Gabriel Batistuta: Sư tử trung thành của La Viola

Tác giả KDNX - Thứ Ba 01/02/2022 11:00(GMT+7)

Zalo

Sư tử vốn là loài động vật không chịu khuất phục hay trung thành với bất cứ ai, đến mức loài động vật này từng được dùng để đặt tên cho ĐT Cameroon. Thế nhưng, trong bóng đá, lại có một con sư tử đã bày tỏ lòng trung thành của mình với một đội bóng, hay nói đúng hơn là một thành phố cho tới lúc giải nghệ. Con sư tử đó không ai khác chính là Gabriel Batistuta, biểu tượng một thời của bóng đá Argentina thời hậu Diego Maradona.

Gabriel Batistuta
 
Một ngày giữa tháng 5/2012, thành Manchester ngập tràn trong sắc xanh của Manchester City, đội bóng vừa lên ngôi Premier League sau trận thắng nghẹt thở trước Queens Park Rangers nhờ bàn thắng để đời của Sergio Aguero, huyền thoại của CLB. Trên xe buýt, các cầu thủ Manchester City đang giơ cao chiếc cúp Premier League danh giá như để chia vui cùng các CĐV Manchester City đang phấn khích bên dưới, những người đã chờ quá lâu rồi để được thấy đội nhà lại nâng cao danh hiệu đầy cao quý này.
 
Thế rồi, ống kính lia đến hình ảnh của Carlos Tevez, người lúc này đang giơ cao một tấm bìa các-tông với dòng chữ ghi bằng bút dạ đen trên đó: "R.I.P Fergie" (Yên nghỉ nhé Fergie-BTV), một dòng chữ như để nhạo báng ông thầy cũ, và giờ là đối thủ của anh ở Premier League. Đương nhiên, hình ảnh xấu xí này đã khiến Carlos Tevez từ chỗ chỉ "hơi bị ghét" bởi CĐV Man United trở thành kẻ thù đích thực của những người yêu mến nửa đỏ thành Manchester. Bởi lẽ, việc xúc phạm đến Sir Alex Ferguson, một biểu tượng đích thực của sân Old Trafford, chẳng khác nào xúc phạm đến danh dự và hình ảnh của CLB vốn được xem là lá cờ đầu của bóng đá Anh này.
 
Đã có nhiều ý kiến trái chiều về hành động của Carlos Tevez khi đó. Có người thì cho rằng hành động của anh thật khó có thể chấp nhận được khi đã xúc phạm vị HLV đã có công khai quật ra anh và đưa Carlos Tevez ra ánh sáng. Có người thì cho rằng cần phải thông cảm cho Carlos Tevez, bởi lẽ, anh có quyền cảm thấy tức giận khi đã không được Sir Alex Ferguson trọng dụng, thậm chí bị đẩy khỏi sân Old Trafford để tạo điều kiện cho Dimitar Berbatov, ngôi sao đang lên ở sân Old Trafford khi đó.
 
Dù là với lý do gì đi nữa, vụ việc Carlos Tevez giơ cao tấm bảng "trêu ngươi" Sir Alex Ferguson khi đó vẫn để lại một câu hỏi trong lòng người hâm mộ Premier League khi đó: liệu trên đời này có cầu thủ nào không hận thù với CLB mình yêu mến sau khi đã bị bán đi ? Câu trả lời cho câu hỏi này đó là: có. Thậm chí, người này đã bật khóc khi ghi bàn vào lưới đội bóng cũ sau khi nhận ra bàn thắng của mình đã khiến họ phải xuống hạng. Người đó không ai khác chính là Gabriel Batistuta, "vua sư tử" một thời của bóng đá Argentina.
 
Để có thể thấy được nỗi buồn khôn tả của "sư tử thành Firenze", chúng ta cần phải nghe qua những gì được miêu tả lại từ ngòi bút của tác giả Will Sharpe trên These Football Times về cái đêm định mệnh của Batistuta:  "Trong cái đêm anh làm tan nát bao con tim người Fiorrentina khi khoác lên mình màu áo bã trầu của Roma, con tim của cầu thủ người Argentina có lẽ cũng đã vỡ nát, vì dù hoàn thành nhiệm vụ và nghĩa vụ của mình, anh có lẽ chẳng bao giờ muốn ghi bàn vào lưới La Viola. Vì dù đã trở thành nhà vô địch ở Rome, Batistuta vẫn là huyền thoại ở thành Firenze"
 
Đau lòng là thế, nhưng Batistuta chưa bao giờ hối hận vì quyết định của mình. Cụ thể, trong một cuộc phỏng vấn cách đây 3 năm cho trang chủ của Serie A, Batistuta đã chia sẻ suy nghĩ của mình về cái danh hiệu Scudetto năm đó: "Cả sự nghiệp của tôi được dành cho một mục tiêu duy nhất, đó là giành danh hiệu với Fiorentina. Dù không thể làm được điều đó, tôi vẫn tận hiến hết mình. Khi nhận ra tôi đã tận hiến hết mình, tôi quyết định chuyển đến thành Rome, nơi tôi đã giành được Scudetto. Cá nhân mà nói, tôi nghĩ mình hoàn toàn xứng đáng. Tôi đã hy sinh quá nhiều để đến được đây. Vì vậy, tôi xứng đáng được trở thành nhà vô địch, ít nhất là một lần".

Gabriel Batistuta
Gabriel Batistuta gắn bó cả tuổi thanh xuân với Fiorentina, nhưng AS Roma mới là nơi cho anh danh hiệu. Ảnh: AS Roma
 
Không chỉ là một phần quan trọng của Fiorentina hay AS Roma, Gabriel Batistuta còn là đại diện cho một thế hệ được xem là "thế hệ vàng" đầy tiếc nuối của bóng đá Argentina. Một thế hệ thời hậu Diego Maradona bao gồm những cái tên như Diego Simeone, Hernan Crespo, Juan Riquelme, một thế hệ dù rất đẹp nhưng chưa bao giờ giành được danh hiệu, một thế hệ mãi mãi được nhớ tới vì bị loại từ vòng bảng World Cup 2002, một trong những thất bại đáng xấu hổ nhất của nền bóng đá xứ sở Tango khi đó.
 
Dù HLV Marcelo Bielsa, người dẫn dắt Argentina khi đó, trở thành một vết gợn trên băng ghế huấn luyện của đội bóng xứ sở Tango, Gabriel Batistuta vẫn công nhận tài năng của ông thầy cũ, thậm chí cho rằng ông chính là "người thầy quan trọng nhất và là người dạy tôi nhiều nhất xuyên suốt sự nghiệp của mình". Bởi lẽ, ông chính là người đã lập ra một giáo án khắc nghiệt cho Bielsa nhằm giúp anh có được thân hình cân đối của một cầu thủ bóng đá. Tiếp theo, ông chính là người đã đưa anh tới River Plate, nơi anh ghi được 17 bàn ở nửa đầu mùa giải nhưng sau đó phải ngồi ngoài vì nguyên do chiến thuật. Ngay sau đó, HLV của anh ở River Plate đã ghi vào bản ghi chú về anh như sau: "Khi Batistuta tìm được một CLB phù hợp với mình, cậu ta sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm". 
 
Khi đến với màu áo tím thành Firenze, Gabriel Batistuta đã chứng minh lời "cảnh báo" của người thầy năm xưa là hoàn toàn chính xác. Ngay ở mùa giải đầu tiên thi đấu cho Fiorentina, tiền đạo người Argentina đã ghi được 13 bàn cho La Viola. Đáng tiếc thay, với việc chỉ giành được 30 điểm từ 34 trận đấu, Fiorentina nhanh chóng xuống hạng ở vị trí thứ 16 trên BXH Serie A mùa giải đó.
 
Tuy nhiên, thay vì chuyển đến một đội bóng khác giàu thành tích hơn như nhiều CĐV Fiorentina đã lo sợ, Gabriel Batistuta lại quyết định ở lại để sát cánh cùng đội bóng thân yêu Fiorentina thăng hạng ở mùa giải sau đó với thành tích vô địch Serie B cùng thành tích ghi bàn đáng nể: 16 bàn, tức nhiều hơn mùa giải trước đó tới 3 bàn. Nhưng quan trọng nhất đó là việc anh đã thành công trong việc vực dậy đội bóng thân yêu của mình từ vị trí xuống hạng.
 
Trong biên niên sử huy hoàng của Serie A, chúng ta luôn có những ví dụ về lòng trung thành của các cầu thủ kỳ cựu với đội bóng của mình như Alessandro Del Pierro, người đã quyết tâm ở lại với Juventus dù đội bóng của anh bị xuống hạng sau vụ tai tiếng Calciopoli khét tiếng một thời. Hay có thể kể đến Alessandro Lucarelli, người đã ở bên Parma từ đầu cho tới ngày đội bóng này xuống hạng vì vỡ nợ. 
 
Tuy nhiên, sẽ không có một lòng trung thành nào có thể so sánh được với lòng trung thành của Gabriel Batistuta dành cho đội bóng thành Firenze. Bởi lẽ, chỉ có yêu thương nhiều, anh mới phải đổ lệ trong cái ngày mà đáng lẽ ra anh phải nở nụ cười của kẻ chiến thắng.

Gabriel Batistuta
9 năm gắn bó với Fiorentina, Gabriel Batistuta là biểu tượng cho sự trung thành trong bóng đá. Ảnh: Getty Images
 
Khi nhìn vào sự nghiệp của "Vua Sư Tử", rất nhiều người chắc chắn sẽ phải tặc lưỡi tiếc nuối cho anh. Bởi lẽ, với sức sống mãnh liệt và tinh thần không biết mệt mỏi mỗi khi vào sân, Gabriel Batistuta xứng đáng có được nhiều danh hiệu hơn chỉ một Scudetto cùng với AS Roma. Tuy nhiên, chỉ có thể biết trách số phận đã quá trớ trêu với anh khi đặt Gabriel Batistuta vào những đội bóng, những thời điểm không hề thuận lợi cho sự nghiệp của anh. Có lẽ, nếu sinh ra ở thời bóng đá hiện tại, cái thời mà mọi thứ đã dần trở nên ổn định và được hệ thống hóa nhiều hơn, có lẽ Gabriel Batistuta sẽ có thể yên tâm tỏa sáng và tận hiến hết mình cho đội bóng mình yêu, dù là Argentina hay Fiorentina.
 
Người Australia, một dân tộc cũng nằm ở Nam Bán Cầu và cũng có một lịch sử gắn liền với người Anh như Argentina, quê hương của Batistuta, có một từ đó là "Battler" (Chiến Binh-BTV). Từ đó chỉ những người, thông thường thuộc tầng lớp lao động, luôn kiên gan đối mặt với những thất bại, với những chán nản trong cuộc đời của mình bằng một nụ cười trên môi. Có lẽ, đây chính là định nghĩa đúng nhất về Gabriel Batistuta, một "battler" đích thực không bao giờ biết bỏ cuộc, kể cả khi đôi chân của anh đã từng khiến "Vua Sư Tử" phải cầu xin bác sĩ tống khứ nó đi vì quá đau đớn, một điều luôn được anh nhắc lại trong các cuộc phỏng vấn sau khi giải nghệ.
 
Có lẽ, để tóm gọn lại những gì đẹp nhất của Gabriel Batistuta, chúng ta cần phải đọc qua đôi dòng của Matt Gault, một cây bút khác của These Football Times về cái ngày anh biết tới Gabriel Batistuta, những dòng văn như để kết thúc bài viết nhân ngày sinh nhật của một trong những huyền thoại bóng đá vĩ đại nhất xứ sở Tango từng đặt chân lên Lục Địa Già: "Tôi chưa bao giờ thấy một cầu thủ bóng đá sở hữu cú sút như Batistuta thực hiện đêm hôm đó. Sức mạnh và sự chính xác của anh ấy là thứ mà đôi mắt tôi chưa bao giờ được chứng kiến. 
 
Tôi vốn quen với những cú sút phạt chính xác của David Beckham rồi. Không có ý gì đâu, những bàn thắng từ đá phạt của Beckham thực sự rất đẹp, nhưng có cái gì đó từ những cú sút của Batistuta đã mê hoặc tôi trong cái đêm hôm đó".
 
Tư liệu tổng hợp từ These Football Times và một số nguồn báo khác

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Francesco Acerbi: Đóa hoa nở muộn

36 tuổi mới có lần đầu tiên vô địch Serie A dù đã chơi bóng ở Ý từ năm 2006, nếu ví Francesco Acerbi là một đóa hoa nở muộn thì người nuôi trồng đóa hoa ấy là Simone Inzaghi.

Julian Brandt: Gọi giấc mơ về từ quá khứ

Dù chưa bao giờ phát tiết trọn vẹn những phẩm chất cũng như tiềm năng thiên bẩm của mình nhưng tiền vệ người Đức đang cùng Dortmund mơ về một mùa giải đẹp nhất kể từ ngày bắt đầu sự nghiệp.

Gabriel Heinze và con đường của một gã... Judas

Một hậu vệ mạnh mẽ, phóng khoáng, luôn nhận được sự yêu quý tại bất kỳ nơi nào anh từng thi đấu nhưng rồi những mối nhân duyên quá đỗi phức tạp đã vô tình biến Gabriel Heinze trở thành kẻ phản bội trong mắt người hâm mộ từng giành trọn vẹn tình cảm cho ngôi sao người Argentina.

X
top-arrow