Frans Hoek: Bố già của thế giới thủ môn (P2)

Tác giả Nam Khánh - Thứ Tư 01/07/2020 14:58(GMT+7)

Giờ đây, cuộc sống của Hoek đang được phân chia giữa ngôi nhà của ông ở Hoorn, vai trò giám đốc kỹ thuật tại Câu lạc bộ bóng đá Orange County ở California, và thứ mà ông mô tả là “một dự án đáng kinh ngạc” có thể mở ra một tương lai đáng nể cho nền bóng đá Nhật Bản.

Giống như nhiều nhà đổi mới vĩ đại khác, Hoek đã sống đủ lâu để có thể được nhìn thấy các phương pháp của ông trở nên phổ biến. Sự ra đời của luật chuyền về đã ngăn cản các thủ môn bắt bóng từ những đường chuyền của các đồng đội, và đó là một sự thay đổi lớn đã đưa cuộc chơi đi theo hướng đường lối của ông. Ba năm sau khi nó được áp dụng, Ajax của ông đã một lần nữa trở thành nhà vô địch châu Âu. 

“Tôi yêu luật chuyền về,” Hoek nói.
“Mọi người đều ghét nó, nhưng tôi thì yêu nó. Thực sự rất yêu nó. Nó phù hợp một cách hoàn hảo với triết lý của chúng tôi tại Ajax. Chúng tôi đã có một lợi thế lớn. Thứ nhất, đó là khi chúng tôi có bóng, nhưng khi đối phương có bóng thì cũng vậy, bởi vì nếu họ chuyền bóng về cho thủ môn, anh ta sẽ không biết mình phải làm gì với nó.”
“Ngay từ đầu, chúng tôi đã có một lợi thế lớn.”
“Tôi đã rất may mắn. Chậm nhưng chắc, những gì mà tôi đang huấn luyện đã bắt đầu được đưa vào cuộc chơi một cách rộng rãi. Phần thú vị chính là cái cách mà bóng đá tiếp tục phát triển. Hãy nhìn vào các nhà cầm quân có được những đột phá với thứ triết lý mà chúng tôi đã vạch ra.”
“Hãy nhìn Jurgen Klopp đi. Các danh hiệu đã bắt đầu đến khi Alisson gia nhập Liverpool. Thật thú vị phải không. Hãy nhìn Manchester City đi. Họ cũng bắt đầu có được các danh hiệu khi Ederson xuất hiện. Các thủ môn chắc chắn là có giá trị lớn hơn mọi người nghĩ.”
Tuy nhiên, Hoek vẫn phải đương đầu với những sự chống đối hướng đến các phương pháp của ông. 
Ban đầu, đó là điều không thể tránh khỏi. “Mọi người nghĩ rằng tôi bị điên,” Ông thừa nhận.
Nhưng ngay cả khi là một phần của thành công tại Champions League, và đóng vai trò lớn trong các chức vô địch quốc nội tại Hà Lan, Tây Ban Nha và Đức, không có gì lạ khi những phương pháp của Hoek khiến các thủ môn cảm thấy không thoải mái. 
“Mọi người muốn được ở trong vùng an toàn của mình. Nếu tôi định kéo họ ra khỏi đó, họ sẽ cảm thấy bất mãn. Đó không phải là điều mà họ muốn. Nhưng cả cuộc đời tôi đã phải liên tục rời khỏi vùng an toàn của mình. Điều đó sẽ giúp bạn cải thiện bản thân. Đó là cách duy nhất.”


Có những nguồn tin đã nói rằng David De Gea và các thủ môn còn lại của Manchester United cảm thấy đặc biệt khó chịu với khoảng thời gian phải làm việc cùng Hoek dưới triều đại Van Gaal tại Old Trafford. 
Chính bản thân Hoek cũng đã xác nhận thông tin đó. 
“Nếu bạn đã quen làm mọi thứ theo một cách nhất định trong suốt sự nghiệp của mình, và cái hướng làm việc đó đã giúp bạn trở thành một thủ môn của Manchester United, nhưng tôi lại buộc bạn phải thay đổi nó, thì đương nhiên là bạn sẽ rất thắc mắc là tôi đang làm gì và tại sao tôi lại làm vậy,” Ông nói.
“Nhưng tôi không hề ngần ngại chuyện làm những điều mà mình tin là sẽ giúp cho các thủ môn trở nên tốt hơn. Tôi không nhìn vào các thủ môn một cách tách biệt với phần còn lại của đội, mà tôi nhìn vào bức tranh tổng thể. Bạn không thể nhìn nhận theo bất kỳ một cách nào khác cả. Trọng tâm phải là về mối quan hệ của thủ môn với đội bóng.” 
“Nếu tôi muốn trở thành một vận động viên xe đạp giỏi hơn, thì tôi cần phải đạp xe thật nhiều. Nếu tôi muốn trở thành một vận động viên chạy giỏi hơn, thì tôi cần phải chạy thật nhiều. Nếu tôi muốn trở thành một thủ môn giỏi hơn, tôi cần phải tham gia cùng các đồng đội đương đầu với đối phương, bởi vì đó là thực tế. Cách tiếp cận ấy vẫn còn khá kỳ lạ, nhưng theo quan điểm của tôi, chẳng còn cách nào tốt hơn cả.”

“Đối với tôi, đó là một hướng đi rất logic. Bóng đá thay đổi, vậy nên tôi cũng cần phải thay đổi. Các yêu cầu của cuộc chơi sẽ thay đổi những gì mà chúng ta muốn từ một thủ môn. Vậy, làm thế nào để chúng ta hợp nhất hai chủ thể ấy lại?”
“Khi nhìn lại những năm đã qua, tôi có thể nói rằng trong suốt 12 năm mình gắn bó với Ajax, có lẽ chuyện huấn luyện riêng và huấn luyện chung là nằm ở tỷ lệ 50-50. Lúc ấy, tôi vẫn tin là huấn luyện riêng rất quan trọng. Tôi đã giữ hướng làm việc đó trong một thời gian dài, mãi cho đến sau này có thể nó đã trở thành 70-30 nghiêng về phần huấn luyện chung.”
“Tại Manchester United, có thể chuyện tập luyện chung cùng đội là lên đến 80 – 90%, và chỉ 10 – 20% là tập luyện riêng, không có phần còn lại của đội cùng tham gia. Tôi có thể nói với anh là các thủ môn không hể thích điều đó.”
“Nó hoàn toàn khác với những gì mà họ đã quen thuộc. Vấn đề là việc tập riêng không phải lúc nào cũng giúp họ cải thiện. Trên thực tế, nó thậm chí còn khiến họ tệ đi.”
Làm thế nào mà trường hợp đó lại có thể xảy ra? Chẳng phải việc đối mặt với những cú sút là phương pháp tốt nhất để học cách cản phá các pha dứt điểm trong một trận đấu hay sao? Một lần nữa, Hoek lại có câu trả lời cho vấn đề này. Nó khá dài và rất thuyết phục.  
“Hãy thử nghĩ về chuyện cho thủ môn tập luyện tách biệt với đội nhé. Ở đấy sẽ chỉ có một người đảm nhận nhiệm vụ sút bóng. Liệu điều đó có thường xuyên diễn ra trong một trận đấu không? Khi người trợ lý huấn luyện viên tung ra những cú sút về phía tôi, chỉ sau vài lần là tôi đã biết hết tất cả mọi thứ về cách sút của ông ta. Chẳng còn gì bất ngờ nữa. Chẳng còn gì cả.” 
“Không chỉ vậy, trong một trận đấu thực tiễn, anh không hề là một cá nhân duy nhất, mà còn có cả các đồng đội của anh nữa, luôn phải phòng ngự và tấn công cùng nhau như một đội ngũ gắn kết.Vì vậy, anh phải làm việc cùng tập thể và đọc các tình huống.” 
“Tôi đã bắt đầu áp dụng hướng huấn luyện ấy với các cầu thủ trẻ, mà tiêu biểu chính là Victor Valdes và Pepe Reina tại Barcelona, bởi vì tôi biết rằng, nếu họ đã được tập luyện chung cùng nhau như một phần của đội, thì sau đó vấn đề duy nhất chỉ là liệu họ có thể đứng vững trước cái áp lực của việc có 100.000 khán giả đang theo dõi mình hay không.”
“Có một câu nói mà bạn sẽ rất hay được nghe thấy là ‘khi các thủ môn càng lớn tuổi, họ sẽ càng giỏi hơn so với trước đây.’ Tại sao lại như vậy? Đó là bởi vì họ luôn tập luyện tách biệt với đội và chỉ trở nên giỏi hơn bằng cách thực chiến. Vì vậy, khi một thủ môn bước sang tuổi 30, nghĩa là anh ta đã có kinh nghiệm khoảng 10 năm thi đấu và 400 trận.” 
“Nếu bạn đưa những tình huống thực tiễn của các trận đấu vào công tác tập luyện, anh ta sẽ quen thuộc với chúng sớm hơn nhiều trong sự nghiệp của mình, qua đó, anh ta sẽ mất ít thời gian hơn để đạt đến đẳng cấp đỉnh cao.”
“Ở tuổi 22, Edwin van der Sar đã đạt đến cái tầm vóc ấy. Còn Valdes và Reina là ở tuổi 20. Đó sẽ chẳng phải là một chuyện quá đặc biệt và khác thường miễn là bạn có những phương pháp hiệu quả để giúp họ nhận thức được các tình huống thực tiễn trong các trận đấu.”
“Tôi không quan tâm đến sự chống đối. Tôi làm điều này bởi vì muốn thức tỉnh mọi người và đưa họ đối mặt với những điều khác biệt. Khiến họ phải suy ngẫm. Công việc của tôi là cung cấp cho các thủ môn chất lượng huấn luyện tốt nhất. Điều đó có nghĩa là phải luôn cởi mở. Nếu bạn không đồng ý với quan điểm của tôi, hãy cho tôi thấy bạn sẽ làm điều đó như thế nào. Nếu có ai đó nghĩ khác với tôi, quá tốt. Nhưng hãy giải thích lý do tại sao.”
Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất về cách tư duy đầy khác biệt của Hoek đã đến ở Salvador, Brazil, sau 120 phút của trận tứ kết World Cup 2014 giữa Hà Lan và Costa Rica. 
Van Gaal đã đưa ra quyết định thay thế Jasper Cillessen bằng Tim Krul ngay trước khi loạt sút luân lưu diễn ra. Krul đã thực hiện hai pha cản phá cực kỳ quan trọng để giúp Oranje tiến vào trận bán kết. Một số người đã ca ngợi đó là một ý tưởng xuất sắc. Cũng có một số người chỉ trích rằng Van Gaal đã nghiền nát sự tự tin của Cillessen. Còn đối với Hoek, đó là một quyết định dựa trên sự logic thuần túy. 
“Tôi là một người trợ lý, một cố vấn,” Ông giải thích. “Quyết định cuối cùng luôn phải được đưa ra bởi huấn luyện viên trưởng. Nhưng động thái thay đổi thủ môn trong loạt sút luân lưu là một nước cờ hợp lý, chính vì những gì mà Cillessen đã thể hiện trong sự nghiệp của mình khi phải đối mặt với những quả penalty. Cậu ta đã không hề cải thiện. Các thủ môn khác, mặc dù không giỏi như Cillessen, nhưng đã cải thiện rõ rệt khả năng bắt penalty.” 

“Khi bạn nghe về cái cơ sở ấy, thì quyết định được đưa ra lúc đó sẽ trở nên cực kỳ logic. Đầy kỳ lạ, nhưng chẳng hề vô lý. Trọng tâm chỉ đơn giản là tìm ra các giải pháp tốt nhất để giúp đội bóng của bạn giành chiến thắng trong trận đấu, hoặc ở loạt sút luân lưu. Bạn phải đưa ra quyết định tốt nhất cho đội bóng của mình. Chuyện chỉ có vậy thôi. Bạn không cần phải nghĩ về những gì mà thế giới bên ngoài sẽ nói, bởi vì họ đâu có giúp bạn giành chiến thắng các trận đấu.”
Có thể tóm tắt lại cách tiếp cận của Hoek như sau : Không bao giờ ngần ngại đổi mới, luôn cởi mở với những ý tưởng mới. “Tôi đã thử nghiệm mọi thứ mà anh có thể tưởng tượng ra,” Ông nói với một nụ cười.
Giờ đây, cuộc sống của Hoek đang được phân chia giữa ngôi nhà của ông ở Hoorn, vai trò giám đốc kỹ thuật tại Câu lạc bộ bóng đá Orange County ở California, và thứ mà ông mô tả là “một dự án đáng kinh ngạc” có thể mở ra một tương lai đáng nể cho nền bóng đá Nhật Bản.
“Họ muốn trở thành nhà vô địch thế giới vào năm 2050,” Ông giải thích. “Ba mươi năm nữa thì có thể tôi đã không còn trên đời rồi. Người thủ môn sẽ giúp Nhật Bản đạt được cái ước mơ đó có lẽ thậm chí còn chưa được sinh ra. Nhưng tôi đang cố gắng cung cấp một nền tảng cho phép họ có thể học hỏi một cách tốt nhất.” 

Nếu những luật lệ của cuộc chơi lại tiếp tục thay đổi vào giữa thế kỷ này, Hoek muốn các cầu thủ sẵn sàng thích ứng với chúng. Ông muốn họ luôn không ngần ngại đón nhận, thích nghi với tất cả mọi chuyển biến. 
“Luật chuyền về từng là một sự thay đổi đáng kinh ngạc, nhưng chúng tôi đã sẵn sàng đón nhận nó. Nếu trong tương lai, FIFA quyết định rằng các thủ môn không còn có thể sử dụng bàn tay hoặc cánh tay của họ trong trận đấu nữa, bạn cũng cần phải chuẩn bị một cách tốt nhất cho điều đó.”
“Làm thế nào để chúng ta có thể biến những thay đổi kiểu vậy thành lợi thế của mình ? Chuyện đó sẽ rất thú vị đấy.”
Và với cái viễn cảnh ấy, tâm trí của Hoek lại đang trôi dạt đến những cuộc đổi mới tiếp theo của thế giới bóng đá. Giờ đây, ở tuổi 63, sự nghiệp của ông chắc chắn chẳng thể kéo dài mãi mãi, nhưng những ảnh hưởng mà Hoek đã tạo nên trong cuộc chơi sẽ không bao giờ bị phai mờ.
Nguồn : Lược dịch từ bài phỏng vấn “The Godfather of Goalkeeping” được thực hiện bởi Adam Bate, đăng tải trên Sky Sports.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Đêm huyền ảo ở Munich

Thật không tưởng và kỳ lạ, nhưng giờ tôi có thể nói với bản thân mình, ‘Chúa ơi, thì ra cảm giác vô địch là thế này! Tôi luôn luôn tự hỏi nó sẽ như thế nào, nhưng giờ tôi đã biết rồi!’.

Pep Guardiola gia hạn với Man City: Ai buồn, ai vui?

Lại một lần nữa trong những ngày tháng 11, Pep Guardiola lại quyết định gia hạn hợp đồng với Manchester City sau 2 lần gia hạn trước đó vào năm 2020 và 2022. Bản hợp đồng mới cho phép Pep gắn bó thêm 2 năm với đội chủ sân Etihad và đánh dấu cột mốc tròn 1 thập kỷ chiến lược gia vĩ đại này dẫn dắt nửa xanh thành Manchester.

Rodri: "Có nhiều thứ bạn sẽ không thể học được qua trường lớp mà phải tự chiêm nghiệm theo thời gian"

Khôn khéo trong cách ăn nói, kín đáo trong phong cách ăn mặc, là một người có học thức khi đã tốt nghiệp đại học và một cơ thể không dính một hình xăm... Có thể nói Rodri giống như một "cánh chim vừa lạ, vừa đặc biệt" trong thế hệ các cầu thủ đang thi đấu ở bóng đá hiện đại. Và ở cuộc phỏng vấn với Esquire, chúng ta sẽ có dịp hiểu nhiều hơn về con người và lối suy nghĩ của Rodri - cầu thủ đang chơi cho Man City vừa đoạt được danh hiệu Quả bóng vàng năm 2024.

Nghịch lý Vinícius Júnior

Vinícius Júnior đã thất bại trong cuộc đua Ballon d’Or vào tháng trước, nhưng bạn hãy thử nói với người hâm mộ Real Madrid rằng anh thực sự không xứng đáng giành Quả Bóng Vàng mà xem. “Vinícius, Ballon d'Or,” đám đông khán giả tại Santiago Bernabeu đã hát đi hát lại câu này vào hôm thứ 7, khi tiền đạo người Brazil lập hattrick trong chiến thắng 4-0 của Madrid trước Osasuna.

Luis Nani: Cuộc đời xoay trong những điệu santo

Gần 40 tuổi, thay vì lựa chọn nghỉ hưu ở những bãi biển xinh đẹp, Nani vẫn tiếp tục chơi bóng. Chẳng quan trọng là Manchester United lừng danh thế giới, Valencia đình đám một thời hay Sporting Lisbon giàu truyền thống, chỉ cần được ra sân và cống hiến, như thế là đủ mãn nguyện đối với ngôi sao người Bồ Đào Nha.

Ruben Amorim: "Tôi sẽ làm tất cả để đưa Man Utd trở về vị thế của mình"

Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.

Ayoze Perez: Sau cơn mưa mù là nắng ấm

Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.