Chứng kiến những thành công hiện tại của Atalanta, người ta có thể nhìn thấy một vị phù thủy mang tên Gasperini với vẻ ngoài giản dị và có phần hơi khắc khổ. Một kẻ từng vượt qua nhiều thử thách và chông gai đến như vậy, đương nhiên sẽ không muốn câu chuyện cổ tích mà mình đang viết dở phải dừng lại.
Đó là ngày 25/2/2017, khoác trên mình chiếc áo khoác Atalanta tối màu quen thuộc, gương mặt khắc khổ của Gasperini có phần hơi ảm đạm dưới tiết trời mưa gió ở Napoli. Mặc dù vậy, ở dưới sân, đội bóng vùng Bergamo lại thể hiện một lối chơi cực kỳ thuyết phục và bùng nổ, bất chấp sự cổ vũ không ngừng nghỉ đến từ khắp các góc khán đài “chảo lửa” San Paolo. Chung cuộc, Atalanta giành chiến thắng 2-0 và lần đầu tiên được dự cúp châu Âu sau 26 năm.
|
Gian Piero Gasperini: Phía sau câu chuyện cổ tích tại Atalanta |
Cần phải biết rằng mới chỉ vài tháng trước đó thôi, tương lai của Gasperini tại Bergamo tưởng như đã chấm dứt khi mà những thành tích bết bát liên tiếp đã khiến người hâm mộ đội bóng miền Bắc nước Ý kêu gọi sa thải vị chiến lược gia sinh năm 1958 này.
Tuy nhiên, mọi thứ cuối cùng đã thay đổi nhanh chóng và sự kiên định của Gasperini với một thứ triết lý bóng đá riêng biệt đã được đền đáp xứng đáng. Cho đến thời điểm hiện tại, Atalanta vẫn đang thi đấu vô cùng thăng hoa dưới bàn tay của vị phù thủy người Grugliasco. Thậm chí, trong bối cảnh nền bóng đá Ý có phần suy thoái trên đấu trường châu Âu nhiều năm gần đây, các tifosi còn kỳ vọng rằng đội bóng vùng Bergamo sẽ làm nên những bất ngờ khi lần đầu tham dự Champions League ở mùa giải sắp tới.
Về phần HLV Gian Piero Gasperini, người đàn ông 61 tuổi này vốn không phải một chiến lược gia có sự nghiệp cầu thủ lẫy lừng khi còn trẻ. Trưởng thành từ lò đào tạo Juventus cùng với Paolo Rossi - huyền thoại từng mang về chức vô địch World Cup 1982 cho ĐT Italia, nhưng mãi đến năm 29 tuổi, Gasperini mới lần đầu tiên được trải nghiệm môi trường bóng đá đỉnh cao thực sự. Đó là khi ông cùng với Pescara giành chức vô địch Serie B mùa giải 1986/87 đồng thời giành quyền thăng hạng lên chơi ở Serie A. Dẫu vậy, điều này cũng chẳng hề tác động quá nhiều lên sự nghiệp vốn hết sức nhạt nhòa của Gasperini. Ông giải nghệ năm 35 tuổi để bắt đầu một cuộc phiêu lưu mới, trên băng ghế huấn luyện.
Từ năm 1994 đến 2003, Gasperini dẫn dắt các đội trẻ Juventus ở nhiều nhóm tuổi khác nhau. Đây là khoảng thời gian tương đối bình lặng trong sự nghiệp của Gasperini nhưng lại giúp cho nhà cầm quân người Ý tích lũy rất nhiều kinh nghiệm trước khi được bổ nhiệm trở thành HLV trưởng CLB vùng Calabria, Crotone ở Serie C1. Ba năm sau đó là một giai đoạn chứng kiến Gasperini bị sa thải rồi tái bổ nhiệm và đưa Crotone lên Serie B đồng thời để lại những ấn tượng đáng kể với nhiều cầu thủ.
Cần phải nói thêm rằng, trong những năm đầu thập niên 2000, bóng đá Ý rất hiếm đội dám chủ động chơi pressing tầm cao bởi tư duy phòng ngự vẫn còn đang bám rễ tương đối nặng nề. Chính bởi vậy mà những ý tưởng có phần độc đáo của Gasperini lại càng trở nên đặc biệt và thu hút được sự ngưỡng mộ từ các học trò, tiêu biểu như tiền vệ Ivan Juric, người được xem là một “sinh viên tiêu biểu” với phương pháp Gasperini.
Thậm chí, đến khi phải nói lời chia tay Crotone và chuyển sang dẫn dắt Genoa, nhà cầm quân người Ý cũng cố gắng bằng mọi giá mang theo cậu học trò đến đội bóng vùng Liguria để tiếp tục phát triển những giấc mơ về thứ triết lý bóng đá kỳ lạ của mình.
Ngay ở mùa giải đầu tiên, Gasperini đã xuất sắc đưa Genoa thăng hạng lên chơi ở Serie A nhờ những cái tên thi đấu đầy ấn tượng trong đội hình Rossoblu như Criscito, Andrea Masiello, Juric, Marco Di Vaio, Adailton… Một năm sau đó, với sơ đồ chiến thuật 3-4-4 cùng niềm cảm hứng pressing, đội bóng thành phố cảng vùng Liguria tiếp tục để lại nhiều dấu ấn mạnh mẽ ở Calcio với vị trí thứ 10 chung cuộc.
Mùa Hè năm 2008, Genoa ký thành công bản hợp đồng quan trọng mang tên Diego Milito, người đã ghi 24 bàn thắng cho CLB sau đó và giúp thầy trò Gasperini cán đích ở vị trí thứ 5 Serie A 2008/09, thành tích tốt nhất của đội bóng sau 19 năm đồng thời giành suất tham dự Europa League.
Bên cạnh Milito, Gasperini cũng góp công lớn trong quá trình khôi phục sự nghiệp của Thiago Motta, một tiền vệ giàu tài năng nhưng đã trải qua quãng thời gian đáng thất vọng tại Atletico Madrid. Cả hai ngôi sao này sau đó đều được HLV Jose Mourinho đưa về Inter Milan và có những đóng góp cực kỳ quan trọng vào cú ăn ba vĩ đại của đội bóng thành Milano ở mùa giải 2009/10.
Về phần Gasperini, sau những màn trình diễn không mấy khả quan ở giai đoạn nửa đầu mùa giải 2010/11 bất chấp việc Genoa sở hữu nhiều tên tuổi trong đội hình như Luca Toni, Miguel Veloso, Rafinha, Kakha Kaladze… nhà cầm quân người Italia đã bị ban lãnh đạo CLB vùng Liguria sa thải. Mùa Hè 2011, Gasperini được bổ nhiệm lên thay thế Leonardo tại Inter Milan. Nhưng rồi, chỉ chưa đầy ba tháng sau đó, với chuỗi 5 trận liên tiếp không thắng (4 trận thua), Gasperini cũng nhanh chóng phải nhận bản án sa thải từ ngài Chủ tịch khó tính Massimo Moratti.
Có khá nhiều thứ để nói về sự thất bại của Gasperini tại Inter nhưng về cơ bản, các nhà phân tích đều đồng ý với quan điểm rằng cựu chiến lược gia Genoa đã không thể thuyết phục được các ngôi sao tin tưởng và làm theo phương pháp chiến thuật của mình. Một năm sau đó, Gasperini chấp nhận chuyển tới Sicily để dẫn dắt Palermo, nơi mà bóng đá đơn thuần chỉ là một thú vui tiêu khiển điên rồ dưới chế độ Zamparini, vị Chủ tịch vốn khét tiếng là một kẻ cực kỳ đồng bóng ở thành phố này. Mọi thứ nhanh chóng trở nên mất kiểm soát và hệ quả, đến tháng Hai 2013, Gasperini đã bị sa thải.
Tháng Chín 2013, Gasperini quay trở lại Genoa và tiếp tục dẫn dắt đội bóng thành phố cảng thêm ba mùa giải nữa. Mặc dù thành tích không còn được ấn tượng như lần đầu tiên nhưng về cơ bản, Gasperini vẫn duy trì được phong cách chiến thuật đặc trưng của mình, một lối chơi giàu năng lượng, nhiều cảm xúc và cống hiến. Mùa Hè năm 2016, nhà cầm quân người Ý quyết định thực hiện một cuộc phiêu lưu mới với điểm đến mang tên Atalanta và người thay thế Gasperini tại Genoa chính là cậu học trò cũ từng đi theo ông ngày nào, Ivan Juric.
Đối với Gasperini, sau hơn hai thập kỷ làm việc dưới vai trò quản lý và huấn luyện, cựu chiến lược gia Crotone và Genoa thừa biết rằng Atalanta chính là một hệ thống cung cấp cho ông đầy đủ những nguyên liệu để hoàn thiện hệ thống triết lý cũng như các phương pháp chiến thuật độc đáo của mình, một công cụ thực sự hoàn hảo để người đàn ông sinh năm 1958 này có thể vươn tới tầm vóc xa hơn những gì từng làm được trong quá khứ.
Đó là một hệ thống đào tạo trẻ bài bản, chuyên nghiệp, một ban lãnh đạo đủ cứng rắn và kiên nhẫn, một đội ngũ những người hâm mộ trung thành và nhiệt huyết, một nền tảng tài chính không quá dồi dào nhưng ổn định… tất cả đều là chất xúc tác để Gasperini giúp đội bóng vùng Bergamo làm nên lịch sử.
Mùa giải 2019/20, không phải nhà vô địch Juventus hay Á quân Napoli mà chính Atalanta mới là CLB ghi nhiều bàn nhất tại Serie A (77 bàn). Tính tổng cộng, trên tất cả các mặt trận, Atalanta ghi tới 103 bàn, trong đó chân sút số một Duvan Zapata có tới 28 pha lập công (23 bàn tại Serie A).
Cần phải nói thêm rằng, trong những mùa giải gần đây, Atalanta thường xuyên phải bán đi nhiều trụ cột quan trọng như Andrea Conti hay Frank Kessie (cho AC Milan), Caldara hay Spinazzola (cho Juventus), Bryan Crystante (cho Roma), thế nhưng lối chơi của đội bóng chủ sân Atleti Azzurri d’Italia thì chưa bao giờ đánh mất đi sự thăng hoa và cảm xúc.
Những Zapata, Ilicic hay đặc biệt là Alejandro Gomez, cầu thủ được xem là nhạc trưởng trong lối chơi của Atalanta chính là các nhân tố quan trọng giúp cho đội bóng vùng Bergamo duy trì được ngọn lửa tấn công cuồng nhiệt.
Bên cạnh đó, chắc chắn cũng cần phải nói đến phương pháp Gasperini, chính là yếu tố quan trọng nhất, với một hệ thống chiến thuật mà tất cả các thành viên trên sân đều trở thành những mắt xích quan trọng nhất đóng góp vào mục tiêu cuối cùng của đội bóng, đó là chiến thắng. Một hệ thống pressing đầy máu lửa, hấp dẫn, giàu cảm xúc nhưng vẫn duy trì được tính hiệu quả cần thiết.
Điều này đã được thể hiện qua thành tích xếp ở vị trí thứ ba chung cuộc của Atalanta tại Serie A mùa 2018/19, cao hơn cả hai “gã khổng lồ” thành Milano (Inter và Milan). Mới đây, phía Hội đồng thành phố Milano đã quyết định phê duyệt đồng ý cho Atalanta sử dụng sân San Siro làm sân nhà chính thức tại Champions League mùa giải 2019/20, một niềm vinh dự thực sự dành cho đội bóng tỉnh lẻ này và đối với riêng cá nhân Gian Piero Gasperini, đây quả là một sự trở lại ngọt ngào.
Từng bị Inter sa thải cách đây 8 năm (tháng Chín 2011), bây giờ, cựu chiến lược gia Genoa sẽ có cơ hội được ngẩng cao đầu quay trở lại sân bóng cũ nơi đã chứng kiến thất bại trong quá khứ của mình, nhưng dưới một tư cách hoàn toàn khác.
Có lẽ Gasperini cũng không cần phải thể hiện gì nhiều nữa bởi chỉ riêng cái cách mà người đàn ông này âm thầm và lặng lẽ vượt qua những thất bại để tiếp tục theo đuổi con đường của mình dường như cũng là quá đủ để tất cả nhìn thấy sự quyết tâm và lòng can đảm bên trong ông rồi.
Mùa này, Atalanta vẫn đang duy trì được vị thế đó. Sau 24 vòng, họ xếp thứ 4 tức là vẫn đủ điều kiện dự Champions League. Ngoài ra họ tiếp tục dẫn đầu Serie A về số bàn thắng (63), hơn Juventus của Ronaldo tận 17 bàn. Sự xuất sắc của tam tấu Gomez, Ilicic, Zapata là lý do quan trọng giúp Atalanta đang chơi tấn công cực hay. Ngoài ra, cũng cần phải nhắc đến lối chơi pressing đậm chất cống hiến mà Gasperini xây dựng biến Atalanta thành cỗ máy tấn công đáng sợ bậc nhất Italia.
Tuy nhiên bước ra sân chơi châu Âu lại là câu chuyện khác. Nên nhớ là ở vòng bảng Champions League mùa này, Atalanta từng khởi đầu cực tệ khi thua 0-4 trước Dinamo Zagreb và thua 1-5 trước Man City ở 2 lượt đầu tiên. Chứng kiến những thành công hiện tại của Atalanta, người ta có thể nhìn thấy một vị phù thủy mang tên Gasperini với vẻ ngoài giản dị và có phần hơi khắc khổ. Một kẻ từng vượt qua nhiều thử thách và chông gai đến như vậy, đương nhiên sẽ không muốn câu chuyện cổ tích mà mình đang viết dở phải dừng lại. Chúng ta cùng chờ xem họ có vượt qua được Valencia đêm nay...
Một bài viết của LX (Trên Đường Pitch)