Gareth Southgate: Cuộc hành trình chưa kết thúc

Tác giả Phương GP - Thứ Bảy 14/07/2018 17:42(GMT+7)

Zalo
Anh đã thua trận. Những cái ôm, bắt tay chia vui, sớt buồn cũng đã được trao. Tất cả dần rời đi. Chỉ còn Southgate với...áo quần bảnh bao bước vào thảm cỏ xanh. Và trên các khán đài của những cổ động viên Anh, lời ca ca tụng ông vẫn còn vang mãi.
Gareth Southgate: Cuoc hanh trinh chua ket thuc
Gareth Southgate: Cuộc hành trình chưa kết thúc
Những điều đang diễn ra, hẳn từ ngày đầu, chính ông cũng không ngờ đến.
 
Cuối tháng 9 năm 2016, Gareth Southgate được đặt lên chiếc ghế huấn luyện viên trưởng tuyển Anh một cách vội vã. Người tiền nhiệm ông, Sam Allardyce bị cách chức ngay sau một trận dẫn dắt vì một vụ bê bối. Trước đó, Tam sư đã trải qua một mùa Euro khó có thể nói là thành công, họ đứng thứ hai bảng đấu sau Xứ Wales, và bị loại bởi cái tên bé nhỏ, Iceland.
 
Để rồi hai tháng sau, Southgate được ký hợp đồng chính thức với thời hạn bốn năm. Còn tuyển Anh băng băng đến Nga với thành tích bất bại ở vòng loại. Và không dừng lại ở đó. Trên đất Nga, tuyển Anh của ông đã làm được điều mà thế hệ của Sir Bobby Robson, Gary Lineker đã từng đạt được. Thành tích mà suốt 28 năm qua, bao thế hệ cầu thủ Anh đều không thể vươn tới: trận bán kết World Cup.
 
Hôm nay, tuyển Anh của Southgate đang chuẩn bị cho trận đấu cuối cùng trên đất Nga. Đáng tiếc, đây không phải là trận chung kết, mà là trận tranh hạng ba trước Bỉ. Tuy nhiên, nếu nhìn lại những gì mà Tam sư làm được trong gần một tháng qua, Southgate đã để lại dấu ấn nhiều hơn một cột mốc lịch sử.
 
ĐỘI HÌNH 3-5-2 CỦA SOUTHGATE
Harry Kane: Sat thu vo hinh1
Harry Kane: Sát thủ vô hình của tuyển Anh
3-5-2 không phải là một đội hình gì xa lạ, thậm chí nó còn là “mốt” của Premier League thời gian qua. Tuy nhiên, 3-5-2 của Southgate là một sự độc nhất, với những cải tiến ông sử dụng để phù hợp với những nhân tố trong tay.
 
Để tìm ra những cái mới của Southgate, chúng ta hãy so sánh với “chuyên gia” của sơ đồ ba hậu vệ, Antonio Conte. Chelsea của Conte mùa giải vừa qua không chỉ sử dụng thuần một 3-5-2, mà đó là sự kết hợp giữa 3-5-2 khi phòng thủ và 3-4-3 khi tấn công. Dù sao, trong bóng đá hiện đại luôn cần sự biến hoá nên việc kết hợp là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, cũng có vài mẫu số chung có thể chỉ ra.
 
Thứ nhất là ở vị trí trung phong, Conte luôn ưu tiên một trung phong thuần thi đấu cao nhất. Mặc dù Morata ở đầu mùa giải hay Giroud ở cuối mùa đều khá đa năng. Nhưng nhìn chung mọi đường bóng tấn công đều được ưu tiên cho hai cái tên này. Bên cạnh họ là sự hỗ trợ của “mũi khoan” lợi hại là Hazard.
 
Thứ hai là ở tuyến tiền vệ, Conte sử dụng một máy quét là Kante, một box-to-box là Bakayoko và một tiền vệ kiến thiết là Cecs Fabergas. Ba cái tên này thường ưu tiên giữ vững vị trí của mình nơi tuyến giữa, thay vì những tình huống đột phá.
 
Ở tuyển Anh năm nay, hai vị trí cao nhất cũng là một trung phong – Harry Kane, và một “”mũi khoan” – Raheem Sterling. Tuy nhiên hàng tiền vệ lại khác xa.
sterling
Raheem Sterling
Trong ba cái tên ở vòng tròn giữa sân, chỉ có Henderson là thuần vị trí tiền vệ trung tâm, còn hai cái tên Ligard và Dele Alli thường xuyên có xu hướng dâng cao. Và đây là nơi để Southgate thực sự sáng tạo.
 
Khi phòng thủ, ông tận dụng sức trẻ của Alli và Lingard để cùng Henderson quấy phá tuyến tiền vệ đối phương để đoạt bóng. Còn khi tấn công, Harry Kane thường sắm vai trò “chim mồi” hoặc chỉ đơn giản là luân chuyển bóng, để bộ ba Alli-Lingard-Sterling tận dụng khoảng trống, tạo thành tam giác phối hợp và ghi bàn. Một chiến thuật tấn công như con dao giấu trong tay áo, khiến đối phương khó lần được điểm kết thúc cho những pha triển khai.
 
Đáng tiếc, thành quả của chiến thuật này chỉ có bàn thắng của Dele Alli trong trận đấu của Thuỵ Điển. Sự vô duyên của các chân sút trẻ suốt cả giải đấu khiến cho dấu ấn này không được nổi bật. Thế nhưng, trong cái rủi có cái may, nhờ thế mà người hâm mộ nhìn ra một sự sáng tạo khác của Southgate. Đó là những tình huống phạt góc.
 
Khó có đội bóng nào ở kỳ World Cup này có nhiều bàn thắng từ phạt góc, và những quả phạt đền xuất phát từ phạt góc như tuyển Anh. Một cách dàn xếp khá...kỳ quặc khi các “cây sào” xếp thành hàng dọc ngay sát rìa vòng cấm, sau đó toả ra cố gắng tận dụng đường bóng từ đồng đội. Ấy thế mà nó lại cực kỳ hiệu quả. Đây cũng có thể là một ý đồ “giấu dao” như chiến thuật tấn công chăng?
 
Bên cạnh đó, việc sử dụng Kyle Walker cho một trong ba vị trí trung vệ cũng là khá hay. Tốc độ của anh là sự bổ trợ cần thiết cho hai đối tác John Stones và Harry Maguire. Anh là người phá bóng nhiều nhất trong trận bán kết. Tuy nhiên, kiếp cầu thủ phòng ngự, một pha hớ hênh cho Perisic ghi bàn đã khiến mọi công sức của anh đổ bể.

SẴN SÀNG CHO TUỔI TRẺ
 
Nhắc đến sơ đồ 3-5-2 của Southgate thì có một sự thật khá đặc biệt. Trong suốt chiến dịch vòng loại bất bại của mình, tuyển Anh chưa bao giờ ra sân với sơ đồ 3-5-2. Họ chủ yếu sử dụng 4-5-1. Tam sư chỉ thực sự áp dụng nó trong những trận giao hữu trong năm 2018. Chính việc thử nghiệm những nhân tố mới đã giúp Southgate mạnh tay áp dụng một sơ đồ mới. Và cả hai cái mới ấy đều đem lại thành công đến bất ngờ.
Kieran Trippier: Co mot Beckham moi trong nhung ngay He nuoc Nga
Kieran Trippier: Có một Beckham mới trong những ngày Hè nước Nga
Bộ ba Trippier-Maguire-Pickford hoàn toàn mới “toe” trong màu áo tuyển Anh. Trước tháng 10 năm ngoái, cả ba thậm chí còn chưa được khoác áo tuyển lần nào. Nhưng màn trình diễn của các chàng trai này thật là vượt quá sự mong đợi.
 
Sau bàn thắng từ quả sút phạt ở trận bán kết, Trippier đã được so sánh vui với David Beckham. Dĩ nhiên chỉ là một cách so sánh vui khi liên tưởng về cú ra chân đẹp mắt mà thôi, nhưng rõ ràng mùa hè này, những đường cong từ chiếc chân phải của chàng trai này đem lại khá nhiều cơ hội. Ai đó đã nói rằng, sơ đồ 3-5-2 giúp Southgate tận dụng được cả hai hậu vệ phải xuất sắc là Walker và Trippier, một nhận định khá chính xác.
 
Maguire như một toà tháp ở vòng cấm địa. Những tình huống không chiến đều được anh quán xuyến rất tốt. Và chàng trung vệ của Leicester City này cũng đã để lại dấu ấn với một bàn thắng ở World Cup, cú đánh đầu mở tỷ trong trận đấu với Thuỵ Điển.
 
Còn Pickford, anh đơn giản là cái tên nổi bật nhất trong cả ba. Thủ thành của Everton đã có một mùa hè gần như hoàn hảo. Phong thái máu lửa, la hét rất sung, nhưng rất bình tĩnh trong những tình huống ra vào. Bên cạnh đó là những pha phản xạ xuất sắc. Một thủ thành mà đã từ lâu bóng đá Anh chờ đợi. Một người gác đền đủ để đồng đội đặt niềm tin nơi chốt chặn cuối cùng.
Jordan Pickford: Tu san bong lay loi o Darlington den dinh cao World Cup1
Jordan Pickford: Từ sân bóng lầy lội ở Darlington đến đỉnh cao World Cup
Và ba cái tên ấy là đủ để đại diện cho một tập thể trẻ trung mà chính Southgate xây dựng. Có thể nguyên nhân dẫn đến một đội hình Anh ít tuổi đến thế đến với World Cup là vì khoảng trống thế hệ giữa lứa Gerrard-Lampard cho đến Harry Kane. Nhưng rõ ràng, việc sử dụng đội hình với nhiều cầu thủ dưới 25 tuổi để thi đấu ở World Cup là một quyết định táo bạo. Nhìn lại từ trước đến nay, có lẽ cũng ít người táo bạo như Southgate ở vị trí thuyền trưởng tuyển Anh.
 
VÀ MỘT TINH THẦN TRẺ
 
Niềm tin của khán giả về thứ bản lĩnh của các cầu thủ trẻ Anh nhanh chóng bị “đá bay” sau trận bán kết. Việc dễ dàng đánh mất thế trận và bị những “ông già kiệt sức” của bán đảo Balkan đánh bại đã nhanh chóng lột trần sự non nớt và thiếu kinh nghiệm của các cầu thủ, hay ngay cả vị huấn luyện viên. Tuy nhiên, chỉ vì như thế mà ta phủ sạch những thành quả của họ quả là hơi phũ phàng.
 
Vẫn còn đó loạt luân lưu xuất sắc khi Tam sư đối diện với Colombia. Việc Pickford đẩy được một lượt ngày hôm ấy không phải là nguyên nhân chính dẫn đến chiến thắng. Mà hãy nhìn vào cách những cầu thủ Anh thực hiện các quả sút. Những pha ra chân dứt khoát, bóng đi hiểm và trên khuôn mặt không một chút sợ sệt. Nếu các bạn lên Youtube và xem lại loạt luân lưu của 12 năm trước, khi nhìn vào khuôn mặt của những Gerrard, Lampard mới thấy được sự khác biệt là như thế nào.
 
Và không chỉ có bản lĩnh ấy, lứa tuyển Anh năm nay cho thấy sự đoàn kết. Một cầu thủ Manchester City bị phạm lỗi, thành viên khác thuộc Manchester United sẵn sàng lao vào bảo vệ. Một cầu thủ Liverpool sẵn sàng khoác vai ăn mừng với thành viên thuộc Everton. Hay ngay cả đội bóng gớp nhiều thành viên nhất trong tuyển là Tottenham, cái tên đã gây không ít thù oán cho những cầu thủ khác, vẫn hoà đồng với mọi đồng đội khác.
 
DT Anh
ĐT Anh buồn bã sau thất bại
Không còn những hình ảnh đem đến nghi ngờ về sự rạn nứt, Tam sư năm nay là một tập thể đúng nghĩa. Không có những ngôi sao đình đám, và tập thể ấy đã đi xa nhất trong 28 năm qua. 
 
Một cổ động viên Anh đã chia sẻ rằng câu “It’s coming home” ban đầu chỉ là một câu đùa, khi không ai dám trông mong vào lứa cầu thủ hiện tại. Để rồi nó trở thành một niềm tin nơi người hâm mộ xứ sương mù.
 
Và sau thất bại ở bán kết, nhiều dòng tri ân đã được gửi đến tuyển Anh. Có dòng đã viết mang đại ý rằng: cảm ơn đội tuyển năm nay đã mang đến trải nghiệm mà người hâm mộ chưa từng được trải qua.
 
Southgate Kane
Southgate và Kane
Một tuyển Anh mới, thực sự mới đã được khởi tạo.
 
Gareth Southgate có lẽ khó mà rời khỏi vị trí thuyền trưởng tuyển Anh sau World Cup năm nay. Và còn đó hai năm hợp đồng. Hành trình mà ông đang đi với tuyển Anh vẫn chưa chấm dứt. Phải không Southgate?

PHƯƠNG GP (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Jamal Musiala và giấc mơ từ những vũ điệu Latin

Cuộc phỏng vấn độc quyền trên tờ MARCA sẽ phần nào giúp những người hâm mộ hiểu rõ hơn về cuộc sống của Jamal Musiala cũng như lời hẹn ước chuyển tới La Liga chơi bóng trong tương lai không xa.

Nghịch lý Nicolas Jackson

“Hôm nay, Jackson vừa cầu thủ xuất sắc nhất vừa là cầu thủ tệ nhất trên sân - điều mà tôi chưa từng thấy trong bất kỳ trận đấu nào trước đây”, cựu danh thủ hiện đang làm việc tại Talksport - Stuart Pearce đã bình luận như thế về màn trình diễn của Nicolas Jackson trong thất bại 0-1 của Chelsea trước Man City ở bán kết FA Cup.

X
top-arrow