Francesco Totti: Linh hồn bất tử của thành phố vĩnh hằng

Tác giả Frank - Thứ Tư 28/09/2016 17:38(GMT+7)

“Thành Rome không được xây nên trong một ngày”, nhà soạn nhạc vĩ đại John Heywood đã từng nói thế về trái tim của nước Ý. Đúng thế, với lịch sử gần 2.800 năm đầy biến cố và thăng trầm, Roma xứng đáng được coi là Thành phố vĩnh hằng, nơi xây dựng những giá trị bền vững cùng năm tháng. Và một trong số đó là tình yêu vô điều kiện với AS Roma của một người đàn ông, tình yêu đã theo anh từ khi còn là cậu nhóc ở khu phố San Giovanni cho tới một tượng đài ở sân Olimpico với cái tên bất tử: Francesco Totti.
Francesco Totti: Linh hồn bất tử của thành phố vĩnh hằng
Truyền thuyết kể lại rằng sau cuộc chiến thành Troyes, một vương tử có tên Aeneas cùng với gia đình đã tháo chạy tới bán đảo Italia và xây dựng nên một vương quốc của riêng mình. Sau 13 đời vua, vào thế kỷ thứ VIII Trước Công nguyên, hậu duệ của Aeneas là Numitor đã bị em trai soán ngôi, còn con gái của ông là Rhea Silvia bị giam cầm trong đền thờ như một nghi thức hiến tế trinh nữ. Nhưng rồi được sự giúp đỡ của Ares (thần chiến tranh), Silvia đã sinh hạ được một cặp sinh đôi. Dù bị lính gác bỏ đói trong một cái giỏ ở ngoài đồng, nhưng nhờ dòng chảy của sông Tiber, cặp sinh đôi không chết mà được nuôi nấng bởi bầu sữa của một con sói cái. Sau này, cặp đôi Romulus và Remus trưởng thành và quay lại giải cứu cho mẹ. Tuy nhiên Romulus trong một lần xích mích đã sát hại người em để trở thành người kế nghiệp duy nhất. Thành phố sau đó được đặt theo tên của ông – Roma, và hình ảnh hai chú bé bú sữa của một con sói cái trở thành biểu tượng của thành phố.
Cặp song sinh và con sói cái, biểu tượng của thành phố Roma
Roma đã được lập nên từ những điển tích ly kỳ như thế, và người ta cũng có thể thấy được lịch sử hàng nghìn năm tuổi của thành phố trên logo của AS Roma. Trên bản đồ bóng đá thế giới, thủ đô của Italia có hai đội bóng tiêu biểu, nhưng với những người dân lao động nơi đây, chỉ có màu vàng đỏ của AS Roma là quen thuộc với họ, màu đỏ của đế chế La Mã hùng mạnh xưa kia, và màu vàng của những tòa nhà được xây lên sau Đệ nhị thế chiến. Khu phố San Giovanni ở gần trung tâm thành phố cũng được phủ kín bởi hai gam màu nóng quen thuộc, và đó cũng là nơi ươm mầm cho tài năng của Francesco Totti.
Nhắc tới Totti là nhắc tới một trong những số 10 xuất sắc nhất lịch sử bóng đá Italia. Dù chơi như một trequartista đích thực trong sơ đồ 4-3-3 hay một số 9 ảo trong sơ đồ 4-2-3-1, Totti đều biết cách tỏa sáng theo những cách của riêng mình. Euro 2000, anh chơi tuyệt hay trong màu áo Thiên thanh và tái hiện hình ảnh của Panelka huyền thoại với cú sục bóng vào lưới Van Der Sar. Roma đối đầu Inter mùa 2005/2006, lại một cú cucchiaio thiên tài nữa hạ gục Francesco Toldo và Totti khiến cho cả sân Giuseppe Meazza phải câm lặng. Những cú “xúc thìa” kinh điển đó khiến cho người xem vỡ òa cảm xúc, cũng giống như cái cách Totti tung cú volley bóng sống ở góc cực hẹp vào lưới Sampdoria hay cú nã đại bác vào lưới Juventus. Đó đều là những khoảnh khắc thiên tài mà người hâm mộ sẽ còn kể lại cho con cháu sau này.
Cú cucchiaio của Totti vào lưới Inter

Nhưng bài viết này không phải là cuốn phim hồi tưởng lại sự nghiệp lừng lẫy của Totti. Đã có quá nhiều bài viết như thế vào ngày sinh nhật của anh, hoặc giả nếu không thì người ta cũng có thể nhắc lại những mốc son đó khi anh giải nghệ. Hôm nay, người viết những dòng này muốn nói về một Totti khác, một người con đích thực của Roma, người mang trong mình tình yêu và linh hồn của thành phố vĩnh cửu.
Nhắc tới Totti là nhắc tới lòng trung thành vô điều kiện của anh. AC Milan và cả Lazio đã từng suýt có được sự phục vụ của Totti, nhưng cuối cùng anh lựa chọn AS Roma, đội bóng mà gia đình và cả khu phố của anh yêu mến. Những ngày tháng sau đó giống như một câu chuyện cổ tích, khi anh trở thành đội trưởng trẻ nhất trong lịch sử Roma và dẫn dắt đội bóng áo bã trầu tới Scudetto năm 2001 sau 18 năm chờ đợi. Nhưng câu chuyện đó suýt chút nữa đã có một cái kết dang dở khi Real Madrid ngỏ ý muốn có được viên ngọc của thành Rome năm 2006. Đó cũng là lúc người ta thấy tình yêu của Totti vĩ đại tới nhường nào khi anh thẳng thừng từ chối lời đề nghị từ Los Blancos với một câu châm biếm:
“Ở trường họ dạy chúng tôi rằng gia đình là điều quan trọng nhất. Các bạn đã thấy ai từ bỏ gia đình nghèo khó của anh ta để đi theo những người lạ giàu có chưa?”
Thế đấy, Totti thủy chung với Roma y như những gì mà người ta thể hiện ở Testaccio, “thủ phủ” của những Romanista cuồng nhiệt nhất. Ở khu phố đó, người ta trang trí ngôi nhà bằng những kỷ vật của Roma, nói say sưa hàng giờ về màn trình diễn của đội bóng và sẵn sàng ném những cái nhìn hằn học nếu ai đó trót nhận mình là một Laziale (CĐV Lazio). Đó cũng là nơi AS Roma được thành lập và chơi những trận đầu tiên trên sân Campo Testaccio. Đã 89 năm kể từ ngày Giallorossi ra đời, và hơn 1/4 chặng đường của đội bóng có bóng dáng của Totti! Chỉ từng đó thôi là quá đủ để nói lên tầm vóc của của Il Capitano ở thành phố này.
Totti là Roma, Roma là Totti
Nhắc tới Totti là nhắc tới khí chất thủ lĩnh đã được hun đúc kể từ thuở nhỏ, khi anh mơ một ngày giành được Scudetto với Roma như kỳ tích năm 1983. Trở thành thủ quân trẻ nhất lịch sử Serie A khi mới 22 tuổi, Totti luôn nhận được những ánh mắt nghi ngờ về việc đưa Roma tới thành công. Nhưng anh chưa bao giờ nản chí, để rồi vào mùa giải 2000/2001 lịch sử, chính anh đã dõng dạc tuyên bố với những kẻ dèm pha: “Họ gọi tôi là một thằng ngốc khi tôi nói đội hình này có thể giành chức vô địch. Giờ thì họ có thể nghĩ lại được rồi đấy.”
Khoảnh khắc Totti mặc độc chiếc quần lót trên sân Olimpico một ngày tháng Năm vừa ngộ nghĩnh mà vừa sử thi. Nó khiến người ta liên tưởng tới Julius Ceasar vĩ đại, khi ông thống nhất 7 vương quốc trên 7 ngọn đồi để quy Roma về một mối. 15 năm sau ánh hào quang chói ngời ấy, anh vẫn ở đây với một niềm tin son sắt giống như bao người con Roma khác. Kể từ triều đại của Romulus, Roma đã trải qua rất nhiều thăng trầm, từ thủ đô của đế chế La Mã hùng mạnh, bị quên lãng trong thời kỳ bành trướng của vương quốc Byzantine cho tới ngày sáp nhập lại vương quốc Ý cuối thế kỷ XIX. Nhưng những người dân nơi đây chưa bao giờ ngừng hy vọng vào việc thành phố sẽ phục hưng và trường tồn. Đó là cũng là lý do vì sao mà người ta gọi Roma với cái tên Thành phố vĩnh hằng.
Totti là thế, tổng hòa của những nét đẹp trong con người Roma. Thế nhưng anh không phải là những vị Thánh trong đất Vatican. Trái lại, anh vẫn có những khoảnh khắc rất “đời” như bao người khác. Người ta thậm chí đã từng cười ra nước mắt khi nghe những câu chuyện tưởng như tấu hài về chàng Francesco ngờ nghệch.
Một phóng viên nói với Totti: “Carpe diem” (một câu thành ngữ gốc Latin ngụ ý “Hãy tận hưởng hiện tại”), anh đáp lại rằng “Tôi không nói tiếng Anh”
Một vụ hỏa hoạn diễn ra làm cháy rụi thư viện của Totti, trong đó có 2 cuốn sách. Anh thốt ra đầy nuối tiếc: “Không, tôi còn chưa tô màu xong cuốn thứ hai!”
Một lần khi đọc được dòng chữ “From 2 to 3 years” (Cho trẻ 2 đến 3 tuổi) trên bảng xếp hình, Totti cười đắc thắng và nói "Ồ, mình quả là một thiên tài”. Phải thôi, bởi anh chỉ mất có… 4 tháng để hoàn tất trò xếp hình đó.
Tất cả những câu chuyện đó trở thành chủ đề tấu hài cho tất cả mọi người. Nhưng thay vì nổi nóng, Totti tập hợp tất cả những mẩu chuyện đó và xuất bản thành một cuốn sách mang tên “Mọi câu chuyện đùa của Totti”. Cuốn sách bán được tới 430.000 bản, và tất cả doanh thu đều được gửi vào một dự án của UNICEF về nhà ở cho người vô gia cư ở Congo. Totti vĩ đại ngay cả trong những việc tưởng chừng như rất đời thường như thế, cũng giống như những màn ăn mừng bất hủ của anh trong các trận derby với Lazio.
Năm 2011, sau khi thực hiện một cú xúc thìa mẫu mực vào lưới đại kình địch, Totti nhảy lên bục camera và tự tay mình quay lại những khoảnh khắc ăn mừng trên khán đài Curva Sud huyền thoại. 4 năm sau, cũng là khán đài Curva Sud, Totti thực hiện màn selfie nổi tiếng sau khi tung cú volley tuyệt đẹp gỡ hòa 2-2 cho Roma. Chính những khoảnh khắc đó khiến cho cái tên Francesco Totti đi vào lòng người. Anh là một ngôi sao, một anh hùng của các Romanista, nhưng cũng là một người bạn gần gũi từng lê la khắp các sân bóng của thành phố.
Totti và cú selfie đáng nhớ với khán đài Curva Sud
Hai ngày trước sinh nhật lần thứ 39, Totti cán mốc 250 bàn thắng tại Serie A, một thành tích chỉ đứng sau huyền thoại Silvio Piola. Số 10 của Roma nói rằng nếu như được đá tiền đạo cắm trong suốt sự nghiệp thì có lẽ anh đã vượt kỷ lục của bậc tiền bối từ lâu rồi. Nhưng điều đó chẳng quan trọng Hoàng tử ạ, bởi lẽ Piola đâu có ghi từng ấy bàn cho một đội bóng duy nhất trong suốt 27 năm sự nghiệp! Và có lẽ những con số cũng chẳng còn quan trọng với những Romanista nữa rồi. Với họ, sự vĩ đại của Totti không được đong đếm bằng những danh hiệu hay thậm chí là những bàn thắng. Sự vĩ đại của số 10 nằm ở cái hồn của Roma mà anh mang trong từng bước chạy.

Trong suốt gần ba thập kỷ, Totti đã nhận được quá nhiều những lời khen ngợi. Từ những tượng đài như Pele, Platini, Maradona cho tới những HLV lão luyện như Lippi, Trappatoni; từ những đồng đội như Batistuta, De Rossi cho tới những đối thủ như Messi hay Ronaldo. Nhưng lời khen ấn tượng nhất có lẽ đến từ những tiếng nấc cuối trận Torino gặp Roma mùa giải năm ngoái. Đó là khi Totti ghi bàn quyết định trên chấm phạt đền, và Carlo Zampa, một BLV lão luyện ở tuổi 57 đã bật khóc nức nở trên micro, bởi lẽ ông là một Romanista đích thực.

Và trong những tiếng gào hạnh phúc của Zampa, người ta thấy Totti ăn mừng với những động tác quen thuộc. Anh cho ngón cái vào miệng, giống như một đứa trẻ đang tu bầu sữa của một con sói cái…
Người ta sẽ nhớ về hình ảnh đầy tính biểu tượng đó, giống như nhớ về một linh hồn bất tử của thành phố vĩnh hằng!
FRANK(TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.