Frenkie de Jong: Cho lần sau cuối để ngọn cờ Ajax tiếp tục bay cao

Tác giả CG - Thứ Ba 16/04/2019 00:04(GMT+7)

Frenkie de Jong vẫn đang thi đấu đầy khát khao cháy bỏng để hình ảnh chiếc logo của Ajax tiếp tục vươn cao kiêu hãnh trước khi chuyển tới Barcelona từ mùa giải sau.

Frenkie de Jong không phải 1 sản phẩm từ lò đào tạo trẻ trứ danh của Ajax Amsterdam nhưng anh đang là niềm tự hào và hãnh diện vô bờ bến của các cổ động viên đội bóng này. Và tiền vệ 21 tuổi ấy vẫn đang thi đấu đầy khát khao cháy bỏng để hình ảnh chiếc logo của Ajax tiếp tục vươn cao kiêu hãnh trước khi chuyển tới Barcelona từ mùa giải sau.

 

 BỎ FEYENOORD ĐỂ CHỌN WILLEM II

Tại Eredivisie (Giải Vô địch Quốc gia Hà Lan), Ajax Amsterdam đang dẫn đầu bảng xếp hạng với 71 điểm, bằng PSV Eindhoven nhưng hơn về hiệu số. Trong khi đó ở đấu trường Champions League, kết quả hòa 1-1 trên sân nhà Johan Cruijff ArenA trước Juventus vẫn mang tới rất nhiều niềm hy vọng cho cổ động viên đội bóng Hà Lan trước thềm trận lượt về.

Tập thể hiện tại vẫn đang thi đấu ngạo nghễ và kiêu hùng dưới cái bóng lịch sử từ các tiền nhân, những người đã đưa cái tên Ajax Amsterdam trở thành 1 thế lực đáng sợ trong quá khứ. Và Frenkie de Jong chính là ngọn cờ đầu của tập thể đó.

Tuy nhiên có 1 điều đáng nói, De Jong không phải 1 sản phẩm được đôn lên từ hệ thống đào tạo trẻ của Ajax mà của Willem II. Frenkie de Jong sinh ra ở Arkel, 1 ngôi làng ở miền Nam Hà Lan.

 

Ông John de Jong, bố của tiền vệ 21 tuổi người Hà Lan, từng là thành viên của đội nghiệp dư ASV Arkel từ năm 5 tuổi trước khi gia nhập Feynoord. Tuy nhiên, khoảng thời gian ở Rotterdam của ông không kéo dài, ông trở về ASV Arkel thi đấu rồi sau đó là nhân viên quản lý bãi đỗ xe.

Là 1 “fan cứng” của ban nhạc Frankie goes to Hollywood của Anh nên ngày con trai chào đời, ông John quyết định đặt cho cậu bé cái tên Frenkie de Jong. Và giống như cha mình, Frenkie cũng yêu bóng đá và gia nhập ASV Arkel khi mới 5 tuổi. Sau 2 năm ở đây, đã có những tuyển trạch viên của bóng đá Hà Lan để mắt tới Frenkie de Jong, trong đó có Feyenoord Rotterdam và Willem II.

Có rất nhiều lý do để cậu bé sẽ lựa chọn Feynoord: Là danh tiếng, truyền thống gia đình (nhà De Jong là cổ động viên cuồng nhiệt của ông lớn này), khoảng cách địa lý (từ nhà De Jong di chuyển đến Rotterdam gần hơn là đến Tilburg – địa điểm của Willem II). Tuy nhiên, Frenkie de Jong được phép tự đưa ra sự lựa chọn và quyết định cuối cùng của cậu nhóc ngày ấy là Willem II.

Cầu thủ sinh năm 1997 ấy trải qua các cấp độ đội trẻ của Willem rồi sau đó có trận thi đấu chuyên nghiệp đầu tiên vào cuối mùa giải 2014/2015, vài ngày sau sinh nhật 18 tuổi.

 

NIỀM TỰ HÀO CỦA AJAX, VẼ NÊN TRẬN ĐẤU BẰNG ÓC QUAN SÁT

“Cậu ấy chẳng sợ gì cả, cậu ấy cầm bóng và xử lý nó, đó là 1 sự ngạo nghễ,” đây là chia sẻ của Robert Braber, người hiện đang thi đấu cho CLB Helmond Sport, về Frenkie de Jong. Braber chính là đồng đội của De Jong tại Willem II.

Sau khi De Jong ra mắt đội 1 Willem II, HLV thời điểm đó của CLB là ông Jurgen Streppel muốn sử dụng anh ở vai trò phòng ngự thay vì tấn công như cầu thủ này mong muốn. Tất nhiên, De Jong muốn giữ cái tôi của mình. Và khi Ajax xuất hiện để đưa ra lời đề nghị, De Jong đồng ý chuyển tới đội bóng thủ đô.

“Chúng tôi thi đấu cho Jong Willem II (đội 2 của Willem) đối đầu Feynoord và những cầu thủ như Lex Immers, Tonny Vilhena và Jens Toornstra. Chúng tôi thất bại 2-3 nhưng ở hàng tiền vệ, chúng tôi có 1 chúa tể, 1 bậc thầy.

Frenkie de Jong như có những chiếc nhẫn mang theo bên mình khi đối mặt mọi đội bóng. Kể từ thời điểm đó, tôi biết rằng cậu bé này thực sự rất có năng lực,” Braber nói thêm về người đồng đội cũ.

 

Sau khi gia nhập Ajax Amsterdam, De Jong trở lại Willem trong nửa đầu mùa giải 2015/2016 trước khi thi đấu cho đội Jong Ajax. Và kế tiếp đó, như chúng ta đã biết, cầu thủ sinh năm 1997 tiến bộ vượt bậc.

De Jong có thể thi đấu nhiều vị trí ở hàng tiền vệ với khả năng giữ bóng, đi bóng qua người rất sắc sảo và thậm chí là trung vệ như phần lớn quãng thời gian mùa giải trước. Tuy nhiên, dù ở vị trí nào thì có 1 điều không thay đổi, đó là tư duy thi đấu và khả năng quan sát nhanh để đưa ra cách xử lý tình huống.

HÃY NHỚ LẠI TRẬN LƯỢT VỀ VÒNG 16 ĐỘI

Champions League với Real Madrid cách đây 2 tháng. Trong 1 tình huống mà bóng đang ở phần sân của Ajax, sau khi De Jong nhận đường chuyền từ hậu vệ cánh phải, lúc đó Vinicius của Real Madrid đang băng lên và Luka Modric đứng cạnh tiền vệ người Hà Lan để sẵn sàng gây áp lực.

Trong 1 tích tắc, De Jong làm động tác nhử để loại Vinicius, người đang định lao về phía trước bắt bài 1 đường chuyền về, rồi lắc hông, xoay người lần nữa để loại nốt Modric.

Đó là 1 tình huống điển hình cho cách chơi bóng của tiền vệ 21 tuổi: liên tục quan sát, lắc hông, đảo người, thực hiện những đường chuyền xuyên tuyến và chấp nhận mạo hiểm bằng sự tự tin rất lớn (dù đôi khi có thể phải trả giá, như trong 1 tình huống để mất bóng nguy hiểm ngay trước vòng cấm cũng trong cuộc chạm trán Real Madrid).

 

Trong cuộc phỏng vấn với The Guardian thực hiện hồi cuối năm 2018, De Jong đã tự mô tả về lối chơi của mình theo cách sinh động: “Khi ở trên sân, tôi thi đấu bằng trực giác nhưng cũng suy nghĩ rất nhiều. Bằng trực giác của mình, tôi không chỉ nhận bóng và nghĩ ‘Mình sẽ làm thế này’ ngay lập tức dù đôi khi đúng là tôi làm như thế.

Hầu hết các cầu thủ giỏi đều thi đấu bằng trực giác. Mọi người ai cũng có 1 chút nhưng tôi không rõ liệu bạn có thể học được điều đó hay không. Đôi khi, tôi vạch ra kế hoạch. Tôi luôn tìm đồng đội để chuyền bóng. ‘Anh ấy có đang tự do hay không?’ và sau đó bạn biết mình phải làm gì rồi.

Tuy nhiên có lúc tình huống có thể thay đổi. Khi đó, bạn phải phản ứng và sử dụng trực giác. Tôi cố gắng vẽ 1 bức tranh khi mình nhận bóng và biết mọi người đang ở đâu. Đó là 1 trong những điều quan trọng nhất với 1 tiền vệ”.

 

Trong cuộc chạm trán với Juventus vừa qua, những con số thống kê của tiền vệ này là rất ấn tượng: Tỷ lệ chuyền bóng thành công 91,8%, thực hiện 6 trên 8 pha tắc bóng chính xác, 11 pha thu hồi bóng (nhiều nhất trận đấu), 3 pha cắt bóng (2 lần trong phần sân đối thủ), 1 pha qua người và tạo ra 2 cơ hội.

Và những điều nói trên hẳn chính là lý do để Barcelona phải chi ra 75 triệu euro (cộng thêm 11 triệu euro bổ sung) – số tiền chuyển nhượng kỷ lục với 1 cầu thủ Hà Lan – để đưa De Jong về sân Camp Nou. Sự quyết tâm của đội bóng xứ Catalunya trước những đối thủ như Paris Saint-Germain và Manchester City không gì khác hơn là để có 1 cầu thủ dần thay thế Sergio Busquets, 1 người điển hình của mẫu cầu thủ thi đấu bằng trực giác nhưng sẽ bước sang tuổi 31 vào tháng 7 tới đây.

Dẫu vậy, đó vẫn là câu chuyện từ mùa giải sau. Còn lúc này, Frenkie de Jong đang dồn toàn bộ sự tập trung cùng đội bóng chủ sân Johan Cruijff Arena. Hy vọng sẽ là lần sau cuối thật bùng cháy của số 21 để chiếc logo Ajax tiếp tục tung bay ngạo nghễ trên bầu trời châu Âu.

CG (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Nụ cười chân thành của Xuân Son

Với tài năng xuất chúng, Nguyễn Xuân Son có thể không phải một ví dụ điển hình, nhưng vẫn là trường hợp đáng tham khảo cho bất kỳ ai trong chúng ta. Bất kỳ ai đang bước đi mà mang theo sự biết ơn, chân thành và niềm nở bên mình. Đó là 3 lớp kính chồng tạo nên phép màu “vạn hoa” của trung phong số một Việt Nam hiện tại.

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?