Freddy Adu: Bi kịch của cậu bé đóng vai “thiên tài” (P2)

Tác giả Góc Khán Đài - Thứ Hai 30/09/2019 10:49(GMT+7)

Nếu anh có phải “bán” tên tuổi của mình như một cách để có thể trở lại thi đấu, như một tấm vé để tiếp tục khoác lên mình bộ đồng phục bóng đá, thì anh sẽ sẵn sàng chấp nhận.

Phần 1: Freddy Adu: Bi kịch của cậu bé đóng vai “thiên tài” (P1)
Phần 2:

Adu là một tiền vệ tấn công, đôi khi lại đảm nhận vai trò winger, chứ không phải là một tiền đạo. “Tốc độ của tôi thậm chí còn hơn cả‘nhanh’,” anh nói. Nhưng anh xem mình là một chuyên gia dứt điểm, chứ không phải là một cầu thủ sáng tạo. Khi Adu không ghi bàn, anh cũng không làm gì nhiều trên sân, không đóng góp gì khác cho cả đội.



“Cậu ta tự xem mình là một ‘ông hoàng’ trên sân bóng, một ngôi sao ‘thượng đẳng’ hơn mọi người, một cầu thủ có kỹ thuật đẳng cấp nhất,” Wynalda kể lại. “‘Đưa cho tao quả bóng và tao sẽ làm nên một điều gì đó khác biệt.’’OK, tao làm hỏng mẹ nó rồi, nhưng không sao, cứ đưa nó cho tao lần nữa đi.’ ‘Ok, lại hỏng nữa rồi, đưa nó cho tao tiếp nào.’ Và cuối cùng, bạn sẽ phải bật lại cậu ta, kiểu như ‘Mày biết không? Tao sẽ chuyền bóng đến mấy thằng khác.’”

Ở tất cả mọi nơi mà Adu đặt chân đến, anh đều bộc lộ sự dễ tính, dễ gần và đầy thân thiện của mình. Anh kết bạn với rất nhiều người, chứ không hề tạo ra kẻ thù. Nhưng cái ý thức cho rằng mình luôn phải được hưởng đặc quyền hơn người khác đã dần dần hủy hoại Adu, cả ở trong lẫn bên ngoài phòng thay đồ. Trong suốt 13 năm qua, chỉ có 2 trong số 13 đội mà anh đã đầu quân là chấp nhận tiếp tục đưa anh vào đội hình trong mùa giải thứ 2. “Tôi nghĩ rằng mọi người vẫn xem tôi là một thằng nhóc 14 tuổi hư hỏng mỗi khi tôi bước vào một giải đấu,” Adu tâm sự. “Và bản thân tôi giờ đây đã không còn nhận được bất kì sự ưu ái, thiên vị nào nữa.”

Mọi chuyện không phải hoàn toàn là lỗi của Adu. Vào thời điểm đó, bóng đá Mĩ vẫn đang tìm kiếm ngôi sao mang đẳng cấp vươn tầm quốc tế đầu tiên của họ. Thế là Adu tình cờ được phát hiện và nhận được sự ưu ái của cả một nền bóng đá. Đồng thời, ý tưởng về một cậu bé 14 tuổi chơi tại hạng đấu cao nhất đất nước, đối đầu với những cầu thủ lớn tuổi hơn đã trở thành một hình ảnh khiến toàn bộ công chúng vô cùng hào hứng, yêu thích. “Tất cả mọi người đều nói với cậu ấy những lời tán dương, ca tụng, ‘Cậu quá xuất sắc. Cậu quá tuyệt vời. Cậu hiểu điều đó mà,’”
Wynalda hồi tưởng. Adu đã ký với Nike một bảng hợp đồng trị giá 1 triệu Dollar. Hợp đồng của anh với D.C. United đã giúp anh bỏ túi thêm 500.000 Dollar nữa. 
“Cậu ấy nhận được những sự ca tụng, bợ đỡ, chào mời ngay trước khi cậu ấy thực sự xứng đáng với chúng, và trước khi cậu ấy có thể xử lý chúng,” Jason Kries, đồng đội cũ của Adu và sau đó là huấn luyện viên của anh tại Real Salt Lake vào năm 2007, còn hiện tại đang là huấn luyện viên của đội U-23 Mĩ, nhận định. “Cậu ấy không hề có đủ sự tỉnh táo, chín chắn để đương đầu với chúng. Cậu ấy tin vào mọi thứ mà mình đọc được. Cậu ấy tin rằng mình hoàn toàn xứng đáng với tất cả số tiền mà mình được trả.”
Adu đã rời Real Salt Lake vào năm 2007 sau khi nhận được lời đề nghị của Benfica. Khi đó, anh vẫn chưa đủ khả năng để có thể thi đấu ở môi trường đỉnh cao của bóng đá châu Âu, vì vậy, đội bóng Bồ Đào Nha đã đẩy anh đến AS Monaco theo dạng cho mượn, tuy nhiên, câu lạc bộ này muốn có được Adu chỉ vì cái danh tiếng to lớn của anh. Vì vậy, anh rất hiếm khi được ra sân tại Pháp. Mùa thu năm đó, anh quay trở lại Bồ Đào Nha để tìm kiếm một sự ổn định cho sự nghiệp. Anh hạ cánh xuống Belenenses, một đội bóng vừa bị xuống hạng và đã thay đến 10 huấn luyện viên khác nhau chỉ trong 3 năm. Tại đây, cầu thủ trẻ người Mĩ lại tiếp tục gặp vấn đề trong việc tìm một chỗ đứng trong đội hình. 
“Có lẽ, đôi khi tôi nên chọn một đội bóng không quá hấp dẫn để có thể trở nên phát triển hơn, giỏi hơn với tư cách là một cầu thủ,” anh tâm sự. “Thay vì chạy theo những điểm đến quá quyến rũ và không bao giờ được ra sân.”
Adu đã tái ngộ với MLS và có hai mùa giải rất được trọng dụng ở Philadelphia. Sau đó, anh đã lang bạt đến 5 đội bóng khác nhau tại 4 quốc gia. Adu đã không thi đấu trong suốt 1 năm trời khi anh được Las Vegas liên lạc. “Đây là cơ hội cuối cùng của tôi,” anh nói với Olsen. “Tôi sẽ nắm lấy nó.”
The Lights thi đấu tại một sân bóng chày nhỏ nằm cách Strip vài dặm. Những ụ ném bóng của các Pitcher vẫn nằm dọc theo các đường biên. Nơi đây là Las Vegas, nhưng gợi lên cảm giác giống như Albuquerque nhiều hơn. Dưới sự dẫn dắt của Jose Luis Sanchez Sola, một vị huấn luyện viên từng làm việc ở Mexican League, được biết đến với biệt danh “Chelis”, Las Vegas Lights đã thi triển một thứ bóng đá có cường độ, nhịp độ cao, pressing dồn dập.

Adu đang trong tình trạng thừa ít nhất 10 pound khi anh ký hợp đồng với đội bóng này, và đó là một dấu hiệu cho thấy anh sẽ gặp khó khăn trong việc hòa nhập với lối chơi mà Chelis triển khai. Adu đáng lẽ ra phải sử dụng những buổi đá tập để giảm cân, để có được thể lực tốt nhất. Thì thay vào đó, anh chỉ đứng chờ để nhận những đường chuyền sẽ không bao giờ đến chân mình. Tuy nhiên, Adu vẫn thể hiện được những tia sáng còn sót lại của tài năng thiên phú mà mình nắm giữ khi trước, đủ để Las Vegas quyết định sử dụng anh cả một mùa giải, thay vì chỉ là 1 tháng. 
“Thông thường, một cầu thủ sẽ chạm bóng khoảng 50 lần trong suốt một buổi đá tập,” Isidro Sanchez, con trai của Chelis, người đã dẫn dắt câu lạc bộ khi bố anh bị treo giò 8 trận sau một cuộc cãi vả với một cổ động viên, và một lần nữa là sau khi Chelis từ chức và quay về Mexico, nói về Adu. “Còn Freddy sẽ chạm bóng … 2 lần. 2 lần theo đúng nghĩa đen đấy. Lạy chúa, đúng 2 lần đấy!”
Cuối cùng, Sanchez tin rằng sự nghiệp cầu thủ cuả Adu đã kết thúc. “Cậu ta là một cơ thể không có linh hồn,” Sanchez nhận định. “Không có tinh thần và không có sự khát khao. Bạn có thể nhìn thấy cậu ta đi bộ trên sân, cậu ta hoàn toàn không có chút sức lực nào. Cậu ta bảo, ‘Tôi muốn trở lại MLS. Tôi muốn tiếp tục thi đấu,’ nhưng cậu ta đi bộ trên sân như một ông già vậy. Không khác gì một cơ thể đã hết hạn sử dụng.”  
Không lâu sau, khi Adu đã ở Las Vegas được vài tuần, Lights đã tổ chức một trận giao hữu với D.C. United. Chelis đã quyết định đưa Adu vào đội hình xuất phát trong cuộc đối đầu với câu lạc bộ cũ của anh. Vào phút 89, khi Light đang bị dẫn trước 3-2, anh nhận được bóng từ một quả ném biên dài. Trong khoảnh khắc ấy, 15 năm khốn khổ cứ ngỡ như chỉ là một cơn ác mộng, chưa bao giờ tồn tại. Anh tung ra một cú volley tuyệt đẹp từ khoảng cách 20 yard, nhưng tiếc là bóng đã bay chệch khung thành đúng 2 inch. Khi bạn nhìn vào sự phấn khích mà cú volley đó đã tạo ra, tiềm năng tỏa sáng của nó và sự hụt hẫng ở phân đoạn cuối cùng, đó như một pha bóng ẩn dụ cho toàn bộ sự nghiệp của Adu vậy.
Hôm diễn ra trận chung kết Champions League 2018/2019, vào ngày 1/6, đó cũng chính là ngày cuối cùng của Freddy Adu ở độ tuổi 20s. Nhiều năm trước, cứ ngỡ như anh sẽ được góp mặt trong một trận chung kết của giải đấu này, sân khấu lớn nhất của môn thể thao vua ngoài World Cup. “Đó đã từng là một trong những mục tiêu của tôi,” anh tâm sự. “Tôi chắc chắn rằng gần như tất cả bọn trẻ tại đất nước này đều muốn thi đấu ở MLS khi lớn lên. Còn tôi thì có những giấc mơ lớn hơn thế nhiều.”
Khi còn thi đấu cho Benfica, Adu đã được đưa vào danh sách 7 cầu thủ dự bị trong các trận đấu ở vòng bảng Champions League, đối đầu với Celtic, AC Milan và Shakhtar Donetsk. Anh đã không được ra sân trong bất kì trận đấu nào của đấu trường châu Âu, nhưng đó vẫn là một trong những kỷ niệm đẹp nhất trong sự nghiệp ảm đạm của Adu. Khi đó, anh chỉ mới 18 tuổi. Mọi việc vẫn hoàn toàn khả thi đối với anh. Thế nhưng, kể từ đó, anh đã không bao giờ còn có thể tận hưởng bầu không khí của Champions League thêm một lần nào nữa. 
Khi Adu đến Laurel, Maryland, hiệp hai của trận đấu đã bắt đầu. Next Level đang bị dẫn trước 2-0. Adu theo dõi trận đấu một lúc. Sau đó, anh bước tới chỗ của vị huấn luyện viên, Rafik Kechrid, người đang cúi đầu tỏ vẻ thất vọng. “Nghe theo lời tôi,” Adu nói. “Đưa Kevin vào sân, nhưng là chơi ở cánh. Đẩy Diego – thằng bé nhanh nhất đội – lên hàng tiền đạo. Kéo Ollie ra cánh để cậu ta có được nhiều khoảng trống hơn.”
Kechrid đã thực hiện những sự thay đổi về chiến thuật theo lời khuyên của Adu. Next Level ghi được một bàn thắng. Rồi sau đó lại thêm một bàn nữa. Và đây chính là phần kỳ lạ nhất: Quan sát trận đấu từ đường biên, Adu gần như cảm thấy chính anh là người đã tự ghi những bàn thắng đó. “Wow, cảm giác này thật tuyệt,” anh reo lên. “Bởi vì chính tôi là người đã đặt bọn trẻ vào những vị trí thích hợp để có thể giúp chúng giành chiến thắng mà. Và đương nhiên là tôi cực kì tự hào rồi.”
Trong vài tháng qua, có một điều gì đó đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Kevin, Ollie và Diego cũng đang giúp Adu. Bởi vì giờ đây, Adu đang tham gia công tác huấn luyện, nên anh có thể xem các trận đấu với những quan điểm, góc nhìn của một vị huấn luyện viên. Khi nhìn lại cái cách mà anh đã thi đấu trong 15 năm qua, anh đã hiểu lý do vì sao sự nghiệp của mình lại sớm tàn lụi và lâm vào ngõ cụt như vậy. Adu tâm sự rằng anh ước gì mình có thể gọi cho tất cả những vị huấn luyện viên mà mình đã làm việc cùng trong suốt những năm qua, và lần lượt xin lỗi từng người một.
“Giờ thì tôi đã hiểu về cái cách mà mình đã thi đấu hồi trước,” anh bộc bạch. “Họ đã thấy nó và liên tục khuyên tôi ‘Cậu nên đóng góp nhiều hơn cho đội.’Nhưng tôi đã không nghe theo những lời khuyên của họ.” Anh ngán ngẩm lắc đầu, nghĩ về những ngày tháng đã qua của sự nghiệp, liên tục cởi ra và mặc vào bộ đồng phục, nhưng hầu như không ra sân thi đấu. “Tuổi 20 của tôi, sự nghiệp của tôi …” anh trầm ngâm.
Adu tin rằng có rất nhiều cầu thủ trẻ ở Next Level sở hữu tiềm năng rất lớn. Mặc dù vậy, anh cũng nhận thức được rằng những tiềm năng đó chỉ mới ở vạch xuất phát. “Hồi trước, tôi lúc nào cũng là cầu thủ xuất sắc nhất,” anh nói. “Nhưng rồi mấy đứa bạn bị xếp dưới tôi hồi đó, sau này lại có được sự nghiệp tươi sáng hơn tôi gấp nhiều lần.”


Nếu Freddy Adu của ngày đó có ở bên cạnh Freddy của ngày hôm nay, một chàng trai đã đi qua biết bao nhiêu thăng trầm, trắc trở của sự nghiệp, và nhận được những lời khuyên bảo rút ra được từ cái cuộc đời đầy uổng phí kia, có lẽ cậu sẽ phát triển theo một hướng hoàn toàn khác. “Bây giờ, khi tôi gặp được một cậu bé thực sự tài năng, và thứ tài năng đó nổi bật rõ rệt hơn hẳn những đứa trẻ khác, nhưng rồi cậu ta bắt đầu tự thỏa mãn với những gì mình đang có, để sự chủ quan xâm chiếm lấy tâm trí và rồi dần dần tụt dốc, dần dần đánh mất đi tài năng của mình, tôi sẽ nói: ‘Không, không, không! Chuyện đó không được xảy ra! Cậu không được để chuyện đó xảy ra! Những đứa khác sẽ sớm vượt qua cậu thôi.’ Bởi vì tôi của ngày trước cũng giống như vậy.”

Trong những tháng tới, Freddy Adu đang quyết tâm lấy lại vóc dáng của mình. Anh muốn giảm từ 162 pound về với cân nặng của mình khi vẫn còn thi đấu là 150 pound. “Cái thời kì mà tôi có thể thi đấu tốt nhất là khi tôi có được thể trạng phù hợp nhất,” anh nói, cứ như thể anh chỉ vừa nhận ra sự thật này. “Vấn đề lớn nhất của tôi ở Las Vegas là tôi chưa bao giờ có được cái thể trạng đó khi chơi cho họ.”
Trong những năm qua, Adu đã từ chối bất kì lời đề nghị nào mà nghe có vẻ như họ chỉ muốn sử dụng tên tuổi của anh để bán vé và làm quảng cáo. Anh cũng từ chối mọi cuộc phỏng vấn vì lý do tương tự. “Tôi muốn tất cả chúng đều phải là về bóng đá mà thôi,” anh khẳng định. “Về những gì mà tôi có thể làm ở trên sân.”

Nhưng giờ đây, anh đã biết rằng mình không còn có thể “kén cá chọn canh” được nữa. Nếu anh có phải “bán” tên tuổi của mình như một cách để có thể trở lại thi đấu, như một tấm vé để tiếp tục khoác lên mình bộ đồng phục bóng đá, thì anh sẽ sẵn sàng chấp nhận. “Tôi sẽ cởi mở hơn với điều đó so với con người của mình trước đây,” Anh tâm sự. Bởi vì Adu tin rằng, sự nghiệp của mình không thể kết thúc như thế này được. 
Giờ đây, Freddy Adu đã thề rằng, điểm đến tiếp theo sẽ là cơ hội cuối cùng của anh, và mọi thứ của lần này sẽ diễn ra theo một cách hoàn toàn khác. “Đó chắc chắn sẽ là sự thật.”

Lược dịch từ bài viết “Freddy Adu exclusive: ‘I’m not ready to give it up’ của tác giả Bruce Schoenfeld được đăng tải trên ESPN./

NAM kHÁNH (TTVN)

CG (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.

Nguyễn Quang Hải: Sự khác biệt của một cầu thủ đặc biệt!

Những gì Nguyễn Quang Hải thể hiện tại Thường Châu, Trung Quốc đầu năm 2018 xứng đáng được coi là màn trình diễn cá nhân xuất sắc nhất của một cầu thủ Việt Nam ở cấp độ châu lục. Tiếp nối chiến tích cá nhân và tập thể khó tin tại VCK U23 châu Á, là một Quang Hải đóng vai trò tối quan trọng trong đội hình “Những chiến binh sao Vàng” thời HLV Park Hang Seo giành Hạng 4 môn bóng đá nam Asiad 2018, Vô địch AFF Cup cùng năm và vào tới Tứ kết Asian Cup 2019.

Mohamed Salah: Ở lại hay ra đi?

Liverpool có 2 giải pháp, nhưng chúng lại tạo ra 1 vấn đề. Cầu thủ xuất sắc nhất của họ đang có mùa giải hay nhất trong sự nghiệp. Họ chỉ đánh rơi 7 điểm sau 19 trận tại Premier League và Champions League. Vì thế, cầu thủ này liên tục được phỏng vấn sau những trận đấu mà anh đóng vai trò quan trọng giúp Liverpool giành chiến thắng.

E-magazine: Santi Cazorla - Địa ngục chấn thương và sự nhiệm màu kỳ lạ của cuộc sống

Những biến cố kinh hoàng tưởng chừng như đã khiến tiền vệ người Tây Ban Nha gục ngã và phải chấp nhận rời xa thế giới bóng đá trong đau đớn và tủi nhục, nhưng rồi bằng niềm đam mê và lòng khao khát cháy bỏng, Santi Cazorla cuối cùng đã vượt qua tất cả để tiếp tục mang đến cho khán giả những phép màu tuyệt vời trên sân cỏ.