Một người xem bóng đá bình thường phải cảm ơn Frankie, vì đã dạy cho họ biết thế nào là lòng trung thành, sự chăm chỉ và khả năng làm nên những chuyện phi thường của một người bình thường.
|
Frank Lampard: Viết cho một người bình thường phi thường |
Mùa 2014/15 khép lại, có chút lạ và bối rối khi biết rằng Frank Lampard sẽ không còn ở đó và chạy trên sân nữa. Ừ thì biết rằng mọi thứ vẫn sẽ chảy trôi bình thường, nhưng dù là bã trầu của West Ham, xanh dương đậm của Chelsea hay xanh dương nhạt của Man City, dù đá chính hay ngồi dự bị, thì Lampard, anh vẫn nên ở lại với Premier League như mọi người hằng mong. Bởi vì kể cả anh có thông báo rời giải Ngoại hạng trước cả năm trời, ngày anh đi vẫn đường đột và hẫng hụt như thế. Chỉ là người ta đã chuẩn bị để đón nhận cái sự đường đột đó một cách bình thản hơn, rồi sau đó chỉ nhìn lại ngày cũ để thở dài chứ không rơi lệ.
Cái lỗi lớn nhất của một người bình thường khi yêu, đó là cứ yêu cái gì thì coi cái ấy như một lẽ tất nhiên mình phải có. Dù biết rằng một ngày nào đó tình yêu ấy sẽ phải chấm dứt, họ cũng phó mặc để tận hưởng nốt cái hiện tại. Vì thế, khi Lampard sút cận thành tung lưới Chelsea trong màu áo Man City, thực sự các True Blues đã buồn vui lẫn lộn. Họ buồn vì, hẳn nhiên rồi, một người cũ, một đứa con cưng, một người họ luôn để dành hẳn cho một ngăn trong tim, đã quay lại để cứa một mũi dao vào tim đội bóng đã đưa tên tuổi anh lên một tầm mới. Họ vui vì, cũng hẳn nhiên, đây là những giây hiện tại cuối cùng họ được thấy Frankie, và buồng phổi của người không phổi vẫn chạy tốt lắm.
Màn ăn mừng sau đó quả thực khiến cho các cổ động viên trung lập cũng phải xúc động. Lampard chực khóc, không ăn mừng theo đúng nghĩa ăn mừng nhưng cũng có chia vui với các đồng đội. Anh ngước đôi mắt rơm rớm lên bầu trời xanh, như thể để xin lỗi mẹ, người đã dặn anh đừng bao giờ rời Chelsea như một tâm nguyện cuối cùng trước khi qua đời.
|
Anh ngước đôi mắt rơm rớm lên bầu trời xanh... |
Hình ảnh ấy khác hẳn với một Lampard đã từng cháy cuồng nhiệt và ăn mừng như một quý ông sau mỗi bàn thắng ghi được. Không rõ người ta bắt đầu yêu Lampard từ lúc nào, nhưng với người viết những dòng này, đó là thời điểm đúng ngày này 10 năm trước, 17/12/2006, khi anh vừa cứu Chelsea trong trận đấu đó, và vừa ghi tên mình vào lịch sử CLB với tư cách tiền vệ ghi nhiều bàn thắng nhất. Everton đang dẫn Chelsea 2-1 tại Goodison Park, và đồng hồ đã chỉ sang phút thứ 82. Từ một pha chồng biên bên cánh trái, bóng được Kalou đưa vào trung lộ cho Lampard. Thật lạ, tuyến hai của Everton không có ai kèm anh.
Quan sát rất nhanh, số 8 của Chelsea đưa quả bóng từ lòng trong chân phải của mình lên góc chữ A khung thành đối phương, bất chấp một cái bóng áo xanh của Everton đã ập vào khi dự liệu được những hiểm nguy dành cho khung thành đội nhà. Đường bóng bay khá kì lạ, khi Frankie sút nó bằng lòng trong và có một chút mũi giày, nhưng bóng lại bẻ theo hướng đi ra ngoài như một cú vuốt má ngoài. Bất chấp điều đó, đường bóng bay lạ đến đâu thì cũng không quan trọng bằng việc trận đó Chelsea đã thắng 3-2. Pha lập công của Frankie đã tạo nên một cuộc lội ngược dòng kịch tính cho đội quân của Người Đặc biệt.
Màn ăn mừng sau đó là một chuỗi hành động đáng nhớ của người mang băng đội trưởng ngày hôm ấy. Có cảm giác lập công, Lampard luôn muốn tặng bàn thắng cho một ai đó thân thương. Anh không ngước mắt nhìn trời như khi ghi bàn vào lưới đội bóng cũ, mà hôn sâu lên chiếc nhẫn cưới nơi bàn tay trái. Anh nhìn thẳng vào camera, đặt tay lên logo của The Blues. Anh hướng lên các khán đài, giơ một nắm đấm, như nói “hãy yên tâm” và ăn mừng cùng số ít cổ động viên của Chelsea trên sân Goodison Park.
|
Frank Lampard hôn sâu lên chiếc nhẫn cưới nơi bàn tay trái... |
Bàn thắng ấy như một chứng nhân cho những bàn thắng kéo dài trong suốt sự nghiệp của Lampard. Một cú đặt trụ rất cơ bản, pha vung tay thể hiện khả năng giải phóng hoàn toàn cơ thể đầy tự nhiên, và tình huống chạm bóng mạnh nhưng 5 ăn 5 thua. Đừng nói rằng Lampard cứ tung chân là ghi bàn, ngay kể cả pha bóng này cũng có thể đi vọt xà ngang trong một ngày xấu trời khác. Thế nhưng, mỗi khi huyền thoại của Chelsea (tôi xin mạn phép được gọi như vậy) lập công, bóng luôn đi cực căng, hiểm, với mành lưới như thể bị xé toang.
Trận đấu ấy cũng đại diện cho triết lý của Mourinho ngày xưa ở Chelsea: Tôi sẽ thắng với cách biệt 1 bàn, nếu là 1-0 thì tốt, nhưng nếu đối phương có bàn thắng, Chelsea sẽ có nhiều hơn 1. Và cứ thế, Frankie, với những pha nã đại bác mà các lò đào tạo trẻ hướng dẫn cho các học viên từ năm họ 15, 16 tuổi, không ít lần đã hoàn thành mục tiêu của ông thầy trên băng ghế chỉ đạo. Thật vậy, người ta không cần phải quá xuất sắc để nghĩ ra một ngón nghề gì đó mới mẻ, mà chỉ cần là người làm tốt nhất những thứ sẵn có. Các nhạc sĩ về sau này chế tạo ra đủ các loại đàn, từ Elgenharp, Tenorl-On, Samchillian đến Hapi Drum, nhưng các siêu phẩm Piano cho tới giờ vẫn đứng vị trí số 1. Frank Lampard là kẻ ngồi ở cây đàn Piano và đánh đi đánh lại một khúc nhạc, nhưng dù được lặp lại bao nhiêu lần, nó vẫn hay hơn phần lớn các âm thanh phát ra từ Drawdio. Chắc chắn là vậy.
Không có đặc sản theo kiểu độc chiêu giống Robben hay Messi, nhưng chỉ cần sút cơ bản như thế thôi, Lampard đã đi vào ngôi đền của những huyền thoại Chelsea với tư cách người ghi nhiều bàn nhất lịch sử đội bóng với 212 pha lập công. Đứng trên anh trong danh sách những người ghi bàn nhiều nhất giải Ngoại hạng toàn là tiền đạo mà thôi, trong khi Frankie chơi ở đâu trên sân, tất cả chúng ta đều biết.
|
Frank Lampard: người ghi nhiều bàn nhất lịch sử Chelsea với 212 pha lập công |
Frank Lampard, anh là một người bình thường, nhưng là một người bình thường phi thường. 20 năm sau đây, có thể anh sẽ chẳng được người ta nhắc nhiều như Ronaldo hay Messi, bộ đôi chinh phạt bóng đá thế giới trong khoảng 10 năm đổ lại, cũng chẳng đi vào những bộ sách giáo khoa với những pha đảo chân như tranh vẽ hay các tình huống phô bày kỹ thuật ảo diệu. Thế nhưng, người yêu Chelsea sẽ nhắc đến anh, những thủ môn đã từng bị anh chọc thủng lưới sẽ trải lòng về cảm giác khi Frankie ở đó và giơ chân lên, còn họ biết họ sắp phải đối mặt với một đường bóng không thể cản phá. Những trang sử sẽ còn mãi lưu tên anh ở đó, dù hình ảnh anh trên sân bóng, chạy, sút và lăn xả đều chỉ còn là của ngày xưa.
Frank Lampard, chúng tôi hi vọng một ngày nào đó, người bình thường phi thường của ngày xưa sẽ trở lại trên băng ghế huấn luyện, và một ai đó trong đội hình của anh sẽ tái hiện những pha nã đại bác của thuở cũ, vì anh sẽ dạy họ làm điều đó. Anh cũng sẽ dạy họ ghi hơn 30 bàn một mùa ở chỗ của một tiền vệ để tái hiện những gì anh đã làm trong những năm 2007 và 2010. Anh sẽ dạy lớp sau của mình rằng lả lướt hào hoa có thể tạo ra những cảm xúc trên sân bóng, nhưng thể lực dồi dào, thứ có thể bóp nghẹt lả lướt hào hoa, cũng có thể hoàn thành điều đó một cách trọn vẹn. 38 trận không nghỉ trong 4 mùa liên tiếp, mùa cao điểm chơi tới 62 trận mà không nghỉ một phút nào, mỗi trận chạy 12 km - cứ tưởng chừng chàng trai chơi bằng sức ấy sẽ chẳng bao giờ được nhớ về bằng những dòng cảm xúc nhẹ nhàng, nhưng khi anh về lại Stamford Bridge trong bộ suit của một chiến lược gia, sao người ta lại nửa bồi hồi và nửa kỳ vọng đến thế?
|
Hình ảnh thân thương của Frankie trên khán đài Stamford Bridge luôn làm các True Blue xúc động |
Một ngày nào đó, hãy trở lại, Frank Lampard. Vì những thứ cảm xúc nửa chừng con dốc mà anh mang lại, khi ghi bàn cho Chelsea và ghi bàn chống Chelsea, khi khiến người ta nửa vui nửa buồn, khi khiến người ta ngưỡng mộ vì thể lực phi thường rồi viết ra những con chữ chỉ hợp cho các nghệ sĩ hào hoa. Anh cần phải trở lại để viết nốt những dở dang của ngày cũ, dù người ta biết, những dở dang đó chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng trong tim những True Blues đích thực, còn những gì mà anh để lại cho Chelsea, trên thực tế, đã là vẹn tròn lắm rồi...
TEDDY (TTVN)