Giám đốc kỹ thuật đầu tiên của Arsenal Edu Gaspar đã làm được những gì? (P2)

Tác giả August - Thứ Năm 31/12/2020 16:15(GMT+7)

Zalo

“Cuộc nói chuyện điện thoại đầu tiên giữa tôi và Mikel (Arteta) thật sự rất tuyệt. Chúng tôi nói với nhau nhiều thứ. Từ con người của Arsenal, vấn đề kỷ luật trong tập thể, tính tổ chức của một đội bóng và đường hướng phát triển trong ngắn-trung-dài hạn. Khách với tất cả những ứng viên khác, nói chuyện với Mikel tôi cảm nhận được giữa tôi và cậu ấy có một sự kết nối đặc biệt” – Edu kể lại trên Arsenal Player năm ngoái.

Khi Arteta chính thức trở thành HLV trưởng Arsenal, anh và Edu đều có chung một quan điểm thống nhân về kế hoạch bổ sung nhân sự đội một: 1 trung vệ thuận chân trái và 1 hậu vệ phải dự bị cho Bellerin bởi Maitland-Niles không đáp ứng được chất lượng cần thiết. Khó khăn cho cặp đôi này là họ phải làm việc trong hoàn cảnh ngân sách eo hẹp.
 
Do đó các hợp đồng mượn Cedric và Pablo Mari là lựa chọn hấp dẫn hơn cả. Mari là cầu thủ mà Edu biết rất rõ, từ khi trung vệ này còn chơi cho Flamengo. Trong khi đó, Cedric chỉ còn nửa năm cuối hợp đồng với CLB hiện tại (Southampton). Đáng tiếc, sau khi vượt qua dễ dàng các bài kiểm tra y tế để gia nhập Arsenal, cả Mari và Cedric đều không có đóng góp đáng kể trong nửa mùa giải đầu tiên của họ ở Emirates vì… chấn thương.
 
Với trường hợp của Willian, Edu đã sớm xác định Arsenal sẽ có tiền vệ người Brazil theo dạng CNTD ngay khi anh kết thúc hợp đồng với Chelsea. Đề xuất đã được Edu gửi tới Emery, từ tháng 10/20019, nhưng Emery trong những tháng cuối còn tại vị, chẳng còn tâm trí nào cho việc bổ sung tân binh Hè năm sau.
 
Sau khi Arteta xuất hiện, Edu đã bàn với tân HLV Arsenal về triển vọng có Willian và họ lập tức có được tiếng nói chung. Willian được cho là hoàn toàn phù hợp với các tiêu chí kỹ thuật – tính cách mà Arteta chờ đợi ở 1 tân binh giàu kinh nghiệm. Đại diện của Willian là Kia Joorabchian và Edu không mất nhiều thời gian để “giải quyết”.
 
Pierre-Emile Hojbjerg là 1 trong số những mục tiêu chuyển nhượng của Arsenal cho vị trí tiền vệ trung tâm. Anh cũng có đại diện là Kia Joorabchian. Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu của Edu và Arteta trước sau vẫn là Thomas Partey. Và ngày cuối của kỳ chuyển nhượng Hè 2020, Arsenal gây sốc với việc chồng đủ 50 triệu euro để phá vỡ điều khoản ràng buộc hợp đồng giữa Partey và Atletico Madrid. Hojbjerg, trước đó, đã đầu quân cho Tottenham của Jose Mourinho.

Giám đốc kỹ thuật đầu tiên của Arsenal Edu Gaspar đã làm được gì hình ảnh
 
*******
 
Khủng hoảng covid-19 đã khiến Thế giới này hoàn toàn thay đổi. Bóng đá cũng vậy. Arsenal và Edu đương nhiên không đứng ngoài guồng quay lịch sử.
 
Mùa Hè 2020 chứng kiến cuộc cắt giảm nhân sự khủng khiếp nhất trong lịch sử Arsenal. 55 nhân viên các cấp của CLB phải rời đi, trong đó có rất nhiều chuyên gia hàng đầu của mạng lưới tuyển trạch viên quốc tế như Francis Cagigao, Peter Clarke và Brian McDermott.
 
Một phần là vì covid-19, nhưng một phần cũng vì Edu không muốn duy trì mô hình tuyển trạch cồng kềnh của Arsenal bao năm qua. Anh chỉ cần một nhóm nhỏ gọn những chuyên gia phân tích hiệu năng hơn là mạng lưới hàng chục “Scout” gạo cội làm việc theo tư duy kiểu cũ. Edu muốn một NHÓM CỦA RIÊNG MÌNH.
 
Ngay sau đó là sự ra đi của Tổng giám đốc bóng đá Sanllehi, bị miễn nhiệm đột ngột vào ngày 17/8. Hai tháng sau đến lượt Trưởng bộ phận đàm phán Huss Fahmy chịu chung số phận. Cuộc cải tổ mạnh mẽ bắt đầu với Vinai Venkatesham đảm nhiệm vai trò Giám đốc điều hành, Mikel Arteta được thăng cấp lên Manager của Arsenal.
 
Vào đêm cuối cùng trước khi chia tay Arsenal, Sanllehi đạt được thỏa thuận hoàn toàn với Aubameyang trong việc ký hợp đồng mới 3 năm. Mối quan hệ đặc biệt giữa Sanllehi và chủ sở hữu Lille – Gerard Lopez giúp bôi trơn thương vụ Gabriel. Cagigao, trước đó, cũng đã làm tất cả những gì có thể để kết nối Partey với Arsenal. Edu đơn giản là đi trên con đường đã được dọn sẵn để hoàn tất nó.
 
Nhưng những cuộc đàm phán do Edu dẫn đầu thì lại không có được cái kết như ý trong Hè qua. Thương vụ Houssem Aouar đổ bể phút chót. Edu cũng không đạt được thỏa thuận với đại diện của Mesut Ozil trong việc giải quyết “thế kẹt” của 2 phía.
 
Với việc Fahmy rời Arsenal vào tháng 10, sự phụ thuộc của Arsenal đối với chất lượng công việc của Edu ngày càng lớn hơn. Đó là thứ mà Edu không hề lảng tránh. “Quan trọng là tất cả phải rõ ràng. Điều tôi muốn nói ở đây, là kể từ giờ mọi vấn đề liên quan đến bóng đá của Arsenal sẽ thông qua tôi. Các đại diện cầu thủ, báo giới, bất kỳ ai từ bên ngoài hay nội bộ CLB muốn bàn bạc gì về Arsenal thì hãy nhớ: tôi là NGƯỜI ĐẦU TIÊN tiếp nhận mọi thứ”.
 
“Trong nhiều năm trước, không phải lúc nào bạn cũng biết mình nên gọi cho ai để bàn việc hay giải quyết khúc mắc. Bạn gọi cho Arsene? Bạn gọi cho Dick Law? Bạn gọi cho Fahmy? Hay gọi cho Sanllehi nhỉ? Giờ ít nhất bạn biết, một cách rõ ràng, có việc gì thì cứ gọi cho Edu”, một đại diện cầu thủ Arsenal cho biết.
 
Quyền lực càng lớn, trách nhiệm càng cao và đi kèm là áp lực khủng khiếp. Từ chỗ là một phần của một nhóm cao cấp, giờ Edu là người chịu trách nhiệm cao nhất cho mọi hoạt động bóng đá CLB.
********
 
Edu – giám đốc kỹ thuật và Arteta – Quản lý đội một. Đây là cấu trúc tương tự mô hình của Man City với cặp đôi Txiki Begiristain và Pep Guardiola. Giữa họ có sự cam kết và tin tưởng rất lớn, để cùng nhau khắc phục những vấn đề khó khăn trước mắt của Arsenal cũng như hướng tới những dự án dài hạn. Nhưng hệ thống phân cấp đặc biệt này cho phép cả hai, Edu và Arteta, quyền kiến nghị sa thải người kia với cấp trên của họ.
 
Điều đó có thể xảy ra không, chẳng ai có thể nói chắc. Nhưng hiện tại, giữa Edu và Arteta tồn tại mối quan hệ thực sự tuyệt vời. Một tuần, Edu có vài buổi có mặt tại trung tâm huấn luyện London Colney và anh thường xuyên bàn chuyện công việc tại văn phòng của Arteta.
 
Đầu việc ưu tiên số một của Edu vẫn là các hoạt động chuyển nhượng cầu thủ. Hiện tại, Edu đã có một nhóm riêng của anh gồm các chuyên gia phân tích video, đánh giá hiệu suất cầu thủ dựa trên phần mềm phân tích độc quyền StatDNA.
 
Sát cánh cùng Edu là Trưởng bộ phận phân tích và phát triển Sarah Rudd, Jason Ayto - điều phối viên tuyển dụng cầu thủ, Mark Curtis – trưởng ban tuyển trạch đội một và Ben Knapper - chịu trách nhiệm các hoạt động liên quan đến cầu thủ cho mượn. Mạng lưới tuyển trạch quốc tế được thu gọn với Thomas Pasieczny bám sát thị trường Đông Âu, Jonathan Vidalle và Everton Gushiken tại khu vực Nam Mỹ.
 
Kỳ chuyển nhượng tháng 1/2021 chuẩn bị mở cửa. Và đây sẽ là “phiên chợ” đầu tiên mà Edu là người chịu trách nhiệm duy nhất – cao nhất. Một thời điểm cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp của Edu và đương nhiên với Arsenal – rất cần những bổ sung nhân lực mới để vượt qua giông bão.
 
Một tiền vệ sáng tạo, một trung vệ thuận chân phải là những mục tiêu đã được Edu nhắc tới. Arsenal hiện có tới 10 cầu thủ đội một sẽ hết hạn hợp đồng vào 30/6/2021 và đây cũng là hạng mục công việc mà Edu cần phải tập trung giải quyết.
 
Quan điểm của Edu là Arsenal được xây dựng để trở thành một tập thể có khả năng cạnh tranh danh hiệu lớn từ mùa 2022/23. Nhưng thành tích bết bát trong phần lớn lượt đi Premier League mùa này của Arsenal khiến áp lực đối với Edu là cực kỳ khủng khiếp. Việc cân bằng giữa mục tiêu trước mắt và tương lai đương nhiên không dễ một chút nào.

Edu co the mang lai thanh cong cho Arsenal nhu the nao?
 
“Có 2 khả năng có thể xảy ra với Edu. Giai đoạn khó khăn hiện tại sẽ nhấn chìm cậu ấy hoặc ngược lại, khiến cậu ấy trở nên mạnh mẽ hơn. Bản thân tôi tin rằng, Edu và cả Mikel nữa chỉ là nạn nhân trong một giai đoạn hỗn loạn của CLB. Cấu trúc của đội bóng này đã suy yếu với những biến động liên tiếp ở mọi cấp trong 2-3 năm qua. Và Edu đang ở vào thế một mình chống lại tất cả. Ơn Chúa, mối quan hệ giữa cậu ấy và Mikel vẫn bền chặt” – một cựu tuyển trạch viên Arsenal cho biết.
 
Kỳ chuyển nhượng tháng 1 tới và có thể một hai “phiên chợ” nữa sẽ giúp chúng ta nhận diện rõ ràng về “đại dự án” của Edu. Anh vẫn đang nhận được sự tín nhiệm của BLĐ, sự ủng hộ của đa số CĐV Arsenal và cả sự tin cậy từ Arteta. Nhưng thời gian để phát xét Edu thì đang đến rất gần rồi…
 
Lược dịch: Edu’s moment of truth (James McNicholas & David Ornstein – The Athletic)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Nghịch lý Nicolas Jackson

“Hôm nay, Jackson vừa cầu thủ xuất sắc nhất vừa là cầu thủ tệ nhất trên sân - điều mà tôi chưa từng thấy trong bất kỳ trận đấu nào trước đây”, cựu danh thủ hiện đang làm việc tại Talksport - Stuart Pearce đã bình luận như thế về màn trình diễn của Nicolas Jackson trong thất bại 0-1 của Chelsea trước Man City ở bán kết FA Cup.

X
top-arrow