Gérard Houllier: Người đàn ông đưa Liverpool vĩ đại trở lại (P1)

Tác giả Nam Khánh - Thứ Tư 16/12/2020 16:22(GMT+7)

Zalo

Vị danh nhân người Pháp đã có những ảnh hưởng sâu sắc đến Liverpool và xứng đáng được các tín đồ của đội chủ sân Anfield tôn thờ nhiều hơn.

Gérard Houllier Người đàn ông đưa Liverpool vĩ đại trở lại hình ảnh
 
LỜI DẪN

Theo dõi bóng đá qua radio là một sự lựa chọn tệ hại. Sẽ có những người không đồng ý với quan điểm này – họ tự gọi bản thân là “những người theo chủ nghĩa thuần túy” – nhưng việc lắng nghe những bình luận, ngay cả khi chúng được thực hiện một cách sống động nhất, mà không có hình ảnh kèm theo sẽ dẫn đến một màn sương mù dày đặc của sự không rõ ràng và không chắc chắn. Những cơ hội mà đội bóng đối phương có được sẽ mang đến một cảm giác nguy hiểm hơn rất nhiều so với thực tế, trong khi những cơ hội của đội bóng mà bạn cổ vũ lại mang đến cảm giác chúng không bao giờ có khả năng thành bàn cao.
 
Nhưng đôi khi radio là cách duy nhất để theo dõi bóng đá, và đôi khi nó có thể cung cấp một bức tranh toàn cảnh. Đó chính là trải nghiệm của tôi vào tối thứ Ba, ngày 10 tháng 11 năm 1998. Vào thời điểm đó, tôi (tác giả) 17 tuổi, là một fan cuồng của Liverpool và ở một mình trong phòng ngủ, chăm chú lắng nghe cuộc đối đầu giữa đội bóng của mình và Tottenham tại League Cup trên một đầu đĩa CD tình cờ có đài AM. Việc theo dõi một trận đấu trong điều kiện âm thanh khó nghe và không có hình ảnh chắc chắn là rất khó chịu, nhưng tôi đã hiểu được tất cả mọi thứ về trận đấu. Điều quan trọng nhất, tôi cũng cảm nhận được nó. Nó mang đến cảm giác như một sự kết thúc.
 
Trước khi bước vào cuộc đối đầu này, Liverpool đã trải qua 3 trận không thắng, 2 trong số đó là những thất bại ở Premier League. Họ cũng đã thi đấu cực kỳ kém cỏi – đây là tình trạng đã diễn ra trong một thời gian dài – và các cổ động viên – những người luôn vô cùng tự hào về lòng trung thành và ý chí, niềm tin đầy mạnh mẽ trong những nghịch cảnh – cũng đã bắt đầu nản lòng. Chỉ có một đám đông 20.772 cổ động viên có mặt tại Anfield vào đêm hôm đó và họ thực sự là những người kém may mắn khi phải tiếp tục chứng kiến Liverpool thất bại với tỷ số 3-1. Đó là một màn trình diễn thảm hại diễn ra trong sự im lặng đầy kỳ lạ, cũng như thể hiện rõ nỗi tuyệt vọng.
 
Và đó thực sự là một sự kết thúc – sự kết thúc của triều đại ngắn ngủi mà Liverpool được dẫn dắt bởi 2 HLV Roy Evans - Gérard Houllier. Triều đại này bắt đầu vào mùa hè năm ấy sau 4 năm 10 tháng CLB dưới quyền của Evans. 
 
Ông đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình, hồi sinh lại cảm giác tự hào và sự quyến rũ cho câu lạc bộ sau khoảng thời gian đầy rắc rối của thời Graeme Souness. Những cầu thủ “cây nhà lá vườn” như Robbie Fowler và Steve McManaman đã nở rộ khi được “chắp cánh” bởi một người đàn ông đã xây dựng được một chỗ đứng vững chắc trong “boot room” của Liverpool và đội bóng đã đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, họ chỉ giành được duy nhất một danh hiệu – League Cup 1995.
 
Họ cũng đã góp mặt trong cuộc đua tranh chức vô địch bóng đá Anh, nhưng cuối cùng, Evans đã không một lần chạm đến được giấc mơ đó; Liverpool đã đến gần, nhưng chưa bao giờ đủ gần và vào cuối triều đại của nhà cầm quân này, The Reds đã sa sút đến mức chiếc ngôi vương nước Anh đã trở thành một mục tiêu bất khả thi. Một tên tuổi hùng mạnh một thời đang rơi xuống một vực thẳm của sự tầm thường – liên tục chật vật ở khu vực giữa bảng xếp hạng và đau khổ với cơn khát danh hiệu – và, chính vì vậy, sự thay đổi là việc bắt buộc phải diễn ra. Houllier đã đến trong hoàn cảnh đó, ban đầu là để làm “đồng huấn luyện viên trưởng” với Evans. Nhưng cấu trúc này đã không mang lại hiệu quả và sau thất bại trước Spurs, Evans là người phải ra đi.

Gérard Houllier Người đàn ông đưa Liverpool vĩ đại trở lại hình ảnh
Gérard Houllier và Roy Evans
NHỮNG NGÀY THÁNG KHỞI ĐẦU
 
Trận đấu đầu tiên của Houllier trên cương vị huấn luyện viên trưởng duy nhất diễn ra vào thứ Bảy tuần đó và một lần nữa nó đã kết thúc với một thất bại 3-1 ngay trên sân nhà, lần này là trước Leeds. Anfield đã hoàn toàn chật cứng vào ngày hôm đó, và sẽ rất dễ hiểu nếu những người đến sân theo dõi trực tiếp trận đấu này nghĩ rằng sẽ chẳng có gì thay đổi cả. Nhưng sự thay đổi sẽ thực sự diễn ra. Vì nhân vật đảm nhận vai trò thuyền trưởng là một người Pháp mang tinh thần cách mạng đầy mạnh mẽ và ông sẽ “giải cứu” Liverpool Football Club.
 
Khẳng định như vậy nghe có vẻ như một sự cường điệu hóa quá mức, nhưng bằng chứng là rất rõ ràng. Trong 5 mùa giải trọn vẹn khi Houllier nắm quyền huấn luyện viên trưởng duy nhất, Liverpool đã giành được 5 chiếc cúp bạc trọng đại, với 3 trong số đó đã tạo nên một cú ăn ba đáng tán dương của mùa giải 2000/2001, một chiến dịch mà câu lạc bộ này cũng đã thành công trong việc giành được tấm vé trở lại với đấu trường danh giá nhất châu Âu, Champions League. Mùa giải tiếp theo cũng đã diễn ra một cách đầy ấn tượng, Liverpool kết thúc ở vị trí thứ 2 với tổng số điểm 80, đây là thành tích cao nhất của đội chủ sân Anfield trong kỷ nguyên Premier League và là một con số đủ để giành chức vô địch bóng đá Anh đến 4 trong 5 mùa giải trước đó.
 
Liverpool đã hồi sinh lại hình ảnh của một thế lực hùng mạnh, ở cả trong và ngoài nước, và dù cho cuối cùng triều đại của Houllier tại The Reds đã kết thúc trong sự hỗn loạn và tiếc nuối, đồng thời không giành được chức vô địch quốc gia nào, nhưng những ảnh hưởng của ông là cực kỳ sâu sắc, ở cả trong và ngoài sân cỏ. Nhà cầm quân người Pháp không chỉ đơn thuần là giúp Liverpool trở lại là một cỗ máy chiến thắng, ông đã làm điều đó với một đội ngũ mà thông qua việc luyện tập và rèn luyện tinh thần, cuối cùng đã thực sự bước vào kỷ nguyên hiện đại của thế giới bóng đá. Hơn thế nữa, nhà cầm quân người Pháp còn mang đến một lứa cầu thủ cốt cán mà sau khi ông ra đi sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Gérard Houllier Người đàn ông đưa Liverpool vĩ đại trở lại hình ảnh
 
Một số người sẽ gọi đó là một di sản, và vào những ngày tháng ấy, một trong những câu chuyện có thể khơi gợi nên nỗi xúc động thực sự mãnh liệt là việc Houllier đã từng suýt chết trên cuộc hành trình đưa Liverpool vĩ đại trở lại. Câu chuyện tuy đã vô cùng nổi tiếng, nhưng vẫn được kể đi kể lại vô số lần: Vào thời gian nghỉ giữa hiệp của một trận đấu với Leeds tại Premier League vào tháng 10 năm 2001, vị thuyền trưởng của Liverpool đã bị bóc tách động mạnh chủ, sau đó buộc phải trải qua một ca phẫu thuật bắc cầu khẩn cấp kéo dài hơn 11 tiếng. Ông sẽ không thể vượt qua được biến cố này nếu không nhờ một loạt những tình huống may mắn, và sau đó quay trở lại với công việc rất sớm – điều mà ông đã làm được bằng ý thức trách nhiệm, động lực và niềm đam mê.
 
Đó là một khía cạnh hấp dẫn khác của câu chuyện – việc dẫn dắt Liverpool đối với Houllier không chỉ đơn thuần là một nhiệm vụ. Vào cuối những năm 1960, ông đã chuyển đến thành phố này để làm việc trong vai trò một trợ giảng tại Alsop Comprehensive, một trường chuyên trước đây nằm cách Anfield chưa đến 2 dặm. Houllier yêu môi trường xung quanh mình và, với niềm đam mê mãnh liệt dành cho môn thể thao vua, không có gì lạ khi ông bị thu hút bởi đội bóng địa phương thi đấu trong màu áo đỏ. Liverpool của Bill Shankly đang thể hiện hình ảnh của một đội bóng đầy hùng mạnh và Houllier đã hoàn toàn bị lôi cuốn bởi “ngọn lửa” luôn bùng cháy hừng hực của họ, đặc biệt là vào cái đêm mà ông đứng trên The Kop và chứng kiến đội chủ nhà hủy diệt Dundalk với tỷ số 10-0 trong một trận đấu thuộc UEFA Cup.
 
Sau này, Houllier đã trở về Pháp, nơi mà ông đã chuyển từ nghề giáo viên sang huấn luyện viên bóng đá và đạt được những thành tựu cực kỳ đáng nể, với đỉnh cao là chức vô địch Ligue 1 giành được cùng Paris Saint-Germain vào năm 1986. Vào mùa hè năm 1997, Houllier đã được Peter Robinson, giám đốc điều hành của Liverpool, hỏi rằng liệu ông có muốn quay trở lại với thành phố này để trực tiếp dẫn dắt câu lạc bộ mà mình đã từng dõi theo và vẫn còn rất yêu mến, hay không.
 
Houllier đã từ chối lời mời đó để tập trung vào nhiệm vụ "cầm trịch" cuộc hành trình hướng đến chức vô địch World Cup 1998 của đội tuyển Pháp trong vai trò giám đốc kỹ thuật của Liên Đoàn bóng đá Pháp (French Football Federation), nhưng sau đó, khi mục tiêu này đã được hoàn tất và hợp đồng với FFF cũng hết hạn, ông đã quyết định rằng đã đến lúc để đảm nhận công việc trong mơ của mình, làm điều này khi Evans vẫn còn đang nắm quyền ở Liverpool. Đó là một trạng thái đầy kỳ lạ - vị huấn luyện viên trưởng người nước ngoài đầu tiên của The Reds làm việc trong tư cách đồng huấn luyện viên trưởng với một người đã đảm nhận vị trí này được một thời gian. Cả hai người họ đều khẳng định rằng cấu trúc đó sẽ hoạt động hiệu quả; nhưng trong thâm tâm, chắc chắn cả hai đều nhận thức được rằng điều đó là bất khả thi.
 
Các đường dây liên lạc rõ ràng là một vấn đề - các cầu thủ chẳng biết mình phải nói chuyện với ai và ai là người thực sự nắm quyền lực. Cách tiếp cận của họ cũng là một vấn đề. Evans là một nhà cầm quân theo trường phái cũ, tin tưởng rằng các cầu thủ sẽ tự giác điều chỉnh chế độ ăn uống và rèn luyện thể lực của riêng họ, điều đó có nghĩa là ngay cả trong những năm 1990, thời kỳ mà bóng đá Anh đang trải qua những thay đổi sâu sắc, tại câu lạc bộ thành công nhất đất nước vẫn có những cầu thủ xơi các loại đậu và xúc xích với bánh mì nướng như một bữa ăn trước trận đấu và tự ý bỏ qua các buổi tập gym nếu họ thấy thích. Biệt danh “Spice Boy” có thể là một sự cường điệu hoá, nhưng nó cũng không hề quá sai lệch so với sự thật.
 
Thật vậy, đó cũng chính là lý do vì sao Houllier được đưa về Liverpool. Robinson không chỉ đánh giá cao khả năng huấn luyện của ông, mà còn cả khả năng duy trì kỷ luật và đảm bảo sự chuyên nghiệp trong cách vận hành của một câu lạc bộ. Ban lãnh đạo câu lạc bộ đã hy vọng rằng Liverpool sẽ đạt được những yếu tố đó bên cạnh sự hiện diện của Evans – một người "đầy tớ” cực kỳ nổi tiếng và trung thành đã có 35 năm cống hiến cho The Reds – cùng chia sẻ chiếc ghế thuyền trưởng. Nhưng cuối cùng, một cuộc chia tay là điều bắt buộc phải diễn ra. “Nếu tôi muốn tiếp tục ở lại thì chuyện đó sẽ rất dễ dàng thôi, nhưng để cho Gérard và đội bóng của ông ấy có một cơ hội tiến bước, tôi cần phải ra đi,” Evans rơm rớm nước mắt chia sẻ trong cuộc họp báo được tổ chức để thông báo về sự ra đi của ông. “Tôi không muốn trở thành một hồn ma ám ảnh, kiềm hãm đội bóng.”
 
Phong cách của Houllier khác với Evans, cũng như ballet và jazz vậy, nhưng điều đó không có nghĩa là ông sẽ hùng hổ đá tung cánh cửa trung tâm tập luyện Melwood của Liverpool vào ngày đầu tiên trở thành huấn luyện viên trưởng duy nhất và yêu cầu mọi người thực hiện 20 lần chống đẩy ngay tại chỗ. Với tư cách là một cựu giáo viên, hiểu biết rất rõ về cách làm việc với một nhóm thanh niên, có thể Houllier cũng muốn làm điều đó, nhưng ông nhận thức được rằng việc thực hiện những sự thay đổi một cách quá dồn dập và quyết liệt có thể sẽ làm tổn hại đáng kể đến quyền lực của mình, tương tự như tình cảnh mà Souness đã gặp phải vào đầu thập kỷ. Chính vì vậy, thay vào đó, ông đã hành động một cách chậm rãi, từ từ. Không có một cuộc “Cách Mạng Pháp” nào diễn ra tại câu lạc bộ cả.
 
Sau khi đưa cựu đội trưởng của Liverpool, Phil Thompson, về làm trợ lý cho mình, Houllier về cơ bản đã sử dụng phần còn lại của mùa giải 1998/1999 như một cuộc chiêm nghiệm, quan sát những gì đang hoạt động tốt và, quan trọng hơn, những gì cần phải thay đổi. Sau đó, khoảng thời gian nhìn nhận này đã dẫn đến những cuộc “đại tu” về chế độ dinh dưỡng và rèn luyện thể lực, những buổi tập đã trở nên tập trung hơn vào các chiến thuật và khâu phòng ngự, cũng như thực hiện một cuộc “dọn dẹp” đội ngũ.
 
Sau khi mùa giải năm đó kết thúc – một chiến dịch mà Liverpool kết thúc ở vị trí thứ bảy và kém nhà vô địch Manchester United đến 25 điểm – đã có một loạt cầu thủ phải rời khỏi đội chủ sân Anfield, đáng chú ý nhất chính là đội trưởng Paul Ince. Trong cuốn sách Ring of Fire của tác giả Simon Hughes, Houllier đã khẳng định rằng ông rất thích Ince và công nhận chàng trai này là “một cầu thủ tuyệt vời”, nhưng qua những quan sát ban đầu đó, ông cũng nhận ra rằng tay “guv'nor” tự xưng này là một sự hiện diện quá hống hách trong phòng thay đồ và đồng thời đã tổ chức quá nhiều buổi đi chơi đêm. Kết luận cuối cùng được rút ra là Ince phải ra đi, và anh đã gia nhập Middlesbrough với giá 1 triệu bảng vào tháng 7 năm 1999.

Ngoài ra, còn có rất nhiều tên tuổi đình đám khác bị bán đi, bao gồm David James, Oyvind Leonhardsen và Bjørn Tore Kvarme, còn McManaman đã ra đi theo dạng chuyển nhượng tự do sau khi ký hợp đồng với Real Madrid vào tháng Giêng trước đó. Sự ra đi của tiền vệ này, không giống như những người khác, là một tổn thất lớn, nhưng đó cũng là một dấu hiệu nữa cho thấy Liverpool đang “bước tiếp”.

(còn nữa)
Nguồn: Lược dịch từ bài viết “Gérard Houllier: the man who helped to make Liverpool great again” của tác giả Sachin Nakrani, đăng tải trên The Guardian.
 

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Rodri: "Có nhiều thứ bạn sẽ không thể học được qua trường lớp mà phải tự chiêm nghiệm theo thời gian"

Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.

Nghịch lý Vinícius Júnior

Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.

Luis Nani: Cuộc đời xoay trong những điệu santo

Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.

Ruben Amorim: "Tôi sẽ làm tất cả để đưa Man Utd trở về vị thế của mình"

Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.

X
top-arrow