Một chiến lược gia từng đưa Barcelona đến ngôi vô địch Champions League, từng biến Ronaldinho trở thành cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, từng cho ra mắt “siêu thần đồng” Lionel Messi, cuối cùng đã phải nói lời chia tay sân Nou Camp trong cay đắng và rồi biến mất khỏi thế giới bóng đá một cách khó hiểu.
Ảnh: Getty Images
Ai cũng biết Frank Rijkaard sở hữu một sự nghiệp lẫy lừng. Cùng với Ruud Gullit và Marco Van Basten, cựu HLV Barcelona chính là hạt nhân quan trọng trong bộ ba “Hà Lan bay” đã giúp đội bóng xứ sở hoa tulip giành danh hiệu vô địch Euro 1988. Tại AC Milan, Rijkaard cũng từng hai lần được nâng cao chiếc cúp Champions League danh giá. Ngay cả khi đã bước vào giai đoạn cuối của sự nghiệp, cầu thủ người Hà Lan vẫn có thêm một lần vô địch châu Âu cùng Ajax Amsterdam trước khi tiếp tục chinh phục danh hiệu này trên cương vị huấn luyện.
Trước Rijkaard, mới chỉ có Miguel Munoz, Giovanni Trapattoni, Johan Cruyff và Carlo Ancelotti là những người từng giành được Champions League dưới tư cách cả cầu thủ lẫn huấn luyện viên. Sau này, người ta được chứng kiến thêm Pep Guardiola và Zinedine Zidane. Nói như vậy để thấy thành tích của Rijkaard là ấn tượng và đặc biệt tới nhường nào.
Cần phải nhấn mạnh rằng, thời điểm nhà cầm quân người Hà Lan tiếp quản Barca không phải là một giai đoạn thực sự dễ chịu. Năm 2003, đội bóng xứ Catalunya vừa trải qua một trong những mùa giải bạc nhược nhất. Lần lượt Louis van Gaal, Antonio de la Cruz và Radomir Antic đều bị sa thải trên chiếc “ghế nóng” dẫn dắt CLB. Một cuộc bầu cử mới đã ngay lập tức được tiến hành trong mùa hè và tân Chủ tịch Joan Laporta quyết định nhắm tới hai người Hà Lan khác cho vị trí huấn luyện viên trưởng, đó là Guus Hiddink và Ronald Koeman. Tuy nhiên, họ từ chối và Rijkaard chính là sự lựa chọn thay thế.
Vị chiến lược gia trẻ tuổi đã khởi đầu vô cùng bết bát khi chỉ giành được vỏn vẹn hai chiến thắng sau 7 trận đầu tiên dưới triều đại mới của mình. Tháng 12/2003, Barca thậm chí đang ngụp lặn ở vị trí thứ 12 trên bảng xếp hạng. Có quá nhiều thời điểm, mọi người đã tin chắc rằng Rijkaard sẽ phải bật bãi khỏi Catalunya. Nhưng rồi, sự xuất hiện của Edgar Davids trong kỳ chuyển nhượng mùa đông năm ấy đã nhanh chóng thay đổi tất cả.
Từ một bản hợp đồng 31 tuổi bị nghi ngờ là hết thời, cựu ngôi sao Juventus đã trở thành “chất xúc tác” cực kỳ quan trọng mang đến sức chiến đấu cần thiết cho hàng tiện vệ đang dần trở nên vụn vỡ của Barca. Đội bóng chủ sân Nou Camp thi đấu lột xác và kết thúc mùa giải 2003/2004 ở vị trí thứ hai tại LaLiga. Bằng một phép màu kỳ lạ, chiếc ghế của Rijkaard cuối cùng đã được cứu sống một cách ngoạn mục.
Frank Rijkaard đã giúp Barcelona vượt qua quãng thời gian khó khăn. Ảnh: Getty Images
Tác động của “cú chết hụt” này đã thay đổi hoàn toàn diện mạo của Barca dưới thời Rijkaard. Lần lượt sự xuất hiện của những tân binh sáng giá như Deco, Eto’o, Giuly… cộng thêm một Ronaldinho thi đấu ngày càng thăng hoa, đội bóng xứ Catalunya bắt đầu được lập trình để hướng đến những màn trình diễn tấn công hủy diệt. Sở hữu trong tay không ít các ngôi sao hàng đầu thế giới, Rijkaard luôn có được sự đột biến và nguồn cảm hứng chơi bóng cần thiết. Bên cạnh đó, khả năng trưởng thành vượt bậc từ lứa cầu thủ trẻ tại học viện La Masia, tiêu biểu như Valdes, Xavi hay Iniesta… cũng giúp cho vị chiến lược gia người Hà Lan dễ dàng xây dựng nên một lối chơi ban bật phù hợp với truyền thống của đội bóng.
Đỉnh cao của Barca dưới triều đại Rijkaard, không gì khác, chính là chức vô địch Champions League 2006, một mùa giải mà các culé được chứng kiến những Ronaldinho, Deco, Eto’o, Giuly… thi đấu quá sức bùng nổ. Mặc dù vậy, khoảng thời gian sau này, khi những bất đồng trong phòng thay đồ dần khiến cho nội bộ CLB chủ sân Nou Camp trở nên “tan đàn xẻ nghé”, hệ quả cuối cùng chính là trát sa thải dành cho Rijkaard.
Sự lựa chọn thay thế nhà cầm quân người Hà Lan là Pep Guardiola, được điều từ đội Barca B lên nắm quyền đã không làm cho các cổ động viên xứ Catalunya thất vọng. Chỉ trong vòng 5 năm, Barca đã trở thành một đế chế thống trị châu Âu cả về số lượng danh hiệu lẫn xu hướng chiến thuật bóng đá có tầm ảnh hưởng sâu rộng bậc nhất. Cái tên Pep Guardiola nhanh chóng được xưng tụng trên khắp mọi nẻo đường xứ Catalunia. Còn Rijkaard, trải qua những cuộc phiêu lưu lặng lẽ ở Thổ Nhĩ Kỳ (Galatasaray) và Trung Đông (ĐT Saudi Arabia), người đàn ông ấy đã bình thản chấp nhận biến mất khỏi thế giới bóng đá.
Cho đến bây giờ, khi nói về Rijkaard, có không ít người vẫn tin rằng dưới triều đại cầm quân của cựu danh thủ Milan, tập thể Barca đã chơi một thứ bóng đá say mê và quyến rũ nhất. So với đội bóng mà Pep Guardiola xây dựng sau này có phần trở nên “triết lý” hơn thì lối chơi dưới thời Rijkaard lại tồn tại một nét phóng khoáng đầy ngưỡng mộ. Bên cạnh danh hiệu Champions League, đội bóng của Rijkaard cũng giành được thêm hai chức vô địch La Liga, hai Siêu Cúp Tây Ban Nha cùng tỷ lệ thắng lên tới 59%.
Chức vô địch Champions League 2006 là đỉnh cao trong sự nghiệp cầm quân của Rijkaard. Ảnh: UEFA
Mọi chuyện chỉ thực sự mất kiểm soát khi Ronaldinho dần trở lại với bản năng trác táng quen thuộc, Eto’o không còn cảm thấy vui vẻ trên sân bóng, Deco mệt mỏi và “thần đồng” Messi thì vẫn chưa thể bước vào giai đoạn chín muồi nhất trong sự nghiệp. Mặc dù vậy, tất cả những tiền đề mà Rijkaard từng xây dựng cho Barca thì vẫn tồn tại ở đó, một thứ di sản dường như là vô thừa nhận.
Trước những ánh hào quang mà Pep Guardiola mang tới sau này, có quá ít người thực sự nhớ đến vai trò kiến tạo nền móng của Rijkaard. Một Barca đại diện cho sự lãng mạn đã gần như bị lãng quên hoàn toàn chỉ sau cuộc khủng hoảng trớ trêu vào những năm 2007, 2008. Cộng thêm nỗi chán chường từ cuộc hôn nhân đổ vỡ, cựu danh thủ Milan cuối cùng đã quyết định lựa chọn một cuộc sống ẩn dật, hoàn toàn rời xa khỏi bóng đá.
Ở khía cạnh thực tế, người ta vẫn sẽ đồng tình với quan điểm rằng Barca của Rijkaard chưa thể nào đạt tới đỉnh cao về mặt thành tích như dưới thời Pep Guardiola. Thế nhưng, đối với nhiều người thích theo đuổi chủ nghĩa lãng mạn, đây vẫn luôn là một sự nuối tiếc đầy dở dang dành cho trường phái bóng đá đẹp.
Giống như một con thiên nga quyến rũ và mỏng manh, Barca của Frank Rijkaard cuối cùng đã trôi vào quên lãng như một di sản không được thừa nhận.
Sau khi đặt chân đến Man Utd, tân HLV Ruben Amorim đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với phóng viên của CLB là Harry Robinson, ngay tại sân Old Trafford. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nội bộ này, nhà cầm quân trẻ người Bồ Đào Nha đã giải thích lý do anh chọn đến đội chủ sân Old Trafford, cũng như khái quát về triết lý bóng đá của mình. Và đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn ấy.
Từ một cái tên từng nổi lên tại xứ sở sương mù trong màu áo Newcastle cách đây gần một thập kỷ, rồi bất ngờ ngụp lặn bởi những ca chấn thương, Ayoze Perez giờ đây đã quay trở về quê hương Tây Ban Nha ấm áp và trở thành nguồn cảm hứng kỳ lạ mang đến nét tươi mới cho Villarreal trong mùa giải năm nay.
Những lời tâm sự được chính cựu danh thủ Adriano viết trên website The Players’ Tribune, về nhịp sống tại khu ổ chuột nơi anh sinh thành, về quyết định rời bỏ thế giới bóng đá đỉnh cao hào nhoáng để tìm lại về nơi đây.