hơn là của “kẻ giật dây” Raiola. Từ lâu, đã có những tấm banner mang thông điệp chỉ trích anh được các cổ động viên giương trên các khán đài. Từ lâu, đã có những tờ dollar giả được ném xuống sân bởi các cổ động viên để sỉ nhục anh. Từ lâu, đã có những làn sóng chỉ trích anh trên các mạng xã hội và truyền thông.
 
Ban đầu, những điều đó thực sự đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của Donnarumma – đã có những lúc anh đau đớn đến mức phải bật khóc. Thế nhưng, với một chàng trai chỉ mới 16 tuổi đã có cho mình trận đấu chuyên nghiệp đầu tiên ở Serie A, ngay mùa giải sau đó đã được trao cho trọng trách thủ môn số một của Rossoneri, trở thành thủ môn trẻ nhất trong lịch sử ra sân cho Azzurri ở tuổi 17, và chính thức thay thế huyền thoại Gianluigi Buffon để trấn giữ khung thành của Italy từ tuổi 19, liệu có thứ áp lực nào mà anh không thể vượt qua cơ chứ? 
 
Thật vậy, sau khi lau khô những giọt nước mắt, Donnarumma đã tiếp tục đứng vững trước những sóng gió, ngày càng xuất sắc hơn, và trở thành một chốt chặn không thể thay thế của Milan, cũng như được công nhận là một trong những thủ môn xuất sắc nhất thế giới. Thậm chí, dù cho còn rất trẻ tuổi, anh đã thực sự trở thành một trong những thủ lĩnh của CLB, không ít lần được đeo băng đội trưởng. Chàng trai này bản lĩnh và mạnh mẽ đến vậy đấy. 
 
Quá trình thăng tiến của Donnarumma đáng kinh ngạc đến mức các Milanista thường nói đùa với nhau rằng chính nhờ tình cảnh rất “nát” của CLB này khiến Donnarumma phải thường xuyên chơi phía sau những “nghệ sĩ hài” ở cả hàng thủ lẫn hàng tiền vệ, thường xuyên phải đối phó với những sai lầm ngớ ngẩn từ các đồng đội, anh đã được… hưởng lợi từ một “lò luyện” tuyệt vời, để qua đó ngày càng xuất sắc hơn về chuyên môn, cũng như rèn nên một tinh thần thép. 

Mới 22 tuổi nhưng Donnarumma đã có 6 năm thi đấu chuyên nghiệp và từng được kỳ vọng sẽ gắn bó lâu dài ở AC Milan. Ảnh: Getty Images
 
Vào mùa giải trước, trong bối cảnh tương lai với Milan đang rất mù mịt, và như mọi khi, những làn sóng công kích vẫn diễn ra thường xuyên, Donnarumma vẫn thể hiện một tinh thần chuyên nghiệp rất đáng nể. Trên bàn đàm phán, Donnarumma và “người bố thứ hai” Raiola là những kẻ khó ưa, nhưng không một ai có thể chê bai những gì mà anh thể hiện trong khía cạnh chuyên môn, cả trên sân tập và sân đấu. Donnarumma đã luôn chiến đấu hết mình để cùng các đồng đội mang về cho Milan chiếc vé tham dự đấu trường Champions League lần đầu tiên sau 8 năm. Danh hiệu “thủ môn xuất sắc nhất Serie A 2020/2021” là một minh chứng rõ ràng khác về tầm ảnh hưởng của anh ở Rossoneri. 
 
Ngoài ra, việc Donnarumma quyết định chờ đến khi cùng đội tuyển Italy kết thúc cuộc hành trình Euro 2020 mới đưa ra những chia sẻ của riêng mình về chuyện kết thúc mối tình với Milan cũng đã một lần nữa cho thấy sự chuyên nghiệp tuyệt vời của anh, quyết tâm không để những vấn đề ngoài lề sân cỏ ảnh hưởng đến sự tập trung của mình cho khía cạnh chuyên môn. 
 
Tại kỳ Euro 2020 này, câu ca tụng “Gigio là Maradona của giới thủ môn” mà Raiola từng tuyên bố đã một lần nữa được chứng minh rằng ông ta không hề “chém gió” quá đà. Phía sau cặp đôi lão tướng nhận được rất nhiều lời ca ngợi là Leonardo Bonucci và Giorgio Chiellini, Donnarumma cũng đã tỏa sáng rực rỡ theo cách riêng của mình. Anh chơi hết 7 trận và có 719 phút thi đấu, qua đó không chỉ nhận lấy phần thưởng là được ngồi lên ngai vàng châu Âu cùng Azzurri, mà còn có danh hiệu “cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu” – anh chính là thủ môn đầu tiên trong lịch sử có được vinh dự đó. 
 
Donnarumma đã thực hiện hàng loạt những pha cứu thua ngoạn mục (tổng cộng là 9) trong xuyên suốt cuộc hành trình của Italy, từ cú đúp cản phá trước Steven Zuber của Thụy Sĩ ở vòng bảng, cũng như pha đổ người cứu thua với một phản xạ tuyệt vời trước cú dứt điểm từ Dani Olmo của Tây Ban Nha trong trận bán kết. 
 
Cựu thủ môn, huyền thoại Walter Zenga đã khẳng định rằng pha bay người hết cỡ mà Donnarumma thực hiện để cản phá cú sút từ Kevin De Bruyne của Bỉ là “một màn trình diễn kỹ thuật hoàn hảo”. Bên cạnh đó, thủ môn 22 tuổi còn kiểm soát các tình huống không chiến một cách tuyệt vời nhờ chiều cao và sải tay của mình. 

Gianluigi Donnarumma từng bị các cổ động viên ném những tờ dollar giả. Ảnh: Getty Images
 
Ngoải ra, không thể không nhắc đến chuyện chính Donnarumma là chủ nhân của đường chuyền phát động tấn công dẫn đến bàn thắng của Italy trước Tây Ban Nha, sau khi đưa bóng lên thật nhanh cho Marco Verratti trong lúc các đối thủ của họ chưa ổn định lại vị trí, rồi sau đó pha phản công được kết thúc một cách hoàn hảo bởi Federico Chiesa. 
 
Chắc chắn thứ năng lực và bản lĩnh tuyệt vời mà Donnarumma đã thể hiện trong các loạt sút luân lưu cũng cần nhận được những lời ca ngợi. Anh đã khiến người Tây Ban Nha ôm hận, rồi tiếp tục khiến người Anh gục ngã. 
 
Đương nhiên, trong các loạt sút luân lưu, cả người sút và thủ môn đều phải chịu áp lực rất lớn, nhưng khi đứng trước một “người gác đền” cao đến 1m96, sải tay cực lớn và, quan trọng nhất, sở hữu một nền tảng kinh nghiệm cũng như thành tích tuyệt vời trước các quả penalty – Donnarumma đã cản phá 13 trong số 32 quả penalty mà anh phải đối mặt ở Serie A, đạt tỷ lệ cản phá 40% – có lẽ chính các đối thủ mới là những người chịu nhiều áp lực nhất. 
 
Tính đến hiện tại, thủ môn người Italy đã được tận hưởng niềm hạnh phúc trong cả 5 loạt sút luân lưu mà anh tham gia trong sự nghiệp cho đến nay. Có lẽ, sự hiện diện của Nelson Dida – một người hùng khác của Donnarumma – tại Milan trong vai trò HLV thủ môn đã góp phần rất lớn trong việc biến anh thành một cao thủ cản phá penalty, bởi chính Dida trong quá khứ cũng là một bậc thầy về lĩnh vực này.
 
Trong đoàn quân mà Roberto Mancini triệu tập, đúng là Donnarumma chỉ lớn tuổi hơn Giacomo Raspadori của Sassuolo, nhưng trên thực tế, dù cho chỉ mới có tuổi đời là 22, nhưng anh đã có đến 6 năm “tuổi nghề” ở môi trường bóng đá đỉnh cao, trải qua vô số áp lực và thử thách – như thể những “món ăn” hàng ngày. Chính vì vậy, dù cho Euro 2020 là giải đấu lớn cấp đội tuyển quốc gia đầu tiên mà Donnarumma tham dự, thì năng lực và bản lĩnh mà anh thể hiện thực sự chẳng phải là một hình ảnh quá bất ngờ. 

Ảnh: ESPN UK
 
Ai có thể ngờ được rằng Italy sẽ nhanh chóng tìm ra được một người thừa kế hoàn hảo cho Gianluigi Buffon nhanh đến thế này cơ chứ? Donnarumma từng dán những tấm áp phích của người tiền nhiệm lên tường trong phòng ngủ của mình khi còn là một cậu bé ở Pompeii. Họ thậm chí còn có chung một cái tên, mặc dù chàng trai 22 tuổi được gọi thân mật là “Gigio” thay vì “Gigi”.
 
Donnarumma biết rõ anh sẽ phải giành chiến thắng nhiều hơn nữa để thực sự được vinh danh ngang hàng với những huyền thoại như Buffon, Zoff, Sebastian Rossi và Zenga. Tuy nhiên, việc giúp Italy giành chức vô địch châu Âu đầu tiên sau 53 năm là một khởi đầu thực sự tuyệt vời dành cho chàng trai trẻ này. Giờ đây, một chương mới đã được mở ra cho đời cầu thủ của Donnarumma, với những năm tháng chinh chiến trong chiếc áo Paris Saint-Germain và World Cup 2022 – các thử thách mới đang chờ anh chinh phục ngay trước mắt. 
 
Năng lực càng cao thì trách nhiệm càng lớn, và đương nhiên là áp lực cũng sẽ rất khủng khiếp. Nhưng có gì phải lo lắng khi mà những áp lực vốn đã là “bạn đồng hành” trên suốt cuộc hành trình sự nghiệp của Donnarumma cơ chứ!
 
“Azzurri của Gigio sẽ mang đến cho chúng ta một ngày 11/7 tuyệt vời khác,” huyền thoại Dino Zoff đã khẳng định như vậy với Il Giornale ngay trước trận chung kết, thể hiện một niềm tin rất lớn vào hậu bối của mình, bởi 11/7 cũng chính là ngày mà Italy đăng quang World Cup lần thứ 3 vào năm 1982. Ông đã đúng và Mancini đã đúng.
 
Cuối cùng, một câu nói của lão tướng Chiellini – một người đàn anh đáng tin cậy phía trước Donnarumma – sẽ được dùng để kết thúc bài viết này: “Sau Gigi, giờ thì chúng tôi đã có Gigio!” 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Rodri: "Có nhiều thứ bạn sẽ không thể học được qua trường lớp mà phải tự chiêm nghiệm theo thời gian"

Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.

Nghịch lý Vinícius Júnior

Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.

Luis Nani: Cuộc đời xoay trong những điệu santo

Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.

Ruben Amorim: "Tôi sẽ làm tất cả để đưa Man Utd trở về vị thế của mình"

Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.

Rodri: “Quả bóng Vàng không làm thay đổi con người tôi”

Gặp chấn thương phải nghỉ thi đấu dài hạn, Rodri, chủ nhân của Quả bóng Vàng 2024, đã mời tạp chí France Football đến nhà riêng ở Madrid để chia sẻ những cảm xúc của anh về buổi lễ trao giải Ballon d’Or, những lời khen mà anh nhận được và về giải thưởng mà một cá nhân chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự hiếm hoi lắm mới nhận được.

Philipp Lahm: Từ phút ngắn ngủi tại Olympiastadion đến huyền thoại bóng đá Đức

Là cựu đội trưởng của cả Bayern Munich và đội tuyển Đức, Philipp Lahm có thể nói đã có một sự nghiệp thi đấu vô cùng thành công. Trong bài viết này, chúng ta sẽ được trở về với những kỷ niệm để tôn vinh nhà vô địch Champions League, World Cup và đã tham gia sâu vào kế hoạch tổ chức UEFA Euro 2024 của Đức.