Gianfranco Zola: Gã phù thủy tí hon vung đũa phép làm thay đổi Chelsea

Tác giả CG - Thứ Ba 05/07/2022 17:11(GMT+7)

Từ lâu trước khi những đồng ruble của Roman Abramovich đổ vào CLB và triều đại của Jose Mourinho bắt đầu, có một chàng cầu thủ nhỏ bé tới từ hòn đảo Sardinia đã thực sự thay đổi bộ mặt của Chelsea. Trong suốt 7 mùa giải, Gianfranco Zola đã vung cây đũa thần của mình khiến người hâm mộ bóng đá Anh kinh ngạc.


 

Gần 11 giờ tối ở Cheshire, có một chiếc trực thăng vừa rơi từ trên bầu trời. Matthew Harding đang trên đường trở lại London sau khi chứng kiến Chelsea yêu dấu của ông thất bại trước Bolton – đội bóng chơi ở hạng hai – tại League Cup. Nhưng ông không bao giờ trở về nhà được nữa. Cùng với 4 người khác, phó chủ tịch Chelsea đã qua đời trong buổi tối định mệnh tháng 10/1996 ấy.

Harding là một nhân vật rất được yêu mến và sự ra đi của ông mang tới nhiều sự tiếc thương. 2 tuần sau ngày Harding qua đời, có một nhân vật mới mang tới niềm hy vọng mới cho đội bóng. Gianfranco Zola chỉ cao 1m68 nhưng khiến tất cả phải ngước nhìn. Kể từ khi ngôi sao người Italy đến, Chelsea không bao giờ kết thúc mùa giải ngoài top 10 Premier League và họ đã giành rất nhiều danh hiệu lớn. Rất ít cầu thủ có thể tạo ra tầm ảnh hưởng lớn như Zola trong lịch sử The Blues.

Nếu phải kể ra điểm đặc biệt của Zola thì một trong số đó chính là việc ông đã được học hỏi từ một bậc thầy. Khi Napoli phát hiện ra Zola vào năm 1989, ông mới 23 tuổi và vẫn là viên ngọc thô đang chơi bóng ở hạng ba Italy. Ông được chính huyền thoại Diego Maradona chào đón tới San Paolo: “Cuối cùng họ cũng mua một người thấp hơn cả tôi”.

Dù Zola không đóng góp quá nhiều vào chiến tích đoạt Scudetto mùa giải 1989-1990 của Napoli nhưng ông đã dành thời gian bên cạnh Maradona nhiều nhất có thể. Massimo Crippa, người đã chơi cùng Zola ở Napoli, Parma và ĐT Italy – chia sẻ: “’El Pibe’ có vai trò rất quan trọng với Gianfranco. Họ có những đặc điểm giống nhau và Zola đã học rất nhiều kỹ thuật xuất sắc từ Diego. Họ dành rất nhiều thời gian cùng nhau trên sân tập, trong đó có việc tập sút phạt trực tiếp. Ban đầu Gianfranco khá nhút nhát nhưng lại sở hữu tài năng to lớn. Dù anh ấy không cao nhưng rất mạnh mẽ và khó kèm. Khi Maradona rời CLB vào năm 1992, Zola được trao áo số 10 và sau đó chơi xuất sắc”.

Mùa giải 1992-1993, Zola ghi 12 bàn và có 12 kiến tạo ở Serie A – là cầu thủ có tổng kiến tạo và bàn thắng cao nhất giải đấu. Khi Napoli gặp khó khăn về tài chính, Parma đã mua Zola với giá khoảng 6 triệu bảng. Ông ghi 18 bàn trong mùa giải đầu tiên ở sân Ennio Tardini. Mùa bóng tiếp theo, ông ghi 28 bàn – mùa giải Zola có tổng bàn thắng cao nhất sự nghiệp – và giúp Parma đoạt UEFA Cup cũng như cạnh tranh Scudetto. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Hristo Stoichkov là một sự đe dọa tới vị trí của Zola.

 

Sau đó, Zola quyết định rời khỏi Serie A sau khi HLV Carlo Ancelotti xếp ông đá cánh trái trong sơ đồ 4-4-2 của Parma. Lựa chọn của Zola là Chelsea – một đội bóng Anh nhưng có chất Italy trong đó với những con người như Gianluca Vialli, Roberto Di Matteo và Ruud Gullit, một người Hà Lan nhưng đã thành danh tại Serie A.

Thời điểm Zola gia nhập Chelsea năm 1996 với giá 4,5 triệu bảng đã có không ít sự nghi ngờ dành cho ông. Michael Duberry – cựu hậu vệ Chelsea – chia sẻ trên FourFourTwo: “Khi anh ấy mới tới, John Spencer vẫn đang ở trong đội và thi đấu tốt. Tất cả mọi người đều yêu quý Spenny nên khi Gianfranco xuất hiện, chúng tôi đều tự hỏi ‘Tại sao lại cần gã này?’ Anh ấy không phải một trong những tên tuổi lớn nhất đi ra từ Serie A. Thế nhưng khi Gianfranco bắt đầu tập luyện tôi tự nói với mình: ‘Wow. Mình quý Spenny, nhưng gã này quả thực không thể tin nổi’”.

Dù đã bước sang tuổi 30 nhưng Zola lập tức tạo nên tầm ảnh hưởng. Ông có trận đấu đầu tiên trong chuyến làm khách đến sân của Blackburn vào tháng 11/1996 và được trao danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất tháng vào cuối tháng 12 sau khi ghi 5 bàn trong 6 trận. Đến tháng 2, ông nhận danh hiệu bàn thắng đẹp nhất tháng do BBC trao tặng với pha lập công vào lưới Manchester United. Nhận bóng ở vòng cấm Man United, ông lừa qua Denis Irwin và Gary Pallister trước khi dứt điểm thành bàn.

Sau đó, cú sút xa tuyệt đẹp của Zola đã giúp Chelsea lội ngược dòng đánh bại Liverpool ở vòng 4 FA Cup, kế đến là một bàn thắng đẹp khác vào lưới Wimbledon ở vòng bán kết diễn ra trên sân Highbury. Kết thúc mùa giải, Chelsea xếp thứ 6 tại Premier League – mùa đầu tiên họ nằm trong top 10 kể từ năm 1990 – và quan trọng hơn là danh hiệu FA Cup sau chiến thắng 2-0 trước Middlesbrough trong trận chung kết – danh hiệu đầu tiên sau 26 năm trắng tay của The Blues. Ở trận đấu ấy, Zola có một pha kiến tạo cho Eddie Newton.

Gianfranco Zola gia nhập Chelsea năm 1996. Ảnh: Getty Images

Trước đó, cầu thủ người Italy đã được trao danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất năm của Hiệp hội Nhà báo Thể thao Anh. Tài năng của ông đã được khẳng định ở xứ sở sương mù. Michael Duberry nhớ lại: “Gianfranco là người đầu tiên đến sân tập và cũng là người cuối cùng rời đi. Có lần HLV Ruud Gullit nói với các cầu thủ trẻ người Anh rằng: ‘Các cậu không đủ kỹ thuật, vì thế các cậu nên đến sớm một tiếng rưỡi để tập thêm’. Những người bị nói là Jody Morris, Andy Myers và tôi, vì thế chúng tôi coi đó như một sự trừng phạt. Tại sao chúng tôi phải làm việc đó khi Frank Leboeuf và Roberto Di Matteo vẫn ngồi ở phòng thay đồ, nhấm nháp espresso, nhìn ra cửa sổ xem chúng tôi tập và cười cợt?

Zola cảm nhận được điều đó. Anh ấy nói: ‘Dubes à, tôi sẽ tập với các cậu, đó không phải sự trừng phạt đâu. Hãy nhìn theo góc độ khác sẽ thấy điều đó giúp các cậu tốt hơn’. Anh ấy và Vialli đều cùng tập với chúng tôi. Khi thấy Gianfranco xuất hiện, mọi người đã thay đổi thái độ. Anh ấy chỉ cao 1m68 nhưng thực sự là con người có tầm vóc bởi những cử chỉ và sự ấm áp của mình. Khi mọi người hỏi tôi ai là cầu thủ giỏi nhất từng sát cánh, tôi không cần do dự để nói rằng đó chính là Zola”.

Mùa giải 1997/1998, Zola giúp Chelsea đoạt 3 danh hiệu nữa là League Cup, Cup Winners’ Cup và UEFA Super Cup. Dù chấn thương trước trận đấu và bị xếp ngồi trên ghế dự bị, nhưng ông chỉ cần 30 giây sau khi vào sân để ghi bàn giúp Chelsea đánh bại Stuttgart trong trận chung kết Cup Winners’ Cup.

Mùa giải 1998/1999, ma thuật của Zola vẫn chưa dừng lại. Ông giúp The Blues cán đích vị trí thứ 3 ở Premier League và giúp đội bóng lần đầu tiên giành vé tham dự UEFA Champions League. Một hình ảnh đáng nhớ đó là trước trận đấu giữa Chelsea và Galatasaray diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ mùa giải 1999/2000, các cổ động viên chủ nhà đã đập cửa kính xe buýt của Chelsea. Nhưng khi bước vào trận đấu và Zola vào sân ở phút 80, người hâm mộ trên sân Ali Sami Yen đã đứng dậy dành những tràng pháo tay cho ngôi sao người Italy.

Quả thực đầu mùa giải đó Zola đã cân nhắc đến chuyện giải nghệ, nhưng may mắn ông đã không làm thế. Mùa hè năm 2000, Zola bước sang tuổi 34 nhưng vẫn duy trì đẳng cấp. Nhãn quan và bộ não bóng đá thông minh – vũ khí mạnh nhất của ông – trở nên sắc sảo hơn bao giờ hết. Mario Stanic – đồng đội cũ của Zola tại Chelsea – nhớ lại: “Anh ấy không phải người quá nổi trội về thể chất nhưng biết cách chiếm lợi thế nhờ sự thông minh và sáng tạo. Anh ấy nhìn thấy nhiều điều trước người khác. Anh ấy thể hiện nó với một thái độ chuyên nghiệp và tinh thần đúng mực. Chúng tôi sát cánh bên nhau trong 3 năm, anh ấy chào đón các cầu thủ mới và khiến chúng tôi cảm thấy mình là một phần của đội bóng”.

 

Kỹ thuật luôn là một phần gắn liền với Gianfranco Zola khi ông có mặt trên sân, và một pha bóng tiêu biểu được thể hiện trong hành trình của Chelsea tại FA Cup mùa giải 2001/2002. Mùa bóng đó lão tướng người Italy bắt đầu phải cạnh tranh vị trí đá chính khi HLV Claudio Ranieri cố gắng giảm độ tuổi trung bình của toàn đội xuống với cặp đôi Eidur Gudjohnsen và Jimmy Floyd Hasselbaink trên hàng công. Nhưng đẳng cấp thì vẫn luôn là mãi mãi. Zola một lần nữa khẳng định điều đó với cú đánh gót thành bàn vào lưới Norwich từ cú đá phạt góc tầm thấp của đồng đội. Chỉ những người nghệ sĩ như Zola mới dám và có thể ghi một bàn thắng như vậy.

Mario Stanic chia sẻ: “Đó là một bàn thắng đẹp, nhưng không khiến các đồng đội như chúng tôi bất ngờ lắm. Có thể hiểu được rằng người khác sẽ thấy nó rất tuyệt vời, nhưng khi bạn chứng kiến những gì anh ấy làm hàng ngày ở sân tập thì đó cũng chỉ như một ngày bình thường của Gianfranco. Điều khiến anh ấy trở nên đặc biệt đó là anh ấy thực hiện những động tác kỹ thuật một cách hết sức nhẹ nhàng, đơn giản. Anh ấy luôn đặt đội bóng lên trước, một điều hiếm hoi với những cầu thủ giỏi như anh ấy. Nhưng Gianfranco chưa bao giờ nghi ngờ năng lực của mình”.

Mùa giải 2002/2003, Zola ghi 16 bàn – thành tích tốt nhất trong sự nghiệp ở Chelsea – và đoạt danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất năm của CLB. Ở tuổi 36, Zola vẫn khiến hàng phòng ngự Liverpool phải khốn khổ bằng khả năng kiểm soát bóng điêu luyện, trong đó có Jamie Carragher – cầu thủ trẻ hơn 11 tuổi. 

Có thể nói những màn trình diễn thăng hoa của Zola góp phần khiến Roman Abramovich mua Chelsea. Thế nhưng trước khi tỷ phú người Nga hoàn tất việc nắm quyền sở hữu đội bóng, Zola đã quyết định trở về quê hương Sardinia để khoác áo Cagliari. Dù Abramovich rất muốn giữ ngôi sao người Italy ở lại nhưng Zola đã quyết định ra đi.

“Gianfranco là biểu tượng của Chelsea. Thời điểm anh ấy rời đi thật đáng tiếc bởi Abramovich sẽ đầu tư mạnh tay và biết đâu chúng tôi đã có thể chứng kiến anh ấy nâng cao chức vô địch Premier League dù có thể chỉ là vai trò hỗ trợ. Cuối sự nghiệp ở Arsenal thì Ian Wright mới được nâng cúp, vì thế sẽ thật tuyệt nếu Gianfranco có được khoảnh khắc mang tính biểu tượng đó.

Nhưng những gì anh ấy đã làm được ở Chelsea thật tuyệt vời. Anh ấy tạo nên tầm ảnh hưởng lên các cầu thủ Chelsea khác như Frank Lampard. Sự chú trọng đến chi tiết, việc tập luyện và làm việc chăm chỉ mà anh ấy thể hiện là nguồn cảm hứng cho mọi người. Mọi người nói Jose Mourinho đã mang tư duy đó đến Chelsea, nhưng trước đó Zola đã làm rồi. Anh ấy thực sự đã thay đổi CLB”.

Kỷ nguyên rực rỡ của Chelsea bắt đầu từ năm 2003 khi Roman Abramovich mua lại CLB. Nhưng thành công của đội bóng có lẽ đã bắt đầu hiện diện từ năm 1996 khi Gianfranco Zola bước qua cánh cổng sân Stamford Bridge.

Theo Chris Flanagan | FourFourTwo

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Rodri: "Có nhiều thứ bạn sẽ không thể học được qua trường lớp mà phải tự chiêm nghiệm theo thời gian"

Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.

Nghịch lý Vinícius Júnior

Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.

Luis Nani: Cuộc đời xoay trong những điệu santo

Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.

Ruben Amorim: "Tôi sẽ làm tất cả để đưa Man Utd trở về vị thế của mình"

Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.

Rodri: “Quả bóng Vàng không làm thay đổi con người tôi”

Gặp chấn thương phải nghỉ thi đấu dài hạn, Rodri, chủ nhân của Quả bóng Vàng 2024, đã mời tạp chí France Football đến nhà riêng ở Madrid để chia sẻ những cảm xúc của anh về buổi lễ trao giải Ballon d’Or, những lời khen mà anh nhận được và về giải thưởng mà một cá nhân chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự hiếm hoi lắm mới nhận được.

Philipp Lahm: Từ phút ngắn ngủi tại Olympiastadion đến huyền thoại bóng đá Đức

Là cựu đội trưởng của cả Bayern Munich và đội tuyển Đức, Philipp Lahm có thể nói đã có một sự nghiệp thi đấu vô cùng thành công. Trong bài viết này, chúng ta sẽ được trở về với những kỷ niệm để tôn vinh nhà vô địch Champions League, World Cup và đã tham gia sâu vào kế hoạch tổ chức UEFA Euro 2024 của Đức.