Chúng ta có thể nhớ về Gabriel Batistuta vì những bàn thắng, sự chung thủy với màu tím của Fiorentina. Nhưng chúng ta cũng có thể nhớ về anh như một người luôn khát khao cải thiện bản thân đến tận cùng.
Trong một cuộc phỏng vấn trên trang chủ FIFA vào năm 2017, Gabriel Batistuta chia sẻ: “Tôi đã sống và thở cùng bóng đá. Hiện tại, tôi gặp khó khăn trong việc đi lại cũng bởi như thế, bởi tôi đã trao cho bóng đá nhiều hơn những gì tôi cần phải làm”.
Việc đi lại khó khăn mà Batistuta nói đến được thể hiện ở chỗ có lúc anh từng gọi điện cho bác sĩ để đề nghị cắt bỏ chân của mình bởi không thể chịu đựng nổi những cơn đau giày vò. Đó là hệ quả của những năm tháng thi đấu hết mình, không chịu khuất phục, không bằng lòng với những thất bại và sẵn sàng tiêm thuốc giảm đau để có thể ra sân.
Điều đáng chú ý là ngày nhỏ, trở thành cầu thủ bóng đá không phải ước mơ của Batistuta. Anh từng suy nghĩ có thể trở thành một người thợ cơ khí và sau đó mở một cửa hàng sửa chữa của riêng mình. Anh thích đá bóng nhưng đơn thuần đó chỉ là một sở thích. Anh hâm mộ Boca Juniors nhưng khi còn nhỏ cũng không thể kể ra tên các cầu thủ có mặt trong đội hình xuất phát.
Thời điểm được giới thiệu với Marcelo Bielsa ở Newell’s Old Boys, Batistuta còn hơi thừa cân và cũng không quen với cung cách tập luyện dưới sự chỉ đạo của “El Loco”. Đến năm 17 tuổi, Batistuta mới gia nhập đội trẻ Newell’s trong khi những đồng đội của anh đã được Bielsa dẫn dắt từ khi mới 14-15 tuổi ở đội trẻ. Cộng thêm việc phải sống xa nhà, xa bạn gái… tất cả khiến quãng thời gian đầu tiên của Batistuta không diễn ra suôn sẻ. Thậm chí đã từng có thời điểm anh gọi điện cho gia đình để xin được về nhà, song, người cha của anh đã kiên quyết từ chối.
Thật may mắn khi cuối cùng Gabriel Batistuta đã không từ bỏ, bởi nếu ngày đó anh được đồng ý từ Rosario trở về quê nhà Reconquista, có thể người hâm mộ đã không được chứng kiến một “Vua sư tử” bất khuất và dũng mãnh trên sân cỏ sau này.
Và hành trình bóng đá của Batistuta cứ thế tiếp diễn như một cuốn phim với đầy đủ những hỉ nộ ái ố cũng như tràn ngập cung bậc cảm xúc. Phong độ tốt ở Boca Juniors dưới sự dẫn dắt của Oscar Tabarez - trong đó có cú đúp vào lưới River Plate - giúp “Batigol” được gọi lên đội tuyển quốc gia tham dự Copa America 1991. Giải đấu này là một dấu mốc quan trọng với sự nghiệp của danh thủ người Argentina bởi “Albiceleste” đã lên ngôi vô địch còn Batistuta cũng đoạt danh hiệu “Vua phá lưới” với 6 bàn thắng. Trong một trận đấu tại giải đấu năm ấy, ngồi theo dõi từ trên khán đài, Phó chủ tịch Vittorio Cecchi Gori của Fiorentina khi đó đã nhận ra đội bóng của ông cần phải ký hợp đồng ngay với tiền đạo mang áo số 9 của Argentina.
Lúc đó, ban lãnh đạo Fiorentina đã có kế hoạch chiêu mộ Diego Latorre - người đá cặp cùng Batistuta ở Boca Juniors. Tuy nhiên, màn trình diễn của “Batigol” ở Copa America 1991 đã khiến ban lãnh đạo “Viola” thay đổi kế hoạch. Batistuta đến xứ Tuscany ngay lập tức, trong khi Latorre ở lại Boca thêm một mùa giải nữa. Và phần còn lại là lịch sử về một mối lương duyên đậm sâu bậc nhất thế giới bóng đá đỉnh cao được tạo ra.
Thời điểm ấy, Serie A đang trong giai đoạn hoàng kim khi những ngôi sao hàng đầu thế giới đều tụ hội về đây. Batistuta đứng trong hàng ngũ những anh tài tấn công của làng túc cầu thế giới chơi bóng tại Serie A khi ấy, trong khi đó, dù phải đối đầu với những hậu vệ trứ danh của bóng đá Italy, “Batigol” cho thấy mình là một mãnh sư không chịu khuất phục.
Francesco Baiano - người từng cùng Batistuta tạo nên cặp tiền đạo “Ba-Ba” ở Fiorentina - chia sẻ: “Serie A khi đó có Baresi, Ferri, Bergomi, Maldini, Costacurta, Kohler, Vierchowod… Tất cả bọn họ đều sẵn sàng húc văng các tiền đạo nhưng Batistuta sẽ huých họ trước. Anh ấy ở đó để chiến đấu và không muốn làm con rối của ai. Những cuộc đấu ấy thật tuyệt vời vì cảm giác như bạn đang xem một cuộc đi săn. Batistuta săn từng người một”.
9 năm trong màu áo “Viola”, Batistuta sẽ được nhớ tới vì lòng chung thủy với một màu áo, bất chấp những thành tích của đội bóng không hề tương xứng với những gì anh làm được. Ngày Fiorentina bị xuống hạng Serie B dù Batistuta đã ghi tới tận 16 bàn mùa giải ấy, với phong độ ấn tượng, “Batigol” có thể dễ dàng đến một đội bóng lớn nhưng anh quyết định ở lại với người hâm mộ đội bóng chủ sân Artemio Franchi. Việc nhảy khỏi một con tàu đắm và đến một bến đỗ mới tốt đẹp vẫn dễ hơn việc ở lại vực dậy con tàu. Batistuta đã chọn một việc khó hơn.
Chúng ta cũng có thể nhớ về anh vì những màn ăn mừng mang đúng thương hiệu của một kẻ săn bàn; nhớ về cú nã đại bác vào lưới Manchester United, cú sút ở góc hẹp thành bàn trước Arsenal tại Champions League, pha tâng bóng qua đầu Franco Baresi trước khi sút tung lưới Sebastiano Rossi hay sau đó là một cú đá phạt hiểm hóc vào lưới AC Milan ở Siêu cúp Italia.
Song, chúng ta cũng có thể nhớ về anh như một người luôn khát khao cải thiện bản thân đến tận cùng. Francesco Baiano nói rằng trong buổi tập khi cả đội chia làm hai, Batistuta sẽ rất tức giận nếu thua cuộc. Bản thân “Batigol” cũng thừa nhận nếu anh đã ghi 11 bàn trong 11 trận và đến trận đấu thứ 12 thì tịt ngòi, anh sẽ rất giận bản thân mình. Batistuta luôn sẵn sàng ra sân thi đấu mỗi khi có thể, bất chấp chấn thương hay đau đớn. Anh thà phải tiêm thuốc giảm đau để ra sân thay vì phải ngồi dự bị. Thậm chí, nhân viên của Fiorentina từng phải giấu những trái bóng sau buổi tập đi bởi trời đã tối nhưng Batistuta vẫn còn ở lại sân và luyện dứt điểm.
Batistuta không muốn dừng lại và bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào. “Anh ấy có thể không tập luyện suốt cả tuần, rồi đến Chủ nhật, khi HLV trưởng hỏi ‘Gabriel, cậu thế nào?’ Batistuta sẽ đáp: ‘Ý thầy là sao? Tôi sẽ thi đấu, thưa thầy”, Francesco Baiano chia sẻ. Những năm tháng không chịu dừng lại và tận hiến đến giọt mồ hôi cuối cùng ấy khiến thể chất của Gabriel Batistuta bị bào mòn.
Ngày Batistuta gia nhập Roma, cái đầu gối và cổ chân của anh đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi những năm tháng thanh xuân cống hiến hết mình. Ngày ghi bàn vào lưới Fiorentina, trái tim của Batistuta như tan vỡ. Mùa giải ấy, Roma cho Batistuta danh hiệu Scudetto mà anh luôn khao khát, nhưng những gì tinh túy nhất anh đã dành cho “Viola”.
“Kết thúc trận đấu, tôi vui vì đội bóng đã giành được 3 điểm nhưng cũng rất buồn khi nghĩ đến những năm tháng mình đã dành cho Fiorentina. Gia đình tôi đã từng sống ở Florence, chính ở đó mới có tôi ngày hôm nay và tôi sẽ không bao giờ quên những kỷ niệm ấy. Tôi hy vọng người hâm mộ ‘Viola’ sẽ hiểu. Tôi nghĩ tôi đã tôn trọng họ. Tôi không muốn làm tổn thương Fiorentina. Nhưng đôi khi, chúng ta phải làm những điều mà mình không muốn”, Gabriel Batistuta chia sẻ.
Chắc chắn người hâm mộ Fiorentina hiểu điều ấy. Không ai coi anh là một kẻ phản bội. Các cổ động viên của “Viola” đều biết rằng Batistuta đã dành những gì tốt nhất cho họ, từ những vinh quang đến nỗi đau mà tất cả chia sẻ cùng nhau. Ngược lại, không có gì khác ngoài tình yêu mà những trái tim màu tím của xứ Tuscany dành cho “Batigol”, người đã dùng nỗi ám ảnh với bóng đá để mang tới những gì tốt đẹp nhất cho Fiorentina.