Frank de Boer: Từ tài năng triển vọng đến thảm họa trong giới huấn luyện

Tác giả CG - Thứ Năm 10/06/2021 17:38(GMT+7)

Zalo

Chỉ 84 ngày ở Inter Milan, 77 ngày ở Crystal Palace. Sự tụt dốc đó khiến ông phải tới Hoa Kỳ. De Boer bắt đầu thập kỷ bằng việc được đồn đoán tới Liverpool và Tottenham và kết thúc thập kỷ ở Atlanta United, nơi mà các cầu thủ ăn mừng trong khoảnh khắc Spurs loại Ajax ở Champions League “chỉ để chọc tức ông ta” như lời một nguồn tin tiết lộ.

Frank de Boer
Frank de Boer thất vọng sau khi không thể giúp Ajax vô địch quốc gia năm 2016. Ảnh: Getty Images

1.
Có một bức ảnh về Frank de Boer vào tháng 5/2016 đánh dấu kết thúc một giai đoạn cũ và một chương mới trong cuộc đời ông bắt đầu. De Boer ngồi ở trên xe buýt đội Ajax sau trận hòa 1-1 tại sân của De Graafschap. Đầu ông tựa vào cửa sổ, mắt nhắm lại dưới tia nắng chói chang và bàn tay trái không thể nào che giấu được sự mệt mỏi trên gương mặt. 
 
PSV Eindhoven đã trở thành nhà vô địch Hà Lan chứ không phải Ajax, đội bóng đã đánh rơi danh hiệu trong vòng đấu cuối cùng vì không thể đánh bại một De Graafschap đã phải xuống hạng. Mùa giải cuối cùng ông dẫn dắt CLB mà ông từng gặt hái thành công cả trên cương vị cầu thủ lẫn HLV đã khép lại.
 
De Boer nói đã có điều gì đó đã thay đổi trong ngày hôm ấy. Và tình cờ thay, sự nghiệp của ông từ khoảnh khắc ấy cũng như bị một thế lực hắc ám nào đó chiếm đoạt. Đó là khởi đầu cho cơn ác mộng kéo dài suốt 4 năm. 3 công việc ở nước ngoài và lần nào cũng kết thúc bằng cách bị sa thải. 
 
Chỉ 84 ngày ở Inter Milan, 77 ngày ở Crystal Palace. Sự tụt dốc đó khiến ông phải tới Hoa Kỳ. De Boer bắt đầu thập kỷ bằng việc được đồn đoán tới Liverpool và Tottenham và kết thúc thập kỷ ở Atlanta United, nơi mà các cầu thủ ăn mừng trong khoảnh khắc Spurs loại Ajax ở Champions League “chỉ để chọc tức ông ta” như lời một nguồn tin tiết lộ.
 
Người anh song sinh Ronald de Boer tin rằng quãng thời gian này đã làm tổn thương tâm hồn Frank. 
 
“Frank là một nhà vô địch, muốn làm mọi thứ tốt nhất có thể. Mọi thất bại, mọi cuộc sa thải đều làm tổn thương cậu ấy”, Ronald chia sẻ.
 
2. Sau khi rời Qatar, bến đỗ cuối cùng trong sự nghiệp cầu thủ, Frank de Boer dành 4 năm học việc huấn luyện viên ở đội trẻ Ajax trước khi thành HLV đội một vào năm 2010. 2 trong 4 năm đó, ông cũng đảm nhiệm cương vị trợ lý cho Bert van Marwijk ở đội tuyển Hà Lan. De Boer dẫn dắt Ajax trong 6 mùa giải, nhưng chắc chắn ông sẽ không thể tại vị quá mùa giải đầu nếu không làm tốt. Kỷ lục của ông làm lu mờ thành tích của Louis van Gaal và Rinus Michels tại Hà Lan, nhưng có điều là đội bóng của ông, được tạo ra dựa trên ngân sách eo hẹp, không tạo ra thứ bóng đá mang giá trị vượt thời gian.
 
Những gì diễn ra trên sân chỉ là một nửa câu chuyện. “Ông ấy không sợ bước chân vào một tòa nhà đang bốc cháy, nơi mà bạn không phải lúc nào cũng nhìn thấy khói. De Boer là một nhân tố tích cực trong một vòng xoáy tiêu cực”, nhà báo William Vissers viết trên nhật báo De Volksrant.
 
Trong lúc dường như tất cả mọi người ở đội bóng thành Amsterdam đều mất bình tĩnh thì De Boer ngược lại. Đây là thời kỳ mà ở thượng tầng CLB diễn ra cuộc cách mạng do Johan Cruyff lãnh đạo. Huyền thoại người Hà Lan chỉ trích Ajax không những không còn là một ông lớn của lục địa già mà thậm chí không còn là chính họ nữa. Theo Cruyff, CLB được lãnh đạo bởi những doanh nhân chứ không phải những con người trong giới bóng đá. Trong khi đó, hệ thống đào tạo trẻ làm nên tên tuổi thì đang lụi tàn. Chính vì thế cần phải có sự thay đổi.
 
HLV Martin Jol bị sa thải vài tháng sau và De Boer được thăng chức. Năm sau, các giám đốc mà trước đó Cruyff không tín nhiệm đã quyết định đưa ông vào làm một thành viên hội đồng quản trị. Cũng chính họ bổ nhiệm Van Gaal làm tổng giám đốc mà không hỏi ý kiến Cruyff, người gần như kiểm soát toàn bộ mọi hoạt động ở CLB dù sống ở Barcelona.
 
Cruyff lấp đầy các vị trí cấp cao còn trống bằng các cựu cầu thủ Ajax, hình thành nên một tam giác kỹ thuật đứng đầu là De Boer và hỗ trợ ông là Wim Jonk với vai trò điều phối viên đội trẻ. Trong khi đó, Dennis Bergkamp trở thành cầu nối giữa hai cấp độ. Marc Overmars là giám đốc kỹ thuật còn Edwin van der Sar phụ trách hoạt động thương mại của CLB.
 
Họ đều là những người hiểu về bóng đá, hiểu về Ajax. Năm 2013, Cruyff nói: “Tất cả họ là những cầu thủ xuất sắc. Họ có thể tìm thấy nhau trên sân mà không gặp vấn đề gì. Chắc chắn, họ sẽ thu xếp được mọi thứ”.
 
Tuy nhiên, theo những người chỉ trích Cruyff thì sai lầm của ông là để các cựu danh thủ tự hành động. Không rõ De Boer có nên báo cáo với Overmars hoặc ngược lại hay không. Ở đội trẻ, trên danh nghĩa Jonk là người phụ trách nhưng cánh tay phải của ông là Ruben Jongkind dường như mới là người nắm quyền. Jongkind xuất thân là dân điền kinh chứ không phải bóng đá và trong nội bộ, có cảm giác đội ngũ tuyển trạch của Ajax trong giai đoạn này đã chuyển hướng từ việc chiêu mộ những cầu thủ kỹ thuật sang những vận động viên chạy mạnh mẽ, giàu thể lực nhất.
 
Trong khoảng thời gian ngắn, các cựu cầu thủ như Michel Kreek, Fred Grim, Dean Gorre và Orlando Trustfull đều rời CLB. Thay thế họ là những HLV không có mối liên hệ với Ajax trước đó hoặc thậm chí không phải dân bóng đá.
 
Wim Jonk ngày càng ít tham dự các cuộc họp chuyên môn vì ông tin De Boer phớt lờ những tư vấn của ông, thay vào đó lại đi mua những cầu thủ Ajax không cần. Trong khi đó, mối quan hệ của De Boer với Overmars ngày càng căng thẳng vì nhiều lý do. Do Boer cảm thấy Overmars không cố gắng mua những cầu thủ mà ông muốn.

Frank de Boer
De Boer dẫn dắt Ajax vô địch Hà Lan năm 2013. Ảnh: Getty Images
 
Trong lúc đó, Van Gaal lại có tầm nhìn tương lai khác so với Cruyff. Trong khi Jonk, Bergkamp và Bryan Roy - người sẽ trở thành HLV trưởng Jonk Ajax (đội dự bị) vào năm 2010 - thân Cruyff thì De Boer và Overmars lại thân Van Gaal. De Boer không bao giờ bình luận những gì diễn ra ở hậu trường, ngoại trừ một lần duy nhất khi bị thúc ép, ông nói muốn học hỏi từ Cruyff. Người tiền nhiệm của ông, Martin Jol, từng nói trước khi bị sa thải thế này: “Nếu Cruyff lắc đầu trên khán đài, bạn biết thời gian đã hết”.
 
Tổng cộng, De Boer giành 9 danh hiệu Eredivisie, 4 trong số đó với tư cách HLV. Ông đã có thể đi qua cuộc “Cách mạng Nhung” của Cruyff vì có thể đảm bảo những đấu đá quyền lực ở nội bộ không làm ảnh hưởng đến công việc của mình trên sân. Dù thất vọng với chính sách chuyển nhượng, mối quan hệ của De Boer với Overmars vẫn được duy trì. Ông không bao giờ chỉ trích hay phàn nàn trước truyền thông về đội bóng, trong khi những kết quả trên sân khiến ông không thể bị động tới dù lối chơi của đội bóng khá thực dụng chứ không hề hấp dẫn.
 
Vì lối chơi kém hấp dẫn của đội bóng mà số lượng khán giả đến sân bắt đầu giảm. Ajax không thể mang phong độ ở trong nước ra đấu trường châu Âu. Tuy nhiên, De Boer hoạt động với quỹ lương thấp hơn nhiều so với những người tiền nhiệm. Ronald de Boer bảo vệ em trai mình. Ông nhìn nhận lối chơi của Ajax khi ấy tương đồng Van Gaal và mức độ nào đó là Pep Guardiola.
 
“Frank là một HLV tấn công. Khi là HLV ở đội trẻ, cậu ấy cho các tiền đạo cánh bó vào trong, hậu vệ biên thường xuyên tham gia tấn công. Nhưng bạn cần có người để chơi thứ bóng đá như vậy”, Ronald khẳng định.
 
Tháng 3 năm 2016, khi Ajax chuẩn bị giành được danh hiệu thứ 5 trong 6 năm trước khi De Graafschap trở thành “kỳ đà cản mũi”, De Boer suy nghĩ về tương lai và thừa nhận đến lúc đó ông mới thực sự đánh giá cao những thành tựu của mình. Nhưng mọi thứ đã không diễn ra theo cách ông muốn. Và danh tiếng của ông bị biến đổi rất khác sau đó.
 
3. Tháng 9 năm 2016, De Boer có lẽ không nghĩ sự nghiệp của mình sẽ xuống dốc: chỉ trong 1 năm, ông đã bị cả Inter Milan và Crystal Palace sa thải với quãng thời gian nắm quyền tổng cộng 161 ngày.
 
Sau cơn ác mộng ở De Graafschap, De Boer đến Inter Milan để thay thế Roberto Mancini. Mùa giải mới của Serie A chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa sẽ khởi tranh và sự chuẩn bị thiếu kỹ lưỡng của đội bóng được thể hiện ở vòng đấu mở màn. Họ thất bại 0-2 trước Chievo, sau đó là hòa 1-1 trên sân nhà trước Palermo. Kế đến, Inter đánh bại Pescara trước khi Juventus có chuyến hành quân đến Giuseppe Meazza.
 
Và Inter giành chiến thắng, đó là thắng lợi đầu tiên của Nerazzurri trên sân nhà ở các trận Derby d’Italia trong vòng 6 mùa giải. Những bức ảnh về De Boer hôm đó miêu tả ông như một người hùng. Ông chủ Zhang Jindong mời HLV người Hà Lan cùng các trợ lý Trustfull và Kreek đến dùng bữa ở một nhà hàng tại Milan. De Boer không phải người quảng giao nhưng vào thời điểm đó cảm giác như có một rào cản lớn.
 
De Boer đã nghe theo tư vấn của David Endt, cựu nhân viên báo chí ở Ajax, trước khi đồng ý gia nhập Inter. Endt là một cổ động viên Inter, ông đã nhắc HLV người Hà Lan  cần nhớ quá trình “rèn luyện chính trị” ở Ajax để có thể tồn tại ở một CLB có “mạng lưới những lợi ích và thế lực bí mật” như Inter. Endt chia sẻ trên tờ De Volkskrant rằng đó là “công việc tuyệt vời nhưng cũng thật quái gở”.
 
De Boer muốn tạo ra một đội bóng chơi kiểm soát. Tuy nhiên, ông tin “toàn bộ cấu trúc của CLB” cũng cần thay đổi vì Inter không giành được danh hiệu nào từ năm 2010. Sau này, Endt cho rằng De Boer đã xem nhẹ sự phức tạp ở một nơi vừa mới trải qua quá trình đổi chủ như thế.

Frank de Boer
Inter chỉ thắng 5 trong 14 trận mà De Boer dẫn dắt. Ảnh: AP
 
Nghĩ rằng cách làm của mình ở Ajax cũng sẽ hiệu quả tại Inter, De Boer không thực sự điều chỉnh những phương pháp của mình với một văn hóa mới. Nhưng dù ông dành lời khen vì những nỗ lực của toàn đội sau khi đánh bại Juventus, phòng thay đồ chia rẽ vì sự xuất hiện của ông. Còn ông thì không thể bán những cầu thủ mình muốn loại bỏ để mang về những bản hợp đồng mà ông nghĩ là cần thiết để tăng thêm sức mạnh đội bóng.
 
Nhà cầm quân người Hà Lan cho biết: “Tôi phải đối phó với một tập thể thối nát nhưng lại không được ném một số cầu thủ nhất định ra ngoài. Đáng lẽ tôi nên gây áp lực lên họ nhiều hơn một chút. Nếu muốn thay đổi, bạn phải làm được những việc như vậy ngay từ đầu. Có lẽ tôi đã quá muốn trở thành bạn của tất cả mọi người”.
 
Sau đó, những thất bại trước Roma, Cagliari và Atalanta khiến áp lực lên De Boer gia tăng. Bỗng nhiên các buổi tập được quay lại để các ông chủ ở Trung Quốc có thể xem trực tiếp. Thất bại nặng nề nhất trong giai đoạn này chính là trận thua Hapoel Be’er Sheva của Israel ở Europa League. Ngay sau đó, tờ La Gazzetta dello Sport giật tiêu đề “Inter, các bạn có xấu hổ không?”
 
De Boer thua 7 trong 14 trận trước khi bị sa thải. Ông khẳng định bản thân không đủ thời gian để giúp đội bóng tiến bộ và miêu tả môi trường ở Nerrazurri là một “tổ ong bắp cầy”.
 
Tại Ajax, dù có vấn đề gì xảy ra thì HLV vẫn là nhân vật quan trọng nhất. Còn tại Inter, ông kết luận, “những người khác muốn giữ quyền kiểm soát”.
 
4. Họ gặp nhau trên một du thuyền ở Ibiza. Chủ tịch Crystal Palace, ông Steve Parish, coi De Boer (lúc đó đã thất nghiệp 8 tháng) là một HLV tiến bộ, người có thể biến CLB ở phía Nam London từ một đội bóng thuộc nhóm nửa dưới bảng xếp hạng trở thành một ứng cử viên cạnh tranh suất dự cúp châu Âu.
 
Những HLV trước đó của Palace có Tony Pulis, Neil Warnock và Sam Allardyce. Parish cũng muốn đội bóng của ông chơi thứ bóng đá đặc sắc, cuốn hút hơn. De Boer nói triết lý của mình khác những người tiền nhiệm. Ông muốn đội bóng tập luyện với cường độ cao hơn, vạch ra những cầu thủ cần chiêu mộ đồng thời cảnh báo rằng sẽ mất thời gian để mọi thứ ăn khớp.
 
Quá trình chuyển nhượng của De Boer kéo dài trong 5 tuần. Điều này khiến thời gian để ông chuẩn bị cho mùa giải mới giảm xuống. Không giống ở Inter, ông nghĩ mình có cơ hội loại bỏ những cầu thủ bản thân không mong muốn và ông đã hành động ngay lập tức. Tuy nhiên lần này ông đã nhanh chóng mất đi sự ủng hộ.

Frank de Boer
Trong suốt quãng thời gian Frank de Boer nắm quyền, Crystal Palace không ghi nổi bàn thắng nào. Ảnh: Getty Images
 
Một trong những người bị nằm trong danh sách ra đi là Damien Delaney, hậu vệ có tầm ảnh hưởng lớn ở phòng thay đồ với gần 200 lần ra sân. De Boer yêu cầu trung vệ 36 tuổi xuống tập với đội trẻ cho đến khi tìm được CLB mới. Delaney, một người thân với chủ tịch Parish, cảm thấy bị làm nhục. Mâu thuẫn đã nổ ra.
 
Delaney chỉ tập luyện ở đội một dưới thời De Boer đúng 1 tuần. Trong cuộc phỏng vấn với The Athletic, anh cho biết cảm thấy rất mệt mỏi khi bị cho là người phá hoại HLV mới của đội vào thời điểm ấy. 
 
“Tôi không thi đấu cho ông ấy, tôi không có mối quan hệ gì với ông ấy. Thật ngạc nhiên khi đổ thất bại của ông ấy ở Palace là do tôi. Nếu tôi đá 4 trận đầu tiên và đội thua cả 4 thì tôi sẽ chịu trách nhiệm, nhưng thậm chí tôi không được phép vào sân để xem. Tôi phải tập luyện ở sân tập cùng tụi nhỏ”, anh nói.
 
De Boer được cho là một người lạnh lùng và kiêu ngạo. Trong các buổi tập, các cầu thủ chán ngấy việc ông cứ sút hết quả đá phạt này đến quả khác để cho họ thấy nó nên được thực hiện thế nào. Trong khi đó, De Boer chỉ muốn thể hiện rằng toàn đội chỉ tiến bộ nếu tập luyện chăm chỉ.
 
Triều đại của ông trở thành thảm họa, bắt đầu bằng trận thua 0-3 trước tân binh Huddersfield Town. Cũng phải nói rằng De Boer không may khi trụ cột Wilfried Zaha phải ngồi ngoài vài tuần vì chấn thương. Nối sau thất bại đó là những trận thua Liverpool và Swansea City. Trong khoảng thời gian ấy, De Boer ủng hộ quyết định đưa Dougie Freedman về làm giám đốc thể thao. Song ông cũng cảm thấy việc chủ tịch Parish mời một cựu HLV của đội về ngay trước khi kỳ chuyển nhượng khép lại trong lúc ông đang trải qua khởi đầu khó khăn chính là điềm báo không tốt.
 
Một cuộc họp giữa Freedman và Parish đã không diễn ra theo kế hoạch trong khi De Boer có suy nghĩ khác về cách giải quyết vấn đề trên thị trường chuyển nhượng. Quyết định sa thải De Boer được đưa ra ngay sau khi toàn đội trở về London sau thất bại ở Burnley. 4 trận đấu ở Premier League, 4 thất bại và không ghi bàn thắng nào. “HLV tệ nhất lịch sử Premier League”, đó là cách Jose Mourinho nói về đồng nghiệp.
 
Và De Boer vẫn cho rằng ông không được trao cơ hội để chứng minh ông có thể thay đổi văn hóa và giải quyết những vấn đề ở CLB mà ông làm việc.
 
5. Kế đó là 19 tháng ở Atlanta, một CLB giàu tham vọng chỉ mới chơi ở MLS 2 mùa giải, trong đó mùa gần nhất kết thúc với chức vô địch. Ông thừa hưởng một đội bóng có văn hóa chiến thắng nhưng cũng có một phòng thay đồ do những người Nam Mỹ đã quen với phương pháp của Tata Martino làm chủ. Tiền đạo có tầm ảnh hưởng Josef Martinez được thi đấu tự do trong hệ thống của Martino, góp phần kích thích thứ bóng đá năng nổ. Trong khi đó, De Boer muốn kiểm soát các trận đấu hơn và tăng cường tập phòng ngự.

Frank de Boer
Tại Atlanta United, De Boer cũng không kiểm soát được phòng thay đồ. Ảnh: Getty Images
 
Chưa đầy 7 tháng sau khi nắm quyền, căng thẳng giữa De Boer và các cầu thủ bắt đầu được thể hiện công khai. Hậu vệ Leandro Gonzalez Pirez nói vào tháng 7/2019: “Cách chơi của CLB có rất nhiều thay đổi và chúng tôi không thích”.
 
De Boer cảm thấy một số cầu thủ không có nhận thức chiến thuật cần thiết để đảm bảo hệ thống vận hành tốt. Tại Ajax, các cầu thủ chỉ cần được chỉ một lần và họ sẽ làm đúng. Tại Atlanta United thì khác. Trong khi đó rào cản ngôn ngữ giữa ban huấn luyện và các cầu thủ Nam Mỹ là một trở ngại. Hệ quả là một vài cầu thủ Atlanta cảm thấy họ không được chỉ dẫn đầy đủ.
 
Mâu thuẫn giữa ông và ngôi sao Pity Martinez nổ ra. De Boer khẳng định tiền vệ tấn công người Argentina không hoạt động năng nổ trong trận, trong khi Martinez thì nói chiến thuật của nhà cầm quân Hà Lan không phù hợp với anh và toàn đội. Vừa mới gia nhập đội, Martinez đã đòi trở lại Argentina.
 
De Boer nhượng bộ và để các cầu thủ chơi tự do hơn vào cuối năm 2019. Dù Atlanta đã giành được 2 danh hiệu nhưng họ bị loại ở MLS is Back Tournament. Những kết quả không tốt khiến bầu không khí đội bóng rất tệ. Chủ tịch CLB, ông Darren Eales, đã nhận ra điều đó trong một buổi ăn sáng và thấy tinh thần các cầu thủ chạm đáy.
 
3 ngày sau thất bại thứ 3 liên tiếp ở vòng bảng mà không ghi được bàn nào, từ căn hộ của mình, ông nhận được tin nhắn từ giám đốc kỹ thuật Carlos Bocanegra yêu cầu đến họp gấp. Lần thứ 3 trong 4 năm, ông bị sa thải.
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Juan Roman Riquelme, Barcelona và cái chết "số 10 cuối cùng"

Một thương vụ được so sánh với một đám cưới trong mơ giữa số 10 cổ điển hay nhất thế giới và đội bóng vĩ đại hàng đầu châu Âu, nhưng sau cùng lại kết thúc bằng sự cay đắng và nghiệt ngã dành cho chàng tiền vệ hào hoa đến từ Nam Mỹ.

Alphonso Davies: Từ cậu bé ở trại tị nạn đến ngôi sao bóng đá thế giới

Sinh ra trong một trại tị nạn rồi sau đó vươn tới những đỉnh cao với các danh hiệu Bundesliga, Champions League cùng Bayern Munich và cuối cùng là tham dự World Cup 2022 cùng ĐTQG Canada. Đó quả là một chặng hành trình dài và nếu nó có được Alphonso Davies ghi vào một cuốn nhật ký thì hẳn đó sẽ là một cuốn nhật ký rất đáng đọc. Nhưng chàng trai tới từ Canada năm nay mới chỉ 24 tuổi và chặng hành trình tiếp theo của anh vẫn còn rất dài.

X
top-arrow