Giải mã phong độ thách thức tuổi tác của những ông già như Zlatan, Messi và Ronaldo (P1)

Tác giả Nam Khánh - Thứ Ba 31/12/2019 11:22(GMT+7)

Những cầu thủ vĩ đại trong quá khứ đã từng có lối sống như các ngôi sao nhạc rock. Họ thường quan niệm rằng, “có sống kiểu ‘thanh niên nghiêm túc’ cũng chẳng được thêm xu nào, sự nghiệp cầu thủ thì đến tầm tuổi 30 là sẽ kết thúc, vậy nên cứ sống tận hưởng nhất có thể thôi”.

Thật khó để nhớ lại ai là tiền đạo 38 tuổi gần nhất quay trở về châu Âu từ nước Mĩ để chiến đấu một cách nghiêm túc ở môi trường bóng đá đỉnh cao này. Trường hợp của Zlatan Ibrahimovic đúng là rất đặc biệt, nhưng thật ra, anh cũng chỉ là một phần của một xu hướng chung đang diễn ra trong thế giới bóng đá nói riêng và thế giới thể thao nói chung. Những cái tên đã trở thành chủ nhân của danh hiệu Ballon d’Or năm 2019, Lionel Messi và Megan Rapinoe, đang ở trong độ tuổi lần lượt là 32 và 34. Trong khi đó, Cristiano Ronaldo sẽ bước sang tuổi 35 vào tháng 2 năm sau.

 
Họ cũng không phải là những trường hợp ngoại lệ kì quặc: Xu hướng già hóa của thế giới bóng đá đang diễn ra một cách mạnh mẽ và thậm chí là lan rộng sang cả những môn thể thao khác. Có vẻ như dù cho môn thể thao này đang ngày càng có nhiều đòi hỏi khắt khe hơn – các cầu thủ đang phải chạy nước rút nhiều hơn và bao quát sân bóng lớn hơn so với một thập kỷ trước – thì sự nghiệp của các vận động viên cũng đang kéo dài hơn. Rốt cuộc thì chuyện gì đang diễn ra? 
 
“Tầng lớp các vận động viên thể thao hàng đầu đang già hóa đi,” Nhà khoa học thể thao Carlos Lago Penas của trường Đại Học Vigo kết luận trong một bảng báo cáo cho Barcelona Innovation Hub, bộ phận nghiên cứu của câu lạc bộ xứ Catalan. Ông trích dẫn một bài báo mà mình đã viết cùng các đồng nghiệp tại Vigo (Tác giả chính: Anton Kalén) để cho thấy rằng, độ tuổi trung bình của các cầu thủ thi đấu ở Champions League đã tăng từ 24,9 tuổi vào mùa giải 1992/1993 lên 26,5 ở mùa giải trước.
 
Trong môn tennis, độ tuổi trung bình của top 100 vận động viên nam hàng đầu cũng đã tăng lên trong một thập kỷ qua, từ 26,2 đến con số cao nhất mọi thời đại là 27,9. Ba tay vợt có thứ hạng cao nhất hiện nay là Rafael Nadal (33 tuổi), Novak Djokovic (32 tuổi) và Roger Federer (38 tuổi), trong khi Serena Williams, 38 tuổi, vẫn đang được nhìn nhận là tay vợt nữ xuất sắc nhất thế giới. Theo các tác giả tại đại học Vigo cho biết, các nghiên cứu về những vận động viên bóng chày và ba môn phối hợp cũng đang cho thấy “một sự gia tăng đáng kể về độ tuổi thi đấu ở đỉnh cao phong độ của các vận động viên hàng đầu trong hai thập kỷ qua.”
 
Việc sự nghiệp thi đấu đỉnh cao đang được kéo dài ra một phần là bởi vì những tiêu chuẩn và nhận thức của các ngôi sao thể thao đã thay đổi. Những cầu thủ vĩ đại trong quá khứ đã từng có lối sống như các ngôi sao nhạc rock. Họ thường quan niệm rằng, “có sống kiểu ‘thanh niên nghiêm túc’ cũng chẳng được thêm xu nào, sự nghiệp cầu thủ thì đến tầm tuổi 30 là sẽ kết thúc, vậy nên cứ sống tận hưởng nhất có thể thôi”.

Những cám dỗ trong cái thế giới của các ngôi sao lớn là vô số kể và hầu như không thể cưỡng lại. Ferenc Puskas đã bị thừa cân vào những năm 1950, George Best vào những năm 1960 đã trở thành một gã nghiện rượu, và Johan Cruijff, một huyền thoại đã thống trị thế giới bóng đá vào đầu những năm 1970, nổi tiếng là một người nghiện thuốc lá. Vào những năm 1980, Diego Maradona đã bị thừa cân và trở thành một con nghiện cocain, trong khi Ronaldinho thì đắm chìm trong các nightclub đến mức mà Barcelona đã quyết định bán anh đi vào năm 2008, một phần là vì họ lo ngại anh sẽ gây ảnh hưởng xấu đến Messi, người đồng đội trẻ tuổi luôn cực kì ngưỡng mộ và tôn sùng anh. 

George Best
Trong quá khứ, các ngôi sao cũng đã bị chơi xấu … rất nhiều và cực kì thô bạo. Vào năm 1966, Pelé đã phải chia tay World Cup với đôi chân khập khiễng. Vào năm 1983, mắt cá chân của Maradona đã bị nghiền nát bởi hậu vệ người Basque, Andoni Goikoetxea, người khét tiếng với cái nickname “Gã đồ tể của Bilbao”.

Chấn thương mắt cá chân đã khiến Marco Van Basten phải rời xa sân cỏ ở tuổi 28 vào năm 1992, và hầu như không bao giờ quay trở lại nữa. Nghiệp vụ chăm sóc y tế thường sẽ bao gồm một “physio” – nhân viên vật lý trị liệu (thường là một cựu cầu thủ) cọ xát “miếng bọt biển ma thuật” của mình lên vết thương của cầu thủ. Các phương pháp nghiệp vụ là tương đối nguyên thủy, do đó, việc bị gãy chân thường sẽ chấm dứt sự nghiệp của các cầu thủ.
 
Thứ đã làm thay đổi quãng thời gian thi đấu ở đỉnh cao phong độ của các ngôi sao chính là truyền hình và những tiến bộ trong khoa học. Vào những năm 1990, Rupert Murdoch và Silvio Berlusconi đã xây dựng các kênh truyền hình tư nhân xoay quanh chủ đề bóng đá ở Anh (Sky) và Italia (Mediaset). Khi đó, các ngôi sao bóng đá đã trở thành “TV content”, vì vậy, họ cần phải được bảo vệ để duy trì tính giải trí của môn thể thao này trên sóng truyền hình. Các cơ quan nắm quyền của thế giới bóng đá đã bắt đầu đưa ra những biện pháp xử lý nặng tay hơn với những pha phạm lỗi, nghiêm cấm những cú xoạc bóng từ phía sau. Trong phần lớn sự nghiệp của mình, gần như sau tất cả những lần Messi bị đối phương “chạm vào”, anh đều nhận được một quả đá phạt.
 
Các câu lạc bộ lớn cũng đã thực hiện những cam kết mới với những cầu thủ ngôi sao của họ: “Bọn tôi sẽ trả tiền để anh sống sao cho chuyên nghiệp nhất có thể”. Ibrahimovic từng nói rằng, nếu bạn sở hữu tài năng giống như anh, sự thành công sẽ trở thành một sự lựa chọn nằm trong tầm tay của bạn: Tất cả những gì bạn cần làm sau đó là quyết tâm làm việc chăm chỉ để đạt được và bảo vệ nó. Các ngôi sao đã sống theo cách đó càng lúc càng nhiều hơn, và bộ phận y tế tại các câu lạc bộ cũng đã “chăm sóc” cho họ tốt hơn. 

 
Gần một thập kỷ trước, Ryan Giggs, Javier Zanetti và Paolo Maldini đều đã chơi bóng cho đến tuổi 40. Cái tên đi đầu trong việc “chăm sóc” các cầu thủ bóng đá trong khoảng thời gian đó chính là “Milan Lab” tại Italy. “Nếu anh dự đoán được khả năng dính chấn thương,” Giám đốc của Milan lab, Jean Pierre Meersseman, nói với tôi vào năm 2008. “Anh sẽ có thể ngăn cầu thủ đó lại trước khi nó thật sự xảy ra.” Milan Lab đã thu thập hàng triệu data point trên các máy tính cho từng cá nhân các cầu thủ. Meersseman khẳng định một cách phấn khích. “Tỷ lệ xuất hiện những ‘thương tổn không bắt nguồn từ nguyên nhân chấn thương’ (non-traumatic injuries) đã giảm xuống hơn 90% so với 5 năm trước.” Độ tuổi tối đa để có thể chơi bóng đỉnh cao của một cầu thủ hàng đầu, ông nói thêm, cũng đã tăng lên “khoảng 40. Trước đây chỉ là 34.”
 
Các cầu thủ đã càng lúc càng trở nên “lành mạnh” hơn kể từ đó. Một số cái tên, như Jermain Defoe, Chris Smalling và Hector Bellerin, hiện đang là những người ăn chay. Mỗi cầu thủ đều được thiết kế riêng cho một giáo án tập luyện cá nhân và đeo các thiết bị GPS để cung cấp các số liệu về cường độ làm việc của họ một cách chính xác. Họ sẽ tiến hành những cuộc xét nghiệm nước bọt hàng ngày để kiểm tra tình trạng thể chất của mình, cũng như điền vào các bảng câu hỏi về chất lượng giấc ngủ mỗi đêm.
 
Tất cả những sự tiến bộ, phát triển đó đã giúp Messi và Ronaldo thống trị thế giới bóng đá lâu hơn bất kì một huyền thoại vĩ đại nào trong quá khứ. Cầu thủ người Argentina đến hiện tại đã giành được 6 Qủa Bóng Vàng, còn của Ronaldo là 5; Trước khi họ xuất hiện, con số cao nhất mà một cá nhân có thể đạt được chỉ là 3. Cái tên duy nhất có thể làm gián đoạn những năm tháng thống trị tuyệt đối của họ trong cả thập kỷ qua chính là Luka Modric, vào năm 2018, khi tiền vệ này đã bước sang tuổi 33. Không một cầu thủ nào từ 32 tuổi trở xuống ở hiện tại đã từng được chạm tay vào Qủa Bóng Vàng cả.   

 
 
Nguồn: Lược dịch từ bài viết “Why Zlatan, Messi and Ronaldo continue to defy age and time” của tác giả Simon Kuper, đăng tải trên ESPN.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.