Frank Lampard bị sa thải: Mâu thuẫn với Granovskaia và khoảng cách với các cầu thủ

Tác giả CG - Thứ Ba 26/01/2021 11:33(GMT+7)

Zalo

Nhiều người khẳng định: công việc này quá lớn và đến quá sớm với Lampard. Lúc này, giờ chia tay đã đến.

Frank Lampard bị sa thải Nguyên nhân được tiết lộ hình ảnh
 
Suốt nhiều năm, những lời bàn tán râm ran về Chelsea trước mùa giải mới không lạc quan như thế này. HLV trưởng Frank Lampard đã sẵn sàng sau năm đầu tiên đầy ấn tượng trong công việc và CLB dường như ủng hộ ông với thương vụ chuyển nhượng lớn nhất lịch sử.
 
Đã có cuộc thảo luận về việc cạnh tranh danh hiệu và Lampard đã khẳng định mình là một trong những HLV có triển vọng sáng giá nhất trong giới huấn luyện. Nhưng tất cả không như những gì mọi người nghĩ.
 
“Thời điểm ông ấy trải qua chuỗi 4 - 5 trận đáng thất vọng, Chelsea sẽ quyết định thay đổi”, một nguồn tin tiết lộ với The Athletic vào tháng 8. Điều này nghe thật khó tin nhưng nó được khẳng định một cách quả quyết.
 
Điều này được tiết lộ vào mùa hè, thời điểm mọi thứ vẫn tươi sáng. Nhưng người đó vô cùng chắc chắn về những gì xảy ra ở hậu trường Chelsea. Anh/ông ta nói thêm: “Lampard sẽ không tại vị lâu nếu phong độ sa sút nghiêm trọng, đặc biệt sau số tiền đã được chi tiêu. Ông ấy ở trong một tình thế bấp bênh và tôi chỉ thấy mọi chuyện diễn ra theo một hướng”.
 
Sau vài tháng, dự đoán ấy đã thành hiện thực. Và lúc này, Frank Lampard đã chính thức bị sa thải. Đối với những người ngoài cuộc, tốc độ sa sút của chiến lược gia người Anh giống như một ví dụ nữa về việc ở Chelsea khắc nghiệt và tàn nhẫn ra sao, hãy nhớ mới ngày 5 tháng 12 năm ngoái, họ vẫn dẫn đầu bảng xếp hạng sau khi đánh bại Leeds.
 

LAMPARD MUỐN CÓ DECLAN RICE NHƯNG KHÔNG ĐƯỢC, CHỈ BEN CHILWELL LÀ TÂN BINH ĐÚNG Ý

 
Ngay khi năm 2020 chuẩn bị kết thúc, Marina Granovskaia đã quan sát, lắng nghe và cảm nhận quá đủ. Những kết quả của Chelsea đi xuống nghiêm trọng khi họ chỉ giành 1 chiến thắng ở Premier League trong 5 trận và màn trình diễn của đội vô cùng tẻ nhạt. Cô bắt đầu nhấc điện thoại lên và bàn về những phương án thay thế. Ban lãnh đạo muốn đối xử thật tốt với Lampard và cho ông thời gian để gặt hái thành công. Nhưng đến lúc này, họ cảm thấy điều đó là không thể.
 
“Marina nói cô ấy đang xem xét chiến lược của mình, lập lại kế hoạch liên quan đến tình hình vị trí HLV trưởng và sẽ liên hệ với họ. Tôi nghĩ họ khá ngạc nhiên vì vẫn còn quá sớm và nếu tìm HLV trên thị trường thì Chelsea nên đợi đến mùa hè”, một nguồn tin tiết lộ.
 
Cech đóng vai trò cố vấn chuyên môn và kỹ thuật, tổ chức các cuộc bàn bạc với người đại diện các cầu thủ chủ chốt liên quan đến phong độ sa sút của Chelsea. Ông cũng tham gia buổi tập, điều đó có nghĩa Lampard ở trong một tình thế kỳ lạ khi huấn luyện vì có sự ủng hộ của người bạn lâu năm nhưng đồng thời cũng biết cựu thủ môn người CH Czech gần gũi với ban lãnh đạo.
 
Để biết sự đổ vỡ trong mối quan hệ giữa Lampard và Granovskaia, chúng ta cần nhìn từ đầu. Luôn có một luồng suy nghĩ cho rằng sự xuất hiện của Lampard là một cuộc bổ nhiệm mang tính tình thế của CLB hơn là lý tưởng sau khi Maurizio Sarri rời đi vào năm 2019.
 
Chelsea biết mùa giải 2019/2020 sẽ rất khó khăn vì lệnh cấm chuyển nhượng trong 2 kỳ, sau đó giảm xuống còn 1 kỳ. Với những người theo chủ nghĩa hoài nghi, việc Chelsea chọn chân sút ghi nhiều bàn thắng nhất mọi thời đại của CLB khi ông chỉ có 1 năm kinh nghiệm ở Derby County tại Championship giống như một cách để giữ chân người hâm mộ trong giai đoạn khó khăn.
 
Lampard biết những rủi ro khi đồng ý nhận công việc này quá sớm, nhưng ông cũng khó mà từ chối một CLB ông đã gắn bó, dành tình cảm bền chặt trong quãng thời gian thi đấu từ 2001 đến 2014.
 
Như một người trong cuộc lý giải: “Lampard thực sự nhận được lời đề nghị rất tốt từ một CLB mạnh khác nhưng vì đây là Chelsea, ông ấy sẽ không thể phớt lờ. Tuy nhiên ông ấy ở tình thế hơi bất lợi ngay từ đầu. Ông ấy đã nói với Derby là sẽ rời đi nên Chelsea ‘nắm đằng chuôi’ khi thỏa thuận hợp đồng. Ông được trả lương ít hơn những HLV khác họ đã thuê”.
 
Mức lương của ông - khoảng 4 triệu bảng mỗi năm - không phải là điều duy nhất không đúng theo kỳ vọng của Lampard trong các cuộc đàm phán với Granovskaia. Với một HLV ở bất cứ CLB nào, việc ông ta đưa ra những yêu cầu về nhân sự đội ngũ ban huấn luyện là điều hết sức bình thường.
 
Frank Lampard
 
Lampard muốn tránh sử dụng ekip nhiều người như Sarri và thay vào đó chỉ có một vài tiếng nói đáng tin cậy xung quanh. Cựu tiền vệ này mong muốn có Jody Morris, Joe Edwards, Chris Jones và được chấp thuận, tuy nhiên lời đề nghị đưa HLV thủ môn Shay Given từ Derby đã bị từ chối. Lampard còn được thông báo rằng HLV kỹ thuật với các cầu thủ cho mượn Eddie Newton sẽ là thành viên trong ban huấn luyện.
 
“Vai trò của Newton được xem giống như vai trò của Carlo Cudicini dưới thời Antonio Conte và Gianfranco Zola dưới thời Sarri. Họ là những người có sự gắn kết với Chelsea. Nhưng Lampard nghĩ điều đó không cần thiết với quãng thời gian ông đã từng ở CLB cũng như kinh nghiệm mà 3 người kia (Morris, Edwards và Jones) có ở The Blues. Từ khi còn là cầu thủ, Lampard biết rằng Chelsea là một CLB đậm chất chính trị và có những điều ông phải chấp hành”, nguồn tin trong cuộc khẳng định.
 
Đáng chú ý, Newton không thực sự tham gia vào công việc huấn luyện của đội mà bị gạt ra ngoài một cách có chủ địch. Ông đã trở lại làm việc ở bộ phận cầu thủ cho mượn trước khi chuyển tới Trabzonspor vào tháng 1 năm ngoái. Newton có tham vọng trong công việc huấn luyện, tuy nhiên người ta tin rằng ngay từ đầu ông không có quá nhiều vai trò trong ekip của Lampard và đó là yếu tố dẫn đến quyết định rời Chelesa.
 
Nhưng vài ví dụ này chỉ là phần đầu cho vấn đề chính của sự bất đồng. Người trong cuộc tin rằng những căng thẳng ở hậu trường thực sự bắt đầu nổi lên trong kỳ chuyển nhượng tháng 1 năm ngoái. Vì Chelsea theo đuổi vị trí trong top 4 và suất tham dự vòng loại Champions League đang có nguy cơ không đạt được, Lampard rất muốn bổ sung lực lượng, đặc biệt sau khi FIFA giảm án phạt, ngay trong tháng 1.
 
Ông đã đề nghị chiêu mộ Pierre-Emerick Aubameyang, người đang cân nhắc rời Arsenal thời điểm đó, và Hakim Ziyech. Cả hai đều không đến Chelsea trong tháng ấy - về sau Aubameyang gia hạn hợp đồng với Arsenal trong mùa hè còn thỏa thuận về Ziyech chỉ đạt được vào tháng 2, nhưng lúc ấy quá muộn với mùa giải 2019/2020 rồi.
 
Sự thất vọng của Lampard ngày càng thể hiện rõ trong một số cuộc trả lời phỏng vấn sau trận với truyền thông, ở đó ông ngụ ý chỉ trích ban lãnh đạo không chịu bổ sung tân binh. Một nguồn tin cho biết ông không hài lòng ở hậu trường và mô tả mối quan hệ giữa Super Frankie với Granovskaia là “không hề tuyệt”.
 
Một người khác thì khẳng định chính thời điểm này Mauricio Pochettino và Julian Nagelsmann được nhắc đến như những “phương án B” tiềm năng. Tuy nhiên Chelsea không thể nào đẩy Lampard đi sau khi ông đã dẫn dắt Chelsea cán đích thứ 4 ở Premier League và lọt vào chung kết FA Cup. Sau khi giới thiệu một vài cầu thủ học viện lên đội một, nhiều hơn đáng kể so với bất cứ người tiền nhiệm nào, Lampard xứng đáng được ghi nhận. Hơn nữa, mối quan hệ giữa ông với tỷ phú Roman Abramovich vẫn được coi là bền chặt.
 
Tuy nhiên, một nguồn tin cho biết mọi thứ dần trở nên căng thẳng hơn với Granovskaia và một trong những điểm mấu chốt chính của căng thẳng là cách đối xử với thủ thành Kepa Arrizabalaga.
 
Chelsea đã chi số tiền kỷ lục cho một thủ môn vào năm 2018 để có được Kepa từ Athletic Bilbao (71,6 triệu bảng). Sau hàng loạt những sai lầm, Lampard đã gạt anh ra ngoài và sử dụng Willy Caballero suốt 6 trận từ tháng 1 đến tháng 2. Thủ môn Argentina cũng bắt các trận bán kết, chung kết FA Cup cũng như cuộc chạm trán mang tính bắt buộc phải thắng trước Wolverhampton trong vòng đấu cuối cùng của Premier League.
 
Trong giai đoạn sau khi mùa giải khép lại, căng thẳng ngày càng nhiều hơn. Một người trong cuộc nhấn mạnh: “Họ đã đụng độ nhau vì Kepa. Lampard yêu cầu một người thay thế và được thông báo lại rằng ông nên cố gắng dang rộng vòng tay với Kepa, giúp anh lấy lại sự tự tin. Tuy vậy, Lampard kiên định với quan điểm của mình”.
 
Frank Lampard
 
Kepa là một trong những cầu thủ cảm thấy Lampard không cho anh những chỉ dẫn chiến thuật rõ ràng hoặc thể hiện sự ủng hộ đủ khi anh mất tự tin ở mùa trước. Thay vào đó, chính giám đốc Granovskaia và Cech là những người cố gắng giúp bản hợp đồng của CLB trong suốt quãng thời gian sa sút. Quá trình giao tiếp giữa thủ môn người Tây Ban Nha và HLV trưởng đã được cải thiện trong vài tuần đầu của mùa giải, nhưng sự xuất hiện của Edouard Mendy khiến những điều đó trở nên vô nghĩa.
 
Những màn trình diễn của Kepa trong 2 trận đầu tiên trước Brighton và Liverpool khiến Lampard càng kiên quyết với ý muốn có một sự thay đổi trong khung gỗ.
 
Kỳ chuyển nhượng bận rộn, khi Chelsea chi hơn 200 triệu bảng, cũng tạo ra những nỗi lo lắng khác. Lampard muốn đẩy Antonio Rudiger đi, một người được ban lãnh đạo Chelsea coi trọng. Lampard muốn CLB chiêu mộ Declan Rice từ West Ham và lại tiếp tục thúc đẩy thương vụ trước tháng 1. Nhưng một số người ở CLB lưỡng lự với việc tái chiêu mộ một cầu thủ đã bị đẩy khỏi học viện khi còn bé.
 
Vào tháng 12 năm ngoái, một nguồn tin chia sẻ với The Athletic: “Ông ấy cần ngừng thúc đẩy việc chiêu mộ Rice hoặc ông ấy sẽ mất việc. Ban lãnh đạo rất thận trọng khi mua lại với giá cao một cầu thủ đã từng bị học viện đẩy đi”.
 
Chelsea luôn khẳng định HLV trưởng được hỏi ý kiến và được đưa ra quyền chấp thuận hay không với bất cứ mục tiêu nào. Tuy nhiên, điều đó không ngăn được những người trong cuộc lý giải những gì đã diễn ra. Một nguồn tin cho rằng trong 6 cầu thủ đã gia nhập, chỉ mình Ben Chilwell là mục tiêu của Lampard.
 
Ý định ngay từ ban đầu của ông là kiện toàn lại hàng phòng ngự. Kế hoạch không chỉ là mua Rice, người mà Lampard cảm thấy có thể chuyển thành một trung vệ hàng đầu cũng như vừa có thể sử dụng trong vai trò tiền vệ phòng ngự, mà còn mua cả James Tarkowski từ Burnley nữa. Các hậu vệ sẽ phải ra đi là Fikayo Tomori, Marcos Alonso, và Rudiger. Thậm chí có thông tin rằng Lampard sẵn sàng để đội trưởng Cesar Azpilicueta đi luôn.
 
Cuối cùng cả 4 cầu thủ này ở lại, lý do chính khiến cả Rice lẫn Tarkowski không đến. Họ sẽ phải bỏ ra số tiền lớn để có được các mục tiêu nếu như không bán được cầu thủ. Granovskaia không thích như thế. Thay vào đó, Chelsea chiêu mộ Thiago Silva theo dạng tự do. Trung vệ kỳ cựu này trước đó không nằm trong tầm ngắm của Lampard, tuy nhiên chắc chắn chiến lược gia người Anh cũng không phản đối việc có một thủ lĩnh giàu kinh nghiệm gia nhập một tập thể thiếu chính thứ đó.
 
Ít nhất về ngắn hạn, Silva đã chứng minh được anh là thương vụ tốt. Nhưng với Werner và bản hợp đồng đắt tiền khác là Kai Havertz, phong độ đáng thất vọng của họ chắc chắn không thể tránh khỏi những soi xét, nghi ngờ và cảnh báo. 2 tuyển thủ Đức được coi là những thương vụ quan trọng giúp Chelsea cạnh tranh chức vô địch Premier League với Liverpool, song họ chỉ ghi 5 bàn ở đấu trường này trong 3 tháng đầu.
 
Timo Werner
 
Một người đại diện bày tỏ: “Vấn đề của Lampard với Marina rất rõ ràng nhưng cũng đầy cơ bản. Anh ta được đầu tư lớn hàng loạt nhưng không thể tối đa hóa khả năng của họ và hơn thế, anh ta dường như từ bỏ việc tối đa hóa chúng. Những lời chỉ trích công khai các cá nhân (đặc biệt sau thất bại 1-3 trước Arsenal) khiến anh ta mất đi sự ủng hộ”.
 
Nhưng khi thống kê về điểm số/trận của Lampard cho thấy ông là HLV Chelsea đạt tỷ lệ này kém nhất trong kỷ nguyên Abramovich thì điều đó dẫn đến những lo ngại những điều diễn ra ở hậu trường. Và như một nguồn tin tiết lộ với The Athletic sau trận thua Manchester City, Roman Abramovich  “rất rất không hài lòng”.
 
Sau đó đến cuộc chạm trán Leicester, Chelsea hoàn toàn dưới cơ đoàn quân của Brendan Rodgers và Abramovich rất tức giận. Sáng hôm sau, các cuộc điện thoại đàm phán hợp đồng với một HLV tạm quyền hoặc lâu dài thay Lampard được thực hiện. Thời gian của Super Frankie đã hết. Trong phòng thay đồ sau trận, ông cũng cảm nhận điều này. Lampard bắt tay các cầu thủ và cảm ơn những nỗ lực của họ suốt thời gian ông nắm quyền. Tâm trạng toàn đội thực sự ủ ê.
 
Các cuộc gọi đến Đức bắt đầu, HLV Ralf Rangnick được đề nghị nắm quyền đến cuối mùa giải và ý tưởng là ông sẽ chuyển sang vai trò mới sau thời điểm đó. Cựu HLV Leipzig từ chối vì thời gian hợp đồng quá ngắn.
 
Ban lãnh đạo quyết tâm đưa một HLV nói tiếng Đức về để phát huy tối đa khả năng của Werner và Havertz, vì thế họ đã nói chuyện với Thomas Tuchel cũng như có những thảo luận ban đầu với Nagelsmann.
 
Ban đầu, Tuchel miễn cưỡng đến vào giữa mùa giải nhưng cuối cùng đã bị thuyết phục. Ông đã từng suýt đảm nhận công việc ở đội bóng chủ sân Stamford Bridge trước khi Antonio Conte đến vài năm trước. Chiến lược gia người Đức cảm thấy công việc này quá tốt và không thể chối từ. Thời gian của Lampard đã hết.
 

MẤT KIỂM SOÁT PHÒNG THAY ĐỒ TỪ SỰ XA CÁCH VỚI CẦU THỦ

 
Một khía cạnh luôn được nhắc đến mỗi khi một HLV Chelsea mất việc là quan điểm cho rằng ông “đánh mất sự kiểm soát phòng thay đồ”. Có nhiều ý kiến cho rằng đây cũng là một nguyên nhân trong trường hợp của Lampard và nhất là trong những tuần cuối cùng.
 
Trước khi bàn đến việc này, chúng ta cần phải lưu ý một điều: Chắc chắn những người ít được thi đấu thường xuyên sẽ có nhiều thứ tiêu cực để nói hơn những người hay được ra sân. Tuy nhiên khi The Athletic trò chuyện với các nhân vật gần gũi, thân thiết với những người thi đấu thường xuyên ở đội một, có một nhận xét chung từ họ.
 
Một nguồn tin cho biết: “Vấn đề là HLV trưởng không thích nói chuyện với các cầu thủ mà chỉ nói với những người ông ấy thích thôi. Tôi biết những cầu thủ không ở trong đội mà ông ấy đã không trò chuyện suốt nhiều tháng. Điều này thật đáng thất vọng với một cầu thủ vì bạn không biết phải làm gì để cải thiện cũng như không biết HLV đang nghĩ gì. Thật điên rồ.
 
Rõ ràng khi Chelsea trải qua chuỗi 17 trận bất bại (từ tháng 9 đến tháng 12), HLV đã không thực hiện quá nhiều sự thay đổi. Nhưng ông ấy vẫn cần nói chuyện với mọi người chứ. Các cầu thủ sẽ dè dặt trong việc gõ cửa phòng HLV trưởng vì điều đó có thể bị nhìn nhận một cách tiêu cực”.
 
Một người khác bổ sung: “Tôi thấy thật lạ khi Lampard chọn cách làm việc giữ khoảng cách với cầu thủ. Cách đây chưa lâu ông ấy vẫn còn là cầu thủ (giải nghệ năm 2016). Ông ấy biết phải tiếp xúc với cầu thủ ra sao nhưng dường như ông ấy quên mất điều đó”.
 
Còn một nguồn tin khác nhận xét: “Sự giao tiếp giữa Lampard với các cầu thủ không hề trôi chảy. Khi tôi gặp một cầu thủ vào năm ngoái, tôi đã hỏi HLV trưởng nói với anh ấy những gì. Anh ấy trả lời: ‘Không, ông ấy thường chẳng bao giờ nói chuyện với các cầu thủ’. Tôi không thể hiểu nổi điều đó vì Lampard cần một mối quan hệ công việc với mọi cầu thủ. Ông ấy cần biết các cầu thủ cần thông tin và sự chỉ dẫn”.
 
Một cầu thủ tiết lộ với The Athletic rằng  nếu Lampard ở lại trong phần còn lại của mùa giải sẽ là một “thảm họa” vì sự căng thẳng trong phòng thay đồ đã quá lớn để có thể xoa dịu. Các cầu thủ cũng so sánh những chỉ trích của ông về màn trình diễn với Jose Mourinho trong những ngày cuối cùng làm việc ở CLB.
 
Chelsea Frank Lampard
 

Cũng có cảm giác khi phong độ bắt đầu sa sút, những sự thay đổi liên tục với đội hình xuất phát đã ngăn các cầu thủ xây dựng hệ thống và sự tự tin. Ví dụ, toàn đội đều biết Werner tài năng ra sao nhưng thật kinh khủng khi thấy sự tự tin của cầu thủ người Đức vơi dần và sau đó bị loại khỏi đội hình chính.
 
Ngoài ra còn những ví dụ khác nữa. Dấu hiệu đầu tiên cho thấy mọi thứ ở hậu trường trong mùa giải này không hề êm đẹp chính là khi Marcos Alonso thể hiện sự thiếu tôn trọng khi bỏ đi, không xem hiệp 2 trận hòa 3-3 giữa Chelsea và West Brom sau khi anh bị thay ra trong khoảng thời gian giữa 2 hiệp. Từ đó hậu vệ trái người Tây Ban Nha không ra sân nữa.  “Những gì xảy ra với Alonso là dấu hiệu cho thấy Lampard không thể kiểm soát phòng thay đồ”, một nguồn tin khẳng định. 
 
Sau khi gặp bất lợi vì không thể mua cầu thủ trong năm đầu tiên, sự xuất hiện của 6 tân binh mang tới những vấn đề mới, nhất là khi Chelsea không thể bán bớt nhiều cầu thủ. 2 cuộc chia tay đáng chú ý nhất là Pedro và Willian nhưng dù sao thì lúc đó họ cũng đã hết hợp đồng. 
 
Đội bóng đã nỗ lực để đẩy đi một số cầu thủ nhất định nhưng tác động của COVID-19 lên các CLB bóng đá khắp thế giới khiến rất ít đội bóng tham gia. Mức lương cao mà các cầu thủ Chelsea được hưởng khiến ban lãnh đạo The Blues chỉ có thể đưa một vài người đi theo dạng cho mượn (Ross Barkley, Davide Zappacosta, Victor Moses, Tiemoue Bakayoko) và để lại một đội hình thừa mứa cho Lampard xử lý.
 
Một nguồn tin bày tỏ: Có quá nhiều tiếng nói có ảnh hưởng bên ngoài đội hình xuất phát gây ra những vấn đề. Trong đội tiềm ẩn nguy cơ về một sự chia rẽ giữa những người được thi đấu và những người không ra sân. Ngôn ngữ cơ thể của một vài cầu thủ chỉ ra vấn đề. Có những người không nỗ lực như người khác trong lúc tập luyện. Giống như một căn bệnh vậy, bạn nhiễm phải và nó bắt đầu lây lan. Mọi thứ trở nên tệ hơn nhiều khi Chelsea bắt đầu thất bại thường xuyên”.
 
Cuộc đối đầu West Brom, trận thua Sheffield United hồi tháng 7, chung kết FA Cup và thất bại trước Arsenal ở Premier League ngày 26 tháng 12 là những trận đấu mà Lampard được mô tả là “mất kiểm soát phòng thay đồ”.
 
Nhưng có lẽ đáng ngạc nhiên hơn là có những bóng gió từ các cầu thủ rằng chiến lược gia 42 tuổi không đưa cho họ những chỉ dẫn về chiến thuật, một số chỉ được yêu cầu đơn giản là ra sân và thể hiện bản thân. 
 
Các cầu thủ bắt đầu nghi ngờ khả năng Lampard giữ được ghế khi một thành viên của đội ngũ nhân viên không được ông lựa chọn nói với một vài cầu thủ: “Đừng lo, anh ta sẽ đi trong vài tuần tới thôi”.
 
Ngay cả việc cường độ được tăng lên trong các buổi tập thời gian cuối cũng giống một báo động. Thời điểm đầu và khi mọi thứ diễn ra trôi chảy, các cầu thủ phản ứng tích cực với các buổi tập. Đó là sự thay đổi mới mẻ so với các bài tập lặp đi lặp lại của Sarri. Tuy nhiên sau chiến thắng ấn tượng trước Leeds, Chelsea tỏ ra mệt mỏi trong các cuộc chạm trán Everton, Wolves, West Ham, Arsenal và Aston Villa trong tháng 12.
 
Frank Lampard bị sa thải Nguyên nhân được tiết lộ hình ảnh
 
Ở cuộc đối đầu Fulham đầu tháng 1, các cầu thủ chờ đợi Lampard bị sa thải nếu đội không thắng. Chiến thắng 1-0 nhờ pha lập công của Mason Mount khiến Super Frankie vẫn ở lại. Tuy nhiên sau màn trình diễn đáng thất vọng trước Leicester vài ngày sau, theo một nguồn tin thì bầu không khí trong phòng thay đồ “cảm giác giống như một lời tạm biệt”.
 
Lampard bị cho là yêu cầu các cầu thủ tập luyện quá nặng. Dù lịch thi đấu của Chelsea ở mùa giải này thường xuyên diễn ra cả giữa lẫn cuối tuần nhưng nhà cầm quân 42 tuổi vẫn cho đội tập rất nặng.
 

CÔNG SỨC CỦA LAMPARD KHÔNG THỂ BỊ PHỦI SẠCH

 
Vậy tất cả những điều này có vẽ nên một bức tranh mang gam màu tiêu cực về Lampard hay không? Đọc những điều này sẽ thấy Chelsea không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải hành động. Nhưng cuộc ly hôn nào cũng luôn có hai mặt.
 
Trước hết, công việc mà Lampard làm được đáng được ghi nhận dù bên ngoài có những lời chỉ trích. Một vài chuyên gia ủng hộ khi Chelsea giành quyền tham dự Champions League trong mùa giải đầu tiên Lampard dẫn dắt và CLB vẫn nằm trong top 4 suốt một thời gian dài. Ông dẫn dắt Chelsea lọt vào vòng 16 đội Champions League lần thứ 2 liên tiếp.
 
Niềm tin của Lampard dành cho các cầu thủ học viện cũng không nên bị xem nhẹ. Ông là HLV trưởng đầu tiên trong lịch sử Chelsea sử dụng hệ thống đào tạo trẻ của CLB một cách thường xuyên và liên tục. Những tài năng trẻ của học viện như Mason Mount và Tammy Abraham đã được sử dụng ổn định suốt 18 tháng qua. Nhiều người khác cũng đã được trao cơ hội như Reece James, Billy Gilmour, Callum Hudson-Odoi và Fikayo Tomori, dù 2 người sau không có nhiều thời gian thi đấu trong năm 2020.
 
Tổng cộng, 8 cầu thủ học viện đã được ra mắt đội một dưới thời Lampard và có thể hiểu là ông đang muốn bổ sung thêm nhiều cầu thủ nữa, ví dụ như Lewis Bate. Lampard giữ niềm tin một cách kiên định với những tài năng trẻ “cây nhà lá vườn” mà các đời HLV trước đó không làm.
 
Frank Lampard
 
Cần phải khẳng định rằng “công việc trong mơ” của Lampard không phải lúc nào cũng là niềm vui với ông. Môi trường căng thẳng và rất nhiều cá tính khác nhau khiến nhiều khó khăn xuất hiện.
 
Một người có mối quan hệ với ban huấn luyện nói: “Nếu không phải Chelsea, Lampard sẽ ra đi vào mùa hè. Nhưng rõ ràng mối quan hệ của ông ấy với người hâm mộ và ý nghĩa của Chelsea trong lòng ông ấy khiến ông ấy luôn cố gắng.
 
Từ những gì tôi có thể nói, ông ấy cảm thấy mình giống như đang đi con đường khó hơn. Ông ấy từng trải qua những mối quan hệ khó khăn với nhiều người và không phải lúc nào cũng chắc chắn mình có thể tin tưởng ai. Ông ấy sẽ trò chuyện với một người nhưng không chắc sau đó họ sẽ nói gì về mình. Ông ấy thấy đây là một cuộc chiến liên miên, chính trị khắc nghiệt”.
 
Sự sa sút của Chelsea với tư cách là một thế lực lớn diễn ra rất lâu trước khi Lampard đến. Dấu hiệu chứng minh điều đó là họ đã không thắng một trận đấu vòng đấu loại trực tiếp nào ở Champions League kể từ sau khi lọt vào bán kết năm 2014. Hàng trăm triệu đã được chi cho các cầu thủ không còn đại diện cho CLB như Bakayoko, Danny Drinkwater và Alvaro Morata. Khoảng trống mà Eden Hazard để lại vẫn chưa được khoảng lấp dù họ đã đầu tư mạnh mẽ trong mùa hè.
 
Có thể nói thứ văn hóa tiêu cực ở Chelsea đã trở thành ung nhọt. Một nguồn tin bày tỏ: “Khi mọi thứ ở Chelsea diễn ra không đúng hướng, bạn sẽ thấy rất nhiều người thích đổ lỗi cho mọi thứ ngoại trừ trách nhiệm của họ. Đó là điều Lampard cố gắng thay đổi nhưng cần thời gian. Đó là vấn đề đã ăn sâu trong nhiều năm.
 
Khi các cầu thủ ở đây suốt một thời gian dài và gia hạn hợp đồng, bạn phải đặt ra câu hỏi là những tiêu chuẩn mà Chelsea đang cố gắng đặt ra là gì?”.
 
May mắn không đứng về phía Lampard vì COVID-19 xuất hiện, nó làm ảnh hưởng lên nhiều cầu thủ, khiến ông không có giai đoạn trước mùa giải đúng nghĩa để làm việc với các tân binh. 
 
Chelsea đã sử dụng kỹ năng giao tiếp của ông để chiêu mộ thành công Havertz, Werner và Ziyech. Chiến lược gia người Anh đảm bảo với 3 cầu thủ này rằng họ và ông là một phần trong kế hoạch 3 năm để giành lại Premier League. Ông làm việc rất nhiều để giúp Havertz hòa nhập. Tuy nhiên Lampard chỉ đi hết một nửa thời gian trong hợp đồng 3 năm.
 
Lampard đã cảnh báo tất cả mọi người, bao gồm cả ban lãnh đạo, rằng đua danh hiệu là điều chưa chắc sẽ diễn ra ở mùa giải 2020/2021, các tân binh cần kiên nhẫn để hòa nhập với đất nước và giải đấu mới.
 
Chelsea Frank Lampard
 
Kể từ khi trở lại CLB với tư cách HLV trưởng vào năm 2019, Lampard cảm thấy cuộc chiến khó nhất với ông là thay đổi thái độ trong phòng thay đồ. Có những cầu thủ ở đó đã giành được nhiều danh hiệu trước đây - ở cả Chelsea và những đội khác - nhưng ông đã lưu ý rằng trong suốt mùa giải thứ 3 Jose Mourinho nắm quyền, mùa giải thứ 2 của Antonio Conte cũng như triều đại ngắn ngủi của Maurizio Sarri, các cầu thủ cho thấy xu hướng mất niềm tin vào HLV trưởng - và lẫn nhau - trong những giai đoạn khó khăn.
 
Mối bận tâm của ông là có quá nhiều cầu thủ dễ dàng rơi vào trạng thái khủng hoảng vì ông thấy quá nhiều tâm trạng ủ rũ và thói quen xấu sau 1 hoặc 2 màn trình diễn không tốt. Ông cảm thấy mình thừa hưởng một đội bóng có quá nhiều cầu thủ không thể hiện tinh thần chiến đấu một cách ổn định. Ông muốn xây dựng lại bằng các cầu thủ trẻ, tuy nhiên điều đó đi kèm với những rủi ro.
 
Có những lúc ông cảm thấy công việc của mình tiến bộ rõ rệt. Trong những tuần gần đây, ông liên tục đề cập đến những điều tích cực mà gần nhất là tháng 12 khi The Blues đánh bại Leeds để leo lên ngôi đầu bảng Premier League. Đó là trận bất bại thứ 16 trên mọi đấu trường của họ kể từ sau thất bại 0-2 trước Liverpool vào tháng 9. Ông cảm thấy lạc quan về cách đội bóng phát triển.
 
Và khi kết quả đi xuống, áp lực tăng lên, Lampard cố gắng cải thiện thái độ cầu thủ, mong muốn họ có trách nhiệm hơn trên sân và thực hiện những điều cơ bản trong công việc.
 
Nhưng là người đã chứng kiến 9 HLV khác nhau rời đi trong suốt quãng thời gian thi đấu ở Chelsea, Lampard hiểu hơn ai hết cái giá phải trả nếu không đáp ứng tiêu chuẩn mà Abramovich đặt ra. Vì Chelsea cần phải giành quyền tham dự Champions League mùa tới để tiếp tục công cuộc tái thiết, những kết quả gần đây khiến khả năng ấy đang gặp rủi ro dù những CLB khác cũng thiếu ổn định.
 
Nhiều người khẳng định: công việc này quá lớn và đến quá sớm với Lampard. Lúc này, giờ chia tay đã đến.
 
Dịch từ bài viết “Lampard’s Chelsea sacking: Tension with Marina, unhappy players and secret job offers” của tác giả Simon Johnson, David Ornstein, Raphael Honigstein, Adam Crafton, Liam Twomey trên The Athletic.
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

X
top-arrow