Gary Neville: Trái tim Quỷ Đỏ

Tác giả Hải Thượng - Thứ Sáu 24/08/2018 15:30(GMT+7)

Suốt trận đấu, bọn chúng (fan Liverpool) liên tục hát những câu từ thô tục hướng về tôi và mẹ. Phút 89 tỉ số vẫn là 0-0, chúng tôi hưởng cú đá phạt ngay bên ngoài vòng cấm Liverpool. Sức ép trên khán đài Old Trafford vượt hai chữ “khủng khiếp”, tôi chỉ còn đủ tỉnh táo nhận ra dáng đi của Ryan Giggs tiến đến điểm đá phạt…

Gary Neville: Trái tim Quỷ Đỏ
Đối đầu Liverpool là một trải nghiệm có một không hai, khi mức độ căng thẳng được đẩy lên tối đa, điều này không giống cảm giác đối mặt những Arsenal, Chelsea và Manchester City. Chỉ những người mạnh mẽ nhất mới có thể đứng vững qua trận đấu. Nói không ngoa, sự ám ảnh từ cái tên Liverpool đeo đuổi tôi suốt hai tuần trước trận đấu, và tôi không thể nghĩ gì khác trừ việc đánh bại những kẻ to mồm đó. 
 
Chiến thắng Liverpool là điều tuyệt vời nhất trong sự nghiệp bản thân, tôi sẽ dành cả ngày cười vào mặt chúng.
 
Bại trận ư? Bỏ đi, cảm giác đó khốn nạn lắm.
 
Quay về trận đấu, Giggsy đứng trước bóng, cậu ta đó rót bóng vào thẳng vòng cấm. Rio Ferdinand bật cao hơn tất cả, đánh đầu găm bóng vào lưới bọn chúng. Cầu trường như nổ tung. Mọi người phát điên. Tôi, với lòng căm thù Liverpool ăn sâu vào máu, nhìn thẳng vào đám cổ động viên ngồi thất thần đằng xa. Tôi biết mình phải làm gì…
 
Như một con thú mất trí, tôi lao thẳng về phía đó.
 
“Tao đến với bọn mày đây!”
 
Chạy như điên gần 60 mét đến khán đài đội khách. Chà chà! Nhìn gương mặt của lũ thua cuộc kìa, nhìn những người vừa hát hò 89 phút kìa. Lướt mắt qua từng người một, không ai dám lên tiếng, im lặng, im lặng tuyệt đối. Đúng, chính thứ cảm giác đó, hạ nhục Liverpool và đẩy cảm giác của chúng xuống tận cùng thất vọng. 
 
Sau đó tôi bị FA phạt 5000 Bảng. Thật lòng mà nói, tôi sẵn sàng làm lại điều đó một trăm lần nữa. À, trước đó, vài thanh niên nghiêm túc cho rằng hành động đó không phù hợp với một gã tuổi băm như tôi. Họ nói đúng đấy, tuy nhiên bóng đá mà. Cho dù bạn là ai, bước vào trận đấu, bạn sẽ trở thành một đứa trẻ, hồn nhiên và hiếu thắng. Đó chẳng phải giấc mơ từ thuở bé của chúng ta sao?
 
 
Khi mới năm tuổi, tôi hay cùng bố đi dọc cao tốc M60 đến sân Old Trafford dạo chơi. Lúc đó tôi làm gì biết đường, cứ chọn một địa danh làm mốc thôi. Mỗi lần đến cầu Barton, tôi biết chỉ còn cách Old Trafford mười phút lái xe.
 
Chúng ta sắp đến rồi phải không bố? 
 
Tôi hỏi ông trong vô thức, khi tâm trí bận bay theo những thứ trôi qua khung cửa ô tô. Chúng tôi đều đến đó mỗi sáng thứ Bảy. Như thường lệ, bố gửi xe và đến cửa hàng Marina’s Grill thưởng thức bánh nước và snack. 
 
Thật lòng tôi không phải một gã hoài cổ, song ước gì tôi có thể quay lại khoảng thời gian đó. Tôi nhớ cảm giác cùng bố đến sân, nhớ cảm giác đứng trước quầy soát vé cùng hàng nghìn cổ động viên United…
 
Bố tôi yêu bóng đá, song ông “tôn thờ” bia bọt, vì thế sau này tôi thường đi một mình và để ông ấy ở lại “cò cưa” với chiến hữu. Lần đầu đến sân mà không có ông đi cùng, tôi có nhiều thời gian nhìn ngắm khán đài K và đi một mạch lên hàng ghế cao nhất. Một Old Trafford hùng vĩ hiện ra với vẻ đẹp thơ mộng tạo nên từ sắc đỏ-trắng trên khán đài. Hơn một lần tôi đến sân sớm nhất, ngồi lặng nhìn thảm cỏ xanh và chờ đến khi sân vận động kín chỗ. Old Trafford trong tiềm thức của tôi là thế: xanh-đỏ-trắng hòa quyện, cổ động viên cuồng nhiệt, và có món xúc xích ngon hết sẩy.

  

À, tất nhiên, với một đứa bé, tôi nào biết hâm mộ một đội bóng là gì, tôi bị ảnh hưởng bởi cha thôi. Ơn trời ông ấy không phải fan của Manchester City.
  
Quay về United, vào những năm ’80, bóng đá Anh bị cai trị bởi đế chế Liverpool. Ngày ấy khi học ở Bury, lũ bạn cùng trường đều là fan Liverpool, và tôi…cạch mặt bọn chúng luôn. Tuy Bury gần Manchester hơn Merseyside, nhưng trẻ con mà, ai chẳng muốn mang mác “fan chân chính” của đội bóng mạnh nhất. Hiện tại cũng không khác gì, tôi thấy hàng tá cậu nhóc miền Bắc hâm mộ Chelsea (miền Nam) đấy thôi.
 
Khoảng 1985, Sân trường tiểu học Chantlers trở thành bãi chiến trường của cuộc “khẩu chiến” giữa tôi và đám cổ động viên Liverpool. 
 
- Sân vận động của chúng tao (Old Trafford) to hơn!
-United của mày chỉ là thứ về hạng 11
-Chúng tao có Bryan Robson
-Nhưng chúng tao có cup!
 
Thế đấy, tôi chả ngán thằng nào cả, tôi sẵn sàng bỏ ra bốn giờ đồng hồ gân cổ lên bảo vệ cho United. Thú vị thay, khi già đi, những cuộc khẩu chiến trên sân trường kết thúc. Giờ tôi lại “ăn thua đủ” với…Jamie Carragher trên truyền hình, một gã Liverpool đáng ghét.
  
Jamie Carragher và Gary Neville

Trong sự nghiệp, lần đầu đặt chân đến Anfield với tư cách cầu thủ United khiến tôi nhớ mãi. Băng qua đại lộ M62 đến Merseyside, khi xe bus của đội đột nhiên chậm lại và tấp vào lề, chúng tôi biết, đã đến sào huyệt của kẻ thù. Chiếc xe dần giảm tốc trên con đường chật hẹp bao quanh bởi hàng trăm căn nhà gạch kiểu cổ, sự ngột ngạt đạt đến đỉnh điểm khi cửa xe bắt đầu mở…
 
Đi dọc đường pitch, thảm cỏ xanh không khác gì ở Old Trafford. Song thay cho sự hiện diện của fan United là hàng chục ngàn cổ động viên đối phương, họ sẵn sàng lăng mạ chúng tôi suốt hơn hai tiếng đồng hồ hiện diện trên sân.
 
Tôi muốn một lần nữa trải nghiệm thứ cảm xúc ở đó.
 
Tôi từng căm thù Liverpool tận xương tủy, nhưng công việc khiến sự việc trở nên bớt gai góc hơn. Đương nhiên tôi vẫn ghét Liverpool, theo một cách khó diễn giải cụ thể.
 
Thỉnh thoảng vẫn có người hỏi tôi về màn ăn mừng khiêu khích fan Liverpool vào năm 2006. Xin nhấn mạnh, không bao giờ hối hận!
  

Bóng đá là cảm xúc, là niềm vui, sự thất vọng, căng thẳng, thù địch…mọi thứ dồn nén hết vào 90 phút bóng lăn mỗi cuối tuần. Chơi bóng đá giống như đi tàu lượn siêu tốc vậy, sẽ chẳng có thứ gì trong đời mang đến một lần nhiều cảm xúc đến thế.
 
Tôi sẽ cho các bạn một minh chứng.
 
Khi Manchester United đoạt cú ăn ba năm 1999, tôi chứng kiến nhiều cảnh tượng có-một-không-hai trong đời. Vào lúc cả đội diễu hành trên xe bus đi ngang Deansgate, tôi bắt gặp một người đàn ông khóc nức nở trong đám đông, anh ta nhìn bọn tôi, la hét điên cuồng đến mức lộ rõ từng mạch máu trên cổ. 
 
Anh ta cũng cỡ tuổi tôi khi đó, có thể cũng từng là một cậu nhóc tội nghiệp bị đám fan nhí Liverpool trêu chọc tại trường, có thể chúng tôi có cùng nỗi ám ảnh về kỷ nguyên của Kenny Dalglish và phòng truyền thống đầy danh hiệu của Liverpool. Nhưng hãy dẹp Liverpool sang một bên, thời điểm này, chúng tôi là một, chúng tôi là United. Nỗi đau và nhục nhã trong quá khứ là thứ gia vị hoàn hảo cho thành công hiện tại. 
 
Tôi vẫn còn nghẹn lại khi nghĩ đến cảnh tượng đó, rồi chúng tôi liệu còn tận hưởng điều đó lần nào nữa không?!
 
Những hình ảnh kịch tính mỗi khi Man Utd đối đầu với Liverpool
Manchester United và Liverpool thiết lập mối quan hệ thù địch từ năm 1894. Thú thật, tôi mong chờ hai đội vẫn giữ sự máu lửa trong những lần gặp mặt sau này. Nếu cầu thủ của họ ghi bàn, tôi muốn thấy cậu ta lao lên khán đài Liverpool ăn mừng, cùng với trò chạy nhảy điên loạn của Jurgen Klopp. Thật đấy, cảm xúc tỉ lệ thuận với tính chất trận đấu, nếu hai đội không hạ nhục nhau một cách “dã man” thì người xem sẽ chán lắm.
Là một phần của United, dĩ nhiên tôi từng nhiều lần trở thành “nạn nhân” của Liverpool cả trong và ngoài sân cỏ. Họ hất cẳng chúng tôi khỏi FA Cup bốn tuần sau màn ăn mừng đó. Một lần thì fan Liverpool lật ngửa xe tôi lên. Tệ nhất là việc Carragher vẫn “đeo bám” tôi sau khi cả hai giải nghệ.
 
Tuy vậy có một chuyện đến giờ vẫn còn là ẩn số.
 
Từng xuất hiện câu chuyện về hai anh em thợ xây (fan Liverpool) khi thi công nhà cho tôi đã bí mật chôn khăn choàng Liverpool xuống nền bể bơi. Xin khẳng định điều này không có thật, chính tôi cũng không tìm ra chứng cứ nào.
 
Tôi không còn ở căn nhà đó nữa. Song tôi thề sẽ ghi vào di chúc nếu chủ sau này của căn nhà tìm được cái khăn choàng khốn kiếp đó, họ phải thực hiện ý nguyện của tôi.
 
Đốt quách nó đi!

Lược dịch từ Players Tribune


Hải Thượng (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Ruben Amorim: "Tôi sẽ làm tất cả để đưa Man Utd trở về vị thế của mình"

Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.

Rodri: “Quả bóng Vàng không làm thay đổi con người tôi”

Gặp chấn thương phải nghỉ thi đấu dài hạn, Rodri, chủ nhân của Quả bóng Vàng 2024, đã mời tạp chí France Football đến nhà riêng ở Madrid để chia sẻ những cảm xúc của anh về buổi lễ trao giải Ballon d’Or, những lời khen mà anh nhận được và về giải thưởng mà một cá nhân chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự hiếm hoi lắm mới nhận được.

Philipp Lahm: Từ phút ngắn ngủi tại Olympiastadion đến huyền thoại bóng đá Đức

Là cựu đội trưởng của cả Bayern Munich và đội tuyển Đức, Philipp Lahm có thể nói đã có một sự nghiệp thi đấu vô cùng thành công. Trong bài viết này, chúng ta sẽ được trở về với những kỷ niệm để tôn vinh nhà vô địch Champions League, World Cup và đã tham gia sâu vào kế hoạch tổ chức UEFA Euro 2024 của Đức.

Liệu Liverpool đã sẵn sàng để buông tay với Mohamed Salah?

Trong chưa đầy 2 tháng nữa, Mohamed Salah sẽ có quyền ký vào một thoả thuận trước hợp đồng với một đội bóng nước ngoài. Và giờ là lúc chúng ta đặt ra câu hỏi: Liệu Liverpool đã sẵn sàng để chia tay vị "Vua Ai Cập" của họ hay chưa?