Giải mã phong độ những ông già Zlatan, Messi, Ronaldo (P2)

Tác giả Nam Khánh - Thứ Sáu 03/01/2020 14:03(GMT+7)

Dù thế nào đi nữa, phong độ của tất cả mọi người rốt cuộc cũng sẽ giảm sút. Như một vị giám đốc thể thao tại một câu lạc bộ thể thao đã nhận định với tôi rằng, các vận động viên cũng giống như những “tảng băng”.

 
Dĩ nhiên, các cầu thủ bóng đá ngày nay vẫn sẽ phải trải qua sự sa sút về mặt thể chất. Lago Peñas đã trích dẫn một bài nghiên cứu về các cầu thủ ở Bundesliga như sau: Sau tuổi 30, số lần chạy nước rút của họ (được định nghĩa là những tình huống chạy với tốc độ lớn hơn 6,3 mét mỗi giây, được duy trì trong ít nhất 1 giây) là thấp hơn 21% so với những cầu thủ trẻ tuổi. Messi, một cầu thủ đã từng rất xông xáo, tích cực tranh cướp bóng, giờ đây đã giao lại công việc đó cho người khác: Nhiệm vụ của Aturo Vidal tại Barcelona, về cơ bản, chính là để phục vụ cho đôi chân của Messi. Với một cầu thủ giờ đây chỉ còn “đứng nhìn” khi đối phương có bóng, Barcelona hiếm khi có thể triển khai thứ pressing thương hiệu của họ nữa.
 
Tuy nhiên, có một lợi thế khác đã giúp cho “tuổi nghề” của các cầu thủ được kéo dài hơn: Đối với cả những đội bóng lớn và nhỏ, các cầu thủ kì cựu khỏe mạnh có thể chính là một sự kết hợp hoàn hảo giữa những cái đầu lão luyện và “những đôi chân không quá già”.  Khả năng ra quyết định và trí thông minh trong các trận đấu của họ thường có xu hướng càng lớn tuổi sẽ càng được nâng lên cao hơn, theo nghiên cứu của Lago Peñas: “Tỷ lệ chuyền bóng thành công của những cầu thủ trên 30 tuổi sẽ cao hơn những cầu thủ từ 16 đến 29 tuổi khoảng từ 3-5 phần trăm.”
 
Nhà toán học David Sumpter, tác giả của cuốn sách “Soccermatics”, đã phân tích về khả năng “lý luận không gian” (spatial reasoning) phi thường của Messi. Cầu thủ người Argentina thường chỉ chạy 4 hoặc 5 km mỗi trận, nhưng mỗi bước chân của anh đều mang ý nghĩa, giá trị cực kì lớn. Thông thường, anh sẽ nhắm đến một vị trí cụ thể: Không gian ngay bên ngoài vòng bán nguyệt trước khu vực penalty, vị trí có “giá trị cao nhất” trên sân. Thông thường, anh sẽ chỉ đơn giản là đi bộ đến đó. Khi Messi chạy, các đồng đội của anh đều biết rằng, lần chạy đầu tiên của anh sẽ là một “mồi nhử”, được thực hiện để đánh lừa đối phương. Sau đó, Messi sẽ đột ngột dừng lại và chạy lần thứ hai để đến cái không gian mà anh thực sự muốn đến. Ngay tức khắc, một đồng đội sẽ chuyền bóng đến cho anh ở nơi đó. 

 
Ngoài ra, Messi sẽ chạy và sau đó dừng lại – một cách bất ngờ, khiến cho người theo kèm anh bị lố đi 1 hoặc 2 bước chân - ở chính xác cái vị trí mà anh đã nhắm đến và nhận bóng ở đó. Còn khi cầu thủ xuất sắc nhất thế giới nhận bóng mà không có ai theo kèm anh – thứ đáng chú ý nhất ở đây chính là khả năng căn chỉnh thời gian của anh – thì thời cơ chính là khi đối thủ ở gần anh nhất rời mắt khỏi anh. Khả năng ra quyết định của Messi hiện tại đang bù đắp một cách hoàn hảo cho tốc độ đã sa sút của anh.
 
Các vận động viên tennis cũng có xu hướng nâng cao khả năng “lý luận không gian” và phán đoán của họ khi càng lớn tuổi hơn. Federer đã nói với tôi trong năm nay rằng, “Ở tuổi 20, đó là một thời điểm đầy hưng phấn và sung mãn, anh sẽ chơi theo kiểu, ‘Xem này, tôi sẽ nghiền nát tất cả một cách mạnh mẽ nhất, tôi sẽ tạo nên cả một cái lỗ to trên mặt đất.’ Còn ở tuổi 37, anh sẽ trở thành thế này ‘Hmm, đầu tiên có lẽ mình sẽ đánh quả bóng đến kia, sau đó khiến cho gã này chạy vòng quanh sân, cuối cùng là bằng một cách nào đó lao đến gần lưới và dứt điểm với một pha volley hoàn hảo.”
 
Dù thế nào đi nữa, phong độ của tất cả mọi người rốt cuộc cũng sẽ giảm sút. Như  một vị giám đốc thể thao tại một câu lạc bộ thể thao đã nhận định với tôi rằng, các vận động viên cũng giống như những “tảng băng”. Tất cả bọn họ đều sẽ bị “tan chảy”, và các câu lạc bộ của họ sẽ cố gắng “giảm tải” cho họ trước khi họ chỉ còn là một “vũng nước”. Có thể nói, Ronaldo đã đi đến cái giai đoạn “tan chảy” đó, khi mà anh (không tính những quả penalty) mới chỉ ghi được vỏn vẹn 12 bàn thắng sau 20 trận đã chơi tại Serie A và đấu trường Champions League ở mùa giải này – một thành tích quá thấp so với tiêu chuẩn của chính bản thân anh – mặc dù một phần nguyên nhân dẫn đến điều đó là vì phong cách tấn công mới ở Juventus mà Maurizio Sarri đang áp dụng, đã khiến những tình huống phản công mà cầu thủ người Bồ Đào Nha yêu thích ít xuất hiện hơn.
 
Những cầu thủ lớn tuổi, bao gồm Rapinoe, cuối cùng cũng sẽ phải cân nhắc về những trận đấu mà mình nên bung sức. Milan của một thập kỷ trước đã quyết định rằng, với một đội bóng già nua, sự lựa chọn tốt nhất là dồn sức vào Champions League và không quá đặt nặng Serie A. Ví dụ, Filippo Inzaghi (người đã ghi bàn thắng cuối cùng trong trận đấu cuối cùng của anh cho Milan ở tuổi 38) thường được báo trước, “Cậu sẽ ra sân trong 10 ngày nữa.” Sau đó, anh sẽ gọi vú em của mình đến nhà để chăm sóc mình, dành nhiều ngày trên giường để tập trung năng lượng, bùng nổ trong trận đấu mà mình được ra sân, và sau đó lại về nhà nằm bệt ra một chỗ. 
 
Didier Drogba và Michael Ballack trong những ngày tháng cuối cùng gắn bó với màu áo Chelsea cũng tương tự như vậy. Ballack không còn có thể chơi tất cả mọi trận đấu nữa, mà thay vào đó, anh sẽ để dành năng lượng và bùng nổ trong những trận đấu lớn. Tương tự, Drogba sẽ luôn được nhớ đến tại Stamford Bridge với việc đã đóng vai “người hùng” trong trận chung kết Champions League 2012, ở tuổi 34, nhưng ở giai đoạn đó của sự nghiệp, anh đã không còn có thể tỏa sáng hết tuần này đến tuần khác nữa. Sau này, khi chơi bóng ở Major League Soccer, tiền đạo người Bờ Biển Ngà đã cố gắng giữ sức bằng cách tránh ra sân trong các trận đấu diễn ra trên sân cỏ nhân tạo, giống như Thierry Henry.
 
Một trường hợp ấn tượng hơn nữa trong việc lựa chọn thời điểm để bung sức chính là hậu vệ Ledley King của Spurs, một người bị chấn thương kinh niên ở đầu gối phải. Nếu anh tham gia trọn vẹn một buổi tập của đội, đầu gối của anh sẽ sưng vù lên và chảy mủ. Thay vào đó, anh thường dành cả tuần trên một chiếc xe đạp thể thao hoặc hồ bơi, sau đó ra sân và tỏa sáng
 
Không chỉ trong bóng đá, mà cả trong giới bóng rổ, các đội bóng tại NBA cũng đang ngày càng xem trọng hơn khái niệm “Load management” (Tạm hiểu là: Quản lý thể trạng và phục hồi thể lực): Ngay cả những cầu thủ trẻ trung cũng sẽ đôi khi được cho ngồi ngoài trận đấu để bảo vệ cơ thể của họ.

 
Sự xuất sắc được duy trì một cách ổn định hơn nữa cũng có thể sẽ chính là tương lai của Ronaldo và Messi. Đừng quên, khi ngôi sao người Argentina được trao danh hiệu Qủa Bóng Vàng thứ sáu trong sự nghiệp của anh vào ngày 2 tháng 12, anh đã tuyên bố một cách đầy lạc quan về tương lai của bản thân: “Tôi đang cảm thấy tốt hơn bao giờ hết về thể chất và đẳng cấp của cá nhân mình, vì vậy, tôi hy vọng mình sẽ có thể kéo dài sự sung mãn này hơn nữa.” Có lẽ, anh hoàn toàn có thể làm được điều đó.  
 
Nguồn: Lược dịch từ bài viết “Why Zlatan, Messi and Ronaldo continue to defy age and time” của tác giả Simon Kuper, đăng tải trên ESPN.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.