Franz Beckenbauer và hành trình xưng vương tại World Cup 1974

Tác giả Fussballgott - Chủ Nhật 11/09/2016 19:21(GMT+7)

Đội tuyển Hà Lan của HLV Rinus Michel và huyền thoại Johan Cruyff tại World Cup 1974 vẫn được xem là đội tuyển vĩ đại nhất không giành được danh hiệu lớn nào. Bên cạnh cầu thủ vĩ đại bậc nhất mọi thời đại “Thánh Johan” là những cầu thủ kiệt xuất của thập niên 1970 như Johan Neeskens. Để đánh bại một đội bóng xuất sắc như vậy lẽ dĩ nhiên cũng cần đến một đội bóng xuất sắc không kém.
Franz Beckenbauer và hành trình vô địch World Cup 1974
Vì nhiều lí do, World Cup 1974 được nhớ đến như một kí ức bất hạnh dành cho Johan Cruyff hơn là sự công nhận xứng đáng dành cho Tây Đức của Franz Beckenbauer. Nếu coi World Cup là sân chơi cao quý nhất cấp đội tuyển và thước đo đánh giá nền bóng đá thì có thể coi tại World Cup 1974, chính huyền thoại Bayern Munich đã định nghĩa lại nền bóng đá Đức.
 
Beckenbauer thi đấu với cái vai bị gãy ở bán kết World Cup 1970
Người Đức đã từng một lần lên đỉnh thế giới trước 1974, đó là chức vô địch “Điều kì diệu ở Berne” sau khi họ đánh bại Hungary ở World Cup 1954. Beckenbauer khi đó mới chín tuổi say đắm với kì tích đáng tự hào của những Uwe Seeler và Fritz Walter, cũng ao ước tiếp bước những huyền thoại. Dù vậy rào cản lớn nhất của thế hệ Beckenbauer thực hiện ước mơ là một nền bóng đá Đức vẫn còn nghiệp dư (mãi đến năm 1963, người Đức mới có giải đấu Bundesliga chuyên nghiệp), đầy rẫy tiêu cực (dàn xếp tỉ số ở Bundesliga năm 1965 và 1971). Mặt khác, nếu có sự chuẩn bị tốt, người Đức phải đối đầu với những đội tuyển hàng đầu như Brazil, Anh, Ý và đặc biệt là Hà Lan với lối chơi tổng lực danh tiếng ở thập niên 70.
 
Người Đức đã ở đâu đó rất gần vinh quang và vào đến chung kết World Cup 1966, bán kết World Cup 1970 nhưng không thành công. Những gì khiến thế hệ sau nhắc nhớ tới nhất là bàn thắng tranh cãi của Geoff Hurst ở Wembley 1966 và cái vai bị gãy của Beckenbauer khi đối đầu cùng Ý. 
 
World Cup 1974 được tổ chức ở Tây Đức với rất nhiều kì vọng vì trước đó hai năm, họ đã bước lên đỉnh châu Âu ở Euro 1972, nhưng đó là khi giải đấu này không được nhiều người châu Âu coi trọng như bây giờ. Để dễ hình dung sức mạnh khủng khiếp chúng ta cần nhắc lại khoảnh khắc tồi tệ nhất sự nghiệp của thủ môn Sepp Maier khi Bayern Munich để thua Ajax Amsterdams tới 4-0. Trong đội hình cả hai câu lạc bộ có rất nhiều tuyển thủ Đức và Hà Lan, có thể xem đó sự đối chiếu rõ nét về tương quan hai đội lúc bấy giờ.
 
Đã vậy người Tây Đức bước vào World Cup 1974 với tình hình nội bộ bỗng diễn biến hết sức phức tạp. Đêm trước khi vòng chung kết diễn ra, không một ai trong số những cầu thủ Đức và ban huấn luyện có thể chợp mắt. Hậu vệ trái Paul Breitner đã đóng gói sẵn hành lì, chỉ chờ quyết định kỉ luật được ban ra là sẽ về nhà ngay lập tức. Ở một căn phòng cách đó không xa, HLV trưởng Helmut Schoen cũng chuẩn bị sẵn hành lí cho mình. Ông đã được DFB (Liên Đoàn bóng đá Tây Đức) thông báo rằng FIFA đã duyệt cho tuyển Đức thay đổi cả 22 tuyển thủ của mình nếu thấy cần thiết. Nhóm những cầu thủ như Gerd Mueller, Guenter Netzer, Wolfgang Overath trở thành trung gian thuyết phục các bên liên quan và họ tin rằng chỉ có Beckenbauer có thể thay đổi được tình hình. Tại một căn phòng khác, “Der Kaiser” đang làm nhiệm vụ của mình, trao đổi với Hermann Neuberger, phó chủ tịch DFB và cũng là phó chủ tịch của FIFA đến tận năm giờ sáng về vấn đề tiền thưởng.
 
“Đề nghị cuối cùng của chúng tôi là 75 nghìn mark Đức!”
 
“Các anh sẽ không thể được nhiều hơn 70 nghìn mark”
 
Đó có thể coi là cuộc ngã giá đáng xấu hổ bậc nhất lịch sử bóng đá. Để có góc nhìn khách quan chúng ta nên biết rằng đội tuyển Hà Lan được liên đoàn của họ đề nghị một mức là 100 nghìn mark, còn với Ý là 120 mark. Ban đầu khoản thưởng của DFB đề nghị với các cầu thủ là bằng một phần tư những gì các đồng nghiệp Ý được nhận: 30 nghìn mark!
 
Chỉ khi cuộc nổi loạn diễn ra, DFB mới vào cuộc và tìm cách cứu vãn tình hình bằng cách đe doạ lẫn ngã giá với cầu thủ. Nhưng mọi việc không có gì là tiến triển ngay cả khi các cầu thủ chấp nhận thi đấu nốt vòng bảng. Beckenbauer thuyết phục họ thi đấu bằng con số 70 nghìn mark, và tỉ lệ bầu chọn là 11 thuận, 11 chống!
 
Họ thắng Chi Lê 1-0 ở trận mở màn và giành vé sớm sau khi tiếp tục đánh bại Australia 3-0. Dù vậy phong độ và tinh thần của cả đội nhìn chung ở mức rất thấp. Lượt cuối Tây Đức không được phép thua vì đối thủ là người anh em nhiều ân oán là Đông Đức. Kết quả sau cùng 1-0 với phần thắng giành cho người phía Đông và đó vẫn là một câu hỏi về sau vì không ai rõ các cầu thủ Tây Đức đã nhập cuộc trong tâm lí như thế nào.
 
Trận đấu lịch sử của Đông và Tây Đức
Có giả thuyết cho rằng Tây Đức đã chủ động thua để tránh nhánh đấu có Brazil, Hà Lan và Argentina. Không ai có thể chứng minh được đó là sự thật nhưng có thể thấy được HLV Helmut Schoen đã mất kiểm soát các cầu thủ của mình. Ngay trận thua lịch sử trước Đông Đức, Neuberger ra quyết định thăng HLV phó Jupp Derwall lên đồng HLV trưởng cùng Schoen để chia sẻ trách nhiệm.
 
Rõ ràng Schoen đang trong thời khắc tồi tệ nhất của sự nghiệp, Beckenbauer được coi là nhân tố quan trọng để vực dậy Tây Đức. Trước vòng bảng thứ hai, ông đã có buổi nói chuyện với phần còn lại. Ông chân thành, cởi mở và kiên nhẫn để thuyết phục cầu thủ cùng nhau đoàn kết lại vì mục tiêu chung (Schoen hoàn toàn không thể nói được một lời nào ngày hôm đó). Việc tái cơ cấu đội hình chính cũng được thực thi, Uli Hoeness và Guenter Netzer bị loại khỏi đội hình, Rainer Bonhof và Bernd Hoelzenbein được chọn để thay thế.
 
Tinh thần của cả đội được cải thiện rõ rệt ở vòng bảng thứ hai khi họ lần lượt giành chiến thắng 2-0 trước Nam Tư và 4-2 trước Thuỵ Điển. Trận đấu khó khăn nhất của vòng bảng thứ hai là với Ba Lan của Grzegorz Lato và Andrzej Szarmach, cặp tiền đạo đã ghi tới 10 bàn sau năm trận. Trước 76 nghìn người ở Frankfurt, ‘Die Bomber’ Gerd Mueller toả sáng ghi thắng duy nhất ở phút 76 để đưa Tây Đức lọt vào chung kết.
 
Nội tình của tuyển Đức diễn biến khả quan hơn khi các cầu thủ gạt qua sự bất đồng để tập trung vào chuyên môn. Để chuẩn bị đối phó với Cruyff, Schoen và Beckenbauer đã thử để hậu vệ Berti Vogts theo kèm Guenter Netzer trong buổi tập. Netzer là cầu thủ có lối chơi hào hoa bậc nhất Bundesliga thời đó và là cái tên khả dĩ nhất có thể so sánh với Cruyff. Phần còn của hai đội là khá tương xứng khi Hà Lan có Arie Haan, Willem Suurbier và Jonny Rep thì Tây Đức có Beckenbauer, Breitner và Grabowski.
 
Trận đấu diễn ra kịch tính ngay từ đầu khi ngay từ phút thứ hai tỉ số đã được mở cho Hà Lan. Cruyff thoát khỏi Vogts và có pha độc diễn, xộc thẳng vào vòng cấm địa Tây Đức khiến cho Hoeness phải phạm lỗi. Một chàng Johan khác là Neeskens bước lên sút thành công mở tỉ số trận đấu. Người Hà Lan có vẻ hơi chủ quan trong một vài thời điểm sau đó trước khi bị gỡ hoà cũng từ một tình huống penalty. Phút 25,  Hoelzenbein có pha đi bóng tương tự Cruyff trong vòng cấm, khác một chút so với huyền thoại Hà Lan là pha ngã của Hoelzenbein hoàn toàn chủ động. Beckenbauer khi nhớ lại pha bóng đó còn khẳng định đó chính là một ‘tuyệt chiêu’ của Hoelzenbein. Breitner bước lên nhận trách nhiệm và thành công sút tung lưới thủ thành Jan Jongbloed của Hà Lan. Đến phút 43, Gerd Mueller có cú dứt điểm quyết đoán trong vòng cấm địa Hà Lan mang lại chiến thắng 2-1 chung cuộc cho Tây Đức. Ở phần còn lại của trận đấu người Hà Lan tràn lên tìm bàn gỡ nhưng vô vọng trước nỗ lực của thủ thành Sepp Maier, người đã thi đấu xuất sắc và quả cảm để bảo vệ mành lưới. 
 
Chức vô địch World Cup 1974 và trước đó là Euro 1972 đánh dấu một chương sử đáng tự hào nhất trong lịch sử bóng đá Đức, bên cạnh đó là 3 chức vô địch C1 liên tiếp của Bayern Munich. Tất cả đều có sự hiện diện của Franz Beckenbauer.
 
Beckenbauer đã bảo vệ Schoen trong thời điểm khó khăn nhất
Ngoài yếu tố tinh thần, ông còn đóng góp quan trọng về chuyên môn khi trở thành hình mẫu lí tưởng nhất cho vị trí libero. Trong trận chung kết với Hà Lan, Beckenbauer xuất phát ở hàng hậu vệ cùng với Hans-Georg Schwarzenbeck nhưng nhiệm vụ là một “người tự do” (nghĩa tiếng Ý của từ libero) di chuyển dọc sân, vừa bọc lót hỗ trợ phòng ngự, vừa là nhà kiến tạo lùi sâu và sẵn sàng dâng lên trở thành tiền đạo phụ khi cần thiết.
 
Vị trí lạ lẫm của Beckenbauer là tiền đề quan trọng cho thành công về mặt chuyên môn của Tây Đức và Bayern Munich trong giai đoạn này. Và Beckenbauer đã thành công hơn huyền thoại người Hà Lan về mặt danh hiệu vì sự lãnh đạo và truyền cảm hứng trong lẫn ngoài sân bóng.
Guenter Netzer, người bị loại khỏi đội hình chính sau khi Beckenbauer trở thành thủ lĩnh của cả đội thay cho Helmut Schoen đã có những chia sẻ về Beckenbauer:
 
“Cậu ấy đã đứng ra trong hình huống tệ hại nhất, khi cả đội gần như đã tan rã, bảo vệ Schoen và tái cấu trúc lại đội bóng”
 
Một người khác cũng suýt mất chỗ đứng vì Beckenbauer là tiền đạo Hoeness cũng ca ngợi ông:
 
“Anh ấy chơi tuyệt hay ở từng trận đấu, thể hiện sự lãnh đạo xuất sắc và giúp cả đội nhìn thấy đôi chân của mình!”
 
***
Năm 1986, Franz Beckenbauer quay lại tuyển Đức trong vai trò HLV trưởng. Với một đội tuyển trẻ trung và không được đánh giá cao, Tây Đức vào lọt vào đến chung kết, chỉ để thua Argentina của Diego Maradona. 4 năm sau, Beckenbauer phục hận thành công khi giúp Đức vượt qua Argentina trong trận chung kết World Cup 1990 và đó là chức vô địch thế giới thứ ba của người Đức. Hơn một thập kỉ sau đó, Beckenbauer lại là nhân tố chủ chốt trong một World Cup khác của người Đức: World Cup 2006, giải đấu mà người Đức quyết tâm mang bằng được về quê hương, giới thiệu cho thế giới một nước Đức thời đại mới, đoàn kết, hoà hợp, văn minh và thân thiện.
 
Franz Beckenbauer vận động để đưa World Cup 2006 về Đức
Để tóm lại ảnh hưởng của Beckenbauer với bóng đá Đức, HLV Otto Rehhagel (bị mất chức ở Bayern Munich vì Beckenbauer năm 1996) từng nói:
“Khi ông ta nói quả bóng hình vuông, mọi người đều tin là đúng như vậy!”  
 
*Bài viết có sử dụng tư liệu từ quyển TOR! – The Story of German Football của tác giả Uli Hesse

LUKASZ(TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Gabriel Martinelli: Thay đổi để thích nghi hoặc ngồi dự bị!

Cầu thủ chạy cánh người Brazil chắc chắn sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khốc liệt để đòi lại vị trí chính thức trong đội hình xuất phát của HLV Mikel Arteta tại Arsenal, nhất là khi “người đóng thế” Leandro Trossard đang làm rất tốt mỗi khi được trao cơ hội.

Marco Reus: Yêu, sống và cảm nhận...

Lòng trung thành là giá trị xa xỉ trong bóng đá hiện đại. Chúng ta sẽ chẳng thể trách cầu thủ mong muốn ra đi tìm thử thách mới, nhưng một người gắn bó với một đội bóng suốt hơn một thập kỷ thì đó là giá trị đáng trân trọng.

Neymar: Từ thiên tài tới bi hài

Chấn thương, tiệc tùng, những vụ bê bối khiến sự nghiệp của Neymar lao dốc rất nhanh. Ở tuổi 32, liệu anh có thể trở lại đỉnh cao hay không?

Francesco Acerbi: Đóa hoa nở muộn

36 tuổi mới có lần đầu tiên vô địch Serie A dù đã chơi bóng ở Ý từ năm 2006, nếu ví Francesco Acerbi là một đóa hoa nở muộn thì người nuôi trồng đóa hoa ấy là Simone Inzaghi.

Julian Brandt: Gọi giấc mơ về từ quá khứ

Dù chưa bao giờ phát tiết trọn vẹn những phẩm chất cũng như tiềm năng thiên bẩm của mình nhưng tiền vệ người Đức đang cùng Dortmund mơ về một mùa giải đẹp nhất kể từ ngày bắt đầu sự nghiệp.

Gabriel Heinze và con đường của một gã... Judas

Một hậu vệ mạnh mẽ, phóng khoáng, luôn nhận được sự yêu quý tại bất kỳ nơi nào anh từng thi đấu nhưng rồi những mối nhân duyên quá đỗi phức tạp đã vô tình biến Gabriel Heinze trở thành kẻ phản bội trong mắt người hâm mộ từng giành trọn vẹn tình cảm cho ngôi sao người Argentina.