Gérard Houllier: Người đàn ông đưa Liverpool vĩ đại trở lại (P2)

Tác giả Nam Khánh - Thứ Năm 31/12/2020 16:15(GMT+7)

Chính tại thời điểm này, Houllier đã thể hiện một trong những khả năng giúp ông trở thành một vị huấn luyện viên xuất sắc và có ảnh hưởng lớn đến vậy trong thế giới bóng đá: Tuyển dụng. Lĩnh vực này bao gồm hai nhiệm vụ, một là loại bỏ những cầu thủ tồi, hai là ký hợp đồng với những người phù hợp để thay thế họ, và Houllier đã làm rất tốt cả hai việc đó trước mùa giải trọn vẹn đầu tiên ông dẫn dắt Liverpool với tư cách là huấn luyện viên trưởng duy nhất.

NGƯỜI KHAI SÁNG NHỮNG VIÊN NGỌC

Đã có những gương mặt chẳng nổi tiếng và cũng không gây ấn tượng được mang về – Sami Hyypiä, Stéphane Henchoz, Titi Camara, Erik Meijer, Sander Westerveld, Dietmar Hamann – nhưng họ đã thể hiện chính xác những gì mà vị chiến lược gia người Pháp muốn. Như Houllier đã chia sẻ trong Ring of Fire, “Chúng tôi đã ký hợp đồng với một nhóm những cầu thủ đến từ các quốc gia khác nhau, những giải đấu khác nhau và các tính cách khác nhau – những người thoạt nhìn thì họ phù hợp hơn với các đội bóng khác. Đôi khi bạn cần phải thay đổi và ‘tiến hóa’.”
Đó chắc chắn là những gì Liverpool đã làm. Bước vào mùa giải mới, The Reds đã thể hiện một hình ảnh rất khác so với những gì đã thể hiện dưới thời Evans – tuy ít phiêu lưu hơn, nhưng đã không còn là một đội bóng mỏng manh, họ thi đấu với một cấp độ tính tổ chức, sự gan góc và cứng rắn cực kỳ ấn tượng – những yếu tố mà Liverpool đã thiếu đi trong hầu hết thập kỷ trước. Hyypiä và Henchoz đóng vai trò rất quan trọng đối với điều đó, với việc kết hợp cực kỳ xuất sắc với nhau để tạo thành một cặp trung vệ tuyệt vời, bên cạnh đó, họ còn nhận được sự che chắn rất chất lượng bởi Hamann, người đã vượt qua chấn thương dính phải trong chiến thắng vào ngày mở màn mùa giải trước Sheffield Wednesday và phát triển thành một trong những tiền vệ phòng ngự ấn tượng nhất tại Anh.
Liverpool của Houllier có thể không phải là một đội ngũ hoa mĩ, nhưng sự hiệu quả là rất rõ ràng, và trong vòng 12 tháng, họ đã nhảy từ vị trí thứ bảy lên thứ tư nhờ một hàng phòng ngự chắc chắn nhất Xứ Sở Sương Mù, chỉ để thủng lưới 30 bàn sau 38 trận. Họ đã không giành được chiếc vé tham dự Champions League mùa giải tiếp theo với 2 điểm kém hơn sau thất bại trước Bradfold ở vòng đấu cuối cùng nhưng, nhìn chung, đó là một chiến dịch đầy tích cực, một phần là bởi vì, bên cạnh những đóng góp của các tân binh nước ngoài “vô danh”, còn có sự tỏa sáng của nhóm các tài năng “cây nhà lá vườn”.

Vào thời điểm đó, đã có sự xuất hiện của một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất trong những năm tháng Houllier dẫn dắt Liverpool – rằng ông đã xóa bỏ “chất Anh” ra khỏi câu lạc bộ vùng Merseyside. Sự thật hoàn toàn ngược lại, không có quá nhiều vị huấn luyện viên trưởng khác, cả trước và sau thời của nhà cầm quân người Pháp, đã trao cơ hội cho nhiều cầu thủ Anh hơn ông. David Thompson, Dominic Matteo, Danny Murphy và Jamie Redknapp đều đã góp mặt trong mùa giải 1999/2000, và Michael Owen cũng vậy, chính giai đoạn này đã củng cố vị thế của anh như một trong những gương mặt “hot” nhất bóng đá Anh. Và sau đó là Jamie Carragher và Steven Gerrard, hai cầu thủ mà theo những cách khác nhau chính là minh chứng cho niềm tin của Houllier rằng, một trong những trách nhiệm chính của ông trong tư cách huấn luyện viên trưởng của Liverpool là giúp các cầu thủ trẻ của câu lạc bộ phát triển.
Vốn đã được Evans trao cho một màn debut vào năm 1997, Carragher là một cầu thủ cực kỳ cần mẫn, nhưng có hạn chế là bản tính hơi liều lĩnh bên ngoài sân cỏ, khiến anh có nguy cơ lãng phí sự nghiệp trước khi nó thực sự nở rộ. Sẽ không ai có thể trách móc Houllier nếu ông quyết định quay lưng lại với ngôi sao sinh ra ở Bootle, nhưng thay vào đó, nhà cầm quân người Pháp đã dành thời gian để tìm hiểu về Carragher, nhận ra rằng đây là một chàng trai tuy có mang một khía cạnh phóng túng, điên rồ, nhưng cũng sẵn sàng lắng nghe và cải thiện bản thân. “Jamie cực kỳ thông minh trong việc đọc trận đấu và học hỏi từ những kinh nghiệm của bản thân, cả tốt và xấu,” Houllier chia sẻ trong Ring of Fire. “Cậu ấy đã kiên nhẫn với bản thân và kiên nhẫn với tôi, và tôi cũng đã giải thích với cậu ấy ngay từ đầu rằng tôi xem cậu ấy là một cầu thủ sẽ tỏa sáng mạnh mẽ trong tương lai.”
Carragher đã thực sự làm được điều đó, trở thành một sự lựa chọn đáng tin cậy cả cho vị trí trung vệ và hậu vệ cánh, trải qua một sự nghiệp kéo dài 17 năm và hơn 700 lần ra sân cho đội chủ sân Anfield. “Carra” đã trở thành một huyền thoại đích thực của Liverpool.
Steven Gerrard là một trường hợp đơn giản hơn rất nhiều, với việc Houllier đã nhận thấy rất rõ ngay khi chứng kiến màn trình diễn của tiền vệ này trong một trận đấu của đội trẻ với đối thủ Blackburn rằng anh có tài năng và khát khao vươn lên đỉnh cao. Thế nhưng, thay vì những vấn đề về thái độ và tính cách, thì chàng trai này lại gặp rắc rối với những chấn thương xuất hiện liên tục – cơ thể tuổi teen của Gerrard đã phải rất chật vật với những yêu cầu của bóng đá chuyên nghiệp nam, dẫn đến việc anh đã dính rất nhiều chấn thương sau khi có màn debut cho đội một – tiếp tục là một cuộc đối đầu khác với Blackburn, vào ngày 29 tháng 11 năm 1998.

Trường hợp của Gerrard đòi hỏi một sự kiên nhẫn rất lớn và đó chính là điều Houllier đã thể hiện, thậm chí ông còn gửi tiền vệ này đến Pháp để được điều trị bởi một đội các nhà vật lý trị liệu với niềm tin chắc chắn rằng, về lâu dài, động thái đó sẽ giúp những phẩm chất cực kỳ quý giá của chàng trai này tỏa sáng rực rỡ, có thể chinh chiến trên các sân cỏ mà không gặp phải trở ngại gì và trở thành một trụ cột của câu lạc bộ trong tương lai. Anh đã thực sự hiện thực hóa được sự kỳ vọng đó.
Nhưng không phải tất cả các cầu thủ “cây nhà lá vườn” đều phát triển dưới thời Houllier, với việc Thompson và Matteo thậm chí còn không vượt qua được những bài test của mùa giải đầu tiên đó. Họ đã lần lượt được bán cho Coventry và Leeds vào mùa hè năm 2000, khi Houllier tiếp tục “cầm trịch” một đợt chuyển nhượng rầm rộ khác, mang về những cầu thủ như Markus Babel và Gary McAllister để bổ sung sự tinh quái và lão luyện cho một đội ngũ đã cho thấy sự thiếu vắng những phẩm chất đó trong vài tuần cuối cùng của mùa giải trước. Một lần nữa, sự xuất sắc của Houllier trong lĩnh vực tuyển dụng đã được chứng minh, khi Liverpool có được mùa giải thành công nhất của họ kể từ chiến dịch 1983/1984.
THÀNH CÔNG CỦA CLB VÀ CƠN ĐAU TIM ĐỘT NGỘT
Cú ăn ba vào mùa giải đó là một đỉnh cao không thể phủ nhận của triều đại Houllier tại Liverpool, và mặc dù chức vô địch FA Cup mà họ giành được phần lớn là nhờ may mắn – khi Michael Owen một tay xoay chuyển một trận đấu mà Arsenal mới là đội áp đảo – nhưng họ cũng đã cho thấy sự kiên cường, tài năng và những phẩm chất đáng kinh ngạc trong xuyên suốt một chiến dịch dài và mệt mỏi.

Ngoài ra, không thể không nhắc đến những kết quả đáng nhớ – các trận thắng cả trên sân khách và sân nhà trước Manchester United và Everton, cũng như chiến thắng trước Barcelona ở vòng bán kết UEFA Cup, trong đó bao gồm một màn trình diễn tuyệt vời trong trận hòa không bàn thắng tại Camp Nou ở lượt đi. Đó là một trận đấu – hơn bất kỳ trận đấu nào khác – cho thấy Liverpool đã trưởng thành và sắc sảo về mặt chiến thuật đến mức nào dưới thời Houllier. Minh chứng rõ ràng nhất cho thấy họ cuối cùng cũng đã trở lại là một đội bóng “đúng nghĩa”.
Mọi yếu tố cần thiết đã có sẵn để Liverpool tiếp tục bay cao và đó chính là hình ảnh mà họ đã thể hiện vào mùa giải 2001/2002, lần đầu tiên đứng trên Manchester United trong kỷ nguyên Premier League và chỉ để vuột mất chức vô địch vào tay một Arsenal sau đó sẽ có lần thứ hai đăng quang trong vòng 4 mùa giải. Nhưng chiến dịch 2001/2002 cũng chính là sự khởi đầu của một kết thúc, một phần là vì biến cố đã xảy ra với vị huấn luyện viên trưởng trong một buổi chiều mùa thu đáng lẽ sẽ diễn ra một cách tương đối dễ chịu.

Houllier đã phải nhập viện ngay trong giờ giải lao của cuộc đối đầu với Leeds vì những cơn đau ngực. Ban đầu, nhà cầm quân người Pháp nghĩ rằng nguyên nhân chỉ là vì mình đã bị cúm và muốn gắng gượng tiếp tục chỉ đạo trong hiệp 2, đặc biệt là khi Liverpool đang dẫn trước đối thủ 1-0. Nhưng sau khi đo huyết áp của ông, Mark Waller, bác sĩ của câu lạc bộ, đã khẳng định rằng ông cần phải đến bệnh viện và, như Houllier đã kể lại trong Ring of Fire, tình hình đã trở nên cực kỳ nguy cấp. “Khi trận đấu kết thúc, tình trạng giao thông xung quanh Anfield là cực kỳ khủng khiếp và xe cấp cứu chắc chắn sẽ không thể đến được chỗ tôi. Tuy nhiên, đó không phải là điều diễn ra vào giờ nghỉ giữa hiệp. Tôi đã rất may mắn.”
Chuyện diễn ra sau đó thậm chí còn may mắn hơn nữa: Bệnh viện mà Houllier được đưa đến, Broadgreen, chỉ là một trong 3 đơn vị chuyên khoa tim mạch ở Anh, và bác sĩ phẫu thuật cho Houllier vốn đã định thực hiện một chuyến đi xa, nhưng cuối cùng đã quyết định ở lại Liverpool vì cảm thấy mệt mỏi.
TRỞ LẠI
Ca phẫu thuật của Houllier đã thành công, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc ông sẽ phải nghỉ ngơi trong phần lớn mùa giải. Thompson là người tiếp quản đội trong khoảng thời gian nhà cầm quân người Pháp vắng mặt và đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ của mình, duy trì đà đi lên của Liverpool tại Premier League và Champions League. Thompson vốn đã có thể tiếp tục dẫn dắt The Reds cho đến tháng 5, nhưng với mong muốn quay trở lại làm việc không gì cản được của Houllier, vị huấn luyện viên trưởng tạm quyền đã quay trở lại với vai trò trợ lý sau 5 tháng ngồi trên chiếc ghế thuyền trưởng. Không một lời báo trước, nhà cầm quân người Pháp đã tái xuất một cách bất ngờ ngay trước chuyến “viếng thăm” của AS Roma vào tháng 2 năm 2012.

Đó là một khoảnh khắc khiến cả Anfield chìm trong sự phấn khích, nhưng ai cũng cảm thấy shock khi chứng kiến Houllier đã trở nên yếu đuối đến mức nào. Một vị tướng từng mang phong thái đầy oai nghiêm và mạnh mẽ giờ đây đã trở nên hốc hác và bơ phờ đến tội nghiệp. Một hệ quả không thể tránh khỏi đã diễn ra, sự suy nhược sức khỏe của Houllier đã dẫn đến sự sa sút trong tư cách một vị huấn luyện viên.
Sự sa sút trầm trọng nhất đã xuất hiện trong lĩnh vực mà nhà cầm quân người Pháp từng rất xuất sắc – tuyển dụng. Khả năng đánh giá cầu thủ tuyệt vời của Houllier dường như đã rời bỏ ông, dẫn đến một loạt những bản hợp đồng thảm họa vào mùa hè năm 2002, làm “trật bánh” những nỗ lực của Liverpool trong mục tiêu hiện thực hóa giấc mơ vô địch Premier League. El Hadji-Diouf, Salif Diao và Bruno Cheyrou … những cái tên sẽ khiến tất cả các CĐV Liverpool phải rùng mình.
Về mặt chiến thuật, The Reds cũng hoàn toàn lạc lối. Sự vững chắc của hàng thủ đã biến mất, trong khi hàng tiền vệ và hàng công trở nên ì ạch, rệu rã và phần lớn là vô hại. Sự sa sút đã lên đến đỉnh điểm với việc Liverpool rơi từ vị trí thứ hai ở mùa giải 2001/2002, xuống vị trí thứ 5 và nằm ngoài nhóm được tham dự Champions League vào mùa giải 2002/2003. Dù cho đã kết thúc ở vị trí thứ tư và giành được vé tham dự giải đấu danh giá nhất châu Âu trong chiến dịch tiếp theo, nhưng nhiêu đó là không đủ để “cứu” Houllier, đặc biệt là khi khoảng cách giữa Liverpool và đội đầu bảng Arsenal là tận 30 điểm.
Houllier khẳng định rằng tác động từ nỗi lo sợ bệnh tình của ông đã bị thổi phồng quá mức, tuyên bố nguyên nhân của nó là do di truyền chứ không phải vì stress, và thay vì làm suy yếu khả năng đánh giá cầu thủ, thì trên thực tế, nó đã cản trở khả năng làm việc ở cường độ như trước. Ví dụ, ông đã phải nghỉ ngơi ở nhà nhiều hơn kể từ sau ca phẫu thuật, đồng nghĩa với việc sẽ có ít chuyến đi ra nước ngoài hơn để trinh sát các cầu thủ, hệ quả là sẽ có những bản hợp đồng được thực hiện dựa trên sự tin tưởng hơn là đã qua thẩm định kỹ lưỡng, và điều này dẫn đến việc những cầu thủ như Diouf, Diao và Cheyrou cập bến Anfield.

Lời khẳng định đó có thể đúng nhưng, như một câu sáo ngữ đã rất nổi tiếng, bóng đá luôn là một ngành mà thứ được đặt lên trên hết chính là những kết quả và sau biến cố kia, những kết quả mà Houllier dẫn dắt Liverpool đạt được chỉ đơn giản là không đủ tốt, cả ở đấu trường quốc nội và quốc ngoại, khi Liverpool bị loại khỏi Champions League 2002/2003 ở vòng bảng sau trận hòa 3-3 với đội bóng Thụy Sĩ Basel. Nhà cầm quân người Pháp dường như cũng cảm thấy áp lực, ông liên tục đả kích những lời chỉ trích hướng đến bản thân và biện minh cho các phương pháp của mình bằng những cách cư xử sai lầm nhất. 
SỰ THỪA NHẬN

Sự ra đi của Houllier là điều không thể tránh khỏi và một kỷ nguyên mới được mở ra: Kỷ nguyên Rafa Benitez. Chẳng bao lâu nữa, các cổ động viên Liverpool sẽ được ăn mừng phép màu tại Istanbul và một danh mục dài những sự kiện đáng tự hào tại đấu trường châu Âu. Juventus, Chelsea, Barcelona, Inter, Real Madrid. Những câu chuyện sẽ được kể đi kể lại cho đến muôn đời sau. 
Benitez dĩ nhiên xứng đáng được các cổ động viên Liverpool tôn kính vì những gì ông đã giúp họ đạt được trong 6 năm cầm quyền, nhưng điều đó cũng đặt ra câu hỏi rằng tại sao Houllier không nhận được sự tôn trọng tương tự sau những gì ông đã làm trong xuyên suốt khoảng thời gian gắn bó với câu lạc bộ vùng Merseyside. Sự thiếu vắng tình cảm dành cho nhà cầm quân người Pháp tại Anfield là rất rõ ràng. Tên của ông rất hiếm khi được nhắc đến chứ đừng nói đến việc được ca hát, đồng thời, gương mặt ông cũng chẳng bao giờ được nhìn thấy ở bất cứ đâu trong rất nhiều những tấm banner và các lá cờ tô điểm cho The Kop. 
Một phần, nguyên nhân có thể là vì Houllier chưa bao giờ dẫn dắt Liverpool của ông giành được một trong hai danh hiệu thực sự quan trọng đối với các Kopites – chức vô địch quốc gia và Chức vô địch châu Âu – và cũng có thể là vì cách mà triều đại của ông kết thúc. Nó thậm chí cũng có thể có liên quan đến mối quan hệ của Houllier và Fowler, thứ đã tồi tệ đến mức các cổ động viên Liverpool cảm thấy rằng cầu thủ mà họ tôn sùng là “God” đã bị ép rời khỏi câu lạc bộ và gia nhập Leeds vào tháng 11 năm 2001. Mặc dù vậy, sau gần 16 năm kể từ ngày Houllier chia tay Liverpool, không một ai có thể phủ nhận sự thật rằng những thành tựu của ông khi còn dẫn dắt đội bóng này là đáng được xem trọng. 
Thực sự chẳng còn một từ ngữ nào khác ngoài “đại khủng hoảng” để nói về tình trạng của Liverpool vào cuối những năm 1990, và nó đã được tóm gọn lại một cách hoàn hảo trong cái đêm ảm đạm của tháng 11 năm 1998 tại một Anfield vắng vẻ. Houllier đã đảo ngược tình thế, vực dậy câu lạc bộ vùng Merseyside nhờ sự thông minh, bản năng và tài năng của mình, bên cạnh đó, thứ đáng tôn vinh không chỉ là những thành tựu ông đạt được cùng The Reds, mà còn có những gì ông để lại cho họ. Steven Gerrard, với tư cách là một người học trò cũ, vô cùng biết ơn một Gérard Houllier đã luôn ở bên cạnh, nhiệt tình hỗ trợ anh trong những năm tháng tạo dựng sự nghiệp, danh tiếng tại Liverpool, và mô tả nhà cầm quân người Pháp mang “hình ảnh của một người cha”. 

“Các cổ động viên không thực sự đánh giá đúng mức những gì Gérard đã làm cho câu lạc bộ này,” Thompson chia sẻ.

“Ông ấy đã làm việc không biết mệt mỏi, nỗ lực tái thiết đội bóng. Trên tất cả, đừng bao giờ quên rằng ông ấy gần như đã hy sinh mạng sống của mình để giúp Liverpool vĩ đại trở lại.”
Nguồn: Lược dịch từ bài viết “Gérard Houllier: the man who helped to make Liverpool great again” của tác giả Sachin Nakrani, đăng tải trên The Guardian.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.