Franz Beckenbauer cùng di sản “libero hiện đại”

Tác giả BLV Hoàng Thông (Le Foot) - Thứ Ba 09/01/2024 16:52(GMT+7)

Zalo

Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần lễ, bóng đá thế giới nói lời chia tay với hai tượng đài vĩ đại, cũng là hai trong số ba con người duy nhất đến lúc này từng vô địch World Cup cả trong tư cách cầu thủ lẫn HLV. Vài ngày trước, là Mario Zagallo; và vào hôm qua, là Franz Beckenbauer. 

Franz Beckenbauer cùng di sản “libero hiện đại” 1
 

Cần phải biết rằng, trong suốt chiều dài lịch sử, chỉ có hai cầu thủ là Lionel Messi và Cristiano Ronaldo từng lọt vào top 10 của danh hiệu Ballon d’Or nhiều lần hơn “Der Kaiser” (Beckenbauer có 11 lần nằm trong top 10). Cũng Beckenbauer là hậu vệ duy nhất trong lịch sử từng hai lần giành Ballon d’Or. Sự vĩ đại của “Hoàng đế” khắc họa nên thập niên 70 lừng lẫy của Bayern Munich lẫn tuyển Đức; và còn bởi, tên tuổi của ông luôn gắn liền với vai trò của một “sweeper” hay “libero”. 

Sử gia chiến thuật Jonathan Wilson trong quyển “Inverting the Pyramid: The History of Football Tactics” viết rằng, hệ thống chiến thuật có sử dụng libero (“người tự do”) đầu tiên trên thế giới là hệ thống “verrou” của cố HLV Karl Rappan người Thụy Sĩ vào những năm 30. Vai trò này khắc họa một trong hai hậu vệ cánh sẽ bọc lót ở vị trí trung tâm lùi sâu, bên dưới hàng thủ. Để rồi sau này, libero cũng xuất hiện ở bóng đá Italia, khi Nereo Rocco và Helenio Herrera áp dụng lần lượt ở AC Milan và Inter Milan. 

Song, chính Franz Beckenbauer mới được xem là một libero hiện đại, một trong những di sản quan trọng nhất ông để lại. Bất kể những tai tiếng tình ái hay dính líu đến những scandal của FIFA, sự vĩ đại của “Hoàng đế” không thể bị lu mờ. 

Tobias Escher, đồng sáng lập trang phân tích chiến thuật nổi tiếng Spielverlagerung, đặt Franz Beckenbauer vào đội hình vĩ đại nhất giai đoạn 1970 đến 1980 của bóng đá thế giới. Tobias Escher từng viết như sau về “Der Kaiser”:

“Beckenbauer khởi nghiệp trong vai trò của một tiền đạo cánh, vốn dĩ là điều hợp lý: Ông nhanh nhẹn, linh hoạt, có thể quấy rối đối thủ bằng những động tác xử lý nghệ thuật. Nhưng chính tầm nhìn và giác quan thứ sáu trong bóng đá giúp ông trở thành một trong những tiền vệ ghi bàn nhiều nhất thế giới bóng đá. Ở kỳ World Cup 1966, Beckenbauer chỉ huy hàng công của tuyển Tây Đức trong vai trò của một số 6, ông trở thành tâm điểm trong mọi đợt tấn công của đội bóng.”

410907703_242956515503836_4419097704462715763_n
 

“Nhưng Beckenbauer cảm thấy mình vẫn có thể để lại ảnh hưởng lớn hơn nữa lên Bayern Munich và tuyển Đức, nếu bản thân đóng một vai trò chiến thuật khác. Ông dần phát chán với cảnh bị các cầu thủ đối phương bắt kèm một-một ở hàng tiền vệ. Giai thoại vào năm 1966 kể rằng, Beckenbauer suýt chút nữa đã trở thành một thành viên của tập thể La Grande Inter huyền thoại của Helenio Herrera. Thương vụ đổ vỡ vì Liên đoàn Bóng đá Italia quyết định trục xuất hết những cầu thủ nước ngoài khỏi Serie A sau màn trình diễn thảm họa của Azzurri ở World Cup 1966. Tuy nhiên, trong một chuyến đi tới Italia, Beckenbauer được chứng kiến Giacinto Facchetti thi đấu xuất sắc trong vai trò của một hậu vệ cánh. Facchetti leo biên như một cơn lốc, khiến các hậu vệ đối phương không tài nào đuổi kịp.”

“Thế rồi, Beckenbauer nảy ra một ý tưởng. Tại sao mình cứ phải chơi ở hàng tiền vệ, trong khi có thể bắt đầu các pha tăng tốc di chuyển ở sâu bên dưới hàng thủ? Ông thúc giục các HLV xếp mình đá như một libero – người đứng cuối cùng phía dưới một hàng thủ theo kèm một-một và được tự do di chuyển. Libero thời kỳ ấy chỉ đóng vai trò phòng thủ thuần túy, và chính Beckenbauer đã phát minh lại vai trò ấy. Ông khai thác khoảng trống trước mặt để phân tích đối thủ, tăng tốc với bóng trong chân và khai phá mặt sân bằng dải chuyền bóng cả dài lẫn ngắn.”

“Vai trò mới đó phù hợp đến hoàn hảo với khả năng của Beckenbauer. Ông cho thấy những đường nét tinh tế và lịch lãm bằng kỹ năng rê dắt bóng khi cầm quả bóng lao về phía trước, kết hợp nhãn quan sắc bén khi mở ra các cơ hội cho đồng đội. Beckenbauer không chỉ là một trong những cầu thủ tài năng nhất lịch sử bóng đá, mà ông còn tự mình sáng tạo ra một vai trò chiến thuật mới. Thử hỏi, có bao nhiêu cầu thủ trong dòng chảy bóng đá thế giới làm được điều tương tự?”

41521138_1584212705018123_7879939428108468224_n
 

Sự vĩ đại cùng tầm ảnh hưởng của Franc Beckenbauer lớn đến nỗi, suốt giai đoạn từ những năm 70 đến 90, người Đức không còn đơn thuần gọi ông là “Der Kaiser” nữa, thay vào đó là “ánh sáng chói lọi của bóng đá Đức”. Nhưng cũng chính những chiến công cùng việc phát minh ra vai trò libero hiện đại của Beckenbauer để lại một lời nguyền phải thành công với bóng đá Đức. 

Sử giả bóng đá Đức lừng danh Uli Hesse ở chương 15 mang tên “Rơi vào vực thẳm” của quyển sách “Tor! The Story of German Football” đã khắc họa rất rõ những áp lực cùng nỗi sợ phải thay đổi của nền bóng đá Đức sau những thành công mà Beckenbauer mang đến. Hệ quả của một nền bóng đá luôn gặt hái vinh quang suốt một thời gian dài chính là sự kỳ vọng luôn tăng lên, không chỉ từ người hâm mộ, giới truyền thông hay quan chức. Bất kỳ một HLV trưởng tuyển quốc gia nào, dù có lên tiếng hay im lặng, cũng cảm thấy áp lực phải ít nhất làm được những thứ như người tiền nhiệm. Và nếu người tiền nhiệm ấy là Franz Beckenbauer, tốt hơn hết là bạn phải nhanh chóng mang về những danh hiệu, trước khi quá muộn. 

Bản chất con người luôn là ngại thay đổi, đặc biệt khi bản thân bạn cảm thấy không có nhu cầu phải thay đổi. Nhưng suốt một thời gian dài, bóng đá Đức không nhìn thấy điều đó. Cho đến cuối thập niên 90, mặc cho sự bùng nổ của môn tennis, vẫn có rất đông trẻ em Đức lựa chọn bóng đá. Với một đất nước rộng lớn và đông dân như Đức, họ tự tin rằng mẫu số ấy sẽ cho ra đời nhiều ngôi sao bóng đá, như vốn dĩ họ đã luôn từng có được. Chỉ có điều, họ đã lầm. 

Bóng đá Đức cấp CLB lẫn đội tuyển vẫn có được thành công và sự công nhận cho đến cuối những năm 90, nhưng có một thứ dần thay đổi: Bóng đá. Những đức tính điển hình từng đưa nước Đức đi qua những cuộc khủng trong quá khứ – thể chất, tính tổ chức, sự tự tin – không còn tạo nên điều khác biệt, vì thế giới đã bắt kịp họ. Tính tổ chức và sự kỷ luật không còn là của riêng người Đức, chúng dần trở thành nền tảng của tất cả. Bóng đá Đức đã bỏ lỡ chuyến xe, khi cứ mãi nghĩ rằng chính tài xế phải đợi họ, chứ họ không có nghĩa vụ phải nhanh chân lên. Trong khi các quốc gia khác cứ tiến lên và không ngừng tiến bộ, bóng đá Đức vẫn khư khư những điều cũ kỹ. Dễ thấy nhất qua việc các CLB nhỏ vẫn tiếp tục bán đi những tài năng cho các ông lớn; những cầu thủ 14-15 tuổi thì luôn được dạy đừng cố làm những thứ khác thường, cứ hãy kiên cường, bền bỉ và trở thành những libero xuất sắc. Nhưng đâu phải libero nào cũng xuất sắc.

Franz Beckenbauer và hành trình xưng vương tại World Cup 1974Franz Beckenbauer và hành trình xưng vương tại World Cup 1974
Vì nhiều lí do, World Cup 1974 được nhớ đến như một kí ức bất hạnh dành cho Johan Cruyff hơn là sự công nhận xứng đáng dành cho Tây Đức của Franz Beckenbauer. Nếu coi World Cup là sân chơi cao quí nhất cấp đội tuyển và thước đo đánh giá nền bóng đá thì có thể coi tại World Cup 1974, chính huyền thoại Bayern Munich đã định nghĩa lại nền bóng đá Đức.
Franz Beckenbauer và di sản bất tử của ‘Hoàng đế’Franz Beckenbauer và di sản bất tử của ‘Hoàng đế’
Trọn bộ vinh quang từ Champions League đến World Cup, Euro hay danh hiệu cá nhân Quả Bóng Vàng, Franz Beckenbauer chính là một trong những huyền thoại thành công và vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá Đức cũng như thế giới trên cương vị cầu thủ lẫn huấn luyện viên.
LĐBĐ Việt Nam chia buồn sự ra đi của Hoàng đế Franz BeckenbauerLĐBĐ Việt Nam chia buồn sự ra đi của Hoàng đế Franz Beckenbauer
Được tin Huyền thoại Franz Beckenbauer vừa qua đời ở tuổi 78, Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam Trần Quốc Tuấn đã gửi thư chia buồn tới gia đình ông và LĐBĐ Đức.

Hệ thống chiến thuật với một libero đã luôn là kim chỉ nam của bóng đá Đức suốt gần như một phần tư thế kỷ, dần trở thành trở ngại cho sự phát triển. Cho đến cuối thập niên 90, hệ thống chiến thuật có libero vẫn là một “de rigueur” – “điều bắt buộc” ở hầu như mọi CLB của Đức. Bản chất hệ thống chiến thuật ấy chẳng có gì là sai cả. Thực tế, đấy vẫn là một hệ thống mềm dẻo và đầy tính linh hoạt, khi một hàng thủ tốt được xây dựng xoay quanh một libero tài năng có thể nhanh chóng ứng biến trước những gì diễn ra trong một trận đấu. Nếu đội bóng bị gây áp lực, libero có thể chơi lót phía sau các hậu vệ cánh. Nếu đội bóng có quyền kiểm soát, libero có thể di chuyển lên trên và khai thác những khoảng trống. Libero cũng có thể quyết định dàn ra một hàng thủ 3 người cùng các trung vệ, chỉ huy bẫy việt vị hoặc ra hiệu cho đội hình dâng cao để gây áp lực. 

Vấn đề là, có quá nhiều trọng trách được đặt vào một cá nhân. Hệ thống chiến thuật ấy chỉ có thể vận hành tối ưu trong điều kiện libero là… một siêu nhân – đôi chân nhanh nhẹn, đầu nhảy số liên tục, kỹ thuật thượng thừa, không biết sợ hãi, ít nhất thì cũng phải biết không chiến và tắc bóng, không chỉ biết đọc trận đấu tốt mà còn phải biết xử lý thông tin để tùy cơ ứng biến. Nói siêu nhân thì hơi quá, nhưng libero rõ ràng phải là một người chỉ huy toàn diện của đội bóng.

Lịch sử bóng đá cũng đã có những con người như thế, làm được hết những việc đó, hoặc gần hết. Franz Beckenbauer, Franco Baresi hay Danny Blind. Nhưng nhân tài như họ thì không phải như quả mọc trên cây, thậm chí cả ở một đất nước đầy rừng như Đức. Câu hỏi được đặt ra dành cho người Đức suốt những năm dài đó: “Ai là libero xuất sắc nhất của chúng ta bây giờ?”. Tìm kiếm câu trả lời đã luôn là bài toán tra tấn mỗi đời HLV đội tuyển quốc Đức kể từ ngày Beckenbauer treo giày.

Sự vĩ đại của Franz Beckenbauer chính là như vậy. Phát minh ra một vai trò mới trong lịch sử bóng đá và khiến cả một nền bóng đá chịu áp lực tìm người kế thừa.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Chelsea: Chờ Enzo mở khóa...Enzo

Việc tối ưu một tiền vệ tầm cỡ như Enzo Fernandez sẽ là chìa khóa quan trọng quyết định thành công của tân HLV Enzo Maresca trong mùa giải năm nay.

X
top-arrow